Cách Xác định Doanh Thu Tính Thuế TNDN Trong Thuế Nhà Thầu

Doanh thu tính thuế TNDN trong thuế nhà thầu là gì? Nhà thầu nước ngoài nộp thuế TNDN có điểm gì khác so với các tổ chức kinh tế trong nước? Bài viết dưới đây tổng hợp các quy định chi tiết về Cách xác định doanh thu tính thuế TNDN trong thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp.

Thuế TNDN trong thuế nhà thầu

Thuế nhà thầu là loại thuế được áp dụng cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam. Thuế nhà thầu không phải sắc thuế riêng biệt mà được tính như sau:

– Nhà thầu nước ngoài là tổ chức kinh doanh thì thuế nhà thầu bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN

– Nhà thầu là cá nhân nước ngoài kinh doanh thì thuế nhà thầu bao gồm thuế GTGT và thuế TNCN

Tương tự như doanh nghiệp trong nước, nhà thầu nước ngoài cũng có hai phương pháp tính thuế TNDN là phương pháp kê khai và phương pháp trực tiếp. Trong đó, cách tính thuế TNDN theo phương pháp kê khai của nhà thầu nước ngoài được thực hiện theo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008 và gần tương tự như cách tính của các tổ chức kinh tế trong nước. Ngược lại, cách tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp của nhà thầu nước ngoài lại có nhiều điểm khác biệt.

Công thức tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp của nhà thầu nước ngoài được xác định như sau:

Thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Trong đó, doanh thu tính thuế TNDN được trình bày chi tiết dưới đây.

Doanh thu tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp 

Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC, doanh thu tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài là:

– Thu nhập chịu thuế TNDN trong thuế nhà thầu theo quy định tại điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC

– Không bao gồm các khoản thuế GTGT nhận được

– Chưa trừ các khoản thuế phải nộp

– Bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài

Xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với một số trường hợp cụ thể

Trường hợp 1: Nhà thầu nước ngoài nhận được doanh thu không bao gồm thuế TNDN phải nộp

Nếu theo thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ, doanh thu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp thì doanh thu tính thuế TNDN được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính thuế TNDN

=

Doanh thu không bao gồm thuế TNDN

1 – Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Chi tiết về tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế xem tại Thông tư 103/2014/TT-BTC hoặc xem tại bài viết Cách tính Thuế Thu nhập doanh nghiệp trong Thuế nhà thầu

Trường hợp 2: Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc phương pháp hỗn hợp

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo phương pháp hỗn hợp để giao bớt một phần giá trị công việc hoặc hạng mục được quy định tại Hợp đồng nhà thầu ký với Bên Việt Nam và danh sách các Nhà thầu phụ Việt Nam, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện phần công việc hoặc hạng mục tương ứng được liệt kê kèm theo Hợp đồng nhà thầu thì doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Riêng trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua vật tư nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để thực hiện hợp đồng nhà thầu và hàng hóa, dịch vụ để phục vụ cho tiêu dùng nội bộ, tiêu dùng các khoản không thuộc hạng mục, công việc mà Nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hợp đồng nhà thầu thì giá trị hàng hóa, dịch vụ này không được trừ khi xác định doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài.

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A ký hợp đồng với công ty B tại Việt Nam để xây dựng nhà máy xi măng Z với tổng giá trị hợp đồng là 10 triệu USD (giá đã bao gồm thuế GTGT). Theo Hợp đồng nhà thầu, Nhà thầu nước ngoài A sẽ giao bớt phần giá trị xây lắp cho Nhà thầu phụ Việt Nam X với giá trị là 01 triệu USD (giá chưa bao gồm thuế GTGT). Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Nhà máy xi măng Z, để thực hiện hợp đồng nhà thầu, Nhà thầu A mua vật tư nguyên vật liệu (gạch, xi măng, cát…) thực hiện xây lắp và mua các loại hàng hóa, dịch vụ (thuê xe, khách sạn cho chuyên gia, mua văn phòng phẩm…) phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng.

Doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài A trong trường hợp này được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN = 10 triệu USD – 1 triệu USD = 9 triệu USD

Doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài A không được trừ các khoản vật tư nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ như thuê xe, thuê khách sạn cho chuyên gia, mua văn phòng phẩm…

Trường hợp 3: Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ thực hiện nộp thuế theo phương pháp trực tiếp 

Nếu Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì Bên Việt Nam khai nộp thuế TNDN thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài theo tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế tương ứng với ngành kinh doanh mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài đó thực hiện theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải khai nộp thuế TNDN trên phần giá trị công việc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại hợp đồng nhà thầu phụ ký với Nhà thầu nước ngoài mà Bên Việt Nam đã khai nộp thay.

Trường hợp 4: Nhà thầu nước ngoài cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải

Doanh thu tính thuế TNDN đối với trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là toàn bộ tiền cho thuê. Trường hợp doanh thu cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải bao gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm phương tiện, bảo dưỡng, chứng nhận đăng kiểm, người điều khiển phương tiện, máy móc và chi phí vận chuyển máy móc thiết bị từ nước ngoài đến Việt Nam thì doanh thu tính thuế TNDN không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.

Trường hợp 5: Nhà thầu nước ngoài là hãng hàng không

Doanh thu tính thuế TNDN của hãng hàng không nước ngoài là doanh thu bán vé hành khách, vận đơn hàng không và các khoản thu khác (trừ những khoản thu hộ Nhà nước hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật – vd: lệ phí sân bay) tại Việt Nam cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa và đối tượng vận chuyển khác được thực hiện trên các chuyến bay của chính hãng hàng không hoặc liên danh.

Trường hợp 6: Nhà thầu nước ngoài là hãng vận tải biển

Doanh thu tính thuế TNDN của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải biển được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hóa đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Việt Nam.

Ví dụ:

Công ty A thực hiện làm đại lý cho Hãng vận tải biển X của nước ngoài. Theo hợp đồng đại lý vận tải, Công ty A thay mặt Hãng X nhận hàng vận chuyển ra nước ngoài, phát hành vận đơn, thu tiền cước vận chuyển…

Doanh nghiệp B của Việt Nam thuê Hãng X (qua Công ty A) vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ với số tiền vận chuyển là 100.000 USD.

Công ty A đã thuê tàu biển của doanh nghiệp Việt Nam hoặc tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt Nam sang Singapore với tiền cước vận chuyển là 20.000 USD và từ Singapore hàng sẽ được vận chuyển tiếp sang Mỹ bằng tàu của Hãng X.

Doanh thu chịu thuế TNDN của Hãng vận tải biển X của nước ngoài được xác định như sau:

Doanh thu chịu thuế TNDN = 100.000 – 20.000 = 80.000 USD

Trường hợp 7: Doanh thu từ dịch vụ giao nhận, kho vận tải quốc tế

Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

Trường hợp 8: Doanh thu từ dịch vụ chuyển phát quốc tế

Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Trường hợp 9: Doanh thu từ hoạt động tái bảo hiểm

– Đối với hoạt động nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là số tiền phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài mà Nhà thầu nước ngoài nhận được (bao gồm hoa hồng tái bảo hiểm và chi phí bồi hoàn cho khách hàng theo thỏa thuận).

– Đối với hoạt động nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là khoản hoa hồng nhượng tái bảo hiểm mà Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Trường hợp 10: Doanh thu từ chuyển nhượng chứng khoán

Đối với chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là tổng doanh thu bán chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp 11: Doanh thu phát sinh từ giao dịch hoán đổi lãi suất 

Doanh thu tính thuế TNDN đối với giao dịch hoán đổi lãi suất là phần chênh lệch giữa lãi phải thu và lãi phải trả mà Nhà thầu nước ngoài nhận được trong 1 năm dương lịch. Việc xác định kỳ tính thuế theo năm dương lịch được thực hiện theo quy định tại Luật thuế TNDN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Trường hợp 12: Doanh thu từ tín phiếu kho bạc 

Việc xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với tín phiếu kho bạc được áp dụng đối với từng loại tín phiếu kho bạc do nhà đầu tư nắm giữ tại thời điểm tín phiếu đáo hạn.

Doanh thu tính thuế TNDN đối với tín phiếu kho bạc được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN

=

(

Mệnh giá tín phiếu kho bạc

Bình quân gia quyền giá mua số tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn

)

x

Số lượng tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn

Trên đây là nội dung Lawkey chia sẻ về Doanh thu tính thuế TNDN trong thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp theo quy định hiện hành. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline của Lawkey để được tư vấn. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc!

Từ khóa » Chênh Lệch Doanh Thu Tính Thuế Gtgt Và Doanh Thu Tính Thuế Tndn