CÁCH XỬ LÝ KHI VIẾT SAI TÊN VÀ ĐỊA CHỈ TRÊN HÓA ĐƠN - Effect

1. Quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC

Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC tại Điều 20 quy định về xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:

“Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập

1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

4. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.”

Căn cứ theo quy định trên thì tùy từng trường hợp để áp dụng quy định tại khoản nào của Điều 20. Nhưng thực tế có những sai sót trên hóa đơn như sai sót tên, địa chỉ của người mua mà không ảnh hưởng đến tiền hàng, số thuế GTGT phải nộp thì có phải lập hóa đơn điều chỉnh hay không?

- Quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC thì tất cả những sai sót doanh nghiệp đều phải lập hóa đơn điều chỉnh. Một số cục thuế đã có những công văn hướng dẫn khác nhau về việc xử lý đối với hóa đơn đã lập khi có sai sót về tên, địa chỉ, mã số thuế như sau:

- Công văn 4099/CT-TTHT ngày 02/06/2014 của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn xử lý hóa đơn đã lập nếu có sai sót về tên, mã số thuế như sau:

+ Công ty và khách hàng lập biên bản điều chỉnh nội dung đã ghi sai.

+ Công ty lập hóa đơn điều chỉnh, trên hóa đơn ghi rõ nội dung đã ghi sai; nội dung điều chỉnh; số hóa đơn, ký hiệu, ngày tháng năm của hóa đơn đã lập cần điều chỉnh;

- Công văn 48838/CT-HTr ngày 23/09/2014 của Cục thuế Thành phố Hà Nội hướng dẫn việc xử lý đối với hóa đơn đã lập sai mã số thuế mà không ảnh hưởng đến số tiền cũng như tiền thuế như sau:

+ Người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ sai sót, đồng thời ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật.

+ Người bán và người mua được sử dụng hoá đơn đã lập kèm theo biên bản về sai sót mã số thuế trên hoá đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế.

Vậy những hóa đơn sai sót về tên, địa chỉ, mã số thuế mà không ảnh hưởng tới tiền thuế sẽ điều chỉnh như thế nào? Các doanh nghiệp ở các tỉnh khác nhau có được lấy hướng dẫn ở cục thuế tính khác áp dụng cho doanh nghiệp mình không? Những hướng dẫn không rõ ràng luôn làm cho các doanh nghiệp lo lắng, không biết mình làm đúng hay sai. Để kịp thời tháo gỡ vấn đề này, Thông tư 26/2015/TT-BTC đã thống nhất như sau:

2. Sửa đổi tại Thông tư 26/2015/TT-BTC

Việc hóa đơn ghi sai tên, địa chỉ nhưng ghi đúng mã số thuế của người mua, được quy định rõ ràng trong Thông tư 26/2015/TT-BTC

- Tại Điều 3, Khoản 7 Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC như sau:

“b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:

Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”

Căn cứ theo quy định trên:

- Đối với những hóa đơn ghi sai tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì:

+ Lập biên bản điều chỉnh ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ sai sót, đồng thời ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật.

+ Người bán và người mua được sử dụng hoá đơn đã lập kèm theo biên bản về sai sót mã số thuế trên hoá đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế.

- Đối với những hóa đơn sai sót khác như sai sót mã số thuế người mua, sai sót về tiền hàng, tiền thuế…. thì doanh nghiệp thực hiện xử lý hóa đơn có sai sót theo quy định tại Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC.

(Nguồn Internet)

Đánh giá trên Facebook

Từ khóa » Viết Sai Tên Khách Hàng Trên Hóa đơn