CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ BỊ SẶC SỮA, CHÁO

Trẻ nhỏ rất dễ bị sặc sữa, cháo khi ăn. Đây là trường hợp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và tử vong, cần phải nhanh chóng xử lý đúng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một số  trường hợp trẻ bị sặc sữa, cháo khi ăn, trong đó có 2 trường hợp trẻ được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp. Mặc dù được cấp cứu, điều trị tích cực sau vài ngày trẻ vẫn không qua khỏi. Một số trường hợp trẻ tử vong trước khi đến Bệnh viện do không được sơ cứu kịp thời.

Khi trẻ bú sữa hoặc mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm), phản xạ nhai và nuốt những thức ăn còn kém. Khi ăn, trẻ thường khóc, la hét, ngậm sữa, bột trong khi chơi đùa, khi ngủ hoặc người lớn cố ép trẻ ăn… khiến trẻ bị sặc.

Sữa, cháo khi sặc sẽ rơi vào đường thở, gây phản xạ co thắt thanh quản, trẻ sẽ bị ho sặc sụa và khó thở tím tái; thậm chí không khóc được, co giật, nôn mửa…

Ngay khi trẻ mới xuất hiện sặc (dấu hiệu ho sặc sụa và khó thở, tím tái,…) cần nhanh chóng xử trí theo các bước:

Bước 1: Bế trẻ lên ngay rồi đặt nằm sấp trên một cánh tay, dùng bàn tay đỡ đầu và cổ trẻ hoặc đặt lên đùi, chú ý để đầu trẻ thấp hơn lồng ngực. dùng lòng bàn tay kia vỗ thật mạnh 5-7 cái vào lưng trẻ chỗ giữa hai xương bả vai khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng đột ngột để tống đẩy dị vật ra ngoài.

so_cuu-khi-tre-bi-sac-chao-sua-bot.jpg

Hướng dẫn sơ cứu trẻ khi bị sặc

Bước 2: Nếu trẻ vẫn tím tái phải lật trẻ nằm ngửa bằng cách đỡ đầu trẻ và kẹp giữa hai đầu gối, đầu trẻ thấp hơn thân. Dùng hai ngón tay chỏ và giữa của bàn tay phải ấn mạnh vùng dưới xương ức 5 lần (vùng dưới xương ức là vùng mềm khi ấn xuống sẽ lõm vào). Quan sát vùng mũi họng nếu có dịch thì hút sạch để không ứ đọng trong mũi và miệng trẻ.

Bước 3: Nếu dị vật chưa rơi ra, tiếp tục lật người trẻ lại để vỗ lưng như bước 1. Luân phiên vỗ lưng - ấn ngực cho đến lúc dị vật rơi ra khỏi đường thở.

Trong khi xử lý bước 1, cần gọi cấp cứu y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế ngay. Trong khi chờ đợi cấp cứu vẫn tiếp tục xử lý tiếp các bước sau. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kể cả sau khi trẻ đã đỡ vì cháo, bột rơi vào phổi nguy cơ viêm phổi thứ phát có thể đe dọa tính mạng trẻ. Vì vậy cần được khám và theo dõi trong vài ngày tiếp theo.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống

 

Từ khóa » Sơ Cứu Trẻ Bị Sặc Cháo