Cách Xưng Hô Vai Vế Trong Miền Nam Việt Nam - Thân

Người ta có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Chỉ mỗi chuyện xưng hô với người đang nói chuyện với mình thôi là đã có cả một mớ rắc rối đối với nhiều bạn trẻ ngày nay rồi. Trong khi tiếng Anh chỉ dùng “I” và “You”, hay tiếng Trung chỉ dùng 我 (Wo) và 你 (Ni) thì tiếng Việt lại có muôn màu muôn vẻ như tôi, mình, cháu, con, tớ,… Mỗi câu tỏ tình thôi, người ta dùng câu I love You, 我爱你 hay 사랑해 thì tiếng Việt lại có muôn màu muôn vẻ cho từng kiểu tình huống tỏ tình khác nhau. Tôi yêu bạn, tớ yêu cậu, anh yêu em, em yêu anh, em yêu chị, cháu yêu cô, bla bla… Mỗi khi nói chuyện với những người họ hàng, nhiều bạn trẻ lúng túng không biết phải xưng hô như thế nào cho phải đạo. Hãy cùng tìm hiểu cách xưng hô cơ bản trong miền nam để mọi người có thêm kiến thức về việc xưng hô khi gặp họ hàng nhé.

Bài viết này sẽ lấy bạn làm trung tâm, từ đó mà có cách xưng hô đối với người khác phù hợp. Với mỗi mối quan hệ, cách tự xưng bản thân khi nói chuyện cũng khác nhau.

Sơ đồ cách xưng hô họ hàng trong miền nam Việt Nam

Đối với những người ngang hàng với bạn, cách xưng hô nhất vẫn là gọi người khác là bạn và xưng là tôi, nhưng miền nam thường hay gọi là “tui” hơn. Cách nói trang trọng hơn là ông với tui, bà với tui. Khi quá thân thiết, người ta vẫn thương xưng là “tao” và gọi đối phương là “mày”. Tuy nhiên, mày tao chỉ đường dùng trong trường hợp rất thân thiết, nếu không quá thân thiết mà xưng hô là “mày tao” thì sẽ gây mất cảm tình với người đối diện. Người ta còn một cách xưng hô với người cùng tuổi hoặc đồng trang lứa là “ní”. Kiểu gọi này giờ đây ít được gọi hơn nhưng vẫn còn. Trước kia nữa, người ta vẫn còn dùng cách gọi “toa” và “moa” để gọi một cách trang trọng. “Moa” là tôi, còn “Toa” là bạn, cách nói này thể hiện sự kính trọng đối với người đối diện, giống như xưng tôi và gọi người đối diện là anh/chị dù họ cùng tuổi hoặc chênh lệch đôi chút. Toa Moa là từ ngữ vay mượn từ Pháp, bây giờ không còn được sử dụng. Người hoa còn hay xưng hô là Ngộ và Lị, là cách biến âm của Wo (我) và Ni (你), bây giờ cũng ít được sử dụng.

Trong mối quan hệ trai gái, người con trai thường gọi người con gái một cách thân thương là Bậu và tự xưng là Qua. Giống như câu hát “Bậu sang phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau” trong bài Phải lòng cô gái Bến Tre. Bậu có nghĩa là “em”, trong cách gọi của người con trai đối với người con gái. Còn Qua thì được dùng để tự xưng mình trong hầu hết các mối quan hệ, kể cả các mối quan hệ không phải là quan hệ trai gái.

Người con trai được sinh ra trước bạn trong gia đình thì gọi là anh, người con gái sinh ra trước bạn trong gia đình thì gọi là chị, ở một số vùng từ Sóc Trăng trở xuống người ta thường dùng từ “Chế” để thay thế cho chị, nhưng không dùng từ “chế” để thay thế cho chị dâu và những người chị có chồng (gọi theo bên chồng). Ví dụ như xóm bạn có một người thứ 3, người ta thường hay gọi là anh Ba, khi anh ta có vợ thì bạn sẽ gọi vợ anh tà là “chị ba” chứ không phải “chế ba”. Còn người phụ nữ vốn sinh ra và lớn lên ở đó lớn tuổi hơn bạn thì bạn vẫn gọi là “chế”. Người không có họ hàng nhưng lớn tuổi hơn bạn bạn cũng có thể xưng hô là anh chị và tự gọi mình là em.

Người con trai hoặc con gái trong gia đình sinh ra sau bạn thì bạn gọi bằng em và tự xưng mình là anh/chị (chế). Nhưng phần lớn người ta vẫn gọi theo cách gọi thân thương là “cưng” (giống như cục cưng). Những người nhỏ tuổi hơn bạn mà không có họ hàng thì cũng gọi họ là em hoặc cưng và xưng mình là anh/chị. “Cưng mấy tuổi rồi?”. Người ta cũng xưng hô là mày tao đối với những người nhỏ tuổi hơn mình, cách gọi này thường được xem là thô tục và không có nhiều thiện cảm, nhưng những người con trai thường xưng hô như vậy.

Vợ của anh ruột bạn gọi là Chị Dâu. Vợ của em trai ruột bạn gọi là Em Dâu. Chồng của chị ruột bạn gọi là Anh Rể. Chồng của em ruột bạn gọi là Em Rể. Trường hợp là anh chị em họ thì vẫn có thể gọi như thế, tuy nhiên không phải là bắt buộc và họ thường xưng hô là anh/chị/em theo cách xưng hô của anh/chị/em ruột/họ của bạn.

Anh của chồng bạn gọi là Anh Chồng. Chị của chồng bạn gọi là Chị Chồng. Anh của vợ bạn gọi là Anh Vợ. Em của vợ bạn gọi là Em Vợ.

Người sinh thành ra bạn bạn gọi là cha mẹ, tía má, ba mẹ,.. Từ tía má là từ thường được sử dụng ngày xưa nhưng giờ đây hầu như không còn được sử dụng nữa.

Mẹ kế của bạn gọi là Dì Ghẻ, nhưng bạn thì gọi là Dì, còn nếu muốn gọi là Mẹ được thì hoan nghênh điều đó. Cha kế của bạn gọi là Dượng Ghẻ, nhưng bạn thì gọi là Dượng, bạn vẫn có thể gọi là cha và ai cũng thích điều đó. Mẹ kế, cha kế, là những người vợ, chồng của cha hoặc mẹ bạn sau này, khi cha mẹ bạn đã ly hôn với mẹ cha ruột của bạn. Cha ghẻ và mẹ ghẻ còn được dùng để chỉ tất cả những người kết hôn với mẹ, cha bạn mà không phải là cha ruột, mẹ ruột của bạn.

Anh của cha bạn gọi là Bác, vợ của Bác gọi là Bác Gái, bạn xưng mình là Con. Em trai của cha bạn gọi là Chú, vợ của Chú gọi là Thím. Chị gái và em gái chủa cha bạn đều gọi là Cô, chồng của Cô gọi là Dượng. Bạn đều xưng là Con trong tất cả các trường hợp trên.

Anh trai và em trai của mẹ bạn gọi là Cậu, vợ của Cậu gọi là Mợ. Chị gái và em gái của mẹ bạn đều gọi là Dì, chồng của Dì gọi là Dượng. Bạn cũng xưng mình là Con trong các mối quan hệ đó.

Con của bác, cô là chị của cha bạn, cậu là anh của mẹ bạn, dì là chị của mẹ bạn, bạn gọi là anh/chị. Con của chú, cô là em của cha bạn, cậu là em của mẹ bạn, dì là em của mẹ bạn thì bạn gọi là em. Cách gọi này căn cứ theo quan hệ của cha mẹ bạn với người đó, nếu cha mẹ bạn là em của cha mẹ họ thì bạn gọi họ là anh/chị, nếu cha mẹ họ là em của cha mẹ bạn thì họ phải gọi bạn là anh/chị. Khi gọi người khác là anh/chị thì bạn phải xưng là Em. Còn khi họ gọi bạn là anh/chị thì bạn có thể tự xưng mình là anh/chị hoặc “tao” và gọi họ là “mày”, đây là cách gọi thô tục.

Cha của cha bạn gọi là Ông Nội, mẹ của cha bạn gọi là Bà Nội. Cha của mẹ bạn gọi là Ông Ngoại, mẹ của mẹ bạn gọi là Bà Ngoại. Bác, bác gái, chú, thím, cậu, mợ, dì, dượng, cô, dượng của cha hoặc mẹ bạn bạn sẽ thêm từ “ông” hoặc “bà” tương đương với giới tính của bạn mà gọi họ là Ông Bác, Bà Bác, Ông Chú, Bà Thím, Ông Cậu, Bà Mợ, Bà Dì, Ông Dượng, Bà Cô, Ông Dượng. Những người này lớn hơn cha mẹ bạn một bậc nên tương đương ngang hàng với ông bà của bạn.

Cha mẹ của ông nội, ông ngoại của bạn thì đều gọi là Ông Cố, Bà Cố. Tùy theo bên nội hay bên ngoại mà gọi là Cố Nội hay Cố Ngoại, nhưng trong xưng hô thì vẫn gọi là ông cố bà cố và bạn xưng mình là con. Bên Nội là họ hàng của cha bạn, bên ngoại là họ hàng của mẹ bạn. Ông Bà Nội Ngoại của bạn gọi nhau là Sui Gia, chính là ông bà thông gia. Ông bác, bà bác, ông chú, bà thím, ông cậu, bà mợ, bà dì, ông dượng, bà cô, ông dượng của cha hoặc mẹ bạn thì bạn đều gọi chung là ông/bà cố và cũng xưng là con. Những người này ngang hàng với ông bà cố ruột của bạn.

Cha mẹ của ông cố bà cố thì gọi là Ông Sơ bà Sơ. Cha mẹ của ông sơ bà sơ thì gọi là Ông Vải bà Vải. Nhưng hầu như chẳng ai còn sống tới tuổi đó nên từ Ông Vải thường được dùng để chỉ tổ tiên, gọi là “Ông bà ông vải”. Những bậc cao hơn đang ngồi trên bàn thờ sẽ gom chung lại thành “Cửu Quyền Thất Tổ”.

Con của bạn bạn gọi là con hoặc cũng có thể xưng hô là mày tao.

Con của anh ruột bạn gọi bạn là chú nếu bạn là con trai, gọi bạn là cô nếu bạn là con gái. Con của em trai ruột của bạn gọi bạn là bác nếu ạn là con trai, cô nếu bạn là con gái. Con của chị ruột, em gái ruột bạn gọi bạn là cậu nếu bạn là con trai, dì nếu bạn là con gái. Bạn gọi họ là con và cũng có thể gọi họ là “mày”.

Hơi khá rắc rối phải không nào. Nhưng thật ra vẫn có công thức chung để các bạn dễ nhớ và hình dung. Hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách thức xưng hô để có thể không bỡ ngỡ khi về thăm họ hàng mà không biết phải xưng hô như thế nào nữa.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • Pinterest

Thích điều này:

Thích Đang tải...

Bài liên quan

Từ khóa » Chị Chồng Là Gì