Cái Bề Hê Là Gì - Blog Của Thư
Có thể bạn quan tâm
Đ' ai biết con bề hê là con j e ah...chỉ biết con bề hê nó phê vlll
Vào nam ra bắc nước ngoài nước trong là đi chơi thôi e eiiii =))))
Chén đc ló thì tuyệttttttttt
May cho cậu quả đấy tôi ko đánh cậu vì tội tham gia giao thông cẩu thả đấyyyy
Vlll ..10 triệu có đáng đánh đổi cái lỗ đít ko????
Hí hí ...tớ thíh đc khen vãiiii
Ko giờ a thích uống 7up or sprite rồi e eiiii :))))
Biết hút cỏ và thích chơi thuốc lắc
Ểnh ương là tính từ miêu tả trạng thái của tổ hợp các cảm giác :Sung sướngThích thúThoải máiVui vẻHạnh phúcViên mãn
Sảng khoái
Hẳn là đáng yêu ...a đội ơn emmm =)))
Phần thứ Ba. Cái cười trong văn chương Việt Nam
Văn cười ở nước ta xuất hiện từ bao giờ
Ngay từ lúc nước ta có văn học thì đã có văn cười rồi.
Ai cũng biết rằng từ giữa thế kỷ thứ XIX về trước, chúng ta đã sống mười thế kỷ Bắc thuộc và gần mười thế kỷ thần thuộc các triều đại phong kiến Trung Quốc đã khắc sâu ảnh hưởng vào nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên trong suốt một nghìn năm đó, không một lúc nào người Việt Nam không bền gan tranh đấu để trị tồn. Cố nhiên, ta không thể nào không chịu ảnh hưởng của ngoại lai, nhưng tinh thần quật cường của dân ta vẫn độc lập, vẫn giữ nguyên vẹn được dân tộc tính.
Văn hóa, văn học là hình ảnh của dân tộc; văn hóa, văn học thế nào thì người dân như thế; hay nói cách khác thì người dân thế nào, văn hóa và văn học như thế ấy.
Vì người dân Việt Nam lúc nào cũng lấy sự độc lập làm căn bản nên mặc dầu chế độ khoa cử khắt khe của những bề tôi Trung Quốc duy trì, vẫn có “những nhà văn có bản lĩnh” đem những hình thức khô héo của thể tài Văn học Trung Quốc khoác vào một bộ áo Việt Nam huyền diệu.
Sang đến thời kỳ thứ hai là thời kỳ bị Pháp thực dân thống trị: văn học Việt Nam chia ra làm ba bộ phận: văn học yêu nước cách mạng; văn học nô dịch và văn học không cách mạng.
Dù là ở thời kỳ thứ nhất hay thời kỳ thứ hai, cũng đã có văn cười. Về điểm này, ông Bùi Văn Nguyên đã viết như sau:
“Trong dòng văn học phong phú và không bao giờ cạn ấy có một điều hiển nhiên là truyện vui cười bao gồm các loại truyện khôi hài, truyện trào phúng và truyện tiếu lâm rất được quần chúng ưa chuộng. Nếu như truyện cổ tích mô tả một cách linh động cuộc sống và ước mơ của người bình dân, giúp họ suy nghĩ thêm về vận mệnh của mình thì truyện vui cười gây được những ấn tượng mãi mãi không phai mờ về những màn kịch nhỏ trong đầu trò đời qua các thời đại.
Kho tàng truyện cười ngày càng phong phú trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Nhân dân ta trong trường kỳ chiến đấu giành cơm áo, tự do, không phải chỉ có trầm tư mặc tưởng, không phải chỉ biết hì hục làm việc mà còn biết vui chơi một cách lành mạnh, nụ cười trên môi không bao giờ tắt”.
CÁC CỤ NGÀY TRƯỚC ĐÁNH GIÁ VĂN CƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
Theo báo Trí Tân số 81-83 của ông Nguyễn Tường Phượng xuất bản ở Hà Nội trước Thế chiến thứ nhì thì văn cười nói chung, truyện tiếu lâm nói riêng, có một lịch sử liên quan đến việc các cụ xưa đánh giá tiếng cười trong văn học sử Việt Nam.
Theo báo kể trên, vào cuối đời Lê có hai cha con một ông đồ đều bất mãn thời thế và làm nghề gõ đầu trẻ. Một ngày kia, hai ông đồ (ông đồ cha và ông đồ con) có sáng kiến cùng nhau làm cái việc góp nhặt tất cả các truyện vui cười hài hước lưu hành trong nhân gian. Bất cứ truyện nào không kể thanh hay tục miễn là cứ gây cười đều được sưu tầm, tất cả thành một tập mà hai soạn giả gọi là “Tiếu lâm” (rừng cười). Khi sách soạn xong, hai cha con làm một bữa tiệc “lạc thành” uống rượu với thịt chó và duyệt lại toàn bộ tác phẩm. Vừa uống rượu, vừa đọc lại từng truyện một, hai cha con soạn giả cười rũ rượi cho đến khi rượu thịt hết, sách đọc xong thì hai cha con vì cười nhiều quá nhăn răng ôm nhau mà chết.
Hai cha con soạn giả Tiếu Lâm chết vì cười, chết vì công trình của mình cho nên từ đó các cụ nhà nho thường lấy gương đó mà răn con cháu: văn cười, văn hài hước là tài vô hậu, chết như hai cha con đó là bất đắc kỳ tử, chẳng đáng thương tiếc.
Câu chuyện truyền thuyết trên đây cho thấy rằng các cụ nhà ta, ngoài văn chương kinh sử ra, không yêu gì cả, chuộng văn khinh võ, mà chuộng văn từ chương điển cố chớ không chuộng văn cười. Mặc dù vậy, trong khi các cụ khinh văn cười như thế thì văn cười vẫn cứ phát triển trong dân gian dưới nhiều hình thức khác nhau: truyện cười, văn trào phúng, thơ hài hước, truyện tiếu lâm và vè hoặc câu thai câu đố, bất cần sự khen hay chê của các nhà nho cố chấp.
Đọc xuống dưới đây, các bạn sẽ thấy văn cười, thơ cười phát triển liên tục và thường xuyên dưới các triều đại, nhưng đáng tiếc là vì có thiên kiến cho nên không có mấy ai dám đứng ra sưu tầm. Người ta phải đợi mãi đến năm 1915-1920 mới có một người dám đứng ra làm việc đó, tức là cụ Phạm Duy Tốn đứng ra sưu tầm bộ “Tiếu lâm quảng ký” in ra làm ba tập, mà không dám đề tên thật, chỉ dám ký bút hiệu là Thọ An. Đó là một nhà văn kiêm ký giả tiến bo, không đồng quan niệm với các cụ nhà nho khác về giá trị của tiếng cười. Chính hai cụ Dương Quảng Hàm, tác giả “Việt Nam văn học sử yếu” nói về văn học dẫn giải cũng nói đến văn cười, còn cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc thì nói về văn học truyền khẩu cũng chỉ dám đề cập truyện cổ tích và ca dao, tục ngữ.
Tuy nhiên, theo chỗ biết của riêng tôi thì chính các cụ vẫn ưa chuyện cười, và chính các cụ những lúc trà dư tửu hậu vẫn kể cho nhau nghe các chuyện tiếu lâm mới cũ, cả thanh lẫn tục. Xét ra thì các cụ vẫn ưa chuyện cười, nhưng vì lễ giáo Việt Nam, buộc người ta phải đứng đắn đạo mạo để làm “khuôn vàng thước ngọc” cho người khác, nên các cụ phải giấu giếm cái thích của mình và liệt văn học trào phúng, văn học hài hước vào hàng thứ yếu, để cho văn học sử của ta chịu ảnh hưởng đến bây giờ không dám đưa văn cười ra phổ biến như Pháp, Anh đã phổ biến “Pantagruel”, “Les moutons de Panurge”, “Tartarin de Tarascon”, “Don Quichotte”, “Gie Blas de Santiane”, v.v…
Sự thực, tiếng cười trong văn học có phải là văn chương mạt vận, văn chương thứ yếu như các cụ nhà ta quan niệm không? Đọc hai chương trên nói về giá trị tiếng cười và những chuyện lạ chung quanh tiếng cười, các bạn đã thấy quan niệm của thế giới tiến bộ về tiếng cười ra sao, hơn là chúng tôi phải nói dài thêm nữa.
Nói hẹp trong phạm vi văn học, văn cười là một thứ văn biến ảo, rất khó viết, rất tế nhị. Ta, thí dụ, muốn đả kích tính biển lận, viết một cuốn sách về biển lận, hay viết mười bài xã thuyết về biển lận, dám chắc ngày xưa các cụ rỗi thì giờ thì còn có thể ngồi đọc được, chớ bây giờ một ngàn người không chắc có một người chịu khó đọc lấy mười dòng.
Nhưng một ngàn người đó, ta lại có thể chắc chắn có ít nhất 990 người đọc hết truyện đả kích người keo kiệt, viết dưới hình thức vui cười như ba truyện dưới đây.
1- ĐẠI HÀ TIỆN VÀ TIỂU HÀ TIỆN
Có một anh kia hà tiện có tiếng nhưng lại nghe thấy ở một làng nọ có một người hà tiện hơn mình bèn lặn ngòi noi nước đến để tầm sư học đạo.
Ông ta đến thì thấy nhà ông thầy có ba người: một thầy, một vợ và một cô con gái, cả ba đều cởi truồng tồng ngồng. Anh ta chịu lắm, xin thụ giáo. Thầy bằng lòng và làm lễ cho anh ta nhập môn. Tất cả cỗ bàn cúng thần hà tiện chỉ có một chén tương. Cúng xong, thầy bèn bảo trò:
- Anh phí của quá. Cái khố anh đóng, phải cất đi để dành, chờ khi nào có hội hè đình đám hãy đem ra dùng.
Anh trò lại chịu quá. Rồi lễ tất. Thầy, trò, con gái và cô cùng xúm lại ngồi dưới đất ngoáy ngón tay vào mút chén tương. Bất ngờ anh trò thấy sự đời của con gái thầy, hứng tình, dựng ngược lên, hất đổ mất chén tương, đổ cả ra mặt đất. Hoảng vía, anh ta cắm đầu chạy mất vì yên trí ông thầy mình là vua keo kiệt mà mất chén tương thế này thì giết mình chớ không tha. Anh ta chạy bán xới, vừa chạy vừa quay lại nhìn thì thấy ông thầy cắm đầu cắm cổ chạy theo sau.
Anh ta van lạy chí chết nhưng ông thầy cứ đuổi. Anh ta chạy nữa, chạy mãi, sau thấy ông thầy giậm chân xuống đất, gắt:
- Thì tôi bảo anh đứng lại mà. Tôi có giết anh đâu mà anh sợ.
- Bẩm lạy thầy, con chót nhỡ chứ quả thực con đâu muốn thế.
- Thì tôi biết mà. Tôi thề không làm gì anh. Anh đứng lại để cho tôi mút cái ấy nó dính tương, kẻo phí!
2- VẼ GÀ
Truyện này trích trong tập “Ba Giai Tú Xuất” của Đồ Nam.
Có một anh nọ hà tiện không chê được nghe thấy có một người hà tiện hơn bèn xin đến để nhập môn. Anh ta đi ba bốn ngày đường mới đến nhà thầy. Mua đồ gì để làm lễ ra mắt, anh ta cũng sợ phí của, bèn xin một bức tranh con gà để ra mắt thầy. Ra cái ý như thế là biếu thầy con gà rồi.
Ông thầy hà tiện, nhìn bức tranh xong tặc lưỡi:
- Anh hoang thế thì tôi làm thế nào mà dạy được. Nếu tôi là anh, tôi đến đây nhặt một cành cây khô vẽ xuống đất một con gà, có phải là đỡ phí của không? Mà vẽ như thế, anh lại có thể biếu tôi một con gà to bằng ba bốn con gà này, thế có phải là lại lợi nữa không?
3- THÀ CHỊU CHẾT
Một ông nhà giàu keo kiệt nọ một hôm đi đò bị đắm. Có người đứng trên bờ, trông thấy, ông ta vẫy tay kêu cứu.
Anh trên bờ giơ ba ngón tay lên ra cái ý trả hắn ba quan thì hắn cứu, không thì thôi.
Ông keo kiệt há miệng kêu:
- Ba quan kia à? Đắt quá! Một quan thôi, có chịu không? Không bằng lòng, ông chết còn hơn!
Ba thí dụ cười trên đây chứng tỏ rằng cũng thì đả kích tính keo kiệt, nhưng viết đứng đắn, nghiêm nghị thì đọc nản mà viết vui cười thì đọc thích thú hơn. Nhiều người sẽ bảo rằng dù sao văn cười cũng chỉ là văn tiếu, không xây dựng, không có tính chất sửa đổi được con người.
Nghĩ như thế là lầm. Cái cười có tính cách xây dựng tế nhị hơn cả thể văn nào khác. Tôi xin lấy thí dụ hai tiếng cười.
- Một tiếng cười của một người cười vì thấy một người bị trượt chân té lăn cù.
- Một tiếng cười giễu một bà huyện sĩ diện xằng.
Trong trường hợp thứ nhất, một người đang đi đường, giẫm phải vỏ chuối ngã lăn ra chổng cả bốn vó lên trời. Người đi đường thấy thế bật cười, trong đó có cả những ông thầy tu, có cả những người đạo đức. Họ cười như thế không do ác ý nào hết, mà cười như thế cũng không mong xây dựng gì hết, họ cười chỉ vì tuân theo một cách đột ngột, một cách bất thần, một phản ứng tự nhiên của con người. Trong cái cười đó, có sự so sánh - so sánh một cử chỉ tự nhiên và một cử chỉ phản tự nhiên, nói một cách khác tức là trong cái cười có sự phê phán nhưng sự phê phán đó không bao hàm một ý đả kích phản đối.
Trái lại, trong trường hợp thứ nhì, có sự phê phán đả kích. Truyện tiếu lâm về vụ bà huyện sĩ diện xằng đại khái như sau: Có một bà huyện kia, trong lúc đông đủ mọi người lỡ đánh ra một cái bủm.
Có tên đầy tớ cũng đứng đấy nghe thấy, toét miệng ra cười. Bà huyện giận quá, đợi đến lúc khách khứa ra về rồi, bèn gọi tên đầy tớ mắng:
- Đồ ngu, đồ ngu, đồ không ra gì. Mày như người ta thì mày nhận là của mày có được không? Không biết nhục, lại còn nhe răng ra cười.
Tên đầy tớ bèn vội vàng chạy lại tìm các khách khứa có mặt khi nãy, chắp tay lại nói:
- Bẩm các ngài, cái rắm lúc nãy là rắm của con đấy ạ!
Trong trường hợp này cũng chỉ là cái cười nhưng người ta thấy ngoài cái phản ứng tự nhiên còn có một sự chống đối, một sự đối lập, một sự chế nhạo, khinh bỉ người giàu sang quyền thế vô lý đến nỗi bắt đầy tớ phải nhận cái rắm của mình là cái rắm của nó để bảo toàn sĩ diện cho mình.
Đả kích cái thối nát rởm rói của giai cấp có tiền, có thế, viết mười bài văn nghiêm chỉnh không bằng đưa ra một truyện cười như trên. Đã đành là trong truyện đó, cái xấu của bà huyện được phóng đại đến cái mức độ gần như vô lý, nhưng sự phóng đại ấy là một nghệ thuật tất yếu của nhà văn cười và có như thế mới có thể gây cười được và vừa tả cái thối, cái rởm của giai cấp đó. Người đọc truyện cười sự biểu hiện của tính rởm rói, cái gì cũng đổ thừa cho người dưới, còn mình thì tự cho là trong sạch, thanh cao và tức giận và chê cái thói xấu, cái sĩ diện xằng của thói xấu đó.
Trong khi cười như thế, người đọc truyện mặc nhiên đã phê phán hành vi của bà huyện về hai mặt: một là phê phán sự hách dịch, sĩ diện xằng đến mức độ trái tự nhiên (mình đánh rắm mà rủa đầy tớ là ngu vì không nhận là rắm của nó) và một là phê phán cái thái độ ngoan cố, quái gở của bà huyện vô lý đến nỗi bắt người khác phải nhận rắm của mình là do nó đánh ra. Sự phê phán ấy chứa đựng một ý nghĩa không tán thành, không chấp nhận, nói một cách khác tức là chống lại cái người có cái thói xấu vô lý đó.
Qua mấy nhận thức trên đây, ta thấy văn cười có một sức mạnh có khi còn hơn cả văn trang nghiêm đứng đắn, và chứa đựng một tinh thần phê phán rõ rệt - mà đáng ghi và đáng quý nhất là sự phê phán ấy không do tác giả nêu ra mà lại để cho người đọc truyện tự nhận thức và phê phán cái xấu.
Aristốt (Aristote) đã nói một cách rất thú vị: “Cái đáng cười là cái xấu”.
Cái xấu ấy là căn nguyên của sự lố lăng. Không có một loại truyện nào phơi bày cái xấu, cái lố lăng ấy như loại truyện cười.
Mấy truyện dưới đây có thể coi là truyện tả được ba tính xấu thông thường trong nhân dân: ăn vụng, tham tiền, nịnh hót.
1- TRUYỆN ĂN VỤNG
a. Có một chị kia có tính hay ăn vụng, ngồi rang tép. Biết tính chị, anh chồng trèo lên mái nhà rình và đục một cái lỗ nhìn xuống. Cứ rang được năm con thì chị lại ăn một con. Anh chồng ở trên mái nhà sợ chị ăn hết, làm một cái que vót nhọn, chờ lúc chị quay đi thì đưa qua cái lỗ đâm một con tép rút lên ăn. Thế rồi cứ rang được con nào hết con ấy.
Chị ta ngạc nhiên hết sức, nhìn trước nhìn sau không có ai mà sao lại mất hết tép, nguyên chị ta mặc váy ngồi xổm, bỗng trông thấy cái “bề hê”, chị ta chợt tỉnh ngộ, vỗ đôm đốp mà bảo:
- Chỉ có tao với mày ở đây, mà tép rang hết sạch không phải mày thì còn ai vào đây nữa?
Chị tức giận vỗ phành phạch, mạnh đến nỗi vãi cả đái ra. Chị ta nguýt một cái, nói:
- Ừ ừ, còn oan ức nỗi gì mà khóc?
b. Lại có một anh khác cũng có tính hay ăn vụng. Một hôm, nhân lúc vợ ra đồng vắng, anh ta lẻn về nhà lục niêu bốc trộm đồ ăn; bất ngờ vừa bốc một miếng thịt thì có tiếng vợ đi về. Chị này cũng ăn vụng như chồng, cũng bốc một nắm cơm to cho vào miệng, chạy vào đàng sau cửa đứng ăn, chẳng may anh chồng lại cũng chạy trốn vào đàng sau cửa từ trước.
Thấy vợ vào, cầm nắm cơm, anh ta cuống quá giơ vội miếng thịt lên cho vợ:
- Tôi biết mà. Nhà ăn cơm nhạt, khó nuốt nên lấy sẵn miếng thịt vào cho “nhà” ăn đây này!
2- TRUYỆN THAM TIỀN, THAM ĂN
a. Có một anh kia bị bệnh táo bón đến nhờ một ông lang chữa trị. Ông lang nọ làm tiền nhiều lần, anh bị táo bón xót ruột quá phải trốn.
Bất ngờ một hôm anh ta đi đồng, vừa ngồi, tương đánh phẹt ra một bãi bằng bãi cứt trâu. Ông lang đứng rình chạy vội ra chỉ vào bãi cứt, nói:
- Anh còn chối nữa thôi. Cứt như thế này, mà không cho ông ăn à?!
b. Có một ông thầy cúng đến làm lễ cho nhà bà góa nọ. Lễ xong, nhà chủ đem xôi chè mời thầy cúng và thầy đồ dạy trẻ ở trong nhà cùng ăn. Ông đồ ăn tham, xơi xôi chè tì tì, bị bội thực. Ác một cái là bà chủ lại góa bụa, cửa ngõ trong nhà đóng rất kỹ, ông đồ và ông thầy cúng nằm ngủ chung một buồng với nhau. Nửa đêm, ông đồ đau bụng, muốn đi ỉa, mà không làm thế nào được.
Túng quá, ông ta bèn tụt quần, sờ vào đít ông thầy cúng, định ỉa một bãi vào đít anh thầy cúng, rồi sáng mai có chuyện gì thì đổ vấy cho anh thầy cúng. Bất ngờ, sờ phải bộ râu anh thầy cúng, ông thầy đồ yên trí là đúng “chỗ ấy” rồi, tương đánh bẹt một đống vào đúng mồm anh thầy cúng. Đương lơ mơ bỗng thấy một đống tuôn vào miệng, mà thối cứ hoăng lên, be bét cả ra râu ra mép, anh thầy cúng chồm dậy chửi cứ oang lên. Bí quá, ông đồ đâm mặt lì, quát lên:
- Ừ tao đấy, đã làm sao chưa? Lá sớ hôm nay tao viết gia chủ là Nguyễn Thị Gáo, sao mày quên cái cán lại đọc là Nguyễn Thị Tròn? Mày dốt quá nên tao ỉa vào mồm mày đấy!
c. Có một ông nghiện rượu tìm đến thăm một người bạn ở xa. Chẳng may đến thì ông bạn lại đi vắng, chỉ có vợ ông ta ở nhà mời ăn cơm và ngủ lại. Ông nghiện rượu hơi buồn, đêm hôm ấy thao thức không ngủ được vì không thấy vợ bạn đem rượu ra mời.
Nửa đêm, bà chủ nhà mót đái, khe khẽ lấy cái chậu sành ra đái tè tè. Ông bạn nằm lắng tai nghe, thích quá, nói một mình:
- Ờ, có thế chứ! Chẳng lẽ đâu mình từ xa lặn lội đến đây mà không có rượu cho mình uống.
Bà chủ nghe thấy thế, thót bụng lại để cho khỏi tè tè to. Ông nghiện rượu lại nói:
- Chắc là rượu tốt. Có chiết sang chai phải cẩn thận, từ từ, kẻo đổ ra ngoài phí quá.
Bà chủ nghe thấy thế, không nhịn được cười, không thót được bụng nữa, buột ra ồ ồ. Ông nghiện rượu vỗ vào đùi đánh đét và than:
- Thôi bỏ mẹ, vỡ mất bình rượu rồi. Khổ quá!
3- TRUYỆN NỊNH HÓT
a. Có một anh có tính hay nịnh xằng, một hôm ngồi hầu chuyện quan. Quan vãi ra một cái bủm. Anh ta hít hít lỗ mũi rồi tấm tắc khen:
- Chà, cái rắm quan thơm quá!
Ông quan sa sầm mặt xuống, nói:
- Ta nghe thấy ăn uống vào phải tiêu hóa, chất bổ vào máu, còn cái gì vô bổ thì xuống ruột hóa ra phân và đánh ra thì phải thối. Bây giờ rắm ta lại thơm, chắc có gì trục trặc và có thể nguy hiểm đến tính mệnh chưa biết chừng.
Anh nịnh xằng sợ tái mặt, nhưng nhanh ý chữa liền. Anh ta cong bàn tay lại vớt một cái đưa lên mũi hít rất lâu rồi nói:
- Thưa quan lớn, bây giờ thì nó thối rồi!
b. Một anh nịnh xằng khác hầu quan, thấy bất cứ cái gì cũng tán bậy. Một hôm, anh ta trông thấy con vịt ngủ, đứng một chân, co một chân lên. Anh ta bèn tán:
- Bẩm quan, con vịt của quan có quý tướng.
- Sao? Quý tướng vì cái gì?
Bất ngờ giữa lúc ấy con vịt thức, đặt cái chân co xuống đất. Anh nịnh xằng không biết làm thế nào, vênh mặt lên nói một cách quan trọng:
- Bẩm quan, con vịt của quan có… hai chân!
Xem mấy truyện trên đây, ta thấy rằng cái cười phê phán bao giờ cũng nuôi một ý dụng cao hơn là giải trí cho người đọc: cái cười phê phán, ngoài mục đích cải tạo xã hội, bài trừ cái xấu giữa nhân dân với nhân dân và giữa giai cấp này với giai cấp khác để nhằm tiến tới một xã hội công bằng hơn, đạo đức chân thật hơn, chống lại bất cứ cái gì trái với thiên nhiên, trái với luân lý.
Như vậy, sao bảo truyện vui cười là truyện vô hậu, nhảm nhí, vô ích, không đáng liệt vào văn học sử? Âu cũng là một điều đáng tiếc là trong ngành giáo khoa, các nhà hữu trách lại không chú ý đến loại văn vui cười, và từ trước đến nay loại văn cười vẫn không được nghiên cứu khơi sâu để cho loại văn nghệ đó phát triển hơn bây giờ.
PHÂN LOẠI TRUYỆN CƯỜI
Cái cười trong truyện tích từ xưa đến nay, mặc dầu bị coi thường, vẫn phát triển không ngừng dưới thiên hình vạn trạng. Nghiên cứu truyện cười, thật khó mà phân loại là vì có truyện cười dài, có truyện cười ngắn, có truyện ngắn mà lại không phải là tiếu lâm, có truyện tiếu lâm mà chỉ là một loại truyện khôi hài, có truyện tiếu lâm làm cho người ta cười vì có pha “tục tĩu”, nhưng cũng lại có những truyện tiếu lâm không tục tĩu mà cứ làm cho người ta cười như thường, đại khái như mấy truyện sau đây:
CHÁY
Có một ông kia có một đứa con thực thà lắm. Một hôm, ông ta có việc đi vắng, dặn con ở nhà có khách nào đến chơi thì nói rằng bố tôi đi vắng, hôm sau thì về. Sợ đứa con không nói nên lời, ông ta biên vào một tờ giấy, đưa cho con, bảo hễ có khách thì trông vào đấy mà nói.
Có một ông khách tới, hỏi bố nó đâu.
Chẳng may thằng bé giở tờ giấy ra đọc bên cạnh một ngọn đèn dầu, tờ giấy bốc cháy. Thấy khách tới hỏi, nó không biết nói ra sao. Ông khách hỏi lại:
- Bố đâu rồi?
Thằng bé trả lời:
- Mất rồi!
Ông khách òa lên, hỏi:
- Tội nghiệp, bố mất bao giờ?
Nó lắc đầu. Ông khách hỏi:
- Mất vì bệnh gì?
Thằng bé thản nhiên:
- Cháy!
ÁO MỚI, LỢN CƯỚI
Có một anh có tính khoe khoang, hớt hơ hớt hoảng đi tìm một con lợn.
Thấy có một anh đứng trước cửa, anh ta chạy lại hỏi:
- Chớ tôi hỏi ông, từ khi ông đứng đây có thấy con “lợn cưới” nhà tôi chạy qua không?
Anh nọ cũng thuộc loại khoe khoang, cầm cái vạt áo đương mặc giơ lên và nói:
- Từ lúc tôi mặc cái “áo mới” này, tôi chưa thấy con “lợn cưới” nào chạy qua đây cả.
ÔNG TÀI THẾ, TÔI THEO SAO CHO KỊP
Có một anh kia đụt lắm, bị vợ mắng luôn vì anh ta chẳng biết gì cả. Một hôm, có đám to, anh ta phải đi ăn. Vợ ở nhà sợ có điều sơ suất, làng nước họ cười, bèn bảo chồng:
- Đi ăn phải cẩn thận, thấy người ta ăn thế nào, gắp thế nào thì bắt chước như thế mà làm, đừng có gắp bậy gắp bạ.
Chồng nghe lời vợ. Ngồi ăn, anh ta rụt rè không dám gắp, đợi cho người khác làm thế nào thì bắt chước đúng như thế. Có một ông để ý thấy vậy, bật cười. Chẳng may ông này đương ăn miến, vì cười miến sặc lên tòi một sợi ra lỗ mũi. Anh chồng đụt, vứt đũa xuống, đứng lên gắt:
- Ông tài thế, tôi theo sao cho kịp!
Những truyện thuộc loại đó, cụ Thọ An xếp vào loại truyện tiếu lâm.
Nhưng văn cười không phải chỉ có truyện tiếu lâm mà thôi. Ông Văn Tân trong cuốn “Tiếu cười Việt Nam” và ông Nguyễn Hồng Phong trong “Truyện tiếu lâm” phân biệt truyện tiếu lâm khác với truyện khôi hài mà ông Nguyễn Hồng Phong gọi là “Truyện cổ thế sự”.
Theo ông Văn Tân, giữa truyện tiếu lâm và truyện khôi hài có sự khác nhau về mục đích, về nội dung, rằng “Truyện tiếu lâm là truyện dựng ra với mục đích duy nhất là để gây cười, còn truyện khôi hài là truyện được tạo nên trên cơ sở miêu tả hiện thực của xã hội, trong những hiện thực này, có cái đáng cười nhưng lại có cái chẳng đáng cười…” và trong truyện khôi hài “những tiếng cười do sự trình bày các mâu thuẫn làm bật ra thường không phải là những tiếng cười để mà cười, mà chủ yếu là những tiếng cười để mà giáo dục, răn đời”.
Xuất phát từ nhận định về mục đích sáng tác truyện tiếu lâm và truyện khôi hài như trên, ông Văn Tân đi tới kết luận sau đây về tính chất hiện thực trong hai loại truyện: “Truyện tiếu lâm hoàn toàn do người ta tưởng tượng ra (cố nhiên sự tưởng tượng này vẫn có cơ sở thực tế) để trình bày một khía cạnh nào đó của các mâu thuẫn đáng cười…, còn truyện khôi hài cũng do người ta tưởng tượng ra, nhưng khi tưởng tượng, người ta còn đưa vào thực tế nhiều hơn.
Lời kết luận ấy có thể bàn cãi được:
1- Truyện tiếu lâm không phải sáng tác ra với mục đích duy nhất để gây cười. Tinh thần đấu tranh, đả kích, bài bác trong truyện tiếu lâm, ai cũng nhận thấy. Phủ nhận tính cách giáo dục, cải tạo xã hội của nó tức là họ thấy truyện tiếu lâm. Mặt khác, ta nên nhớ rằng bất cứ cái gì do dân gian sáng tác, truyền khẩu và lưu truyền không thể là văn chơi, nhưng phải là có ích và đã tỏ ra có một mục đích cao hơn là giải trí.
2- Truyện tiếu lâm là truyện hoàn toàn tưởng tượng; truyện khôi hài cũng tưởng tượng nhưng dựa vào thực tế. Lý luận đó cũng không đứng vững. Có cái gì chứng tỏ truyện tiếu lâm hoàn toàn tưởng tượng? Mà có cái gì chứng tỏ truyện khôi hài dựa vào thực tế nhiều hơn?
Theo ý kiến chúng tôi, truyện tiếu lâm hay truyện khôi hài có thể là chuyện thực, mà cũng có thể là chuyện tưởng tượng, nhưng dù là tưởng tượng cũng phải dựa vào thực tế mà ghi lại hay phóng đại ra.
Thế thì có cái gì phân biệt được truyện tiếu lâm và truyện khôi hài? Theo thiển kiến, truyện tiếu lâm là một kịch ngắn có một sự việc nhất định, trong một thời gian nhất định. Nếu muốn lấy một thí dụ để so sánh, tôi ví truyện tiếu lâm với một truyện ngắn rất ngắn ngắn, viết theo thể tốc hành, vì nếu viết truyện tiếu lâm mà kể dài dòng thì nó sẽ loãng mất truyện và kém thú. Còn truyện khôi hài thì có thể ví với một truyện vừa vừa (nouvelle) có thể kể dài dòng hơn một chút, mà nếu có điểm một ít văn chương tả tình tả cảnh cũng không sao.
Vẫn theo ý kiến của riêng tôi thì tất cả những truyện như “Úm ba la ba ta cùng khỏi”, “Thả cả nó ra cho nó chết”, “Hú vía ông thổ công”, “Con mắt dọc”, “Ông vừa ăn mắm tôm về phải không?” là truyện tiếu lâm đã đành rồi, nhưng những truyện như “Mặt mày như mặt giời”, “Anh ơi, mỗi ngày mỗi xa”, “Phải tay ông thì ông làm gì” cũng là truyện tiếu lâm.
Muốn đơn cử một vài truyện khôi hài, tôi sẽ kể “Nhất Ba Giai, hai Tú Xuất”, “Trạng Quỳnh”, “Trạng Lợn” và gần đây truyện “Một chuỗi cười” của Đồ Phồn, “Ai mua đàn bà ra mua” của Văn Thu và “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.
Xem qua hai loại truyện ấy, ta thấy rằng tiếu lâm chưa chắc đã thiếu thực tế mà có khi Số đỏ lại là truyện tưởng tượng hoàn toàn. Nhưng cả hai loại truyện, trong cái cười, đã mặc nhiên có cái phúng thế rồi. Bởi lẽ đó, tôi cũng không đồng ý với ông Nguyễn Ngọc Côn cho rằng truyện tiếu lâm khác, truyện khôi hài khác, và truyện trào phúng khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Côn thì, theo nghĩa thông thường và dựa trên sự phân tích của truyện vui cười lưu hành trong dân gian, chúng ta thấy truyện vui cười có mấy đặc điểm sau đây:
1- Trước hết, truyện vui cười tất nhiên phải có khả năng, phải bảo đảm yêu cầu gây cười. Cười to hay nhỏ, nhiều hay ít, nhẹ nhàng hoanh hinh hay độc ác, phũ phàng là tùy thuộc vào đề tài, đối tượng và nghệ thuật gây cười.
2- Vì nhằm nêu bớt mâu thuẫn đáng cười, trong sự vật, trong con người, nên tất cả những tình tiết của truyện phải quy tụ để làm bật ra tiếng cười. Những chi tiết nào không phục vụ cho tiếng cười thường không có mặt trong truyện cười.
3- Truyện vui cười bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa giáo dục, phê phán, chế giễu, đả kích nhất định và nhìn chung tác giả phải hướng tiếng cười vào một mục đích đấu tranh xã hội.
Kết luận, Nguyễn Ngọc Côn cho rằng: trong ba đặc điểm đó thì hai đặc điểm thứ nhất và thứ nhì phân biệt truyện vui cười với các loại truyện khác, còn ý nghĩa tiếng cười do đó có thể coi là tiêu chuẩn cần vận dụng khi phân loại truyện vui cười. Vậy có thể chia làm ba loại như sau: truyện khôi hài, truyện trào phúng và truyện tiếu lâm.
Vì những lẽ đã nêu ra trên kia, theo tôi, muốn phân loại truyện cười, ta có thể chia làm hai: truyện khôi hài và truyện tiếu lâm. Nhưng nói về cái cười mà chỉ kể có hai loại đó thôi, e không đủ. Nói đến cười, ta phải kể văn và thơ cười vì lắm bài thơ cũng là một đoản thiên có kịch tính có khả năng gây cười, và có những bài vè rõ rệt là một truyện khôi hài, đả kích, phúng thế.
1. TRUYỆN KHÔI HÀI
Bàn về truyện khôi hài, ông Nguyễn Ngọc Côn viết như sau:
Như các truyện vui cười khác, truyện khôi hài có đầy đủ ba đặc điểm mà ông đã kể ở trên kia. Nhưng ta cũng phải chú ý là loại truyện này có mục đích chủ yếu là giải trí. Tác dụng giải trí căn bản là lành mạnh, vì đứng về mặt người sáng tác, những truyện này không xuất phát từ cái phần bạc nhược của tâm hồn, và đứng về mặt người thưởng thức thì truyện cũng không phải được lưu truyền vì nó khêu gợi những cảm hứng không lành mạnh. Đằng sau tiếng cười dễ dàng, linh hoạt, hóm hỉnh, thoải mái, vẫn bộc lộ cái thông minh trong tinh thần phê phán, nhận thức những hiện tượng trái tự nhiên. Có thể đồng ý rằng ở một phương diện nào đó, đây là những tiếng cười “vui anh, vui em, vui cửa, vui nhà”, nhưng cũng không thể bảo rằng loại truyện này có tác dụng như những “liều thuốc an thần” vì truyện không xây dựng trên tinh thần thoát ly thực tế, trái lại, ngụ cái ý đề cao lương tri, đề cao tinh thần thiết thực, tỉnh táo thích nghi với thực tế. Đó là tiếng cười đối với bà lão ngủ say đến nỗi kẻ trộm khiêng cả chồng bà đang nằm mà bà vẫn ngủ chẳng biết gì, mồm vẫn lảm nhảm nói mê “Đêm năm canh, bà nằm chẳng nhắp”.
Ông Ngọc Côn cho rằng những truyện như “Ba anh mê ngủ” anh nọ gãi vào đùi anh kia, truyện “Anh đi đái” gặp đêm mưa nghe thấy tiếng giọt gianh mà tưởng mình hãy còn đái, truyện anh đi ỉa thấy người khác ỉa đánh xoẹt một cái xong đứng dậy đi, phàn nàn “Thấy dễ mà thèm”… đều là truyện khôi hài.
Theo tôi, những truyện như thế vẫn là truyện tiếu lâm, dù rằng tương đối ít tục tĩu. Truyện “Cất váy cho vợ”, truyện “Mặt mày đỏ như mặt… trời” là truyện tiếu lâm cũng như truyện “Chồng mù vợ điếc”. Có người cho rằng truyện tiếu lâm phải tục tĩu, phải có cái gì liên quan đến bộ phận sinh lý hay có cái gì bẩn thỉu một tí như cứt, đái, mới là truyện tiếu lâm.
Quan niệm như thế e rằng hơi hẹp hòi. Có những truyện tiếu lâm không tục mà cũng làm cho ta cười thích thú như “Ông tài thế, tôi theo sao kịp”, “Xem voi” hay “Tình ơi, cô có tang”…
Theo như tôi trình bày ở trên, truyện khôi hài khác hẳn truyện tiếu lâm vì cách bố cục, vì đầu đề, vì nghệ thuật viết, nhưng truyện khôi hài dù là chuyện có thực hay tưởng tượng cũng vẫn có tinh thần trào phúng, đả kích, phê phán như thường. Ta lấy thí dụ truyện “Nhất Ba Giai, hai Tú Xuất”. Đó là một tập truyện thuật lại những trò tinh nghịch tức cười của hai nhà nho bất mãn lúc Tây bắt đầu đến xâm chiếm nước ta. Đó là hai người giỏi, nhưng chán vì cảnh quốc gia mạt vận, hai ông không hợp tác, chỉ rong chơi và đi lỡm bọn quan liêu “hợp tác”, nhưng có khi cũng không tha cả những người tàn tật (bọn xẩm), bọn điếm “nhà thổ Hàng Mành” hay bọn buôn thúng bán mẹt ở chợ nổi tiếng chanh chua, đanh đá như “Cô hàng chim, “Chửi nhau thi”…
Truyện này truyền tụng trong dân gian, về sau có người sưu tập lại (Cuồng Sỹ, Nguyễn Nam Phong, Đồ Nam…). Sách viết theo một giọng văn khôi hài, cười, nhưng cái cười khác hẳn tiếu lâm, mặc dù có nhiều đoạn tục tĩu như bài “Sử tử lột”, “Đồ của cô hàng tròn hay méo”, v.v… Tôi dám chắc ai đọc truyện “Ba Giai Tú Xuất” cũng đều phải nhận đó là truyện khôi hài “không có một hai, gì hết”, cũng như truyện “Trạng Quỳnh” hay “Trạng Lợn” là những truyện khôi hài mà ai cũng đã đều đọc và đều phải cười. Nhất định không ai kêu những truyện đó là tiếu lâm, nhưng đều nhận đó là những truyện cười lý thú.
Theo ông Hoàng Tiến Tựu, truyện “Trạng Quỳnh” phải là một tập thể đông đảo và phức tạp sáng tạo, và tập thể đó bao gồm cả quần chúng nhân dân (kể cả thị dân và nông dân nhưng mà chủ yếu là nông dân) và tầng lớp trí thức bình dân. Vẫn theo ông thì Trạng Quỳnh là một nhân vật văn học hoàn toàn sáng tạo, nhưng nhân vật đó là hình bóng của những con người có thực trong đời sống thực tế lúc bấy giờ.
Đi trước truyện “Ba Giai Tú Xuất”, truyện “Trạng Quỳnh” cũng gồm những đoạn truyện khôi hài ngắn gắn liền vào với nhau thành một khối, đọc truyện nào cũng tức cười, mà truyện nào cũng bao hàm một tinh thần đả kích, phê phán nằm ngay trong các câu đối thoại hay những vần thơ phú như:
“Xin quỳ hai gối chống hai tay”.
hay:
“Hãy còn tin hít như hang thỏ,
Hay đã tô hô quá lỗ trê?”.
Những chuyện khôi hài sưu tập thành truyện “Trạng Quỳnh” có khi cũng tục lắm, nhưng không vì thế mà là truyện tiếu lâm. Đại khái như truyện so sánh mồm ông quan với đồ nhà khó:
Một hôm đi chơi, Trạng Quỳnh thấy ông quan ngồi nghỉ ở quán nước, chung quanh có nhiều lính đứng hầu.
Ông quan ăn trầu, ném bã đầy mặt đất. Cứ thấy quan ném bã trầu nào Trạng Quỳnh lại nhặt lên để lại một đống. Quan lấy làm lạ, truyền lính bắt. Trạng Quỳnh sợ sệt, gãi đầu gãi tai, viên quan quát lên:
- Mày làm gì mà cứ nhặt bã trầu như vậy? Mày làm gì?
- Bẩm, là học trò. Bẩm, nhặt bã trầu để chơi.
- Sao lại chơi bã trầu?
Trạng Quỳnh lại gãi đầu:
- Bẩm, quan có tha tội chết thì con mới dám nói.
- Được rồi, ta tha chết cho, cứ nói nghe.
- Bẩm, con nhặt bã trầu để xem thiên hạ nói có đúng không?
- Ủa, đúng cái gì?
- Bẩm, thiên hạ người ta vẫn bảo “Miệng nhà quan có gang có thép”. Con muốn biết xem có quả miệng nhà quan có gang có thép thật không, mà nếu thật thì gang thép ấy nó ra thế nào.
- À, thằng này láo. Nhưng mi đã nói là học trò thì đối một câu ta nghe thử, nếu xuôi ta tha đánh đòn. Đấy, vế ta cho:
“Miệng nhà quan có gang có thép”.
Trạng Quỳnh đứng nghĩ một lúc, tay gãi đầu. Quan bảo:
- Sao mãi chưa đối vậy?
- Bẩm, quan tha tội chết con mới dám đối.
- Ta tha tội chết và tha cả đánh đòn cho ngươi đấy. Đối đi.
- Bẩm con xin đối:
“Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”.
Quan đỏ mặt, chịu là hay, nhưng sai lính đuổi Trạng Quỳnh đi ngay cho khuất mắt.
Hay chuyện Trạng Quỳnh thấy kiệu công chúa sắp đi qua, vội chạy ù xuống ao đứng ở cầu trông lên một cách ngạo nghễ.
Công chúa sai lính ra hỏi sao lại có tên nào ngạo mạn, trông thấy công chúa đi qua mà lại không tránh, lại còn chạy ù ra đứng ở cầu mà nhìn. Trạng Quỳnh sợ sệt chắp tay xin lỗi. Quân hầu của công chúa hỏi:
- Thế tự nhiên mi đang ở trong nhà chạy ra cầu đứng làm gì?
- Bẩm… bẩm…
- Bẩm gì? Nói nhanh lên!
- Bẩm, tôi ở nhà buồn, chạy ra đây đá bèo!
Những chuyện khôi hài về thân thế Trạng Quỳnh đều nuôi ý đả kích và phê phán, trào phúng. Ông Hoàng Kiến Tựu đã nhận xét đúng khi viết về Trạng Quỳnh như sau:
Ngay từ bé, Trạng Quỳnh đã tấn công và chiến thắng vua Lê. Trong truyện “Dê đực chửa”, tác giả đã ngang nhiên đề cao trí tuyệt vời của một cháu bé tầm thường trước mặt một vị hoàng đế, ở đây vị con trời đã phải chịu thua một đứa “con dân”, đồng thời cũng trong truyện này, tác giả còn tố cáo cái chính sách “nộp dê đực chửa” vô lý của nhà vua - mà chắc chắn lúc bấy giờ những chính sách vô lý tương tự như vậy không phải là ít.
Rồi qua những truyện “Vua Lê mất mèo”, “Giúp vua tiếp sứ", “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Đào trường thọ”, v.v… ta càng thấy rõ sự hèn kém, nhu nhược của nhà vua. Với những chuyện này nhà vua chẳng những không tài ba thần thánh khác thường mà lại còn kém cỏi hơn người thường nữa. Nhà vua cũng chỉ là một học trò của Quỳnh (Nhất tự vi sư bán tự vi sư), ngày thường thì vùi đầu vào thú ăn chơi (thú chơi mèo…) không biết gì đến dân đến nước, đến khi có việc khó khăn thì hoàn toàn bất lực, phải dựa vào người khác (truyện tiếp sứ).
… Xem những truyện “Ngọa Sơn”, “Sách quý”, “Tiến chúa rau cải”… ta thấy những yếu tố tục liên tiếp văng vào mắt chúa Trịnh như những cái tát. Với những truyện đó, bản chất xấu xa, háu ăn, dâm ô, bỉ ổi đã bị vạch trần không thương tiếc.
Qua những nhận xét trên đây, ta thấy rằng truyện khôi hài, cũng như truyện tiếu lâm, tự nó đã có một tinh thần trào phúng rồi, vậy phân thêm ra một loại trào phúng như ông Nguyễn Ngọc Côn đề nghị, thiết tưởng không cần lắm.
Trong các loại truyện khôi hài cũ đã nói đến “Trạng Quỳnh”, “Ba Giai Tú Xuất”, ta không thể quên truyện “Trạng Lợn”. Có thể nói rằng, “Trạng Lợn” là một truyện khôi hài có một tinh thần trào phúng đặc biệt, toát ra một nhỡn quan khinh bỉ bọn quan liêu “sát ván”, đa số chẳng biết “con mẹ” gì mà làm nên kia nên khác. Chỉ một anh lái lợn nói xằng nói bậy mà “nhờ thánh cho ăn lộc” nói câu nào thành thơ câu đó, đưa ra kế hoạch gì trúng phóc kế hoạch ấy, cứ gì phải học cho nhiều.
Đại ý truyện này toàn trào lộng, chế giễu những anh “óc rỗng như đít bụt” mà đời “lên hương” làm nên danh nên giá, như câu “Đòng tày chí biên đỏ hàn hàn” ai cũng phục là hay, truyện tìm thủ phạm vụ trộm đập tay than “rõ thực quýt làm cam chịu” mà thành ra tìm được thủ phạm vụ trộm là thằng Cam và thằng Quýt…
Đó là ba truyện khôi hài điển hình nhất của dân gian để lại, về sau này, truyện khôi hài cũng vẫn sản xuất, nhưng sách hay hiếm có, và người ta phải đợi mãi đến gần đây mới lại thấy có một vài cuốn nổi tiếng như “Số đỏ” của Thiên Hư Vũ Trọng Phụng cũng tả một thằng cà lơ đi nhặt bóng, nhưng nhờ vì lưu manh và cũng nhờ vì thời thế điên đảo tạo nên, chẳng mấy lúc hóa ra một vĩ nhân là Xuân Tóc Đỏ.
Điểm đặc biệt của truyện khôi hài là thâu nhập những hiện tượng xấu xa, lố lỉnh của nhiều người lại để quy tụ vào một nhân vật, dung hòa cái khái quát và cái cá biệt vào với nhau để làm một cái mẫu người thời đại, nhưng truyện khôi hài, mặc dầu gây cười và trào mạ, nhưng chính những kẻ có một hay nhiều tính xấu trong các tính xấu đó, có một hay nhiều cái lố lỉnh trong các cái lố lỉnh đó, đều cười theo mà tưởng rằng “họ” nói người khác chứ không phải nói mình, hơn nữa, kẻ bị chỉ trích, phê phán đó lại cho rằng “mình đâu có xấu xa, lố lỉnh lạ đời đến thế”. Do đó, những kẻ xấu xa, lố lỉnh đó không tức bực mà lại còn cố gắng âm thầm tìm cách tránh né để cho khỏi bị xấu xa, lố lỉnh như thế; truyện khôi hài có tính cách xây dựng cải tạo xã hội một phần nhờ vì thế.
2. TRUYỆN VÈ VÀ TRUYỆN BẰNG THƠ
Nói về văn cười mà không nói đến văn thơ cười, thiết tưởng cũng là một điều thiếu sót lớn, không thể tha thứ được.
Ngoài những truyện bằng văn xuôi gợi cười, nước ta lúc nào cũng có những nhà văn nghệ dùng thơ ca, phú lục để cười thế sự, xã hội, cười giai cấp thống trị, cười loài người nói chung, bất chấp thuộc giai cấp nào trong xã hội, nếu những người ấy có thói hư tật xấu.
Loại văn thơ cười này có thể chia ra làm hai loại:
- Một loại truyện thật ngắn gợi cười viết thành thơ.
- Một loại thơ cười nhìn chung để phủ định cái xấu cần phải tránh, do đó sẽ thấy cái đẹp cần phải theo.
Trong loại truyện thật ngắn gợi cười viết thành thơ, tôi xin kể làm ví dụ, hai kiểu truyện, viết dưới hai hình thức khác nhau: một thể viết theo lối thuật như kể chuyện nhưng nhấn mạnh về lời nói đáng cười, hoàn cảnh đáng cười và cử chỉ đáng cười:
QUA CHỖ LỘI LÀNG NGANG
(Yên Đổ)
Đầu làng Ngang có một chỗ lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi.
Đàn bà đến đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.
Ông Cuội ngồi trên mím mép cười:
- Cái gì trăng trắng như con cóc,
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
- Con trót hớ hênh, ông xá tội.
- Không, không, con có tội chi mà
Lại đây ông cho giống ông Cuội.
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ rặt những thằng hay nói dối.
Và một thể viết theo lối trào mạ, chửi phũ phàng, nhưng đọc qua người ta cũng thấy cả một truyện cười rút ngắn dưới hình thức vè, như bài vè dán ở cổng làng nọ thuật chuyện ông Nhiêu ve thợ cấy:
VÈ ÔNG NHIÊU VE THỢ CẤY
Làng ta có sự nực cười,
Có ông Nhiêu Bút là người rượu say.
Mỗi ngày một hũ như bay,
Rượu say ông mới bày bây giở trò!
Bà Nhiêu sao chẳng biết lo,
Mượn lũ thợ cấy ông mò một cô.
Nhưng mà hư hỏng cơ đồ,
Bà Nhiêu bắt được bèn vồ cả hai.
Cũng thuộc vào loại này, văn học sử ta có hàng trăm ngàn truyện cười như thế hoặc bằng thơ văn, vè cả, hoặc bằng văn xuôi có xen những câu văn thơ gây cười, không thể kể hết trong một cuốn khảo luận được, chúng tôi chỉ xin kể vài chuyện làm thí dụ.
(còn tiếp)
Nguồn: Vũ Bằng Toàn Tập. tập 4. Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. NXB Văn học, 2006.
www.trieuxuan.info