"Cái Biết" Trong Chơn Lý Tổ Sư Minh Đăng Quang - Đạo Phật Khất Sĩ

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vào năm 1947. Nhìn trên tổng thể, đây là một dòng truyền thừa Phật giáo kết tinh những nét đặc thù của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và truyền thống Phật giáo Đại thừa. Hệ phái Khất Sĩ lâu nay vẫn thường được xem là một dòng truyền thừa ra đời muộn nhất. Nhận xét này không sai. Mọi người đều có lý do để phát biểu suy nghĩ riêng của mình và cố nhiên Đức Tổ sư cũng có một lý do rất chính đáng để mở ra một truyền thống tu mới, rất phù hợp với căn cơ trình độ con người thời đại và tuyệt vời trên hết là tiêu chí giáo điển rất gần, rất đúng với ý chỉ của Đức Như Lai buổi đầu.

Đạo Phật xuất hiện trong đời trên 2600 năm và lưu lại cho nhân loại trên thế giới kim ngôn ngọc ngữ của Đức Thế Tôn còn giữ khá nguyên vẹn trong Kinh Luật Luận mãi đến ngày nay. Giáo pháp của chư Phật như một dòng chảy xuyên suốt qua không gian, thời gian. Dẫu rằng thời - không vận hành không dứt, tâm thức chúng sinh biến chuyển, ý pháp của Đức Thế Tôn vẫn như sợi chỉ đỏ kết lại tất cả những viên ngọc pháp của các tông chỉ, trường phái, của các dòng truyền thừa sớm muộn..., thành tràng ngọc có giá trị bất khả tư nghì. Muôn đời vẫn thế, cái vô thường hồn nhiên vô tư lại che chắn giữ gìn cho cái chân thường bất hư bất diệt.

senvaphat

Từ pháp hội Linh Sơn, hình ảnh và ý nghĩa Đức Thế Tôn im lặng nâng cành hoa sen trước hội chúng mà chỉ mỗi Sơ Tổ Thiền tông Ca-diếp mỉm cười lãnh hội, đến ý pháp nhiệm mầu của Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa Đạt-ma, chín năm lặng yên “diện bích” đã thầm gởi gắm điều gì với hậu lai? Cũng thế, từ Hoa Nghiêm đến Chơn lý, tuy xa mà gần, tuy hai mà một. Đó là diệu pháp vô ngôn vô tự, là tự nhiên pháp, là vô vi pháp mà những ai chiêm nghiệm, thấu rõ và sống với diệu pháp ấy sẽ trở thành bậc Thánh giữa nhân gian, là người an lạc nhất trên thế giới này. Không dùng văn pháp kiểu cách, không dùng ngữ cú văn chương, không dùng mỹ từ xa lạ, chỉ bằng lời văn mộc mạc chân chất của người miền Nam nước Việt, Đức Tổ sư đã diễn giảng “cái biết” với đầy đủ ý pháp thâm diệu của mười phương chư Phật.

Cũng như văn học Nikaya, người học đọc qua bao thế kỷ nay đều cảm nhận sự gần gũi mà thiêng liêng, sự giản dị mà vĩ đại của Đức Thế Tôn - bậc Thầy của Trời người. Và khi đọc đến Chơn lý, người con Phật càng cảm nhận chân thành hơn những lời dạy mộc mạc mà sâu sắc, giảng giải tường tận sâu xa ý đạo của chư Phật ba đời dường như đang gởi đến hội chúng người Việt vậy. Lối giảng dạy, khai triển Phật pháp đặc thù này xuất phát từ lòng từ bi, vì lợi ích chung, vì hạnh phúc và an lạc cho tất cả chúng sinh của Tổ sư.

Trở về với tánh biết, dù nhiều hành giả lão thành cho đó chỉ là mức độ hành trì rất ban sơ, tuy nhiên đấy lại là nền tảng tu tập căn bản nhất. Trong bộ Chơn lý, “cái biết” như một yếu pháp được Đức Tổ sư phân tích, giảng trạch, chứng minh rất nhiều lần để những ai đầy đủ niềm tin với đạo pháp thẩm thấu và nhận rõ trên con đường cầu pháp thực tập giải thoát. Thế mới rõ, trong sự học hiểu và tu tập, mỗi hành giả cần phải thật sự hiểu đúng tầm quan trọng của nó, cần phải thẩm thấu ý Tổ sư.

Trong mười hai chi phần của Thập nhị nhân duyên, vô minh sinh hành, hành sinh thức và thức chính là cái biết, cái sống của chúng sinh. Thế thì trong mỗi chúng sinh, ai ai cũng đều sẵn có cái biết cả. Chẳng phải người trí mới có cái biết còn người ngu thì không có. Chẳng phải người tu biết thực tập mới có cái biết, còn người dân bình thường không có cái biết. Chẳng phải người lớn mới có cái biết mà trẻ nhỏ không có. Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, thai nhi đã có cái biếtcái biết ấy chính là cái sống trong thai bào vậy (Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”).

Trong Chơn lý “Chơn như”, Đức Tổ sư cũng bảo: “Cái biết của ta nó cũng vốn là tự nhiên không vọng động, và từ nơi tự nhiên không vọng động, có sẵn từ lâu, tự hồi nào, chớ nào phải mới có hiện tại đây. Vì nếu không có trước kia, thì bây giờ đâu có. Sở dĩ trước kia nó chưa xuất lộ ra, chưa tập thành tướng, là chính nó đang ở ẩn trong các pháp chúng sanh vạn vật đó thôi, nên gọi là cái sống biết linh, có sẵn nơi chúng sanh vạn vật các pháp, vốn là tự nhiên ở trong võ trụ”.

Đây là điểm mà giáo lý Phật giáo phát triển gọi là “chân tâm thường trú”, “thể tánh tịnh minh”, “Phật tánh”, “diệu tâm”, “chơn như”, “Niết-bàn”... Ngay phẩm đầu trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy cho Tôn giả A-nan, đồng thời chuyển đến cho chúng ta thông điệp gì?

Khi Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả A-nan về cái tâm, lần đầu tiên Tôn giả thưa rằng tâm là sự hiểu biết, là cái sinh ra sự thích ưa, ham muốn trong mỗi người. Bằng chứng là khi nhìn thấy thân tướng đẹp đẽ của Đức Thế Tôn, Tôn giả đã phát tâm xuất gia tu hành. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đã khai thị cho Tôn giả A-nan và đại chúng: “Này A-nan, ông nên biết, hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sống chết tương tục đều do không biết Chân tâm thường trú, Thể tánh tịnh minh, hàng ngày chỉ dùng các vọng tưởng; mà vọng tưởng thì không chơn, vì vậy nên mới có luân hồi”. Và Ngài cảnh tỉnh rằng nếu quan niệm do tâm và con mắt mà có sự ưa muốn, nhưng không biết tâm và con mắt ở đâu thì người tu tập không thể hàng phục được trần lao. Tôn giả A-nan quay lại, rà soát tìm xem tâm và con mắt của mình hiện ở chỗ nào. Tôn giả đưa ra nhiều giả thiết rằng tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp sau con mắt, v.v... song, Đức Thế Tôn đều phủ nhận các ý niệm không chính xác về tâm của Tôn giả A-nan.

Không phải chỉ qua vận dụng tư duy trong nghiên cứu học Phật mà cần phải dụng công thực tập thật sự mới hiểu thấu về tâm. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Thế Tôn dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo...”, hoặc trong Kinh Hoa Nghiêm có viết: “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn”. Tất cả nói lên rằng các pháp trong thế giới này đều do tâm biến hiện ra. Bởi tâm biến hiện nên tướng của nó không có thật. Song chỉ có chân tâm là không hư vọng, không sinh, không diệt, không sạch, không dơ, không tăng, không giảm, không đến, không đi, luôn thanh tịnh sáng rỡ, đó là thật tướng chân tâm, là chân tâm thường trú.

Đức Tổ sư mang chân tâm ấy về gần chúng ta gọi mộc mạc là cái biết. Cái biết ấy nào có xa lạ, ai cũng sở hữu nó từ lúc còn trong bụng mẹ. Chân tâm ấy nào có cao vời, nó vẫn thường trực nơi mọi chúng sinh. Để quên tánh biết này là chúng sinh phàm phu trần lụy, luôn sống với chân tâm thường trú sẽ thành Phật, thành bậc Thánh. Trở về với cái biết, với chân tâm là nền tảng tu tập để thành tựu con đường giải thoát giác ngộ. Hàng ngàn công án, thoại đầu của chư thiền sư Trung Hoa, Nhật Bản cũng không ngoài mục tiêu nhắc người cầu đạo hãy trở về với chính mình. Người học đạo không đi tìm, không mong chứng đạt gì từ bên ngoài mà hãy quay về tự tánh của mình. Đánh thức vị Phật trong ta, lau chùi lại viên ngọc sáng long lanh trong chéo áo của chúng ta.

Trong Chơn lý “Sám hối”, Đức Tổ sư viết: Đối với kẻ tu nhập định yên lặng được, thì sẽ cứng chắc yên vui còn mãi và có thần thông, gọi là Phật Thánh. Còn kẻ ít mê trần nghiệp tội, thì ít loạn vọng nên dễ chịu, chịu được cảnh im lặng tối đen không không, về sau chừng vững khá linh thiêng thì còn biết đường thấy chỗ nhập thai; hoặc bị quỷ ma hóa ra Phật Thánh Trời Tiên dẫn dụ gạt gẫm, hay bị yêu tinh biến ra quyến thuộc nhận nhìn, lôi cuốn, cũng là còn khá. Chớ nếu kẻ sanh tiền tội lỗi ác gian nhiều, khi chết đi ngàn năm ức kiếp cái biết không ra khỏi cảnh ấy đặng, hoặc phải diệt tiêu, là bởi loạn tâm, dục vọng, phiền não, thất tình, làm cho càng yếu ớt, hoại lần cái biết, đến hết biết là tiêu diệt”. Ngài muốn nhắc nhở người học Phật rằng chỉ vì chúng sinh bị khối vô minh che mờ nên đánh mất sự nhận biết, không nhận ra chân tâm thường trú này. Không khéo dụng công, chúng sinh để rơi rụng mất chân tâm mà lầm sống với vọng tưởng, đồng nhất mình với mọi cảm thọ ghét, thương, buồn, giận,... và rồi phải chịu loanh quanh mãi trong ba cõi sáu đường. Ngài chỉ cho người học tu ngày nay phải điềm tĩnh quán chiếu những điều rất gần trong cuộc sống đời thường, rằng đôi khi “thương quá hết biết, ghét quá hết biết, mừng hay giận quá hết biết, buồn hay vui quá hết biết, ưa muốn, dục vọng, hối hận, phiền não quá hết biết.... Những lúc như thế, cái biết hay tâm thức vốn trong sáng chơn như kia, không còn sáng rỡ mà bị mây mờ của thất tình lục dục bao phủ và dẫn đến tình trạng không còn phân biệt đúng sai, tốt xấu, cứ phản ứng hành hoạt thiếu suy nghĩ. Ấy chính là “cái ác quấy là sự hư hoại của trái tạo ra sẽ sanh phiền não là con sâu, con sâu phiền não sẽ đục phá lần cái biết – tâm hột tiêu hoại ”. Đức Tổ sư cảnh tỉnh: “Cái biết trong sạch thiện lành là như hột lớn cứng già cũng được khá; nhưng sao bằng chính cái biết định yên chơn như, mới phải hột chín cứng khô, sống mãi để đời, kêu là giác chơn, Phật hay là ta đó ” (Chơn lý “Sám hối”).

Cái biết hay trạng thái biết luôn có mặt trong mỗi chúng ta. Khi nhìn thấy mây bay, ta biết mây đang bay trên bầu trời. Nhìn thấy cảnh vật, ta biết đấy là hoa, là người, là vật, là nhà, là sông, là núi... Ai cho chúng ta cái biết ấy? Tự thân chúng ta biết chứ không ai cho cả. Khi nghe âm thanh, ta biết đó là tiếng chim hót, tiếng xe, tiếng hát, tiếng cười, tiếng người, tiếng vật... Cũng không ai cho cái biết ấy cả, tự thân ta biết nghe. Khi mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tự thân chúng ta đều có cái biết. Cái biết ấy phân biệt rõ ràng mọi thứ (Chơn lý “Khất sĩ”).

Một thiền sư nổi tiếng cận đại, Ngài Ajahn Chah cũng từng tâm sự: “Tôi đi tìm khắp nơi một chốn thật thuận tiện hầu giúp tôi thiền định, thế nhưng tôi không ngờ chốn ấy lại đang ở tại nơi này, đang ở bên trong con tim và tâm thức tôi. Mọi phép thiền định cũng chỉ ở nơi này, trong mỗi con người chúng ta. Sự sinh, già nua, bệnh tật và cái chết cũng chỉ ở nơi ấy. Tôi lang thang khắp nơi cho đến lúc kiệt lực, thế nhưng khi dừng lại thì tôi mới khám phá ra rằng những gì tôi đi tìm - nó đang ở trong tôi”. Thật tuyệt diệu ! Truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ chuyên nhất dụng tu trên pháp môn căn bản là Tứ niệm xứ, một phương thức tu tập được chính kim khẩu Đức Thế Tôn truyền dạy vào thời kỳ đầu thành lập Tăng đoàn cũng đặt trên nền tảng quan trọng là hướng dẫn hành giả quay về sự nhận biết nơi tự thân.

Chúng sinh gồm căn thân và chủ thức (là người nhận biết) (Chơn lý “Khất sĩ”). Trong mỗi chúng ta có hai phần thân vật lý và tâm. Mọi nỗi khổ của chúng sinh đều bắt đầu từ sự lầm lẫn đánh đồng xem ta là thân này. Ta là sự nhận biết, là cái biết, không phải là thân tứ đại đất, nước, gió, lửa hợp thành. Vì vậy, Đức Tổ sư thường nhắc nhở chúng ta rằng: “Thế nên, cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là ta, là mục đích của chúng sinh, là chơn lý cuộc đời, là tinh ba vũ trụ”. Có nghĩa là chúng ta thường tập chánh niệm, trở về với chính mình, cũng tức là trở về với tánh biết của mình. Phải hằng nuôi dưỡng sự biết, không để thất niệm đuổi theo những thứ phù phiếm hư huyễn bên ngoài, bỏ quên mất cái biết ấy.

Đức Tổ sư khẳng định rằng chúng sinh không ai mà không có định (Chơn lý “Nhập định”). Chỉ vì lâu nay chúng ta hụp lặn trong mớ vật chất, trong ăn mặc ở bệnh mà xao lãng tánh biết vẫn đang ở trong ta. Bởi vật chất hữu hình hữu hoại, vô thường biến đổi mà ta lại đồng nhất ta với chúng nên vô lượng kiếp rồi chúng ta cứ mãi ngụp lặn trong biển khổ ấy. Không những thân vật lý này không phải là ta mà ý căn cũng không phải là ta. Đức Tổ sư đã phân tích rõ rằng: “Ý dục phát sanh nơi loài cây cỏ trước nhất, khi đến thú thì nó rất ác, được làm người thì ý có chút thiện hơn. Nhưng ý vọng động không ngừng, cho nên ai lấy ý làm ta tức phải chịu khổ sở điên đảo. Vậy ta phải nhốt nó lại và đổi nó ra cái trí là sự hiểu trắng biết phân biệt, có được học thức thì mới khỏi sai lầm theo ý dốt nát muốn càn mà tránh được khổ sở nạn tai. Người sống bằng cái trí sáng láng hay khéo gọi là bậc Trời. Nhưng cái trí khôn ngoan ấy cũng chưa phải là hết khổ sở thất bại, người ta phải cần đổi trí ra làm cái giác, giác là cái biết sáng suốt chắc chắn chơn thật không mê lầm. Chính người sống chơn thật do nơi biết sáng mới vững bền yên vui kết quả, hơn là sự khéo xảo mưu mô của trí” (Chơn lý “Nhập định”).

Ngài lại giảng rõ hơn: “Trí có hai: Trí say và trí huệ! Trí say là biết phân biệt, hiểu trắng đen mà chưa chịu tỉnh dứt bỏ điều vọng quấy. Trí huệ là cái hiểu trắng bằng sự thật hành dứt bỏ được các điều tội lỗi dối trá, giữ được chơn như yên lặng tịnh định chắc thiệt. Cho nên cũng gọi trí huệ là chơn trí, chính chơn trí cũng gọi là giác hay tánh. Vậy thì tất cả cũng là một cái biết, tùy theo mỗi chỗ đặt tên. Cái biết sa ngã theo thọ tình hai lẽ tương đối kêu là ý. Cái biết thấy trắng phân biệt kêu là trí (trí bạch). Cái biết sáng suốt chơn thật tự nhiên kêu là giác. Cả thảy đều là cái biết tâm, nơi ý thức lúc đầu là tâm vọng giả tạm, đến giác chơn sau mới là tâm chơn chắc thiệt vĩnh viễn. Tâm chơn tức là tâm của chư Phật, tất cả y nhau như một, trọn sáng lành. Chẳng phải như tâm vọng non nớt của chúng sanh, kẻ vầy người khác, giả dối hư hoại ác tà, lắm khi tiêu hoại chẳng còn có được” (Chơn lý “Nhập định”).

Đức Tổ sư lý giải về chữ Tâm rất logic và hợp lý. Xưa nay khi bàn đến chữ Tâm, mọi người thường lấy câu Hán ngữ: “Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc, tố Phật giả do tha. Cách ví von chữ Tâm trong bài thơ này thật hay. Chữ Tâm được mô tả là có ba chấm như ba ngôi sao, còn móc câu nằm ngang như ánh trăng nghiêng nghiêng. Làm thân trâu ngựa, mang lông đội sừng là do tâm này, thành Phật cũng chính từ nó mà được. Trong Chơn lý, Ngài lý luận như sau: “Hình của chữ tâm, trên có ba điểm cũng tức là thọ cảm, tư tưởng, hành vi. Còn cái câu móc bên dưới là hình đứa nhỏ, ngồi trong thai bào bụng mẹ, kêu là sắc thân. Vậy nên hình chữ tâm đây là ba ấm: thọ, tưởng, hành, ở trên sắc thân làm sự sống, cái biết và linh thiêng” (Chơn lý “Tâm”). Cách lý giải của Ngài quả thật mới lạ và sâu sắc.

Ngài tạm phân loại như sau, ở nơi thú người, tâm là sự biết; ở nơi trời Phật, tâm là sự linh thiêng, huyền bí, ẩn mật, thần thông, yên lặng, linh diệu, nuôi lớn các cái biết, cái sống, nên gọi tâm Trời Phật là linh diệu (Chơn lý “Tâm”). Lý lẽ này lại một lần nữa cho thấy, rằng chúng ta đã có cái biết, thế nhưng vì lặn ngụp trong hồng trần, để cho tham sân si ngự trị, sự biết nơi tâm dần rơi vào quên lãng. Suốt ngày rượt đuổi vật dục thế thường, đêm về mệt mỏi, chúng ta vắt tay lên trán trằn trọc chưa ngủ vì mãi còn nghĩ ngợi bao điều thị phi, được mất. Chúng ta nào biết suy tư rằng ta từ đâu sinh ra đây? Khi sinh ra chúng ta nào có đem theo món gì gọi là của cải mà giờ đây chúng ta lại cố chấp là của ta? Ta nào biết rằng mình đã, đang và sẽ vay mượn rất nhiều từ xung quanh. Sẽ có một ngày từ giã cõi tạm này, ta lại mang theo được gì? Thế sao hôm nay ta lại ích kỷ bỏn xẻn chỉ biết mình, người thân mình? Ta trách một tên trộm vật thực của người khác, sao ta không nghĩ lại chính người được gọi là chủ nhân kia còn trộm nhiều thứ lớn lao hơn của vũ trụ. Ông ta đã trộm đất, trộm nước, đốn cây, giết thú... Cây cỏ kia tưởng chừng vô tình nhưng chúng vẫn đau đớn run lên từng hồi dưới nhát búa của con người. Thú vật kia tưởng chừng ngu si đần độn nhưng chúng đang kêu khóc thảm thiết giãy giụa van xin con người cho được sống. Chúng ta thật sự chìm trong mộng mị của tham lam, sân hận, si mê, không thấy rõ đạo lý sống. Làm người có cái biết, phải giữ cái biết ấy hằng sáng, biết phân biệt, biết bao dung thương yêu người vật đang còn ở mức tiến hóa thức tri chưa cao. Ngược lại, chúng ta đang tâm giành giật, hơn thua, hiếp đáp kẻ yếu chẳng chút xót thương. Chúng ta ít khi nhìn lại mình nhưng luôn thích nhìn ngó kẻ khác. Chúng ta thích nói tốt về mình và thích nói, thích nghe chuyện xấu của người. Bản nhân tâm trong mỗi chúng ta chính là kho báu vĩnh cửu sẵn có trong nhà, nhưng chúng ta chẳng nhớ nổi, giữ gìn, chẳng phát huy nó khởi sắc tốt đẹp thánh thiện hơn (Chơn lý “Tâm”).

Cũng bởi lầm chấp thân này trường tồn bất hoại, tìm kiếm rượt đuổi mớ danh lợi vật chất hư huyễn bên ngoài để vun bồi sắc thân, tưởng đấy là vui. Nào ngờ thân tứ đại luôn bị vòng quay vô thường chi phối, luân hồi sinh tử vô lượng kiếp rồi, chúng ta cứ mãi loanh quanh trong dòng ái hà vui ít khổ nhiều không sao thoát ra được. Chính vô minh si mê khỏa lấp ánh sáng trí tuệ trong tự thân khiến chúng ta lao đao như thế. Chỉ cần một bước nhảy vượt khỏi chấp thân này tức thì an lạc, chơn như, tịch tĩnh liền tràn ngập cả thế giới. Nhà tối vô minh ngàn năm nhưng chỉ cần một tia sáng từ đuốc tuệ vô ngã soi vào, bóng tối liền tan biến như chưa từng có. Thế nên, sự tu học rất cần thiết để mời gọi tia sáng ấy trở về. Làm người cần phải tu học. Cái biết ấy chính là học, cái khổ là tu, cái sống là sống mãi (Chơn lý “Khổ và Vui”).

Đức Tổ sư mở ra trước mắt mọi người một trú xứ trang nghiêm thuần tịnh, chỉ luôn nghe thấy tiếng an vui, lành thiện, người đời gọi cảnh ấy là xứ thiên đường hay Cực lạc giới. Con người ta chính bởi khi hiểu rõ được vạn pháp trong thế giới này đều do nhiều nhân duyên kết hợp tạo thành, nên người ta không còn tham luyến thân này, không còn mến tiếc của cải, thân tâm thảnh thơi nhẹ nhàng. Do vì hiểu rõ không có một cái ta nào chủ tể cả nên con người ta sống một đời đúng với chơn lý, tự tại trước vô thường thay đổi của mọi sự mọi vật. Chúng sinh trở về với tánh biết và biết hoàn toàn viên mãn, chính là Phật toàn giác vậy. Nơi đây là xứ thiên đường, là cõi Cực lạc bởi chúng sanh không còn tranh chấp, tự trở về tánh biết rỡ ràng nơi tự thân, đời sống tự nhiên, hòa ái, tùy thuận, an lạc, hạnh phúc (Chơn lý “Xứ thiên đường”).

Để người tu học hiểu rõ mà tu tập, Đức Tổ sư chỉ rõ: “Ở trong xứ Cực lạc, người ta chỉ thờ ba cái mục đích chơn lý của võ trụ là cái sống, cái biếtcái linh, mà nơi mỗi sắc thân đều có. Người ta cho đó là của cải sự việc của người ta, rồi người ta đã giác ngộ Phật là không còn đi lo những việc sái quấy, bậy bạ vô ích bên ngoài nữa. Muốn sống khi đã có cái sống là phải sống chung, học giáo lý sống chung, tập chung sống. Muốn linh là cứ để tâm định yên lặng nó sẽ linh, phải học tập cái linh trong yên lặng ấy. Đã có cái biết là phải học tập cho biết khắp cả sự vật các pháp, bằng sự thật giác ngộ, toàn giác. Cái sống, biết, linh của ta phải dung hòa với cái sống biết linh của võ trụ, là tứ đại vạn vật, yên lặng và các pháp. Đó tức là đạo đức của võ trụ chơn lý, mà không ai trái cãi để tự chiêu kỳ họa. Bởi dân trong xứ Cực Lạc sống chung tu học bằng ba mục đích như nhau có một, nên miếng đất ấy được trong sạch lắm, người ta mới kêu là Tịnh độ hay Tịnh thổ” (Chơn lý “Đời đạo đức”).

Ngài còn chỉ bảo chi tiết hơn, đó là muốn học cái biết cần phải để tâm yên lặng, trống không. Bởi vì chỉ khi nào tâm không, chúng ta mới nhớ chứa ra hết thảy sự học, mới nghiên cứu quán xét rõ ràng, mới tịnh định được. Lại nữa, muốn được tâm không thì đừng say đắm nơi cái có, đừng để rối loạn theo sự suy nghĩ hay buồn vui mừng giận, thương ghét, muốn ưa nơi ngoại cảnh (Chơn lý “Đi học”).

Trong dòng chảy Phật giáo suốt hơn 26 thế kỷ nay, mọi dòng truyền thừa tùy duyên theo quốc độ, tập tục văn hóa con người mà phổ hóa giáo pháp, đem lợi lạc đến chúng sinh, song điểm trọng yếu vẫn chú trọng pháp tu tập chuyển hóa tâm thức. Dù là 20 tông phái Phật giáo thời bộ phái, hay 10 tông phái Phật giáo ở Trung Hoa, hay các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản, việc tu tập như thế nào để trở về với sự nhận biết nguyên sơ mới đáng được tôn vinh, trân trọng. Dù thiền Nguyên thủy, thiền Đại thừa, thiền Vipassana hay thiền Đông độ,... hết thảy đều quy chiếu về một nền tảng tu tập căn bản, đó là quán tâm. Đạo Phật Khất Sĩ ra đời về mặt lịch sử tuy muộn màng, song pháp tu của Hệ phái vẫn không hề lỗi nhịp với dòng chảy tu tập tìm về mạch nguồn giải thoát giác ngộ của đạo Phật. Trở về với cái biết ban sơ và làm cái biết thăng hoa trở thành cái linh, cái giác là điều mỗi người tu học Phật đều đang cố gắng hướng về thực tập.

TKN.TS. Liên Hòa Tịnh xá Ngọc Túc – An Khê – Gia Lai

Từ khóa » Hoành Câu Tợ Nguyệt Tà