Cái Cao Cả, Cái Bi, Cái Hài Trong Phạm Trù Thẩm Mỹ?
Có thể bạn quan tâm
Trong phạm trù thẩm mỹ, chúng ta cùng nhau đi qua một vài nét khám phá về cái cao bi, cái hài, cái cao cả trong phạm trù thẩm mỹ như thế nào?
Mục lục bài viết
Đó là một trong nhiều vấn đề mà nhiều người đang quan tâm và tìm hiểu thêm.
Cái Cao Cả trong Phạm Trù Thẩm Mỹ như thế nào?
Cái cao cả với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ bước vào lịch sử mỹ học khá muộn. Chỉ trong thời đại khai sáng nó mới có được ý nghĩa độc lập, mặc dù những hiện tượng cao cả đã được phản ánh, trong nghệ thuật rất sớm, và trong thời cổ La Mã, đã có công trình Bàn Về Cái Cao Cả của Longinus (213 – 273).
Cái cao cả là đặc tính của các hiện tượng, sự vật khách quan, hay là sản phẩm thuần túy của đầu óc con người? Tùy theo quan điểm triết học khác nhau, các nhà mỹ học đã trả lời theo cách khác nhau.
Cái cao cả tồn tại khách quan, vốn là đặc tính của các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ của nó, đối với con người. Cái cao cả là cái có tầm vóc lớn lao, phi thường, có thể gây ra ở con người cảm giác choáng ngợp chiêm ngưỡng, kính phục, đôi khi pha lẫn chút bối rối sợ hãi.
Cái cao cả có trong tự nhiên (giông bão, thác đổ, núi cao, sông rộng, trời xanh, biển động, …) trong xã hội (các biến động lịch sử, chiến công, các vĩ nhân, anh hùng, du lịch, …) và trong nghệ thuật (hình tượng Promete trong tác phẩm Estelle hay hình tượng Thánh Gióng trong truyện cổ Việt Nam, … ).
Phạm trù cái cao cả không chỉ liên quan đến đặc tính của các sự vật, hiện tượng khách quan, mà còn có quan hệ với tính cảm chủ quan của con người. Có cái cao cả của núi ngất trời, nhưng đồng thời cũng có cái cao cả của tình cảm, khát vọng. Trong nghệ thuật, cái cao cả được tạo thành bằng cả hai nguồn đó.
Cái cao cả có những điểm gần gũi với cái đẹp (Hegel cho rằng, cái đẹp ở mức tuyệt đỉnh, đó là cái cao cả). Nét tương đồng chủ yếu giữa hai loại hiện tượng này, là cả hai đều gợi ra những cảm giác tích cực. Cái đẹp là ước mơ, lý tưởng gần gũi, dịu dàng.
Cái cao cả là lý tưởng cao siêu, con người chủ yếu chỉ chiêm ngưỡng, hướng tới nhưng dường như không dám ước mơ đạt tới. Đồng nhất cái cao cả với cái đẹp là tước mất tầm vóc, sự kỳ dị của nó. Ngược lại, đối lập hai cái với nhau, sẽ làm cho cái cao cả chỉ còn là cái gì ghê gớm, đáng sợ, mất đi chất lãng mạn, vẻ huyền bí rất hấp dẫn.
Cái cao cả rất cần cho đời sống. Nó làm cho cuộc sống không bị tầm thường, và nhỏ bé đi, làm cho thế giới hiện ra lúc nào cũng to lớn, hùng vĩ, khó khăn nhưng cũng đầy cảm hứng về những thử thách, chiến công, sự phiêu lưu và những hành động phi thường.
Cảm giác về cái cao cả biến đổi lịch sử trong quá trình chinh phục tự nhiên và xã hội của con người, dòng sông hôm nay chảy xiết hung dữ, nay đã trở nên hiền hòa, núi ngày xưa cao hiểm trở, không có dấu chân người, nay đã có đường xe lửa chạy qua, nhà mọc ngay trên đỉnh.
Nhưng… Cái cao cả không bao giờ mất, lại sẽ xuất hiện những hiện tượng mới chưa bị chinh phục, chưa được nhận thức.
Sự sùng bái, khuất phục hoàn toàn cái cao cả để dẫn đến thủ tiêu óc sáng tạo, tính tích cực chủ quan, đến sự phục tùng mù quáng. Đồng thời coi thường cái cao cả, không xem có cái gì thiêng liêng nữa, cũng sẽ làm cho cuộc sống trên nên buông thả, tầm thường.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nghệ thuật, nhất là nghệ trong những bước ngoặt trọng đại của lịch sử, là dấy lên ở con người tình cảm cao cả, lớn lao: David của Michel Ange, Tự Do Trên Chiến Lũy của Delacroix, Giao Hưởng Anh Hùng của Beethoven, Hamlet của Shakespeare,…
Nghệ thuật thấm nhuần chất lý tưởng nhưng không chấp nhận sự lý tưởng hóa đơn điệu. Bằng cảm hứng anh hùng và lãng mạn chân chính, nó chắp cánh cho con người bay tới những chiến trong sự nghiệp cải tạo hoàn cảnh và biến đổi thế giới.
Cái Bi trong Phạm Trù Thẩm Mỹ như thế nào?
Cái bi là một phạm trù thẩm mỹ khác với cái bi kịch là một thể loại của văn học kịch và sân khấu. Cái bi được đề cập một cách sâu sắc, và hệ thống lần đầu tiên trong tác phẩm “Thi Pháp Học” của nhà lý luận cổ Hy Lạp Aristote.
Khi nói cái bi là một phạm trù thẩm mỹ, rõ ràng chúng ta thấy khái niệm thẩm mỹ ở đây có nội dung rất khác với cái đẹp. Cái đẹp có cả trong tự nhiên và xã hội, cái bi như một phạm trù thẩm mỹ chủ yếu chỉ có trong nghệ thuật.
Cái đẹp có cả trong nội dung và hình thức của nghệ thuật, còn cái bi chủ yếu chỉ có trong nội dung tác phẩm. Cái đẹp thì vui, hào hứng, còn cái bi thì buồn, đau thương, mất mát. Cái đẹp gắn với sự hài hòa, còn cái bi thì với sự xung đột.
Bản chất của cái bi là sự xung đột. Nội dung cụ thể của xung đột này thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, và có những biểu hiện độc đáo trong từng lĩnh vực khác nhau.
Chẳng hạn, trong nghệ thuật cổ Hy Lạp nó thường hiện ra như mâu thuẫn giữa con người và định mệnh. Trong chủ nghĩa cổ điển thì đó là giữa dục vọng và nghĩa vụ.
Còn trong nghệ thuật phương Tây hiện đại thì đó là xung đột giữa cá nhân và xã hội, con người và hoàn cảnh. Hoàn cảnh này có thể được mô tả dưới dạng những lực lượng xã hội đen tối và độc ác (như trong Chí Phèo của nhà văn Nam Cao) hoặc những chuẩn mực đạo đức quan phương trống rỗng, tàn nhẫn (như trong Anna Karenina của L.Tolstoi).
Do chỗ cái bi là sự xung đột giữa tự do và tất yếu, nên nó không bị hạn chế chỉ trong phạm vi cá nhân. Có những cái bi cá nhân (trong tình yêu, gia đình) và có cả những cái bi lịch sử (như thất bại của phong trào yêu nước).
Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, có những tác phẩm chủ yếu mô tả số phận bi kịch của cá nhân, có những tác phẩm khác dành cho những xung đột xã hội, lịch sử. Đồng thời cũng có những tác phẩm mà trong đó, đằng sau cái bi cá nhân, hiện ra những xung đột xã hội to lớn, mang tầm vóc lịch sử.
Hamlet của Shakespeare chẳng hạn, là một trong những tác phẩm như vậy. Cái bi thường gắn với sự mất mát, đau thương. Song không phải xung đột nào dẫn đến mất mát đau khổ cũng đều mang tính bi.
Nhà văn Anh thế kỷ XIX là J Ruskin có nói rằng, thơ ca chỉ có thể lên tiếng về nỗi buồn của cô gái khóc thương tình yêu trong trắng bị tan vỡ, chứ không thể viết về giọt nước mắt của kẻ hà tiện đánh mất tiền.
Cũng tương tự như vậy, nhân vật và lực lượng bi kịch phải có sức mạnh lớn lao, phẩm chất cao cả, đại diện cho sự phát triển tiến bộ của lịch sử, mang trong mình những lý tưởng đẹp đẽ, khát vọng chân chính.
Tính cách nhân vật bi kịch không thể yếu đuối, càng không thể tiêu cực hoặc phản động. Sự kháng cự của những lực lượng đã mất hết ý nghĩa tiến bộ, bị lịch sử bỏ rơi không còn chất bi, mà ngược lại chỉ mang tính hài sâu sắc. Các bi là sự mất mát, nhưng là sự mất mát của lý tưởng, của cái cao cả, cái đẹp.
Bởi vậy, cái bi rất gần gũi với cái cao cả. Việc thể hiện trong nghệ thuật, những xung đột mang tính bi có ý nghĩa nhận thức và giáo dục rất sâu sắc. Nó giúp chúng ta lĩnh hội cuộc sống trong sự phong phú, phức tạp có thật của nó.
Đồng thời khơi dậy những tình cảm cao cả, lành mạnh, kích thích những hành động mãnh liệt, và sự tham gia tích cực hoạt động thực tiễn.
Cái Hài trong Phạm Trù Thẩm Mỹ như thế nào?
Cái hài được nghiên cứu rất sớm. Các nhà tư tưởng thời cổ Hy Lạp như Platon, Aristote đã xem xét và nêu lên những tư tưởng sâu sắc về đặc điểm của cái hài. Quan niệm của Kant, Diderot, Schiller, Hegel, Tchernychevski về cái hài.
Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng đều chứa đựng những kiến giải độc đáo, nhiều điều cho tới ngày nay vẫn còn có giá trị. Việc tìm hiểu cái hài thể hiện nguyện vọng muốn khám phá bản chất của một kiểu quan hệ đặc thù của con người đối với thế giới, một hình thức độc đáo của nhận thức và đánh giá hiện thực trong nghệ thuật.
Bởi vì khác với cái đẹp, cái hài không phải là một phạm trù thẩm mỹ phổ biến, mà trước hết là một phạm trù thẩm mỹ của nghệ thuật. Cái hài thường gắn bó với cái cười. Không thể hình dung cái hài thiếu cái cười. Song cũng không phải cái cười nào cũng mang tính hài.
Khi bị cù, khi trong lòng cảm thấy sung sướng, thỏa mãn, người ta có thể cười. Đó là cái cười thiên về bản năng, sinh lý. Cái cười mang tính hài đòi hỏi, trước hết phải có một đối tượng cười, tức là cái có thể gây cười và bị cười.
Vậy những gì có thể gây cười? Trong cuộc sống rất nhiều hiện tượng có thể gây cười, mỗi thứ một vẻ, hết sức đa dạng. Song nói chung, những cái gây cười, xét về bản chất là cái có mâu thuẫn, hiểu như là sự đối lập, không cân xứng, không hài hòa.
Khái quát lại, đó có thể là mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, giữa bộ phận với toàn thể, giữa ý nghĩa và phương tiện, giữa ước muốn và khả năng thực tế, giữa cái được phép và cái không được phép, quen và không quen, bình thường và không bình thường.
Có cái có thể gây cười (đối tượng) rồi còn phải có chủ thể cười. Đây là mặt thứ hai, mặt chủ quan, của cái hài, không có nó, không có cái hài. Bản thân đối tượng cười không thể gây nên tiếng cười, nếu chủ thể không nhận thức được những mâu thuẫn chứa đựng trong nó.
Điều này, giải thích vì sao có người xem tranh vui, đọc truyện cười, mà vẫn không cười, đến lúc hiểu ra thì mới cười. Cái hài, do vậy là một kiểu nhận thức. Đặc điểm của loại nhận thức gắn với tiếng cười là sự phát hiện ra một số loại mâu thuẫn nào đó trong sự vật, hiện tượng và quan sát chúng ở một bình diện khác, từ một phía khác, từ góc độ của cái buồn cười.
Xét theo phép biện chứng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Platon đã từng viết: “Trong thực tế, không thể nhận thức được cái nghiêm chỉnh nếu thiếu cái buồn cười, và nói chung, cái đối lập được nhận thức nhờ cái đối lập với nó”.
Đồng thời, tiếng cười trong cái hài cũng mang khuynh hướng xã hội, thể hiện không chỉ nhận thức mà còn cả thái độ. Cười là một hình thức chế ngự cái xấu.
Dám cười cái xấu tức là dám tin, tự khẳng định sự tốt đẹp của mình hoặc ít ra thì cũng là tự thừa nhận ngẫm rằng cái xấu là xấu, là đáng ghét, đáng cười. Cái hài là một hình thức đánh giá, thể hiện trình độ con người, làm chủ đối tượng, làm chủ bản thân mình.
“Khi cười cái xấu, chúng ta trở nên cao hơn nó”. Cái cười chân chính, bởi vậy không thể là vũ khí của kẻ yếu, của những lực lượng đã mất hết vai trò lịch sử. Nó thuộc về chính nghĩa về tương lai. Cái hài có nhiều loại. Sự đa dạng này phụ thuộc cả vào tính chất nhiều màu nhiều vẻ của đối tượng, có thể gây cười lẫn chủ thể cười. Nhìn chung, có mấy loại sau:
– Hài hước: Ở đây cái cười xuất phát từ những mâu thuẫn bề ngoài, và mang tính chất nhẹ nhàng, thoải mái.
– Dí dỏm: Cái hài ở đây có tính chất trí tuệ hơn, những sự đối lập gây cười, nằm sâu trong bản chất sự vật, hiện tượng hơn. Tiếng cười trong trường hợp này thường có ý nghĩa nhận thức.
– Châm biếm, mỉa mai: Tiếng cười ở đây bắt đầu mang màu sắc phê phán, nhưng mức độ còn nhẹ nhàng, không mang tính chất thù địch, nó dành cho những hiện tượng buồn cười, thậm chí mùa quáng nhưng có thể sửa chữa được.
– Đả kích: Loại hài này thể hiện khuynh hướng xã hội mạnh mẽ nhất. Sự phê phán ở đây mang tính chất phủ định. Trong trường hợp này có thể không có tiếng cười, hoặc chỉ cười một cách nghiêm chỉnh.
Các loại hài trên đây, đều có ý nghĩa xã hội riêng của mình. Không nên coi thường tiếng cười hài hước, vui tươi, nhẹ nhàng, xem nó như thứ gì vô bổ.
Mặt khác, cũng phải chú ý sao cho tiếng cười không chỉ đa dạng phong phú, mà còn có ý nghĩa nhờ có chất trí tuệ và khuynh hướng xã hội sâu sắc. Cái hài vượt ra ngoài khuôn khổ của nghệ thuật. Nó thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần chung của con người.
Nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất của cái hài. Nhưng cũng có khi “văn hóa cười” (chữ dùng của các nhà bác học Xô Viết M. Bakhtin) của xã hội không bộc lộ trong nghệ thuật chính thống, mà thể hiện rất phong phú trong các sinh hoạt văn hóa khác, và một phần trong văn học dân gian, như thời kỳ trung thế kỷ ở Châu Âu.
Vấn đề vị trí của văn hóa cười dân gian trong đời sống tinh thần của xã hội, cũng như ảnh hưởng mối quan hệ của nó với văn học viết, với các nhà văn, nhà thơ trào phúng, là một vấn đề rất hấp dẫn.
Trải qua nhiều thế kỷ phát triển, nghệ thuật đã làm cho cái hài trong phong phú hơn rất nhiều. Loại hình nghệ thuật nào cũng có các thể loại hài, chẳng hạn như thơ trào phúng, truyện tiếu lâm trong văn học, hài kịch trong sân khấu, tranh châm biếm đả kích trong hội họa, phim hài trong điện ảnh,…
Các thủ pháp tạo cái hài cũng đa dạng và mỗi ngày càng được hoàn thiện dần (nói thêm, nói bớt, tạo kết cấu bất ngờ, chơi chữ, sử dụng động tác ngoại hình, cử chỉ, nét mặt, … )
Cái hài có ý nghĩa xã hội rất quan trọng, bởi vì tiếng cười gắn với nó, xuất phát từ nhận thức và đánh giá đối tượng, sẽ đem lại niềm vui, sự sảng khoái, và do đó cũng là sức khỏe cho con người. Tiếng cười thể hiện sự thông minh, sức mạnh và phẩm chất của con người.
Hơn nữa, tiếng cười còn là một vũ khí phê phán các thói hư tật xấu và đấu tranh chống các lực lượng kìm hãm tự do, và sự phát triển của con người. Mức độ phổ biến của cái hài là một trong những biểu hiện nói lên nhu cầu và trình độ dân chủ hóa của xã hội.
Lê Ngọc Trà Lâm Vinh Huỳnh Như Phương
Bạn đang xem bài viết: Cái Cao Cả, Cái Bi, Cái Hài trong Phạm Trù Thẩm Mỹ Link https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cai-cao-ca-cai-bi-cai-hai-trong-pham-tru-tham-my.html
Home > Mỹ Học Đại Cương > Cái Cao Cả, Cái Bi, Cái Hài trong Phạm Trù Thẩm MỹTiêu đề bài viết: Cái Cao Cả, Cái Bi, Cái Hài trong Phạm Trù Thẩm MỹChuyên mục: Mỹ Học Đại CươngNgày đăng: February 14, 2024Tác giả: Lê Ngọc TràLượt xem: 2239 viewsWebsite: https://myhocdaicuong.comLink bài viết: https://myhocdaicuong.com/dai-cuong/cai-cao-ca-cai-bi-cai-hai-trong-pham-tru-tham-my.htmlTừ khóa » Cái Bi Trong Mỹ Học Là Gì
-
Cái Bi Là Gì?
-
Cái Bi Trong Mỹ Học - Tài Liệu Text - 123doc
-
Bàn Về Cái Bi Trong Mỹ Học - 123doc
-
Cái Bi - Từ điển Wiki
-
Cái Bi Là Gì? Định Nghĩa, Khái Niệm - LaGi.Wiki
-
CÁI BI - Cộng đồng Học Tập 24h, Học,học Mọi Lúc, Học Mọi Nơi.
-
Bản Chất Của Cái Bi - Weblog Đào Duy Thanh
-
CÁI BI THÌ SAO? Người Ta Nhắc Nhiều Về “Cái đẹp” Trong Nghệ Thuật ...
-
Cái Bi Trong Hệ Thống Phạm Trù Mĩ Học, Biểu Hiện Và Giá Trị Thẩm Mĩ ...
-
Cái Bi Trong Một Số Loại Hình Nghệ Thuật Dưới ánh Sáng Mỹ Học Mác
-
[PDF] VAI TRÒ CỦA CÁI BI TRONG GIÁO DỤC THẨM MỸ
-
Vai Trò Và ý Nghĩa Của Cái Bi - Prezi
-
Tiểu Luận Bàn Về Phạm Trù Cái Bi - Tài Liệu đại Học
-
Nỗi Buồn Của Chiến Tranh Hay Mỹ Học Của Nỗi Buồn