Nỗi Buồn Của Chiến Tranh Hay Mỹ Học Của Nỗi Buồn

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh viết về một đề tài đã quen thuộc - đề tài chiến tranh. Cái mới ở tiểu thuyết này được dồn tụ trong cái nhìn và cảm hứng bi kịch, mặc dù mới chỉ là thử nghiệm ban đầu nhưng đã đạt được thành công trong kỹ thuật dòng ý thức. Cái bi và cảm hứng bi kịch trở thành vấn đề được giới nghiên cứu quan tâm, trong đó tập trung xác lập hệ thống lý luận về cái bi cũng như biểu hiện của nó trong văn học. Tuy nhiên, nghiên cứu cái bi trong Nỗi buồn chiến tranh vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Vì vậy, từ góc nhìn mỹ học, nghiên cứu này góp thêm một hướng tiếp cận Nỗi buồn chiến tranh, cũng như tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Cái bi là “phạm trù mỹ học phản ánh một hiện tượng có tính quy luật của đời sống xã hội thường diễn ra trong cuộc đấu tranh không ngang sức giữa cái thiện với cái ác, cái mới với cái cũ, cái tiến bộ với cái phản động... trong điều kiện những cái sau còn mạnh hơn những cái trước” (1). Bản chất của bi kịch là sự đấu tranh hiện thực giữa cái tự do trong chủ thể và cái tất yếu của hiện thực khách quan. Cuộc đấu tranh ấy kết thúc không phải bằng cách bên này hay bên kia chiến bại mà bằng cách cả hai bên cùng một lúc vừa chiến bại, vừa chiến thắng đến mức không thể phân biệt. F.Shelling chỉ rõ: “Bi kịch xuất hiện khi có sự xung đột không thể hòa giải giữa các giá trị đồng đẳng. Giá trị nào bị hy sinh hay bại vong trong cuộc xung đột ấy cũng là tổn thất không thể bù đắp, là thương tích không thể chữa lành. Chính vì thế, trong bi kịch thực thụ không có người chiến thắng, không thể có khúc khải hoàn” (2). Từ những nhận định này, chúng tôi nhìn nhận cái bi ở những phương diện sau: cái bi phản ánh mối xung đột giữa lý tưởng cao đẹp và thực tại không thể thực hiện được; các mối xung đột xã hội phải được chuyển hóa vào trong đời sống cá thể với những mâu thuẫn nội tâm, được chủ thể nhận thức một cách tỉnh táo thì vẻ đẹp bi kịch mới được phát lộ một cách rõ nét; kết thúc bi kịch có thể là sự thất bại của cái tốt đẹp, cái cao cả, nhưng sự thất bại ấy không phải là vĩnh biệt cuộc đời mà nó đi vào ký ức và kinh nghiệm lịch sử của nhân dân bất tử; đó cũng có thể là xung đột không thể hòa giải giữa các giá trị đồng đẳng, đồng cấp. Cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn còn ngang sức ngang tài, đang nỗ lực đấu tranh để duy trì sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, ở dạng thức biểu hiện nào thì cảm hứng chủ đạo của bi kịch vẫn là khẳng định sự bất tử, những ước vọng bất tử của con người.

Tóm lại, bản chất thẩm mỹ của cái bi được nhìn nhận ở ba góc độ: Xung đột bi kịch, xung đột giữa hành động tự do của nhân vật và cái tất yếu của kết cục bi thảm mà nhân vật tự ý thức được. Nhân vật bi kịch bao giờ cũng là hiện thân của cái đẹp, cái cao cả. Đó là con người ý thức rất rõ về hành động tự do của mình, về mục đích cao cả của đời mình cũng như thực tế tất yếu không thể thực hiện được. Trong xung đột với cái xấu, nhân vật bi kịch thường phải chịu số phận bất hạnh, thậm chí là cái chết. Tuy nhiên, cái chết của họ được người đời ngợi ca, nó khẳng định sự bất tử của sức mạnh tinh thần ở con người. Xúc cảm bi kịch được thể hiện ở khả năng khơi gợi của nó với độc giả. Bi kịch có khả năng tạo ra một cảm xúc thẩm mỹ phức hợp, bao hàm cả nỗi xót đau, niềm hân hoan lẫn nỗi sợ hãi khủng khiếp. Cái bi lên tiếng thúc đẩy con người đấu tranh, phấn đấu để bảo vệ cái đẹp, đem lại niềm tin vào cái đẹp, cái thiện chứ không phải sự bi quan, bi lụy. Bi kịch chân chính không bao giờ làm mất niềm tin vào sự vĩ đại của con người.

Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện của người lính tên Kiên, đan xen giữa cuộc sống hiện tại hậu chiến với hai luồng ký ức về chiến tranh và mối tình đầu với cô bạn học tên Phương. Câu chuyện xảy ra trong thế giằng co, đan xen phức tạp, có khi xung đột mạnh mẽ giữa hiện tại - quá khứ - tương lai. Trong không gian đa chiều ấy, nhân vật bộc lộ dòng suy tưởng đan cài với những nỗi đau giằng xé. Với một cách nhìn nhận mới về tình yêu, về chiến tranh - miêu tả chiến tranh dưới góc độ cá nhân, thân phận con người, Bảo Ninh đã đi sâu khai thác những bi kịch trong đời sống nội tâm nhân vật, đồng thời qua đó, làm phát lộ những ý nghĩa nhân sinh sâu bền của tác phẩm. Kiên - nhân vật chính trở thành trung tâm, làm phát lộ vẻ đẹp bi kịch của toàn thiên tiểu thuyết, từ xung đột bi kịch đến xúc cảm bi kịch và bản thân anh cũng chính là nhân vật bi kịch thực thụ. Vì vậy, trong bài viết, chúng tôi cố gắng thể hiện những biểu hiện cái bi trong Nỗi buồn chiến tranh ở nhân vật trung tâm này.

Kiên vốn là người lính trinh sát của tiểu đoàn 27, người duy nhất sống sót trở về với cuộc sống hòa bình. Về với cuộc sống ấy, anh không quên quá khứ, anh sống bằng quá khứ với những hồi ức triền miên về chiến tranh, về đồng đội và cả những trăn trở vật vã về ý thức của một nhà văn. Trong những hồi ức ấy, Kiên đều rơi vào tình trạng day dứt bất ổn, nhiều khi bấn loạn. Kiên luôn mơ ước có một cuộc sống hòa bình, từng hy vọng “cùng với mùa xuân, tuổi trẻ của anh sẽ trở về, tất nhiên không phải dưới hình hài trẻ trung như trước mà sẽ trở về trong hình thái bản chất nhất của nó với ý nghĩa tất cả có thể hồi phục và tái sinh tất cả đều có thể làm lại, ngay cả số phận, ngay cả tình yêu”. Mơ ước ấy cho anh một niềm tin vững chắc vào cuộc đời: “Hãy cứ biết rằng không chỉ có một cuộc đời mới mà có cả một thời đại mới đang đến cùng anh phía trước”. Như một niềm thôi thúc mãnh liệt, Kiên đã đối mặt với cuộc sống thường nhật, anh biết rằng cuộc đời anh có thể sẽ tối tăm đau đớn nhưng rạng ngời hạnh phúc. Kiên tâm niệm quên đi tất cả, khuyên mọi người hãy quên đi cái đã qua mà sống cho hiện tại, sống với hòa bình. Nhưng chính anh lại nhận thấy “quên thật là khó. Nói chung chẳng biết đến bao giờ lòng mình mới thể nguôi nổi, trái tim mình mới có thể thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỷ niệm chiến tranh”. Những năm tháng sau này, anh khẳng định “không được quên, không được quên tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này. Số phận chung của chúng ta, cả người sống lẫn người chết”. Khẳng định không được quên, tâm hồn anh cứ lùi về quá khứ, sống bằng ký ức về thời kỳ đã qua. Quá khứ về cuộc chiến tranh, về những người đồng đội, quá khứ về mối tình và quá khứ của chính anh... Tất cả chẳng thiếu một chi tiết nào của cuộc đời chiến đấu đã sống dậy trước mắt Kiên, vừa lần lượt, vừa đồng hiện, vừa thoáng lướt, vừa chậm rãi trôi qua. Như vậy, mâu thuẫn giữa khát vọng hòa bình với những ám ảnh của quá khứ đã đẩy nhân vật vào vòng xoáy nghiệt ngã. Luôn tâm niệm phải quên đi quá khứ nhưng ý thức không cho phép Kiên quên. Bản thân mâu thuẫn này chưa dẫn Kiên đến bi kịch của đời anh. Nhưng nó sẽ là đối sánh không thể nào khác được khi anh trở về với thực tại cuộc sống thời bình. Kiên nhìn thấy cái nghịch lý của chiến tranh, ở đó “chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc, bạo lực phi nhân cũng đã thắng”. Trở về với cuộc sống thời bình, anh cũng xót xa nhận thấy “ở cái sự bình yên này, cảnh cuộc sống này, cảnh trời yên biển lặng là cả một nghịch lý quái gở” với những cái tầm thường và thô bạo. Hòa bình và quá khứ như đang đối chất trong con người Kiên khiến anh rơi vào bấn loạn. Mơ ước hòa bình và hòa bình đã có nhưng không thể sống được với nó. Anh chỉ có thể sống bằng kí ức, kí ức ấy lại quá buồn đau. Dẫu vậy, nó vẫn là sức mạnh để anh có thể sống, đối mặt với cuộc sống thời bình. Hai thái cực luôn đấu tranh trong thế giằng co, tạo nên tính chất chất nghiệt ngã trong bi kịch cuộc đời Kiên.

Bi kịch trong cuộc đời Kiên còn được định giá bởi mâu thuẫn trong những quan niệm giá trị khác nhau mà ý thức của Kiên nhận thức rất rõ cũng như tự nguyện trả giá cho sự đối chất ấy. Nỗi buồn chiến tranh với khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn con người đã để nhân vật bộc lộ đến cùng những quan niệm sống trong sự đối sánh đụng độ không thể thỏa hiệp. Kiên mâu thuẫn với cha của mình, một người suốt đời hão huyền và mộng du, một người tử vì đạo để rồi khi anh thể hiện chữ hiếu thì cũng chính là lúc cha anh đã từ giã cõi đời. Kiên ý thức rất rõ về tình yêu của mình với Phương. Trong tình yêu đó, không phải anh mà chính Phương mới là người chủ động. Nhưng những biến cố của chiến tranh đã khiến Phương thay đổi. Phương thay đổi hay là một sự thích nghi đầy nước mắt để chấp nhận quên đi? Trong số rất nhiều nhân vật nữ của Nỗi buồn chiến tranh, Phương là người duy nhất trải qua quá khứ đau thương để cùng với Kiên thấm thía nỗi đau hiện tại và tương lai tan vỡ. Nếu như khoảng cách chiến tranh khiến cho hai người phải xa nhau thì hòa bình trở lại, khoảng cách một bức tường lại là “sự đụng độ âm thầm, mãnh liệt giữa hai quan niệm sống”, trở thành nguyên nhân sâu xa của sự tan vỡ, của bi kịch đời Kiên.

Một lý do nữa khiến cho Kiên chồng lớp những bi kịch: anh là một nhà văn, một nhà văn ý thức rất rõ về trách nhiệm và bổn phận của mình và hơn ai hết con người đó sẵn sàng theo đuổi những khát vọng, những suy tư của mình. Với Kiên, “sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ sống mãi trong tâm hồn anh trước tiên như một lời trăng trối”. Kiên hiểu rất rõ số mệnh cuộc đời anh phải nói được nội dung của lời trăng trối ấy mặc dù việc nhận thức ra lời trăng trối đó cũng chẳng mang lại gì cho đời sống hiện tại. Đã có lúc, Kiên tìm ra được lối thoát cho cuộc đời mình, cho ngòi bút của anh: “Sống ngược trở lại, lần tìm trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu… Kể lại, viết lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa”. Kiên cũng hiểu một cách sâu sắc và tỉnh táo sự nghiệp bút nghiên của mình, “một sự nghiệp không có mục đích nào khác ngoài định hình trên trang giấy những giấc mộng quá khứ, những ám ảnh và những vang âm sắp mai một của thời đã qua”. Tuy nhiên, bên cạnh niềm hy vọng và niềm tin vào thiên chức, anh luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình. Không tin vào mình, Kiên viết một cách tùy tiện về cuộc chiến tranh, như thể đó là cuộc chiến tranh của riêng anh và cứ thế anh trượt dài trong va vấp, lầm lạc. Nhiều lần anh đau đớn và thấm thía sự bất lực và thụ động của mình. Kiên bị rơi khỏi cái khát vọng và bị cô lập với chính ước mơ của mình.

Đau đớn vì quá khứ, đau đớn trong hiện tại, giờ đây, Kiên lại đau đớn vì nỗi bất lực trong sáng tạo nghệ thuật. Bi kịch nối tiếp bi kịch. Dường như anh không thể vượt qua chính mình, không thể làm tròn bổn phận mà chính anh đã ý thức. Mơ ước hòa bình, khao khát sáng tạo là cái tất yếu khách quan. Nó luôn đối chọi với ký ức buồn đau, thực tại phũ phàng. Xung đột ấy còn dai dẳng trong tâm hồn Kiên, càng ngày càng thêm quyết liệt, không thể hòa giải. Nỗi buồn chiến tranh khép lại thì tác phẩm của anh vẫn còn dở dang, dở dang như chính cuộc đời anh vậy.

Nỗi buồn chiến tranh là ánh hào quang soi chiếu những cảnh đời, “là khúc tình ca thơ mộng, tuyệt diệu và tuyệt vọng, hãi hùng và bi thảm; quyến luyến thực tại và ảo giác, cuộc sống và cõi chết, quá khứ và vị lai” (Thụy Khuê). Trong những tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh của dân tộc, đây là tác phẩm sâu xa, đớn đau, tàn khốc, bi quan và cũng lạc quan hơn cả. Kiên trở thành một nhân vật điển hình cho văn học Việt Nam về đài tài chiến tranh sau 1975. Ở nhân vật này, chúng ta thấy bóng dáng của Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), của Linh (Vòng tròn bội bạc - Chu Lai), của Giang Minh Sài (Thời xa vắng - Lê Lựu) và hơn nữa, chúng ta cũng thấy bóng dáng của con người trong Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust), hay trong Sống mà nhớ lấy (Valentin Raxputin)…

Với cảm hứng bi kịch, Bảo Ninh đã khơi sâu những diễn biến tinh tế trong tâm hồn con người với những suy tư trăn trở về cuộc đời theo nghĩa hiện sinh nhất của nó. Với những bản chất của cái bi, Nỗi buồn chiến tranh đã thể hiện một cách nhìn mới về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Khác với những sáng tác trước đó, Bảo Ninh là người đầu tiên nhìn nhận cuộc chiến tranh từ góc độ cá nhân, thân phận con người. Bởi vậy, giá trị hiện thực của tác phẩm không chỉ biểu hiện ở chiều sâu mà còn mở rộng trong không gian đa chiều, làm cho đối tượng được hiện lên một cách sinh động và hấp dẫn. Thể hiện bi kịch trong tâm hồn con người, Bảo Ninh đã nhìn nhận một cách nghiêm túc về nhân tình và nhân tính, qua đó khẳng định sự tồn tại thuộc về những trăn trở vật vã cao thượng của những con người luôn khao khát và đấu tranh cho giá trị đích thực của cuộc sống. Ý nghĩa nhân văn của thiên tiểu thuyết đã được thể hiện nổi bật ở khía cạnh này.

Cảm quan nghệ thuật mới đã đem lại cho Nỗi buồn chiến tranh một âm hưởng mới, một cảm hứng mới: cảm hứng bi kịch. Nỗi buồn chiến tranh đan xen nỗi buồn thân phận tình yêu, nỗi buồn sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, đó không phải là cái buồn bi lụy, mà là cái buồn cao cả “cao hơn hạnh phúc và vượt lên nỗi đau”. Rõ ràng, vượt qua những ý niệm thông thường, Bảo Ninh đã mở ra một góc nhìn mới về chiến tranh, cũng như hiển lộ sâu đậm bản chất của cái bi. Cái bi không ghìm chân con người trong nỗi khổ đau mà luôn thúc đẩy con người vươn tới cái lý tưởng của lòng nhân đạo, của một nền nghệ thuật chân chính. Đây cũng là nét đặc trưng trong xúc cảm thẩm mỹ của cái bi trong Nỗi buồn chiến tranh đã tạo được trong lòng công chúng.

_______________

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.37.

2. Phạm Vĩnh Cư, Sáng tạo và giao lưu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.321.

Tác giả : Đặng Ngọc Khương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

Từ khóa » Cái Bi Trong Mỹ Học Là Gì