Cái Đẹp Là Gì? - HOITHANH.COM

Cái đẹp là một điều vô hình. Bạn không tin tôi sao? Hãy xem nhé – chúng ta có thể nói rằng một bản nhạc hoặc bài thơ có giai điệu và ca từ đẹp đẽ, chúng ta có thể nói “bạn đã có một hành động thật đẹp”, hoặc ai đó có một tấm lòng đẹp… không điều nào trong số những điều này có thể nhìn thấy được.

Cũng giống như niềm vui, là thứ vô hình nhưng có thể được nhìn thấy trên biểu hiện khuôn mặt của một người, cái đẹp là một thuộc tính vô hình của Chúa. Vẻ đẹp của Ngài được bày tỏ qua những tạo vật trên trái đất để vẻ đẹp đó có thể được trải nghiệm và đánh giá cao ở dưới này. Nhưng những điều này chỉ là phương tiện cho bản thân cái đẹp. Như CS Lewis đã nói trong cuốn sách The Weight of Glory (tạm dịch là ‘Vinh Quang Vô Lượng’), “Nếu chúng ta tin rằng vẻ đẹp nằm bên trong những cuốn sách hay bản nhạc thì niềm tin đó sẽ phản bội chúng ta; vẻ đẹp không nằm trong những cuốn sách hoặc bản nhạc đó, mà chỉ đến thông qua chúng, và những gì đến qua chúng là những điều mà chúng ta đang khao khát. ”

Và khi nói về vinh quang vô lượng, các khái niệm về sự vinh hiển và cái đẹp có rất nhiều mối liên hệ với nhau, đặc biệt là trong ngôn ngữ Do Thái.

Cái đẹp được kết nối với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

Khi chúng ta nói về “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”, chúng ta đang nói về sự tỏ ra của những điều xuất chúng từ Đức Chúa Trời – điều gì đó về bản chất của Ngài được biểu hiện ra một cách rõ ràng. Khi chúng ta nhìn thấy hoặc trải nghiệm điều gì đó từ Chúa, các thuộc tính của Ngài được thể hiện rõ. Cái đẹp là biểu hiện của chính Đức Chúa Trời, đó là lý do tại sao những từ ‘làm cho vinh hiển’ và ‘làm cho đẹp’ trong tiếng Do Thái đều giống nhau (לפאר – lepa’air). Khi Đức Chúa Trời bày tỏ sự vinh hiển của Ngài qua chúng ta, chúng ta sẽ phô bày vẻ đẹp của Ngài nhiều hơn. Khi chúng ta thể hiện vẻ đẹp của Chúa theo nhiều cách khác nhau để vẻ đẹp đó có thể được đánh giá cao, chúng ta đang làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

CS Lewis tiếp tục, “Những điều đẹp đẽ, những ký ức đẹp trong quá khứ của chúng ta — là những hình ảnh tốt đẹp về những gì mà chúng ta thực sự mong muốn; nhưng nếu chính những sự vật đó bị nhầm lẫn với cái đẹp được bày tỏ thông qua chúng, thì những điều đó sẽ biến thành những thần tượng câm, làm tan nát tấm lòng của những người thờ phượng chúng. Vì tự thân những sự đó không phải là cái đẹp; chúng chỉ là hương thơm của một loài hoa mà chúng ta chưa tìm thấy, dư âm của một giai điệu mà chúng ta chưa nghe thấy, giống như tin tức từ một đất nước xa xôi mà chúng ta chưa bao giờ đến thăm.”

Cái đẹp truyền tải một thông điệp về thiên đàng

Khi chúng ta ngắm nhìn một bông hoa đẹp, chúng ta biết đó là một phương tiện mang vẻ đẹp của Chúa, và chính vẻ đẹp ấy mang lại cho chúng ta một cảm giác an lành sâu sắc khi chúng ta trải nghiệm nó. Như Stasi Eldredge nói, điều đó gửi gấm một thông điệp rằng “mọi thứ sẽ tốt đẹp”. Một lần nọ, khi tôi đang lặn với ống thở ở Biển Đỏ, ngoài khơi bờ biển phía Nam của Israel, và xung quanh tôi là những loài cá và những rạn san hô tinh tế nhất với vẻ đẹp rực rỡ và lộng lẫy, tim tôi đập mạnh vì phấn khích, nhưng cùng lúc đó tôi cũng lại trải nghiệm một cảm giác bình an đến lạ. Hãy nhìn vào những tạo vật phi thường được tạo tác bởi chính bàn tay của Đấng Tạo Hóa này mà xem. Đấng đã tạo ra tất cả vẻ đẹp phi thường này chắc chắn biết Ngài đang làm gì. Ngài là một nghệ sĩ xuất sắc! Ngài là một thiên tài! Chúng ta an toàn khi được ở trong tay Ngài. Các kế hoạch và công việc của Ngài là toàn hảo và cực kỳ tinh xảo. Cái đẹp làm chúng ta yên tâm – nó mang một thông điệp bình an từ thiên đàng.

“Cái đẹp là siêu việt. Đó là kinh nghiệm trực tiếp nhất của chúng ta về cõi đời đời… Đôi khi cái đẹp trở nên sâu sắc đến nỗi nó đâm vào chúng ta với niềm khao khát. Khao khát về điều gì? Về sự sống tốt đẹp như vốn có. Cái đẹp gợi cho chúng ta nhớ đến một vườn địa đàng mà chúng ta chưa từng biết đến, nhưng bằng cách nào đó, tấm lòng của chúng ta đã luôn hướng về nơi khởi đầu đó.”

Cái đẹp nói với chúng ta về chính Đức Chúa Trời. Về vương quốc. Hy vọng. Về sự bình an trọn vẹn. Cái đẹp cho chúng ta thấy rằng Đấng Sáng Tạo của chúng ta là một nghệ sĩ không ai sánh bằng, Đấng không chỉ làm đúng từng chi tiết mà còn biến mọi thứ thành kiệt tác. Cái đẹp nói với chúng ta về Đấng là Chủ của mình; bầu trời hô vang sự vinh hiển của Ngài, và mọi tạo vật đều bày tỏ cho chúng ta một điều gì đó về tính nghệ thuật của Ngài.

Mỗi con người là một kiệt tác của Chúa. Điều này được nói trong Ê-phê-sô 2:10 – chúng ta là tạo vật do tay Ngài làm ra, công trình của tay Ngài, những tác phẩm của Ngài. Nhưng chúng ta có thể bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nhiều hay ít – chúng ta có thể tràn đầy vẻ đẹp của Ngài – vẻ đẹp toàn mỹ – hoặc trở nên xấu xí từ bên trong. Quá trình làm vinh hiển và làm đẹp này được Đức Chúa Trời nói đến nhiều lần, đặc biệt là trong Ê-sai.

Mão hoa thay vì tro bụi

Ngài hứa sẽ ban mão hoa (điều đại diện cho cái đẹp) thay vì tro bụi trong Ê-sai 61:3, đó là một câu Kinh Thánh thú vị vì lý do này – hãy xem các chữ cái trong tiếng Do Thái, ngay cả khi bạn không thể đọc chúng, hãy tìm những điểm tương đồng:

פאר תחת אפרChữ đẹp (פאר) hoàn toàn giống với chữ tro (אפר), chỉ khác nhau về thứ tự của một nét. Đó là điểm mấu chốt. Đức Chúa Trời có thể thay đổi mọi thứ, Ngài lấy đi tro bụi của chúng ta, và thay vào đó là ban cho chúng ta vẻ đẹp (mão hoa) của Ngài.

Điều này được mô tả một cách hoàn hảo cho chúng ta trong Xa-cha-ri 3:3; “Bấy giờ, Giê-hô-sua đang mặc áo bẩn đứng trước mặt thiên sứ. Thiên sứ ấy bảo các vị đang đứng trước mặt mình rằng: “Hãy cởi áo bẩn của người nầy ra.” Rồi thiên sứ nói với Giê-hô-sua: “Hãy xem, Ta đã cất bỏ tội ác khỏi ngươi, và Ta sẽ mặc lễ phục tốt đẹp cho ngươi.””

Đức Chúa Trời cũng nhiều lần ban cho chúng ta bức tranh về những đồ trang sức và đá quý lộng lẫy trong Kinh Thánh, khi ngài mô tả quá trình làm đẹp / làm vinh hiển này, và ở cuối Xa-cha-ri 9 là những lời này, “…như những đá của mão triều thiên sẽ được cất lên trên đất. Sự nhân từ Ngài và sự tốt đẹp Ngài sẽ lớn là dường nào!” Bản NVB dịch câu này như sau “Ôi, họ thịnh vượng biết bao! Họ đẹp đẽ dường nào!” vì câu này có thể đề cập đến dân Y-sơ-ra-ên hoặc chính Đức Chúa Trời. Nhưng bạn thấy đấy, trong mọi trường hợp, đó là vẻ đẹp của Chúa! Đức Chúa Trời trang điểm cho chúng ta, dân sự của Ngài, bằng vẻ đẹp của chính mình Ngài. Ngài cất đi trang phục dơ bẩn của chúng ta và cho chúng ta trang điểm lộng lẫy để bày tỏ vẻ đẹp lộng lẫy của Ngài cho tất cả mọi người. Để làm vinh hiển Chúa, chúng ta phải bày tỏ cho mọi người biết Ngài là ai, để họ có thể thấy Ngài là Đấng tốt đẹp dường nào.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

Từ khóa » Cái đẹp Trong Kinh Thánh