Cái đói Trong Truyện "Vợ Nhặt": Thử Thách Và Cơ Hội

Đọc truyện người ta ám ảnh bởi sự thê thảm của cái đói, nhức nhối cho phận người tủi cực, đắng cay; say nồng cùng vị ngọt yêu thương; nâng niu niềm khát khao hạnh phúc của những kiếp bần hàn. Cái đói khủng khiếp trong thiên truyện vừa là thử thách cam go, vừa là cơ hội để khẳng định phẩm chất Người giữa mùa đói khổ, thê lương. Khắc họa bức tranh hiện thực ấy, tài văn Kim Lân được phát sáng.

Thử thách hiện hình

Lịch sử dân tộc vốn dĩ đã đi qua biết bao thăng trầm, binh đao chiến trận, những mất mát hi sinh. Song có lẽ, vết đau nhức nhối nhất là nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945 dưới gông cùm thực dân phát xít.

Chứng tích thương đau ấy được ghi lại trong sử sách và cả trang văn nhói lòng của Kim Lân: “Cái đói đã tràn đến xóm này từ lúc nào. Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.

Mấy câu văn cô đọng tái hiện một bức tranh cuộc đời thê thảm, thương đau. Cái đói và cái chết. Xóm chợ nghèo nàn xác xơ trong lằn ranh của cái đói. Chỉ với một động từ “tràn”, người đọc hiểu rõ sự khủng khiếp của cái đói như thác lũ ùa về, có thể cuốn phăng mọi thứ. Và khi cái đói ập đến, khoảng cách giữa người sống và kẻ chết mong manh đến vô cùng. Sống mà như đang chết “xanh xám, ngổn ngang”, bóng người cũng tựa bóng ma. Phép so sánh “người chết như ngả rạ” lộ mở cho người đọc về số lượng người bỏ mạng vì đói. Cái xóm nhỏ mà mỗi buổi sáng “ba bốn cái thây còng queo bên đường” thì thử hỏi một miền quê, một vùng rộng lớn làm sao đếm xuể. Cả không gian tối sầm vì đói, bóng tối phủ đầy trùm lấy những kiếp người. Chao ôi! Thảm khốc và thương đau.

Viết về cái đói, ngòi bút Kim Lân đặt những phận người trong một thử thách cam go. Đói khát khiến cho hình hài bộ dạng con người tiều tụy, thê thảm. Trẻ con xóm ngụ cư thì ủ rũ; người lớn mặt hốc hác, u tối; cô thị tả tơi khuôn mặt lưỡi cày xám xịt. Cái đói biến giá trị con người trở nên tầm thường, rẻ rúng. Nhân cách, sĩ diện cũng bị đánh đổi, hủy hoại bởi miếng ăn.

Chẳng thế mà, cô thị khi được cho ăn thì lon ton lại đẩy xe bò; thất hứa thì cong cớn, sưng sỉa; được mời thì đôi mắt sáng lên, cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc giữa thanh thiên bạch nhật. Thảm hại hơn, muốn có một chốn dung thân bấu víu mà theo không người ta về làm vợ chỉ bởi câu nói ỡm ờ. Vậy đấy, cái đói trở thành thước đo phẩm chất Người trong mỗi con người. Giá trị của con người mùa đói ôi chao thảm hại, bọt bèo.

Đặc biệt, cái đói đẩy số mệnh con người trở nên nguy nan trước lưỡi hái tử thần, lằn ranh sinh tử mong manh khó lòng thay đổi. Xót xa hơn, cái đói có thể biến những ước ao về hạnh phúc đời thường của người nghèo khổ thành một trò chơi số phận đầy may rủi. Tái hiện bức tranh hiện thực thê thảm nạn đói, Kim Lân xứng đáng sứ mệnh người cầm bút viết văn “là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật”. Mỗi trang viết của ông thấp thoáng nỗi đau đời, hiện thực mà chan chứa ân tình. Đọc văn của ông, biết bao người rưng rưng một tấm lòng thương cảm.

Cơ hội lại mở ra

Sự sống nảy sinh từ trong cái chết. Tận cùng khổ đau hạnh phúc vẫn sinh sôi. Bởi vậy, câu chuyện viết về cái đói “đặc quánh không gian tử khí rợn người” lại mở ra những cơ hội mà nếu không trong hoàn cảnh ấy, biết bao giờ mới có được?

Anh cu Tràng nghèo khổ, xấu xí, thô kệch pha chút dở hơi, dân ngụ cư trong cái nhìn khinh miệt. Thế mà, bằng mấy câu nói bông đùa, bốn bát bánh đúc Tràng được người ta theo về làm vợ. Chẳng mối lái, không cưới xin, Tràng dẫn thị về với thái độ “thích ý”, cái mặt “vênh lên tự đắc”, phớn phở vô cùng. Vui chứ! Giả sử nếu không phải vì đói, Tràng làm sao được nếm trải hạnh phúc lâng lâng. “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”.

Vậy là, cái đói trao cho Tràng cơ hội kiếm tìm hạnh phúc. Khát vọng về một mái ấm gia đình có dịp được nhen lên dù cho cuộc sống phía trước rất đỗi gieo neo. Trong men nồng hạnh phúc, Tràng ý thức được bổn phận trách nhiệm với gia đình, “yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Câu văn tả thực cảnh mà cũng rất thực tình. Chắc hẳn, Tràng thầm cảm ơn cái đói đã cho anh ta cơ hội nhặt được vợ một cách dễ dàng, chẳng mai mối, cưới xin. Cái đói cho anh ta hi vọng về mái ấm gia đình mà trước đó trong mơ cũng đâu dám nghĩ tới. Vừa tội lại vừa thương!

“Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”. Trong muôn vàn con đường biến thành phường xấu xa ấy, cái đói cái khổ nhiều khi làm người ta trở nên ích kỉ, hẹp hòi hơn. Vậy nên, đáng quý biết bao tấm lòng thương người thơm thảo của mẹ con bà cụ Tứ dành cho người đàn bà đói rách, cô vợ nhặt đáng thương. Cái đói mà nhà văn miêu tả trong thiên truyện lại mở ra cơ hội để tình người tỏa sáng. Từ bóng tối của hoàn cảnh, nhà văn muốn làm tỏa sáng chất thơ của hồn người quý giá: Tình yêu thương, sự đùm bọc cưu mang của người nghèo khổ trong hoàn cảnh nghiệt ngã, khốn cùng.

Cái đói trong truyện "Vợ nhặt": Thử thách và cơ hội ảnh 1

Tình người ấy tỏa ra từ tấm lòng nghĩa hiệp của anh Tràng hào phóng. Giữa gieo neo của hoàn cảnh, nuôi thân, nuôi mẹ đã khổ, Tràng sẵn lòng chiêu đãi người dưng mà không một chút do dự, băn khoăn. Hãy ngẫm lại lời mời chào thật bụng của anh, bỗng nhiên ta cảm được bao điều thú vị: “Đây, muốn ăn gì thì ăn. Hắn vỗ vào túi: Rích bố cu, hở”. Có lẽ, lòng thương người đã thắng sự ích kỉ, nhỏ nhen. Thấy người đói thì mời ăn, đâu cần toan tính đắn đo. Thẳm sâu trong lời chào mời ấy là trái tim nhân hậu, thương người của gã trai tốt bụng. Cái tặc lưỡi: “Chặc kệ!”, đồng ý cho thị theo về giữa cái đói bủa vây tiếp tục trở thành thước đo lòng tốt của Tràng. Liều lĩnh không thắng được lòng thương. Vì thương Tràng thêm liều lĩnh. Và từ đó, hạnh phúc được nhen lên giữa màn đêm tăm tối, trong tiếng hờ khóc thê lương.

Tình thương của Tràng đáng quý, trái tim nhân từ của người mẹ nghèo khổ già nua càng thêm đáng trọng. Dõi theo câu chuyện, người ta nhiều lần xúc động, nghẹn ngào trước tấm chân tình của bà cụ Tứ: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng… Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá… Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng…”. Nước biển bao la sao đong đầy tình mẹ. Thương con trai, cảm thông cho hoàn cảnh con dâu. Bà lão không chỉ chấp thuận mà còn mừng vui cho hạnh phúc của đôi trẻ.

Tình thương đồng vọng cùng nỗi lo, thương cũng vì lo mà lo cũng là thương. Tấm lòng người mẹ nhân từ ấy dường như đang sưởi ấm trong cảnh đêm đen, từ đó truyền niềm tin, hi vọng vào chặng đường chông chênh phía trước. Thì ra, cái đói kéo con người xích gần nhau hơn để cùng nương tựa, vươn lên trong cuộc sống. Lòng nhân hậu của người lao động tỏa sáng lung linh. Nói khác đi, cái đói gớm ghiếc trở thành thước đo giá trị Người trong mỗi con người. Người đọc mến yêu, trân trọng mẹ con bà cụ Tứ cũng bởi ở người mẹ nghèo và gã trai khổ này ẩn hiện một tấm lòng nhân hậu, yêu thương giá trị vô cùng. Vậy đấy, cái đói thê thảm trở thành cơ hội để bộc lộ tình người tha thiết. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, tình người vẫn thể hiện thật nồng hậu. Đó là sức mạnh giúp con người bước qua tình thế hiểm nghèo.

Xin được nói thêm một điều đặc biệt khác nữa, cái đói là thử thách, cũng là cơ hội dành cho những người có khao khát và dám mơ ước đến một tương lai tốt đẹp hơn. Truyện mở đầu bằng buổi chiều chạng vạng, bóng tối, tiếng quạ gào thê thiết, mùi gây của xác người và kết thúc bằng buổi mai chứa chan niềm hi vọng. Mở đầu anh Tràng “ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu” một mình cô độc. Thế mà, kết thúc anh có một gia đình đầm ấm, mẹ con hòa thuận, vợ chồng sum vầy. Vậy nên bữa cơm ngày đói thê thảm, cái mẹt rách, đĩa muối trắng, vài lưng cháo lõng bõng cùng bát cám đắng chát đâu có hề chi.

Những người khốn khổ vẫn ăn rất ngon lành, họ nói với nhau toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau. Đúng là, hạnh phúc sinh sôi từ tận cùng đói khổ. Lá cờ đỏ sao vàng, đoàn người phá kho thóc trên đê mở ra viễn cảnh về tương lai tự do hạnh phúc của Tràng. Nhà văn viết về cái đói mà hướng con người ta đến sự sống, đến tương lai ngày mai. Quả là sự sống nảy mầm cho hạnh phúc sinh sôi.

Tài năng tấm lòng người cầm bút

Viết văn có lẽ là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật kỳ lạ bậc nhất trong cõi nhân gian. Nhiều hi danh thơm của người cầm bút không được định đoạt bởi độ dày trang sách mà ở sự độc đáo, tinh túy. Cái tài trong câu chuyện về cái đói được thể hiện ở chỗ, nhà văn sáng tạo nên một tình huống truyện độc nhất vô nhị: Tràng nhặt vợ chỉ bằng mấy câu tầm phào và bốn bát bánh đúc rẻ tiền. Từ khoảnh khắc lạ kỳ ấy, chủ đề thiên truyện sáng dần lên, vẻ đẹp tính cách nhân vật được khắc họa, cốt truyện được triển khai tự nhiên hấp dẫn. Bên cạnh đó là ngòi bút biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật, tài dựng chuyện, kể chuyện, ngôn ngữ văn chương độc đáo in đậm dấu ấn văn phong Kim Lân.

Văn chương bắt rễ từ cuộc đời, ẩn khuất trong những trang văn là ân tình của người cầm bút. Đọc truyện “Vợ nhặt”, người ta cảm nhận được ân tình Kim Lân gửi trọn cho những người nghèo khó. Xót xa, thương cảm và hơn hết là trân trọng nâng niu. Ngòi bút đôn hậu của ông đã khám phá được hạt ngọc quý giá trong sâu thẳm tâm hồn người lao động. Đói rách, thảm thương mà nhân hậu bao dung, sẵn lòng đùm bọc cưu mang; sống trong bóng tối cuộc đời mà khát khao về tổ ấm gia đình.

Cuộc sống chưa bao giờ hết nghịch cảnh, bóng tối song hành cùng ánh sáng, nước mắt song song với nụ cười. Trong truyện “Vợ nhặt”, cái đói là thử thách. Đúng vậy! Thử thách cam go, ghê gớm đâu dễ vượt qua là khác. Bởi cận kề cái đói là cái chết đau thương; đối diện cái đói phẩm giá Người mai một. Thế nhưng vượt lên cái đói, cơ hội vẫn hiện hình, hạnh phúc được sinh sôi. Anh Tràng, cô thị, bà cụ Tứ trong câu chuyện kỳ tài của Kim Lân vẫn tìm thấy cơ hội giữa bóng tối đau thương của cuộc đời. Câu chuyện về họ gửi gắm bài học quý giá về lẽ sống cho hôm nay và cả mai sau.

Từ khóa » Cảm Nhận Về Nạn đói Vợ Nhặt