Cái Quần Què Là Cái Gì? Lý Do Tại Sao Nhiều Người Hay Gọi Khi Có Vấn ...

Ở xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh người ta thường nói cụm từ “cái quần quẻ”; như là: “cái mặt như cái quần què”; “làm ăn như cái quần què”; “đồ thứ uống quần què”; “đồ gột quần què”; “ăn nói như cái quần què”; “làm thơ như cái quần què”; “viết báo như cái quần què”; “phát minh (chữ viết) như cái quần què”; “tao còn cái quần què nè, ăn thì ăn luôn đi”; … vân vân và vân vân! Như vậy, qua những cụm từ trên, thì “cái quần què” nó đồng nghĩa với cái gì dơ bẩn, xấu xa, vô dụng nhất!

Nhưng “cái quần què” là cái gì?

Ai cũng biết người phụ nữ vào tuổi dậy thì đều có kinh nguyệt 經月. Kinh 經 có nghĩa là “đúng hẹn lại lên”, không sai chạy; nguyệt 月 là tháng. Kinh nguyệt là cứ mỗi tháng là “có” một lần; “Có” cái gì thì ai vũng biết, khỏi nói nữa. Muốn rành hơn thì hỏi người chuyên môn.

Tuy nhiên, ta cần phải hiểu kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ quan sinh dục nữ, ai không có, hay tháng có, tháng không là bất thường, mới đáng lo ngại.

Vì mỗi tháng “ra” một lần nên từ bình dân của dân Nam Bộ gọi kinh nguyệt là “có tháng” và nhiều dùng từ “né” khác như: “bị kẹt”, “bị đèn đỏ”, “bị mã tà”, “ bị… và “bị QUÈ”

Đấy! Đấy… chính cái “bị QUÈ” nầy mà nó phát sinh ra CÁI QUẦN QUÈ. Vì sao?

Phụ nữ ngày nay trong thời gian có kinh nguyệt họ vẫn có thể mặc quần tráng tinh và có thể chơi các môn thể thao nhẹ vì nhờ nhiều loại băng vệ sinh tiên tiến: gọn nhẹ, chất lượng cao và nhất là an toàn (không bị rơi khi di chuyển)

Phụ nữ ngày xưa (cách đây chưa được 100 năm) không được may mắn như thế, “băng vệ sinh” của họ chỉ là miếng quần áo rách, hay khăn cũ, quần áo cũ được xếp lại nhiều lớp rồi độn phía trong quần lót! Việc làm nầy không bảo đảm an toàn; thứ nhất là loại “vải ta” không hút “nước” nhiều, và nếu không cẩn thận có thể bị rớt ra khi di chuyển (nhứt là mấy người “bị” lần đầu, chưa kinh nghiệm!)

Trong những ngày có kinh nguyệt, họ luôn ưu ái được làm viêc nhẹ, (không gánh nước, giã gạo), được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Vì không an toàn nên người phụ nữa xưa khi bị kinh nguyệt họ luôn bận quần đen xấu nhứt, cũ nhứt, thường vá vúi nhiều chỗ; (bình thường họ cũng bận quần đen, nhưng quần “coi được” hơn).

Cái quần “chuyên dụng” nầy chỉ bận khi khi họ “Bị QUÈ”, nên gọi là CÁI QUẦN QUÈ!

Thực ra từ “cái quần què” nó phát sinh từ “cái L… què”, vì có “cái L…què” mới có “cái quần què” chớ! Hai thứ nầy dù tên gọi khác nhau, nhưng … bàn chất dơ không thay đổi!

Trên Google hình ảnh, “quần què” là cái quần có một ống (như người ta bị “què” vậy). Ta nên hiểu đây chỉ là một cách khôi hài thôi!

Thực ra, CÁI QUẦN QUÈ dù dơ, nhưng có nhiều thứ còn dơ hơn: đó là cái miệng của kẻ thường xuyên nói bậy, nói xạo, nói láo. Trường hợp nầy nếu so sánh: Ăn nói như cái QUẦN QUÈ, thì tội nghiệp cho CÁI QUẦN QUÈ lắm thay!

“Quần què” có chất… “phụ gia” là “Máu què”: Đó là cái chất dình trong đáy “Quần què” (nói thẳng ra là máu lờ)! Máu què ngoài cái dơ như cái quần què nó còn có công năng là làm cho người ta (nhất là đàn ông) đần độn: “Bộ mầy uống máu què sao ngu dữ vậy mậy?”; “Cái thằng C nó bị con L cho uống máu què nên nghe lời con B hết nói!”. Vì thế, các ông, bà thầy bùa mê thuốc lú miền Tây đã xem máu què là một “vị” chủ yếu trong toa thuốc của mình! (vụ nầy không tiện nói thêm)

Sẵn nói luôn: Họ hàng với cái máu què là cái “đách đẻ”. “Đách đẻ” cũng là những “tạp chất” được rỉ ra từ cái lờ của người đàn bà đẻ, nói văn chương là “sản phụ”! Thứ nầy ứa ra nhiều nên ngày xưa sản phụ phải dùng báo cũ lót mới xuể. Thứ nầy cũng có nghĩa là “dơ bẩn”, “đồ phế thải, vô dụng”. Cho nên, những thứ “văn chương” “báo chí” in ra không ai thèm đọc, người ta cho là “văn chương, báo chí lót đẻ” là vậy!

“Làm như đồ đách (đẻ)”; “nói như đồ đách”; “cái miệng như đồ đách”; vân vân… “Đồ đách” hay “đồ đách đẻ” có nghĩa là vô dụng, dơ bẩn, đồng nghĩa với “cái quần què”!

Viết bài nầy cũng là để trả lời chung cho các bạn đã thắc mắc hỏi tôi. Tôi biết quý bạn “hỏi” là “hỏi để tào lao cho vui” chớ thực sự tôi dư biết kiến thức mình như… cái quần què, như đồ đách đẻ, có gì mà hỏi?

Sau cùng, không ít bậc “đạo đức”, “khoa bảng”, “trí giả” sau khi coi xong bài nầy,chác họ phải nhếch miệng: “Viết như cái quần què!”

Nguồn KHA TIỆM LY – 8SaiGon Bài viết tham khảo Sao chép & biên tập bởi NhaCungCap.vn Chú: * Giải thích trong bài là theo người bình dân Nam bộ

Từ khóa » Cái Quần Què Gì Vậy