Cảm Giác Bị Bỏ Rơi Và Cách Vượt Qua Tổn Thương Trong Quá Khứ
Có thể bạn quan tâm
Cảm giác bị bỏ rơi giống như một thứ “thuốc độc” khiến sự sống trong tâm hồn chết dần, lúc nào chúng ta cũng sống trong nỗi sợ hãi rằng người đó sẽ biến mất, cảm giác cô độc bao trùm tất cả. Bởi thế, một số người có xu hướng hạ thấp lòng tự trọng quá mức chỉ để những người xung quanh sẽ không rời xa mình.
Cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc sống – khởi nguồn của đau khổ
Việc phải rời xa một ai đó quan trọng thật đáng sợ nhưng cảm giác bị ai đó bỏ lại còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Con người có thể không sợ đơn độc, họ hoàn toàn có thể sống một mình một cách hạnh phúc, nhưng nếu bị bỏ rơi, dù là người mạnh mẽ đến đâu cũng khó có thể vượt qua được một khoảng thời gian đau khổ, tổn thương, sợ hãi, lạc lõng.
Thật khó để diễn tả cảm giác bị bỏ rơi là gì, càng khó để nói vì sao người đó lại bỏ bỏ rơi. Chắc chắn chính bản thân những người này cũng luôn tự hỏi bản thân rằng vì sao mình lại bị đối xử như thế. Bất cứ ai cũng sợ bị bỏ rơi, không chỉ với trẻ em mà còn cả người lớn. Đặc biệt với những đứa trẻ từng bị cha mẹ bỏ rơi, bị lạc cha mẹ hay những người từng bị người mình yêu thương nhất bỏ rơi.
Sự tổn thương của những người đã từng bỏ rơi là thứ mà chẳng ai có thể nhìn thấy được. Vết thương trên da thịt có thể lành được nhưng những vết sẹo trong tâm hồn thì không. Chỉ một mình họ có thể nhìn thấy nó và phải chịu đựng những đau đớn nó gây ra. Vậy thực chất cảm giác bị bỏ rơi đáng sợ như thế nào, có thể gây ra hệ lụy gì?
Có xu hướng hạ thấp lòng tự trọng
Một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi thường sẽ luôn tự hỏi bản thân rằng “có phải mình là đứa trẻ hư nên cha mẹ không cần”; “có phải mình không xứng đáng được sinh ra?”; một người bị người yêu bỏ rơi, đối xử tồi tệ cũng tự chất vấn bản thân rằng “có phải mình sống quá tệ” ” vì sao không ai cần mình?”. Thay vì trách cứ những người đã đối xử không tốt với mình thì những người này lại có xu hướng tự trách bản thân, hạ thấp lòng tự trọng của chính mình.
Để những người bên cạnh không bỏ rơi mình, họ sẵn sàng làm mọi chuyện được đối phương yêu cầu, kể cả khi đó là một điều xấu. Chẳng hạn có những đứa trẻ thường chơi với bạn bè xấu, đi phá làng phá xóm, thậm chí tham gia trộm cắp cướp giật vì cảm thấy rằng những người bạn này sẽ không bao giờ bỏ mình. Nhận thức của những người sợ cảm giác bị bỏ rơi có thể bị sai lệch bởi nỗi sợ của chính mình.
Hay trong tình yêu, vì sợ cảm giác bị bỏ rơi nên những người này sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, hy sinh mọi thứ để đối phương không rời xa mình. Chỉ cần người ấy nổi giận một chút, họ cũng sẵn sàng cung phụng, đáp ứng mọi nguyện vọng, thậm chí rơi vào hoảng loạn vì sợ đối phương sẽ bỏ đi. Lòng tự trọng của họ giảm sút nghiêm trọng chỉ bởi sợ nỗi sợ bị bỏ rơi.
Chính vì nắm bắt được điều này nên họ rất dễ bị những người xấu xung quanh ngược đãi hay lợi dụng. Bởi những kẻ xấu hoàn toàn nắm bắt được tâm lý của những người sợ bị bỏ rơi nên có thể dễ dàng điều khiển khiến những người này đáp ứng, thực hiện các mục đích xấu xa của bản thân.
Nghi ngờ xung quanh
Trước khi đạt được niềm tin và chấp nhận hi sinh tất cả thì những người cảm giác bị bỏ rơi lại có xu hướng nghi ngờ và cẩn trọng quá mức với xung quanh. Họ luôn lo lắng rằng liệu những người này có đang thực sự đối xử tốt với mình không, vì sao lại quan tâm, lại đối xử tốt với mình như vậy. Những suy nghĩ này cứ choán lấy toàn bộ tâm trí khiến họ bỏ lỡ rất nhiều mối quan hệ, nhiều cơ hội tốt cho bản thân.
Tuy nhiên một khi họ đã tin tưởng ai, đã yêu quý ai họ cũng đều dốc hết lòng, hết sức, đặt trọn vẹn toàn bộ những gì mình có với đối phương. Nếu bị người đó phản bội hay lừa dối, họ lại càng khép mình, càng nghi ngờ nhiều hơn vào những mối quan hệ sau đó. Tuy nhiên như đã nói, do cảm giác bị bỏ rơi dẫn tới bi lụy quá mức trong các mối quan hệ khiến họ rất dễ bị lợi dụng hay lừa dối khiến tình trạng này có thể vẫn còn bị tiếp diễn.
Có xu hướng kiểm soát quá mức do sợ cảm giác bị bỏ rơi
Mặc dù những người này chấp nhận bị lụy hay cung phụng cho đối phương khi họ đã đặt niềm tin, tuy nhiên đồng thời những người này cũng hình thành một xu hướng khác chính là kiểm soát quá mức. Tất nhiên mục đích của họ chỉ là muốn giữ đối phương bên cạnh mình, thậm chí chỉ muốn người đó là của riêng 1 mình mình, điều này được thể hiện cực kỳ rõ trong tình yêu.
Chẳng hạn trong tình bạn, người này có thể ghen tị, khó chịu nếu người bạn thân của mình lại đi chơi với người khác vì họ sợ rằng nếu có bạn thân mới, mình sẽ bị “ra rìa”. Hoặc những người này cũng có thể kiểm soát người yêu, vợ/ chồng một cách khá gắt gao, không muốn đối phương trò chuyện với người khác giới, cực kỳ ghen tuông, thậm chí có thể bạo hành đối phương nếu nghi ngờ bị lừa dối.
Tất nhiên ngay sau khi có các hành vi bạo hành những người này cũng sẽ nhanh chóng thể hiện sự hối lỗi, hoặc cho rằng họ làm vậy vì quá yêu. Tuy nhiên chính bởi sự kiểm soát quá mức, mang tính tiêu cực này khiến những người bên cạnh họ thường khá bí bách, sợ hãi, mệt mỏi nên thường tiếp tục rời xa họ. Điều này khiến những người luôn sợ cảm giác bị bỏ rơi lại tiếp tục bị tổn thương và lại càng muốn kiểm soát những người sau đó gắt gao hơn.
Thay đổi về tính cách
Một người vốn có tính cách vui tươi hoàn toàn có thể trở thành một người u ám, luôn có cảm xúc tiêu cực sau khi bị bỏ rơi. Dường như rất khó để họ tự mở lòng và chủ động trong các mối quan hệ mà ngày càng khép mình hơn, tạo nên một bức tường thành lớn trong lòng. Họ sợ rằng nếu mình chủ động trong các mối quan hệ thì sẽ lại có thể bị bỏ rơi, lại tiếp tục hụt hẫng và đau khổ.
Một sự thay đổi khác ở những người có cảm giác bị bỏ rơi chính là luôn sợ bị chỉ trích, sợ bị người khác chê trách, dễ trở nên kích động hay cáu kỉnh hơn. Họ cũng luôn tự so sánh mình với những người xung quanh để xem xét khả năng mình có vượt trội hơn người đó hay không bởi họ có thể nghĩ rằng vì mình kém cỏi nhưng những người kia mới không cần mình.
Mặt khác một số người vì sợ cảm giác bị bỏ rơi lại có xu hướng bạo lực hơn, luôn suy nghĩ bằng mọi giá phải bảo vệ bản thân mình. Chẳng hạn trong một mối quan hệ, họ luôn muốn là người chấm dứt trước để “bảo vệ” bản thân khỏi những cảm xúc đau khổ. Hoặc thậm chí nếu đối phương muốn cắt đứt, họ có thể bộc lộ các hành vi bạo hành, tấn công người đó vì không thể chịu được cảm giác rằng mình là người bị bỏ rơi.
Sang chấn tâm lý sau khi bị bỏ rơi chính là khởi nguồn cho những suy nghĩ lệch lạc làm thay đổi tính cách của một người. Thật khó để nói chính xác họ thay đổi như thế nào nhưng nói chung đều khiến người đó luôn có cảm giác cực kỳ cô đơn, đây chính là nguyên nhân khiến họ có xu hướng tiêu cực hơn trong mọi vấn đề, đặc biệt nếu liên quan đến tình cảm.
Người luôn có cảm giác bị bỏ rơi thường mắc các vấn đề tâm lý
Một trong những hệ lụy nghiêm trọng mà tổn thương tâm lý do từng bị bỏ rơi để lại chính là tăng nguy cơ mắc rất nhiều vấn đề tâm lý. Thống kê cho thấy, sau tổn thương tâm lý, rất nhiều người đã rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn sợ xã hội cùng hàng loạt vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác do không được hỗ trợ kịp thời, đúng cách.
Tâm bệnh được hình thành do chúng ta suy nghĩ quá nhiều, những điều tiêu cực, lo lắng xấu xí cứ tích tụ mãi trong lòng mà không được loại bỏ. Cảm giác bị bỏ rơi làm hình thành sự lo âu, tự trách bản thân, sự căng thẳng phải làm thế nào cho tốt cùng hàng loạt băn khoăn khác khiến tinh thần lúc nào cũng có cảm giác bí bách, nặng nề, nhìn đâu cũng đều là những điều u ám, mờ mịt.
Khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện quá nhiều sẽ làm bản thân người đó luôn có cảm giác rằng mình là người vô dụng, là người không ai cần, đặc biệt với những người đã từng trải qua cảm giác đó quá nhiều lần. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người có những hành vi tự làm hại bản thân, thậm chí là tự tử vì cho rằng mình không xứng đáng được sống, dù có chết đi cũng chẳng có ai quan tâm.
Làm thế nào để vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nếu đã từng một lần trải qua cảm giác bị bỏ rơi, bạn có thể hiểu rằng không hề dễ để vượt qua được cảm giác này. Những suy nghĩ tiêu cực cứ choán lấy toàn bộ tâm lý, điều khiển mọi suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của chúng ta không thể nào thoát ra được. Cuộc sống tương lai hạnh phúc và ngập tràn ánh sáng phía trước có thể bị phá vỡ chính bởi điều này.
Dù vậy, bạn cũng không thể sống cả đời với mặc cảm cho rằng bản thân mình không ai cần, không xứng đáng có được tình yêu thương. Vậy làm sao để có thể vượt qua được cảm giác bị bỏ rơi?
Học cách chấp nhận
Đôi lúc bạn cần phải học cách chấp nhận đối với một số người, mình không phải là người quan trọng và ngược lại, sự hiện diện của người đó cũng có thể không khiến bạn hạnh phúc hơn. Học cách chấp nhận những thứ không thuộc về mình thay vì cứ cố chấp níu kéo những gì không xứng đáng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong tâm hồn.
Tất nhiên việc chấp nhận ở đây bao gồm cả việc cần chấp nhận cả những sai lầm và thiếu sót của bản thân để thay đổi. Thực tế một người bạn tốt, một người yêu tốt là người cần yêu thương cả những khiếm khuyết của bạn chứ không phải là người lựa chọn cách rời đi khi bạn khó khăn. Tuy nhiên khi bản thân mình hoàn thiện hơn thì cơ hội đến với bạn cũng đến nhiều hơn và bạn chẳng cần phải phụ thuộc vào bất cứ ai.
Đầu tư vào bản thân
Như đã nói, rõ ràng khi bản thân mình xuất sắc hơn, hoàn thiện hơn thì cơ hội hay chính những người khác sẽ tự động phải tìm đến bạn chứ bạn không cần là người phải chủ động. Và khi nhận ra được những giá trị của bạn thì chính những người đó là người sợ mất đi bạn chứ không bao giờ bỏ rơi bạn.
Đầu tư vào bản thân ở đây không chỉ là đầu tư về nhan sắc, về quần áo mà còn là về tri thức, đạo đức, nhân cách. Giá trị bên ngoài có thể thay đổi theo thời gian nhưng giá trị về tâm hồn, về đạo đức mới chính là thứ tồn tại mãi mãi, khiến người khác nhớ về bạn. Trau dồi thêm về kiến thức, kỹ năng xã hội, luôn giữ được sự lạc quan vui tươi, biết lắng nghe và thấu hiểu chính là điều giúp bạn tăng thêm giá trị.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng cảm giác bị bỏ rơi bạn tuyệt đối không nên dành thời gian để hạ thấp bản thân mình. Bạn có thể chưa hoàn hảo nhưng bạn vẫn xứng đáng được yêu thương. Không ai có quyền làm tổn thương bạn, vì vậy bạn không cần phải tự trách mình, cho rằng mình là kẻ vô dụng hay đáng bỏ đi.
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi bằng việc thay đổi bản thân
Thay vì cứ ủ ê trong nhà đau buồn vì bị cảm giác bị bỏ rơi xâm chiếm, bạn hãy tạm “cất” nỗi buồn lại, thử những gì mà bạn chưa bao giờ dám thử xem sao. Chẳng hạn thay đổi về kiểu tóc, kiểu trang điểm hay chỉ đơn giản là phong cách ăn mặc thường ngày. Nếu con người cũ thường bị tổn thương, thường bị bỏ quên thì bây giờ hãy thử thay đổi để biết mình thiếu sót điều gì, việc đổi mới có thực sự phù hợp, từ đó mới tìm hướng điều chỉnh và hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Hãy thay đổi theo cách mà bạn muốn chứ không phải cái người khác muốn. Cho dù nổi loạn một chút, phá cách một chút, khác người một chút cũng chẳng hề có vấn đề gì, miễn là điều đó thực sự làm cho bạn vui. Tuy nhiên cần nhớ rằng cần thay đổi theo hướng tích cực chứ không phải buông thả bản thân theo những điều tiêu cực, sai trái thì sẽ chẳng còn nghĩa lý gì.
Hãy để tâm đến những người thực sự tốt với bạn
Thực tế thì trong một vấn đề nào đó, dù tình bạn hay là tình yêu, chỉ cần bình tĩnh xem xét các vấn đề, chúng ta hoàn toàn có thể biết được đâu là người thực sự tốt với mình. Một người đối xử chân thành với bạn không đòi hỏi bạn làm điều này điều kia cho họ mà luôn nói rằng bạn hãy làm vì chính bản thân mình. Một người bạn đích thực là người sẵn sàng bên bạn bất cứ lúc nào, dù là lúc khó khăn hay khi huy hoàng.
Chỉ khi khó khăn chúng ta dường như mới nhận ra ai mới đích thị là người chân thành bên bạn. Vì vậy hãy nghĩ đơn giản hơn là mỗi người rời bỏ ta là một người không xứng đáng được nhận quà, giống như một cách để chắt lọc bạn bè. Thay vì dành thời gian để đau buồn, suy nghĩ khổ sở, tổn thương thì hãy dành công sức, tâm trí đó để quan tâm đến những người thực sự yêu thương bạn.
Thật vậy, bản thân chúng ta thường bỏ qua những gì mình đã có. Chúng ta cứ sống trong cảm giác bị bỏ rơi, luôn hoang mang, lo lắng mà không nhận ra rằng ở một nơi nào đó, vẫn luôn có những người đồng hành, cùng bạn trải qua mọi khó khăn, dù đã bao người rời đi thì họ vẫn ở đây. Người đó có thể chính là cha mẹ, là người bạn thân, là người đồng nghiệp ngồi bên bạn mỗi ngày. Chỉ cần ngẫm nghĩ một chút thôi, chắc chắn bạn sẽ nhận ra người đó là ai.
Hãy chia sẻ với ai đó về cảm giác bị bỏ rơi
Đừng quá cố chịu đựng một mình về cảm giác bị bỏ rơi vì cho rằng không ai cần, không ai lắng nghe mình. Nỗi buồn chất chứa trong lòng thì không thể tự biến mất mà chỉ chất chồng ngày càng cao, chỉ đợi một thời điểm nào đó sẽ phun trào như dung nham núi lửa. Bởi thế đừng bao giờ tựu mình chôn giấu nỗi buồn mà hãy thử chia sẻ với ai đó đáng tin cậy.
Đôi khi việc chia sẻ với ai đó không phải nhằm mục đích tìm lời khuyên, tìm cách giải quyết mà đơn giản chỉ cần một người lắng nghe. Khi đã nói ra được hết nỗi lòng, những vướng mắc trong tâm trí thì bạn cũng thấy tinh thần thoải mái hơn rất nhiều.
Hoặc nếu bạn cảm thấy không đủ dũng khí, can đảm hay tin tưởng để chia sẻ với bạn bè, người thân về những cảm giác bị bỏ rơi của mình thì hãy thử viết nhật ký hay thậm chí là tâm sự ẩn danh với một người lạ. Hiện nay nhiều ứng dụng cho phép bạn có thể nói chuyện với người lạ trên khắp thế giới mà vẫn bảo mật được danh tính. Một người không biết bạn là ai, không biết chính xác về người bạn kể hoàn toàn có thể cho bạn một đánh giá công bằng và chân thật hơn cả. Biết đâu điều này có thể giúp ích cho quá trình thay đổi của bạn?
Chữa lành những tổn thương từ quá khứ
Rõ ràng, việc một người luôn bị ám ảnh bởi cảm giác bị bỏ rơi chính là xuất phát từ những tổn thương trong quá khứ. Không giống như vết sẹo trên da thịt, cho dù nó không biết mất nhưng chúng ta có thể tìm cách che đậy hoặc thậm chí làm nó đẹp hơn (bằng cách xăm chẳng hạn) thì vết thương trong tâm trí chỉ có một mình bạn chịu đựng. Người khác không thể nào hiểu được chính xác những nỗi đau mà bạn đã phải trải qua được.
Có một câu nói rất hay rằng “nếu nút thắt trong lòng không thể gỡ được, vậy hãy buộc nó thành chiếc nơ xinh”. Thực sự là vậy, nút thắt nếu gỡ không đúng cách sẽ chỉ càng thêm rối. Tuy nhiên nếu nó nhất định không thể tháo bỏ thì hãy biến hóa nó trở nên đẹp đẽ hơn. Thay vì coi đó là nỗi đau thì hãy coi đó là một kỷ niệm hay một bài học. Có thể là một kỷ niệm không đẹp nhưng nó giúp chúng ta hiểu rõ được một người nào đó thì cũng không có gì đáng tiếc cả.
Để tự chữa lành cho bản thân chắc chắn không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt với những người đã bị tổn thương nhiều lần, đã quá ám ảnh với cảm giác bị bỏ rơi. Do đó, việc gặp gỡ một chuyên gia tâm lý có thể sẽ giúp ích cho bạn, đặc biệt với những người có dấu hiệu của các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu, ám ảnh sợ hãi.
Với chuyên môn của mình, nhà trị liệu sẽ đóng vai trò như một người bạn đang lắng nghe những chia sẻ, tâm sự từ thân chủ, qua đó đi sâu vào đời sống nội tâm để hiểu rõ những yếu tố đã tạo nên các suy nghĩ tiêu cực từ người này. Khi đã nắm bắt được căn nguyên vấn đề, chuyên gia tâm lý sẽ giúp thân chủ của mình hiểu rằng, việc bị bỏ rơi hoàn toàn không phải là lỗi của họ, đồng thời điều chỉnh lại các tư tưởng, nhận thức đang bị sai lệch đó.
Các liệu pháp phù hợp sẽ được đưa ra để xóa bỏ những nghi ngờ về bản thân, xua tan đi cảm giác bị bỏ rơi đang ẩn sâu trong tâm trí của những người này. Đồng thời nhà trị liệu còn đưa ra các hướng dẫn giúp mỗi người có thể học cách đối diện với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và hướng đến những suy nghĩ tích cực, đúng đắn hơn.Cảm giác bị bỏ rơi là thứ cảm xúc không hề dễ chịu một chút nào cả, nó khiến chúng ta tự nghi ngờ chính bản thân mình, lòng tự trọng bị hạ thấp đáng kể. Dù vậy hãy tin rằng trên thế gian này bản thân bạn là một phiên bản duy nhất, quý giá nhất. Chỉ cần chú ý một chút bạn sẽ nhận ra rằng, đối với rất nhiều người, sự hiện diện của bạn thực sự quan trọng, vì thế hãy luôn yêu thương và tự tin vào chính mình hơn nhé!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Rối loạn ác mộng là gì? Nên làm gì để lấy lại giấc ngủ ngon?
- 10 Cách kiềm chế cảm xúc khi tức giận giúp bạn bình tĩnh hơn
- Hội chứng người tốt: Biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục
- Mất động lực làm việc nên làm gì để vượt qua sự chán nản?
Từ khóa » Sợ Bị Bỏ Rơi
-
Hội Chứng Sợ Bị Bỏ Rơi: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
-
Fear Of Abandonment: Vì Sao Nhiều Người Lại Sợ Bị Bỏ Rơi? | Vietcetera
-
Nỗi Sợ Bị Bỏ Rơi Và Sang Chấn Tâm Lý - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Cảm Giác Bị Bỏ Rơi, Khởi Nguồn Của Những Nỗi Sợ - Hello Bacsi
-
[ToMo] Vượt Qua Nỗi Sợ Bị Bỏ Rơi Và Có Một Cuộc Sống Hạnh ...
-
10 Cách để đối Phó Với Cảm Giác Bị Bỏ Rơi | Vinmec
-
Tôi Luôn Sợ Bị Người Khác Bỏ Rơi - VnExpress
-
Hội Chứng Sợ Bị Bỏ Rơi: Nguyên Nhân Và Cách Vượt Qua - Tâm Lý Học
-
SỢ BỊ BỎ RƠI- DẤU HIỆU VÀ CÁCH VƯỢT QUA - Tâm Lý PERG
-
Hội Chứng Sợ Bị đơn độc – Wikipedia Tiếng Việt
-
"Nỗi Sợ Bị Bỏ Rơi": Tại Sao Nhiều Người Lại Cảm Thấy Thiếu An Toàn Và ...
-
Làm Thế Nào Tôi Vượt Qua Nỗi Sợ Bị Bỏ Rơi / Phúc Lợi - Sainte Anastasie
-
NỖI SỢ BỊ BỎ RƠI LIỆU CÓ ĐANG ÁM ẢNH CUỘC ĐỜI BẠN?
-
Nỗi Sợ Bị Bỏ Rơi (Fear Of Abandonment)