Cảm Nhận Tự Tình - Hồ Xuân Hương - Thích Văn Học
Có thể bạn quan tâm
Văn học không thể đi mãi trên ngọn cây cũng giống như con người không thể cứ lúc nào cũng nghển cổ để hướng về những thứ tốt đẹp, tráng lệ nhưng lại không có thực tại trần thế. Nói một cách đơn giản thì văn học sẽ chẳng bao giờ xa rời được cuộc sống vì chỉ khi đối diện với chính cuộc sống ấy ta mới thấy những hiện thực bất công đến bẽ bàng của số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Và dường như chưa bao giờ họ lại được cảm thông, chia sẻ nhiều đến thế, đúng như Nadimetlicmet đã từng nói rằng: “Con hãy lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông què quặt, của hành tinh lạnh ngắt. Nhưng trước hết con hãy lắng nghe nỗi buồn của con người.” Phải chăng ta đã từng xót thương cho một nàng Kiều gian truân, phải chăng ta đã từng phẫn uất cho một Vũ Nương bất hạnh,… Nhưng khi đến với Hồ Xuân Hương, qua bài thơ “Tự tình II” do bà sáng tác và viết về chính cuộc đời của bà thì niềm xót thương ấy lại càng thêm phần xót thương, sự phận uất ấy lại càng thêm phần phẫn uất bởi lẽ số phận người đàn bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm” của dân tộc sao mà éo le, ngang trái đến vậy:
“Đau đớn thay phận đàn bàLời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Truyện Kiều_Nguyễn Du)Thi phẩm “Tự tình II” nằm trong chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài được viết bằng chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Nhan đề bài thơ đã giúp ta phần nào hiểu được nỗi niềm của Hồ Xuân Hương, tự tình là tự bộc lộ, giãi bày tâm trạng hay chính là sự hé mở những nỗi lòng khó nói và dường như bà không chỉ nói cho riêng mình mà còn nói cho cả biết bao số phận hẩm hiu người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn khát vọng được sống, được hạnh phúc và yêu thương đến từ họ.Mở đầu bài thơ gợi lên cho độc giả nỗi niềm cô đơn buồn tủi giữa đêm khuya thanh vắng của một tâm hồn đa sầu, đa cảm khiến ta không khỏi xót thương:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồnTrơ cái hồng nhan với nước non”
Khi màn đêm buông xuống chính là lúc con người ta được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình, bỏ lại sau lưng biết bao lo toan, bộn bề của cuộc sống để cùng nhau chìm sâu vào giấc ngủ ấm êm. Nhưng cũng chính lúc này, vẫn còn một người phụ nữ đang bơ vơ giữa cái vô thủy, vô chung của không gian, của thời gian. Đêm nay hẳn cũng như bao đêm khác, người phụ nữa ấy có bao giờ hết lẻ loi một mình đâu? Cái không gian tĩnh lặng đến đáng sợ, không còn tiếng ồn ào náo nhiệt mà chỉ còn tiếng trống canh dồn hối hả, giục giã như muốn đớp lấy thời gian, tàn phá không gian vậy. Tiếng trống canh đâu có bình thường mà nó còn “văng vẳng” giữa không gian yên tĩnh, cái mô tip “văng vẳng” dù có đùa vui đi chăng nữa nhưng cũng đầy não lòng: “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì” (Dỗ người đàn bà chồng chết) còn đến với “Tự tình II” thì nó lại não lòng gấp bội. Tiếng trống “dồn” là một đặc sắc nghệ thuật được Hồ Xuân Hương khéo léo sử dụng, tiếng trống canh thường được đánh một lần để điểm qua mỗi canh giờ vậy cớ sao thi nhân lại cảm nhận nó một cách hối hả, giục giã đến thế? Dường như bà không nghe được âm thanh tiếng trống ấy, tiếng trống mà bà nghe thấy đang được phát ra từ một không gian hoàn toàn tách biệt với thế giới thực tại và nó vẫn luôn dồn dập trong lòng bà như một tiếng lòng rạo rực muốn cất lên tiếng nói bất bình trước thời đại, nó còn là bước đi hối hả của thời gian, là tâm trạng bức bối, rối bời của nhân vật trữ tình trong tuyệt vọng. Tưởng rằng thủ pháp lấy động tả tĩnh sẽ giúp bức tranh thấm đượm nỗi buồn trở nên vui tươi nhưng hóa ra chỉ làm mọi thứ đắm chìm vào nỗi ngao ngán trong đêm chường, để rồi chỉ biết tự trách chính mình sao để thời gian tuổi xuân qua nhanh đến vậy. Và khi mối tơ lòng không thể gỡ nhưng thời gian vẫn không ngừng trôi thì chỉ còn đọng lại trong người phụ nữ là sự bất lực đến bẽ bàng mà thôi:
“Trơ cái hồng nhan với nước non”
Từ “trơ” được đảo lên đầu câu kết hợp nhịp thơ 1/3/3 bất thường như khắc sâu thêm vào cái sự bẽ bàng. “Trơ” là tủi hổ, là trơ trụi, thêm vào đó là cách kết hợp từ độc đáo hai từ “hồng nhan” vốn chỉ nhan sắc của người phụ nữ nay lại đi cùng từ “cái” nghe mới rẻ rúng, mỉa mai biết nhường nào. Cái hồng nhan trơ với nước non không chỉ gợi sự dãi dầu mà hơn thế là sự cay đắng cho số phận, câu thơ như chì chiết, mỗi lúc một khơi sâu vào nỗi đau khôn tả, nó làm ta nhớ đến tâm trạng Thúy Kiều khi bị bỏ rơi không chút đoái hoài:
Tham khảo: Sách Chuyên đề lý luận văn học (Cập nhật 2024)
“Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ”
Nghệ thuật đối giữa “cái hồng nhan” với “nước non”, giữa thân phận nhỏ bé với tầm vóc không gian lớn lao, bỏ lại nỗi đau phía sau là nỗi đau đớn thân phận, Hồ Xuân Hương như muốn thách thức, bền gan, đối chọi với xã hội phong kiến hà khắc:
“Giơ tay với thử trời cao thấpXoạc cẳng đo xem đất vắn dài”Khi nỗi buồn đã thấm đến tận tâm can thì con người cũng chỉ biết mượn rượu giải sầu và Hồ Xuân Hương cũng vậy, nhưng liệu rượu có giúp người phụ nữ ấy quên đi tất cả:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnhVầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Khi xưa Thúy Kiều rơi vào lầu xanh cũng uống rượu thâu đêm suốt sáng và rồi khi tỉnh dậy thì cũng chỉ biết “Giật mình mình lại thương mình xót xa” còn sau này ta lại bắt gặp Chí Phèo, khi gã tìm đến men rượu để quên đi tất cả nỗi đau của cuộc sống nhưng rồi khi hắn tỉnh rượu thì lại càng thấm thía, càng thấy rõ cuộc đời mình bất hạnh là do đâu, càng thấy rõ mình chẳng thể quay lại làm người lương thiện được nữa… Có lẽ Hồ Xuân Hương cũng vậy, người phụ nữ ấy say để quên đi nỗi sầu nhưng uống rồi thì thấm thía nỗi đau đến tột cùng. Từ “lại” hiện lên như một vòng luẩn quẩn mà thi nhân mãi không thoát ra được, say rồi lại tỉnh mau như cuộc tình đến rồi cũng tan mau vậy. Hương rượu khi ấy để lại vị đắng chát, hương tình khi ấy chỉ còn thoáng qua như trò đùa của tạo hóa. Hồ Xuân Hương xinh đẹp thật đấy, tài giỏi thật đấy nhưng “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cuộc đời của người lấy chồng muộn, hai lần làm lẽ rồi cũng hai lần góa bụa, suốt đời sống trong cảnh đơn côi, cuộc đời ấy đã bao giờ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn đâu, đã bao giờ có cho mình vầng trăng viên mãn đâu, cho nên vầng trăng hạnh phúc đó chưa bao giờ thuộc về Hồ Xuân Hương, nó chỉ có thể là trăng khuyết, trăng xế mà thôi:
“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
“Vâng trăng bóng xế” là bước đi của thời gian , ẩn dụ cho chính cuộc đời cả bà đã đi qua tuổi xuân tươi đẹp. Vầng trăng phi logic như muốn nhận mạnh nỗi buồn duyên phận hẩm hiu vẫn luôn mong chờ tình yêu đến với mình và cũng chính vâng trăng phi logic ấy là nguồn cảm hứng để sau này thi sĩ Phi Tuyết Ba từng có bài thơ tuyệt bút:
“Anh ngỏ lời yêu emVào một đêm trăng khuyếtBằng tình yêu tha thiếtBiết tròn trước đêm rằm.Em vui lúc trăng trònChạnh lòng khi trăng khuyếtAnh ơi anh có biếtTrăng như tình lứa đôiSao anh vội ngỏ lờiVào một đêm trăng khuyếtĐể bây giờ thầm tiếcMột vầng trăng chưa tròn.”(Trăng khuyết)
Vầng trăng tuy đẹp đến bao nhiêu nhưng rồi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hai câu thực khép lại đã hé mở thân phận, cuộc đời người nữ sĩ, với nghệ thuật tiểu đối đã giúp Hồ Xuân Hương bày tỏ nỗi xót xa, cay đắng cho thân phận dở dang, tình duyên lỡ làng ngang trái.Tản Đà từng nhận xét thơ của Hồ Xuân Hương rằng: “Trong thơ Hồ Xuân Hương có quỷ” bởi lẽ mọi sự vật trong thơ bà lúc nào cũng cựa quậy, căng đầy sức sống:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đámĐâm toạc chân mây, đá mấy hòn”
Dưới ngòi bút tài hoa của nữ sĩ họ Hồ, những sự vật hèn mọn như đám rêu kia vẫn không chịu nhỏ bé, những viên đá vô tri vô giác cũng không chịu đứng yên. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ kết hợp động tự mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc” cho ta thấy những hoạt động dữ dội, phá phách, ngang ngạch và bướng bỉnh. Không phải “xiên thẳng” mà phải là “xiên ngang”, chẳng phải “đâm rách” mà cứ là “đâm toạc” đó là cách dùng từ rất “Xuân Hương”. Hai câu luận như nói lên chính tính cách của bà vậy, chẳng bao giờ tuân theo lễ giáo, ngang ngạch, bướng bỉnh, dù ở hoàn bi thảm nhất nhưng trong người phụ nữ ấy vẫn luôn ẩn chứa mạnh mẽ một sức sống, một khát khao đến cháy bỏng:
“Ví đây đổi phận làm trai đượcThì sự anh hùng há bấy nhiêu”Say đến đâu rồi cũng phải tỉnh, ngày dài đến mấy thì cũng sang đêm, “xuân xanh” biết bao vẫn phải úa tàn và ngang ngạch nhường cũng phải chịu thua trước cái xã hội phong kiến mục nát “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lạiMảnh tình san sẻ tí con con”
“Ngán” là chán ngán, là ngán ngẩm. Hồ Xuân Hương ngán lắm rồi nỗi đời éo le bạc bẽo bởi xuân cứ đi rồi xuân lại lại như một vòng luẩn quẩn. Từ “xuân” vừa dùng để chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại với thiên nhiên, với đất trời:
“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hếtĐêm qua, sân trước một nhành mai”(Cáo tật thị chúng)
Nhưng với con người thì tuổi xuân qua đi sẽ không bao giờ quay lại nữa. Trong cụm từ “xuân lại lại” cũng mang hai nghĩa khác nhau, từ “lại” thứ nhất là thêm một lần nữa, từ “lại” thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân thì trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, qua đi mãi không ngưng đó chính là cái gốc sâu xa của sự chán ngán đến khôn nguôi của nữ sĩ đa sầu đa cảm. Thời gian vẫn luôn là thế lực nghịch đối với cuộc sống con người đặc biệt là tuổi trẻ và tình yêu, nhiều khi chính bà dám thách thức nó để nở nụ cười chiến thắng “Thân này đâu đã chịu già tom” nhưng rồi đành phải thừa nhận một thực tế phũ phàng rằng: “Ngán lỗi xuân đi xuân lại lại”, cảm nhận của bà làm ta nhớ câu thơ của Nguyễn Khuyến:
“Ngày xuân tuổi hạc càng caoNon xanh nước biếc càng ngao ngán lòng”
Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến được Hồ Xuân Hương sử dụng khéo léo làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình – san sẻ – tí – con con. Ở đây không còn là “Khối tình cọ mãi với non sông” mà là “mảnh tình”. “Mảnh tình” vốn đã ít ỏi, đã nhỏ bé, đã không còn trọn vẹn nay lại còn phải sẻ ra mà chia, mà đong, mà đếm gần như không còn lại gì cả (tí con con). Phải chăng đó chính là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, khi với họ, hạnh phúc chỉ là một chiếc chăn quá nhỏ:
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.Năm thì mười hoạ hay chăng chớ,Một tháng đôi lần có cũng không.”(Lấy chồng chung)Nếu như đương thời chỉ có một Phạm Thái tài hoa mà ngang tàn, ngang tàn mà chân thực, chân thực mà ngông nghênh, bảo thủ hay một Tố Như “lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”, một Tố Như “có con mắt trọng thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” và đương nhiên cũng chỉ có một Hồ Xuân Hương “học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hóa” khiến cho thphẩm trường tồn cùng năm tháng cũng như chẳng bao giờ mất đi cái giá trị nhân đạo cao đẹp của nó.Xuyên suốt trong bài thơ Tự tình (II) là tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Trước sự trớ trêu của số phận, người phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc, vẫn muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã do tạo hóa trêu ngươi, đồng thời qua bài thơ cho ta thấy tài năng độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ và hình tượng nhân vật.
Bài viết của Lê Đức từ team Thích Văn Học
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học
TỰ TÌNH
Từ khóa » Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình 2 Lớp 11
-
Top 3 Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình 2 Hay Chọn Lọc
-
Cảm Nhận Bài Thơ Tự Tình 2 Hay Nhất (5 Mẫu) - Văn 11
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình II Hay Nhất - Văn Mẫu 11 Hay - Icongchuc
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ "Tự Tình (II)" Của Hồ Xuân Hương| Học Văn 11
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình 2 - .vn
-
Cảm Nhận Và Phân Tích Tự Tình 2 Của Hồ Xuân Hương – Ngữ Văn 11
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình 2 Của Hồ Xuân Hương - CungHocVui
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình 2 (có Dàn ý Chi Tiết) - Cẩm Nang Bếp Blog
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình Lớp 11
-
Phân Tích Bài Thơ Tự Tình 2 Ngắn Nhất ( Dàn ý + Bài Mẫu) - TopLoigiai
-
Trình Bày Cảm Nhận Của Anh Chị Về Bài Thơ Tự Tình Của Tác Giả Hồ ...
-
Cảm Nhận Bài Thơ Tự Tình Lớp 11
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Tự Tình II Hay Nhất – Văn Mẫu 11 Hay
-
5 Bài Văn Phân Tích Bài Thơ Tự Tình Của Hồ Xuân Hương, Chi Tiết, Tuyển