Cảm Nhận Về đoạn Thơ: Trong Anh Và Em Hôm Nay….làm Nên Đất ...

»» Nội dung bài viết:

  • Suy ngẫm của Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ giữa cá nhân với Đất nước.
  • Đánh giá.
  • Suy ngẫm về lòng yêu nước của thế hệ trẻ thời đại ngày nay.
  • Bài học liên hệ nhận thức và hành động của bản thân.

Cảm nhận về đoạn thơ: Trong anh và em hôm nay…. làm nên Đất Nước muôn đời (trích “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm).

* Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm đoạn thơ, vấn đề nghị luận.

– Dẫn đoạn thơ:

“Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước Khi hai đứa cầm tay Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang đất nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời…”. 

  • Thân bài:

–  Trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, hai từ Đất Nước và Nhân Dân đều được viết hoa, trở thành “mĩ tự” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về Đất Nước và Nhân Dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng – phân – hợp thể hiện được chất chính luận của ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm.

Suy ngẫm của Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ giữa cá nhân với Đất nước.

Trong phần đầu của đoạn thơ, tác giả đã cảm nhận về đất nư­ớc một cách trọn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện: thời gian lịch sử và không gian địa lý, huyền thoại, truyền thuyết và đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Đất n­ước đ­ược cảm nhận vừa thiêng liêng, sâu xa lại vừa gần gũi thân thiết.

2 câu thơ đầu:

“Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước

Khẳng định trong bản thân anh và em đều có một phần Đất Nước, sự nhận thức chân lí về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử… Đất Nước gần gũi và gắn bó thân thiết với chúng ta. Ta là một phần của Đất Nước thật là yêu thương và tự hào.

4 câu tiếp theo mở rộng ý thơ của 2 câu đầu từ 2 đứa đến mọi người:

“Khi hai đứa cầm tay Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn”

+ Khi hai đứa cầm tay: yêu thương, xây dựng gia đình. Đất Nước hài hòa nồng thắm à tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự hài hòa nồng thắm với tình yêu quê hương Đất Nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới (liên hệ với bài Nhớ của Nguyễn Đình Thi, Quê hương của Giang Nam).

+ Khi chúng ta cầm tay mọi người: đoàn kết, yêu thương đồng bào. Đất Nước vẹn tròn to lớn, tạo nên sức mạnh Việt Nam. Nhà thơ cảm nhận Đất Nước từ cội nguồn của dân tộc.

+ 4 câu thơ trên cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ, làm cho ý thơ liền mạch, hài hòa giữa nội dung và hình thức…

3 câu tiếp theo tiếp tục mở rộng ý thơ của 2 câu đầu từ hôm nay đến ngày mai và muôn đời sau…

“Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang đất nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng”

Tác giả nhắn nhủ kì vọng vào tương lai: “Mai này …mơ mộng”. Thế hệ con cháu sẽ tiếp bước cha ông để xây dựng Đất Nước. Tác giả tin tưởng vào trí tuệ và bản lĩnh của nhân dân Việt Nam trên hành trình lịch sử xây dựng Đất Nước.

→ Những dòng thơ ở cuối phần là một sự cảm nhận sâu sắc và phát hiện mới mẻ của tác giả về đất n­ước trong sự sống, tình yêu, trong vận mệnh và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nư­ớc. Đất nư­ớc không chỉ là núi sông, rừng, biển, không chỉ là lịch sử dựng nư­ớc và giữ nư­ớc mà Đất nư­ớc còn đư­ợc kết tinh và tồn tại trong sự sống của mỗi cá nhân, mỗi chúng ta hôm nay. Quả vậy, sự sinh thành của mỗi cá nhân đều có cội nguồn sâu xa từ dân tộc và đ­ợc thừa h­ưởng thành quả vật chất và tinh thần do bao thế hệ tạo dựng lên. Như­ng sự sống của mỗi cá nhân chỉ có thể tồn tại và có ý nghĩa trong sự hài hòa với những cá nhân khác và toàn thể cộng đồng: “Khi hai đứa cầm tay …..  Đất n­ước vẹn toàn to lớn”. Đất n­ước đư­ợc trư­ờng tồn qua sự tiếp nối của các thế hệ và các thế hệ mai sau sẽ đư­a đất nư­ớc tới sự phát triển xa hơn, đến “Những tháng ngày mơ mộng”.

Suy ngẫm về vai trò nhiệm vụ của mỗi con người với đất nước:

4 câu thơ cuối cảm xúc dâng lên đến cao trào, giọng thơ tâm tình “Em ơi em” ngọt ngào say đắm:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời…”. 

+ Nhà thơ giãi bày, san sẻ về cảm nhận, định nghĩa về Đất Nước của mình “Đất Nước là máu xương của mình”, là mồ hôi xương máu của ông cha.

+ Tác giả kêu gọi ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta: gắn bó, san sẻ, hóa thân có như thế mới làm nên Đất Nước muôn đời, trường tồn với thời gian. Điệp ngữ “phải biết”  như mệnh lệnh khiến cho giọng thơ trở nên mạnh mẽ…

Đánh giá.

+ Nội dung: Đoạn thơ nói riêng, đoạn trích nói chung đã góp phần vào đề tài Đất Nước trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến một tứ thơ rất đẹp, thấm đẫm dư ba. Thể hiện niềm tin vào tương lai Đất Nước. Đoạn thơ cũng thể hiện tầm cao nhận thức của thế hệ trẻ nguyễn Khoa Điềm về đất nước, nhân dân về sứ mệnh của thế hệ mình.

+ Nghệ thuật: Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình, hàm ẩn tính công dân trong thời đại mới. Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tứ thơ dạt dào, giàu cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ hình ảnh thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư… Những câu thơ theo lối suy tưởng, mệnh lệnh thức nhưng không rơi vào hô khẩu hiệu, khô khan trái lại thấm đẫm cảm xúc ( em ơi em…), cảm giác, hình ảnh sinh động( vẹn tròn to lớn, hài hòa nồng thắm…)

→ Sức sống, sức lan tỏa tư tưởng, cảm xúc của đoạn thơ, bài thơ. Khẳng định truyền thống yêu nước, tư tưởng đất nước của nhân dân thời đại chống Mỹ cứu nước vẫn được tiếp nối phát huy trong thời đại mới.

Suy ngẫm về lòng yêu nước của thế hệ trẻ thời đại ngày nay.

– Những nhận thức về đất nước, về sứ mệnh với Đất nước của tuổi trẻ ngày nay.

– Những biểu hiện đa dạng, phong phú của lòng yêu nước của tuổi trẻ thời đại ngày nay (lí giải những điểm còn hạn chế)

Bài học liên hệ nhận thức và hành động của bản thân.

  • Kết bài:

Trong anh và em hôm nay / Đều có một phần đất nước. Những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện một chân lí giản dị mà sâu sắc về đất nư­ớc. Đất n­ước không chỉ là một khách thể ở ngoài mỗi chúng ta mà tồn tại ngay trong cơ thể, trong sự sống mỗi ng­ười. Đất nư­ớc trở nên hết sức thiêng liêng mà gần gũi với mỗi ngư­ời. Chân lí ấy một lần nữa được tác giả nhắc lại nh­ư lời nhắn nhủ tha thiết “Em ơi em, đất nư­ớc là máu x­ương của mình”. Từ đó dẫn đến lời nhắc nhở về trách nhiệm thiêng liêng của mỗi ngư­ời với đất nư­ớc. “Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nư­ớc muôn đời”

Bài văn tham khảo:

Cảm nhận về đoạn thơ “Trong anh và em hôm nay…. làm nên Đất Nước muôn đời” (“Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm)

  • Mở bài:

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống.Mỹ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư và dồn nén xúc cảm, mang màu sắc chính luận, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu là trường ca “Mặt đường khát vọng”, trong đó có đoạn trích Đất Nước. Mười ba câu thơ của đoạn thơ :

“Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang đất nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời...”.

  • Thân bài:

Không chỉ tiếp cận Đất Nước qua lịch sử, qua địa lý và các mối quan hệ cá nhân,cộng đồng, Nguyễn Khoa Điềm còn dẫn dắt độc giả trở về với hiện thực trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả một thế hệ chống Mỹ thật sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm. Hai dòng đầu, nhà thơ phát hiện chân lý giản dị mà sâu sắc:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước.

Giọng thơ tâm tình với lối xưng hô “anh, em” tha thiết. Thì ra Đất Nước có trong mỗi cá nhân, Đất Nước kết tinh trong mỗi con người “trong anh”, “trong em”, trong mỗi chúng ta. Đất Nước không ở đâu xa lạ, không tồn tại khách thể mà kết tinh, hóa thân trong cuộc sống của mỗi con người. Sự sống mỗi cá nhân không chỉ là riêng của cá nhân mà còn là của Đất nước, bởi mỗi cuộc đời đều được thừa hưởng những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc, của nhân dân. Ý thơ này tương đồng với ý trong bài thơ Quê hương của Giang Nam:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm Có những ngày trốn học bị đòn roi Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất Có một phần xương thịt của em tôi.

Vẻ đẹp Đất Nước còn được phát hiện thêm qua mối quan hệ giữa đất nước với con người:

Khi hai đứa cầm tay Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn

“Cầm tay” là một biểu tượng của tình yêu thương thân thiết, của tình đoàn kết dân tộc. “Khi hai đứa cầm tay” tình yêu trong anh và em làm cho Đất Nước bỗng “hài hòa nồng thắm” và khi hai ta hòa vào mọi người, cái riêng hòa vào cái chung cộng đồng thì “Đất Nước vẹn tròn to lớn”. Bằng việc kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi /Khi; Đất Nước /Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng. Cần phải đặt vào hoàn cảnh sáng tác, ta mới hiểu được ý thơ này.

Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca : “Mặt đường khát vọng” trong thời kì chống Mĩ ( 1971). Hiện thực diễn ra là dân tộc bị chia rẽ, đất nước bị chia cắt. Từ đó, ta thấy được các hình ảnh “hai đứa cầm tay”, “cầm tay mọi người”, đất nước “hài hoà nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” là những hình ảnh ẩn dụ, gợi ra suy nghĩ : có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc sẽ có một đất nước thống nhất vẹn toàn, vững mạnh. Như vậy, cá nhân không thể tách rời cộng đồng. Đó là tinh thần đoàn kết của khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, được nhân đôi thành một vòng Việt Nam rộng lớn và vĩnh cửu không gì có thể phá vỡ nổi. Rõ ràng sự gắn bó số phận cá nhân với vận mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại.

Từ hiện tại, nhà thơ tiếp tục mạch cảm xúc và suy nghĩ về Đất Nước ở tương lai:

“Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang Đất Nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng”.

Có thể nói, ba dòng thơ đã mở ra một tầng ý nghĩa mới, đó là niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước.Thế hệ sau “con ta lớn lên sẽ mang Đất Nước đi xa- Đến những tháng ngày mơ mộng”. Đây cũng là cách nói ẩn dụ: “mai này” khi đất nước không còn giặc ngoại xâm, không còn chiến tranh, thế hệ sau sẽ “gánh vác phần người đi trước để lại”. “Tháng ngày mơ mộng” là tương lai đẹp và hạnh phúc, là những ngày thanh bình và phát triển của Đất Nước. Đất nước sẽ đẹp hơn, những tháng ngày mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực ở ngày mai.

Nói về tương lai đất nước nhưng nhà thơ đã gợi ra trách nhiệm của thế hệ hôm nay: phải thức tỉnh, phải đoàn kết để đánh đuổi quân xâm lược. Đồng thời, tác giả đặt niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đặt niềm tin vào thế hệ sau. Nhà thơ tin rằng mai đây hoà bình, con cháu có điều kiện ra đi học hỏi, mang kiến thức về phục vụ đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, biến những ước mong của người đi trước thành hiện thực.

Từ suy nghĩ đó, nhà thơ lên tiếng kêu gọi ý thức bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Đất Nước:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Đọc bốn câu thơ trên không khó nhận ra cảm xúc của nhà thơ đã trở thành cao trào, giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm. “Em ơi em” là lời gọi thân tình, tha thiết. Điệp từ “phải biết” là nhấn mạnh, khẳng định, là tiếng gọi khẩn thiết của nhà thơ. Vậy nhà thơ đã nhắn nhủ điều gì ?

Điều nhắn nhủ đó là “Đất nước là máu xương của mình”. Sử dụng hình ảnh gợi cảm, tác giả khẳng định đất nước là một phần cơ thể, tạo nên sự sống cho mỗi con người. Điều đó thật đúng và đã được lịch sử chứng minh một cách sinh động. Khi đất nước bị ngoại xâm thì dân tộc trở thành nô lệ, phải sống kiếp “ngựa trâu”. Chỉ khi đất nước có độc lập, tự do, chúng ta mới được trở lại cuộc sống của con người. Không chỉ vậy, hình ảnh thơ còn gợi ra một liên tưởng khác: đất nước là máu xương của tổ tiên, của bao thế hệ ông cha, của dân tộc ngàn đời giành lại từ tay kẻ thù xâm lược. Vậy mới thấy được giá trị và sự thiêng liêng của mỗi tấc đất, dòng sông trên đất nước này.

Lời thơ trữ tình “Em ơi em” nhỏ nhẹ, trìu mến đã bảo hành chất trữ tình chính luận sâu sắc cho đoạn thơ. Nhà thơ khẳng định “Đất Nước là máu xương “, là sinh mệnh, là sự sống của con người. Vận mệnh của Đất Nước chính là vận mệnh của chính bản thân mình, số phận của cá nhân nằm trong vận mệnh của Đất Nước . Vì thế, ta cần “Phải biết gắn bó và san sẻ. Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở”. Điệp ngữ “phải biết” vừa là mệnh lệnh kêu gọi vừa là lời thúc giục từ trái tim. Từ “hóa thân” chính là sự tự nguyện cống hiến trọn vẹn tinh thần và công sức, tuổi trẻ của mình vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc để “Làm nên Đất Nước muôn đời”, một ý tưởng hào hùng mang tầm vóc sử thi gợi ta nhớ đến bài thơ của Tố Hữu :

Nếu được làm hạt giống để mùa sau Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa Vui gì hơn làm người lính đi đầu.

Nhìn chung, Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người tràn đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và có khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.

  • Kết bài:

Tóm lại, đây là một trong những đọan thơ hay và sâu sắc trong “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ, qua đọan thơ, nhà thơ đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự gắn bó giữa mỗi người với đất nước.Từ đó, ý thức hơn về trách nhiệm của mỗi người với đất nước quê hương. Đồng thời, đọan thơ cũng giúp ta thấy được vẻ đẹp trong phong cách thơ trữ tình – chính luận của nhà thơ.

Bài văn tham khảo 2:

Cảm nhận đoạn thơ: “Trong anh và em hôm nay . Đều có một phần đất nước….”

  • Mở bài:

Đất nước là chương V trong trường ca Mặt đường khát vọng dài 110 câu thơ (trong “Ngữ văn 12” chỉ trích 89 câu). Phần đầu (42 câu) là cảm nhận của nhà thơ trẻ về đất nước trong cội nguồn sâu xa văn hoá – lịch sử, và trong sự gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam. Phần thứ hai, cảm hứng chủ đạo về đất nước là sự ngợi ca, khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân. Từ đó, nhà thơ nhận diện phát hiện đất nước trên bình diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tinh thần dân tộc – nền văn hiến Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo của chương V Đất nước là tác giả vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hoá dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục…, cùng với cách diễn đạt bình dị, hiện đại gây ấn tượng vừa gần gũi vừa mới mẻ cho người đọc.

Mười ba câu thơ dưới đây trích trong phần đầu chương Đất nước thể hiện cảm nhận: Đất nước gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt nam:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước (…) Làm nên đất nước muôn đời…

  • Thân bài:

Trong chương V trường ca Mặt đường khát vọng, hai từ “đất nước” và “nhân dân” đều được viết hoa, trở thành “mĩ từ” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về đất nước và nhân dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng – phân – hợp mà ta cảm nhận được tính chất chính luận của ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lý về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,… đất nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước.

Đất nước đã thấm tự nhiên vào máu thịt, đã hoá thành máu xương của mỗi con người, vì thế sự sống của mỗi cá nhân không phải là riêng của mỗi con người mà là của cả đất nước. Mỗi con người đều thừa hưởng ít nhiều di sản văn hoá vật chất và tinh thần của đất nước, phải giữ gìn và bảo vệ để làm nên đất nước muôn đời.

Chỉ “một phần” nhỏ bé thôi, nhưng xiết bao gần gũi, gắn bó, yêu thương và tự hào. Từ khái niệm, ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của đất nước” được diễn đạt một cách “mềm hoá” qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi, của “anh và em”.

Bảy câu thơ tiếp theo mở rộng ý thơ trên từ “hai đứa” đến “mọi người”, từ “hôm nay” đến “ngày mai” và muôn đời mai sau.

Khi hai đứa cầm tay Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Ở phần trước, nhà thơ cảm nhận: “Đất là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm – Đất nước là nơi ta hò hẹn – Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của đất nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hoà, nồng thắm” với tình yêu quê hương đất nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi “nhớ”:

Anh yêu em như anh yêu đất nước Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…

Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước, mới có thể có tình nghĩa sâu nặng “Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm”, mới tìm thấy đất nước quê hương cả trong niềm vui và nỗi đau của anh, của em, của bao lứa đôi khác:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm Có những lần trốn học bị đòn roi. Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất Có một phần xương thịt của em tôi

(Quê hương – Giang Nam)

Nói về cội nguồn của giòng giống, của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại sự tích trăm trứng: “Đất là nơi Chim về – Nước là nơi Rồng ở – Lạc Long Quân và Âu Cơ – Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng – Những ai đã khuất – Những ai bây giờ…”. Từ huyền thoại thiêng liêng ấy mới có ý thơ này:

Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn

Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,… Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hoà, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi hai đứa cầm tay”… “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, “Đất nước hài hoà nồng thắm…”. “Đất nước vẹn tròn, to lớn”. Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: hình thức này thể hiện nội dung ấy, nội dung ấy được diễn đạt bằng hình thức này. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hoà, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống “yêu nước, yêu nhà, yêu người” và đó là sức mạnh Việt Nam.

Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:

Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang đất nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng

Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam… đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,… cũng có một giọng điệu riêng “rất Huế”, dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng “mai này” là cách nói của bà con xứ Huế.

Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

Em ơi em đất nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nước muôn đời…

“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về đất nước: “Đất nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:

Nuôi lớn người từ ngày mở đất, Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng

(Bài thơ của một người yêu nước mình, 19/12/1967)

Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hoá thân…” thì mới có thể “Làm nên đất nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.

Trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến, đề tài quê hương đất nước được tô đậm bằng nhiều bài thơ kiệt tác, những đoạn thơ hay, những câu thơ tuyệt cú. Cảm hứng về đất nước được diễn tả bằng nhiều tứ thơ độc đáo, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Chất trữ tình thấm đẫm dư ba. Đất nước trong máu lửa mới mang cảm xúc sâu nặng thế. Đây là tiếng nói ở hai đầu đất nước:

Tôi yêu đất nước này chân thật Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi Và yêu tôi đã biết làm người Cứ trông đất nước mình thống nhất

(Trần Vàng Sao)

Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông

(Chế Lan Viên)

Trở lại đoạn thơ trên đây của Nguyễn Khoa Điềm. Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.

“Em ơi em, đất nước là máu xương của mình…” – một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hoà bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên đất nước muôn đời”, đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn Sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hoá thân” cho đất nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu đất nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…

  • Kết bài:

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về đất nước. Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng. Đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta không chỉ tìm về cội nguồn dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại.

Bài văn tham khảo 3:

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút tiêu biểu trong nền thơ ca kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam mà trường ca Mặt đường khát vọng là một sáng tác tiêu biểu. Được ra đời trong cuộc chiến chống MĨ các liệt tại chiến trường Trị – Thiên năm 1971, những dòng thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong đó, đoạn thơ “Đất Nước” đã bộc lộ những suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước thật độc đáo và ấn tượng:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước (…) Làm nên đất nước muôn đời…

Trong chương V trường ca Mặt đường khát vọng, hai từ “đất nước” và “nhân dân” đều được viết hoa, trở thành “mĩ từ” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về đất nước và nhân dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào về sự ra đời, quá trình trưởng thành và phát triển suốt bốn nghìn năm của đất nước. Từ sự lí giải ở chiều rộng không gian, chiều dài thời gian và ở bề dày văn hóa, nhà thơ khéo léo khơi gợi ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước qua đoạn thơ 13 câu trữ tình sâu lắng và đầy sức thuyết phục. Hai câu thơ mở đoạn là lời của chủ thể trữ tình “anh” nói với em về sự tồn tại hiển nhiên đến bất ngờ của đất nước trong mỗi con người:

Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước

Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, đất nước, quê hương, Tổ quốc, dân tộc… luôn là những khái niệm trừu tượng. Với nhà thơ trẻ đang đối mặt với cuộc chiến tranh khốc liệt một mất một còn, đất nước gần gũi, thân thiết. Khác với nhiều nhà thơ thường cảm nhận đất nước từ điểm nhìn hướng ngoại, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn điểm nhìn hướng nội để thấy đất nước ở trong “anh” và trong “em”, đất nước tồn tại trong mỗi con người chứ không ở ngoài ta. Đó là một nhận thức mới mẻ và sâu sắc về đất nước.

Tứ thơ được phát triển theo mạch mở rộng từ cá nhân “anh” và “em” đến sự gắn kết khi “hai đứa” cầm tay, cử chỉ yêu thương đã góp phần tô thắm cho Đất Nước:

Khi hai đứa cầm tay Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Quả thực, Đất Nước được hình thành từ những mái ấm gia đình. Có những con người yêu thương gắn bó trong tình nghĩa mặn nồng thì đâtý nước từ đó mới phát triển. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của đất nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hoà, nồng thắm” với tình yêu quê hương đất nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. ta cũng bắt gặp ý thơ này trong câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…”

Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất nước vẹn tròn, to lớn

Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,.. Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hoà, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất nước vẹn tròn, to lớn”. Bốn dòng thơ nhưng thực chất là hai câu thơ có quan hệ điều kiện – kết quả: “Khi… thì ..”. Cả bốn dòng chỉ có một hình ảnh, lại là hình ảnh mang tính tượng trưng: cầm tay diễn tả sự thân thiết, tin cậy, yêu thương lẫn nhau. Hình ảnh ấy đi liền với những tính từ chỉ mức độ “hài hòa”, “nồng thắm”, “vẹn tròn”, “to lớn”. Bởi vậy, dù ý tứ tuy không phải là quá mới mẻ, song, những câu thơ ấy lại có sức nặng của tình cảm chân thành. Những câu thơ còn gợi ngầm ẩn một thông điệp rằng đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng, càng không phải là một giá trị bất biến, có sẵn. Đất nước là một thực thể sống và sự sống ấy ra sao còn phụ thuộc vào hành động của những cá nhân trong đất nước đó. Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:

Mai này con ta lớn lên Con sẽ mang đất nước đi xa Đến những tháng ngày mơ mộng

Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

Em ơi em đất nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nước muôn đời…

“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về đất nước: “Đất nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời.

Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hoá thân…” thì mới có thể “Làm nên đất nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, tác động cả vào lí trí và tình cảm con người. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng được hi sinh hết mình cho tổ quốc của nhà thơ.

Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hóa thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiên sức lực, mồ hôi cho Tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hóa thân. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương, xứ sở, đất nước. Không có sự hóa thân kia làm sao đất nước trường tồn, làm sao có được Đất nước muôn đời! Cảm hứng ấy cũng dạt dào trong thơ Chế Lan Viên

Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông

Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình thống nhất, tình yêu đất nước vẫn luôn gắn liền với ý thức trách nhiệm dựng xây và bảo vệ thành quả của cách mạng. Không chỉ ở thái độ tu dưỡng đạo đức, học tập nghiêm túc, trau dồi kiến thức để bắt kịp với sự phát triển của thời đại, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước mọi biểu hiện diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên thế giới. Và khi cần, cùng phải biết « hóa thân » cho dáng hình xứ sở trên mọi mặt trận, phải biết hi sinh khi Tổ quốc cần. Đó mới là lí tưởng sống đẹp đẽ của thanh niên dù ở bất cứ thời đại nào!

Bởi thông điệp ý nghĩa mà Nguyễn Khoa Điềm đã gửi gắm, đoạn trích thực sự đã có giá trị thức tỉnh thế hệ trẻ về trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, với đất nước. Bằng việc sử dụng thể thơ tự do, cùng với ngôn từ rất mộc mạc, giản dị nhưng lại giàu chất triết lý, độc giả còn thấy ở nhà thơ những suy tư trăn trở của một con người sống có trách nhiệm với đất nước. Đoạn thơ cũng góp phần thể hiện rõ nhất nét riêng trong phong cách viết thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Có lẽ vì thế mà đoạn trích “Đất nước” gây nhiều xúc cảm, và luôn được yêu mến trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

Xem thêm:

  • Cảm nhận hình ảnh đất nước trong đoạn trích “Đất nước” (trích Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)
  • Phân tích tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” trong đoạn trích Đất nước (trích “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm
  • Cảm nhận về đoạn thơ sau: “Những người vợ nhớ chồng góp cho Đất Nước những núi Vọng phu… Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”

Từ khóa » Trong Anh Và Em Hôm Nay đều Có Một Phần đất Nước