Cần Có Vùng Nguyên Liệu để Sản Xuất Thức ăn Chăn Nuôi

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh nội dung này.

Theo tinh thần của Nghị quyết 128, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất TACN là việc cần làm để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vậy ngành chăn nuôi đã đề ra những biện pháp gì để thực hiện nội dung này, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", liên quan đến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất TACN, ngành NN&PTNT đưa ra những giải pháp chính sau:

Thứ nhất, về mặt chính sách, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chính phủ về đề xuất giảm thuế nhập khẩu TACN, cụ thể ngô từ 5% xuống 3%; đậu tương từ 3% xuống 0%. Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2021-2030, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020. Để thực hiện chiến lược này, đã có 5 đề án về công nghiệp hóa giống vật nuôi; công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; công nghiệp hóa giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; công nghiệp hóa chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi khoa học; đổi mới khoa học, công nghệ trong ngành chăn nuôi. Trong đó, đề án về công nghiệp hóa sản xuất TACN sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để đổi mới ngành này, với những giải pháp nhằm giảm một phần nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu.

Về mặt kỹ thuật chăn nuôi, các hộ chăn nuôi cần sử dụng các nguyên liệu TACN có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn với thức ăn đậm đặc để giảm giá mua thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lớn cần đầu tư công nghệ hiện đại để có thể dự trữ thức ăn. Bằng cách này, TACN sẽ giảm giá do tiết kiệm được bao bì, nhãn mác và hoa hồng từ đại lý phân phối các cấp.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu TACN, ngành nông nghiệp đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi.

Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi trong chiến lược lâu dài cần giảm tỉ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ. Hiện nay, tại Việt Nam tiêu dùng thịt lợn chiếm tới 70%, thịt gia cầm 20% và thịt gia súc ăn cỏ, thịt khác các loại chiếm 10%; trong khi thế giới tiêu thụ 40% là thịt gia cầm, 30% là thịt lợn và 30% là thịt bò. Chuyển từ ăn thịt lợn sang ăn thịt gia cầm mang lại 2 lợi ích đó là tiết kiệm TACN và bảo vệ môi trường. Gia cầm sử dụng TACN hiệu quả hơn lợn khi tỉ lệ chuyển đổi TACN của gà là khoảng 1,85-1,85 kg TACN/kg thịt hơi so với sản xuất một kg thịt lợn hơi cần 2,4-2,8 kg TACN (hỗn hợp hoàn chỉnh), mà tỉ lệ thịt xẻ đều khoảng 70% cho cả lợn và gia cầm.

Chăn nuôi gia cầm tiết kiệm được TACN và cho lượng thịt tương đương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Nói riêng về việc chế biến phụ phẩm, theo ông nguồn nguyên liệu này hiện nay có thể chế biến được khối lượng TACN như thế nào? Và đâu là giải pháp căn bản để có thể giảm được chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi?

Ông Tống Xuân Chinh: Hằng năm, nước ta có khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó gần 90 triệu tấn có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, chế biến làm thức ăn cho lợn, gia cầm, thay thể một phần nguyên liệu TACN phải nhập khẩu. Đây là tiềm năng to lớn chưa được khai thác hiệu quả, là nguyên liệu đầu vào của quá trình nông nghiệp tuần hoàn.

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Chăn nuôi, xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất, đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, chế biến sâu, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng để lấy protein thay thế cho bột cá, khô dầu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua tiêu hóa của côn trùng.

Theo tôi, giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu TACN vẫn là quan trọng nhất nhưng cũng là khó nhất vì đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về phát triển, đổi mới thể chế trong quản lý đất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi và đầu tư khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ.

Bất cứ chính sách nào cũng cần nguồn lực đủ, kịp thời, hấp dẫn và có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả. Trong lúc ngân sách Nhà nước khó khăn như hiện nay thì việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, FDI theo cơ chế PPP là cách lựa chọn phù hợp.

Giảm giá nguyên liệu đầu vào là một thành tố để giảm chi phí sản xuất cho người chăn nuôi. Để có thể giảm thiểu giá thành sản xuất theo ông còn có những biện pháp gì?

Ông Tống Xuân Chinh: Ngoài các giải pháp nêu trên thì việc giảm chi phí về logistics trong nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm hoa hồng ở các khâu trung gian thuộc các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi (chiếm khoảng 20-25%) cũng góp phần đáng kể vào giảm giá TACN. Về quy trình chăn nuôi, việc đổi mới, cải tiến hệ thống giống, quy trình chăn nuôi, quy trình cho ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng cũng góp phần tăng hiệu quả sử dụng TACN, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm TACN. Giải pháp cuối cùng là các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ để vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 tốt, vừa phát triển sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như cung cấp nguyên liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi.

Ông dự báo về tình hình nguồn cung những tháng cuối năm như thế nào, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành, dịch bệnh sẽ đã được kiểm soát, nhờ đó các chuỗi cung ứng cả đầu vào, đầu ra cho chăn nuôi sẽ dần trở lại bình thường như trước thời điểm có dịch. Dự báo những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, việc tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng lên từ 15-17%. Ngành chăn nuôi hiện nay vẫn duy trì được sản xuất ổn định. 9 tháng đầu năm, cả nước sản xuất được trên 4,7 triệu tấn thịt hơi, 12 tỷ quả trứng, gần 1 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt trên 1,2 tỷ USD. Từ những kết quả này, Cục Chăn nuôi dự báo vẫn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm ổn định. Việc tăng giá sản phẩm chăn nuôi ở một số địa phương nào đó chỉ là tạm thời, trên bình diện cả nước sẽ đi vào ổn định giữa cung và cầu. Ngành chăn nuôi sẽ về đích và hoàn thành kế hoạch năm 2021 là: Tăng trưởng bình quân 5-6%, tổng sản lượng thịt hơi đạt 6,2 triệu tấn, 16 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch trên cả người và vật nuôi.

Đỗ Hương (thực hiện)

Từ khóa » Nguyên Liệu Sx Thức ăn Chăn Nuôi