Đảm Bảo Nguồn Nguyên Liệu Trong Nước Phục Vụ Sản Xuất Thức ăn ...

Sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (Ảnh: B.T)

Nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu

Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi. Số còn lại, khoảng 30% do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành chăn nuôi, trong những năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta không ngừng phát triển. Cụ thể, năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đến năm 2021 có 269 cơ sở (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở), tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.

Về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước, năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%, trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng.

Nhằm đáp ứng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước hạn chế nên hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Cụ thể, năm 2019, nước ta nhập khẩu 20.436 nghìn tấn, với giá trị 6,02 tỷ USD. Năm 2020, nhập khẩu 20.185 nghìn tấn với giá trị 6,06 tỷ USD; năm 2021 nhập khẩu 22.267 nghìn tấn với giá trị 9,07 tỷ USD.

Không chỉ phải nhập khẩu lượng lớn nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mà ngành chăn nuôi còn phải đối mặt với khó khăn khi giá nhưng nguyên liệu này đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt tăng mạnh trong đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (từ tác động của căng thẳng Nga-Ukraine).

So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đ/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đ/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300đ/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đ/kg (tăng 49,5%). Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.

Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp thành phẩm trong nước cũng tăng theo. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đ/kg (tăng 18,4%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đ/kg (tăng 24,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100đ/kg (tăng 29,8%). Với việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng kéo theo nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, khi thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65-70% giá thành.

Việc tăng nguồn cung trong nước là giải pháp hữu hiệu để giảm tải áp lực cho việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (Ảnh: B.T)

Cần tăng cường nguồn cung nguyên liệu từ trong nước

Thức ăn chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng và có nhiều ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngành chăn nuôi. Do đó, việc tăng cường thêm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm tải áp lực cho việc nhập khẩu là giải pháp thiết thực để ngành chăn nuôi nước ta từng bước chủ động trong sản xuất.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Cục Chăn nuôi, cần tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn,… theo hình thức hợp tác xã. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua sản phẩm của nông dân với giá ổn định. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi.

Cùng với giải pháp trên, theo Cục Chăn nuôi, cần phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như: chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng vi lượng và các loại thảo dược,…

Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp và cơ quan quản lý áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý nhằm giảm các chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đặc biệt, cần tăng cường sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Từ đó, tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc ăn cỏ./.

Từ khóa » Nguyên Liệu Sx Thức ăn Chăn Nuôi