Căn Cứ Hủy Bỏ Hợp đồng Thương Mại - LUẬT SƯ

Cùng với các biện pháp như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng…., “huỷ bỏ hợp đồng”  được coi là một biện pháp chế tài trong Luật Thương mại. Chủ thể áp dụng chế tài không ai khác mà chính là các bên của hợp đồng thương mại. Để áp dụng chế tài cần phải có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên hoặc của hai bên và đối với mỗi chế tài khác nhau cũng cần tuân thủ theo những điều kiện riêng nhất định.

luat su

Trong phạm vi bài viết này chúng ta tìm hiểu các căn cứ pháp lý để thực hiện chế tài hủy bỏ hợp đồng thương mại.

 

Theo quy định của Luật Thương mại 2005 (LTM 2005), việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng thương mại được áp dụng khi phát sinh một trong các căn cứ sau:

 

1.      Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng;

2.      Không thực hiện chế tài buộc thực hiện hợp đồng;

3.      Vi phạm hợp đồng trước thời hạn;

4.      Theo thỏa thuận của các bên.

 

Chúng ta sẽ lần lượt phân tích các chế tài nêu trên.

luật sư

BÀI 1: HỦY BỎ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI DO VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG

 

Vi phạm cơ bản trong LTM 2005 là khái niệm mới của pháp luật Việt Nam, là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng[1]. Vi phạm cơ bản trước hết phải là vi phạm hợp đồng; đồng thời, phải xác định các yếu tố: thiệt hại xảy ra, mục đích giao kết hợp đồng và mức độ ảnh hưởng của thiệt hại đến mục đích giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, làm rõ các yếu tố trên để xác định vi phạm cơ bản là vấn đề không dễ dàng.

văn phòng luật sư

Khi một vi phạm không là vi phạm cơ bản thì nó là vi phạm không cơ bản. Có thể hiểu, vi phạm không cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên nhưng chưa đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Chỉ khi nào xác định được vi phạm cơ bản thì mới có thể biết được đó có phải là vi phạm không cơ bản hay không và vì vậy, việc làm rõ nội hàm của khái niệm vi phạm cơ bản là cần thiết.

 

Điểm b khoản 4 Điều 312 LTM 2005 quy định các bên còn có quyền hủy bỏ hợp đồng khi xảy ra vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp được miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 294 LTM 2005. Để hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp này cần hai điều kiện: (i) có sự vi phạm hợp đồng của một bên và (ii) vi phạm này phải là vi phạm cơ bản. Điều 293 LTM 2005 chỉ rõ rằng: trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản. Đối với hủy bỏ hợp đồng có thỏa thuận giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần tại Điều 313 LTM 2005 thì cũng chỉ được quyền thực hiện nếu có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hoặc có cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra.

van phong luat su

Sở dĩ phân biệt vi phạm không cơ bản và vi phạm cơ bản để làm căn cứ hủy bỏ hợp đồng bởi một khi hợp đồng bị hủy bỏ sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng; nhằm đảm bảo tính bền vững của hợp đồng, khi các bên tuân thủ đúng hợp đồng thì sẽ đem lại lợi ích cho chính các bên và cả xã hội; một bên không thể lấy cớ vi phạm hợp đồng của bên kia để giải phóng mình khỏi nghĩa vụ khi vi phạm không đáng kể.

 

Căn cứ vào khoản 13 Điều 3 LTM 2005, để xác định vi phạm cơ bản cần làm rõ hai tiêu chí là: có thiệt hại xảy ra và thiệt hại đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Song, nhìn vào quy định trên thì thật khó để xác định vi phạm nào là cơ bản, vi phạm nào là không cơ bản.

 

Thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra đã không được giải thích cũng như không đưa ra dẫn chứng mức độ thiệt hại như thế nào thì sẽ cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Đó có phải là những tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra, khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm như quy định tại Điều 302 LTM 2005 về bồi thường thiệt hại hay không? Những vấn đề này đều chưa được làm rõ khi dựa trên những quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hướng dẫn, giải thích của cơ quan có thẩm quyền.

 

Mục đích của việc giao kết hợp đồng thương mại không được giải thích cụ thể trong các văn bản pháp luật. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy định nghĩa mục đích của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 123 BLDS 2005 và có thể xem đây như là mục đích của giao kết hợp đồng thương mại vì hợp đồng thương mại cũng là một dạng giao dịch dân sự. Đó là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Mục đích giao kết hợp đồng thường được thể hiện trong các điều khoản của hợp đồng nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên kia. Thế nhưng, mục đích giao kết hợp đồng không phải lúc nào cũng được thể hiện trong hợp đồng và khi đó cơ quan giải quyết phải áp dụng việc giải thích hợp đồng mới biết được. Việc xác định lợi ích hợp pháp của các bên không phải là điều dễ dàng khi mà mỗi bên đều có những mong muốn, hướng đến các lợi ích khác nhau. Theo tác giả, việc xác định mục đích giao kết hợp đồng cần gắn liền với mục đích của hoạt động thương mại bởi chủ thể của hợp đồng thương mại chủ yếu là thương nhân tiến hành hoạt động thương mại với mục tiêu lợi nhuận.

 

Điều khó khăn lớn nhất là dựa vào tiêu chí nào để xác định “đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”, quy định này mang tính định tính hơn là định lượng. Về cơ bản, thiệt hại có nghĩa là mục đích mà bên bị vi phạm chờ đợi trên cơ sở hợp đồng đã không còn; mức độ thiệt hại được xem xét dựa trên sự tương quan giữa mục đích giao kết hợp đồng và thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra[2]. Tuy nhiên, ngay cả khi thiệt hại thấp hơn mục đích thì cũng chưa thể kết luận rằng không có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng mà còn tùy vào từng tranh chấp cụ thể.

luat su hinh su gioi

Cần phân biệt “vi phạm cơ bản” trong LTM 2005 với “vi phạm nghiêm trọng” trong BLDS 2005. Tiêu chí “vi phạm nghiêm trọng” là căn cứ để một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ví dụ, theo Điều 550 BLDS 2005, bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng… Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng đều là tuyên bố của một bên và làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, tuy nhiên hậu quả pháp lý của hai hành vi này khác nhau. Tiêu chí “vi phạm nghiêm trọng” (việc vi phạm là căn bản, không phải những sai phạm nhỏ) trong BLDS 2005 không là căn cứ để hủy bỏ hợp đồng và được xác định không giống với “vi phạm cơ bản” trong LTM 2005. Việc đánh giá thế nào là “nghiêm trọng” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và thông thường sử dụng các tiêu chí như: việc vi phạm hợp đồng làm bên kia không đạt được kết quả mong muốn, tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ hợp đồng, mất lòng tin vào việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, thiệt hại không cân xứng[3].

luat su hinh su

Một số văn bản pháp lý quốc tế:

 

Ðiều 25 Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đưa ra định nghĩa vi phạm cơ bản như sau: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”. Vậy, để xác định vi phạm cơ bản cần ba yếu tố, cụ thể: (i) có sự vi phạm hợp đồng, (ii) vi phạm của một bên làm mất khả năng nhận được những lợi ích mà bên kia mong đợi từ việc thực hiện hợp đồng và (iii) có xem xét tới khả năng tiên liệu được hậu quả.

 

So với định nghĩa trong LTM 2005 thì quy định trên trong CISG có điểm tiến bộ hơn khi tính đến cả lợi ích của người bị thiệt hại và người gây thiệt hại bởi có tính đến các yếu tố khách quan làm họ không thể tiên liệu được việc sẽ gây ra thiệt hại. Theo quy định của LTM 2005 thì khi xét một vi phạm cơ bản chỉ cần xem xét một cách chủ quan, dựa vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại mà không tính đến hoàn cảnh, lợi ích của bên vi phạm[4].

 

Trên thực tế, việc xác định vi phạm cơ bản trong CISG cũng phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan giải quyết. Khi đó, thông thường, những tiêu chí dùng để xác định vi phạm cơ bản đối với hàng hóa đã giao không phù hợp với hợp đồng là thỏa thuận của các bên trong hợp đồng về vi phạm cơ bản; hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng gây nên là nghiêm trọng; khả năng bán được của hàng hóa không phù hợp hợp đồng; và khả năng sử dụng được của hàng hóa không phù hợp với hợp đồng[5].

 

Điều 9:301 Bộ Nguyên tắc Luật hợp đồng Châu Âu 2002 (PECL) cho phép một bên hủy bỏ hợp đồng khi có việc không thực hiện chủ yếu hợp đồng nhưng không nêu lên các tiêu chí xác định. Cũng sử dụng thuật ngữ trên nhưng Bộ Nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004 (PICC), khoản 2 Điều 7.3.1 quy định cụ thể các căn cứ xác định việc không thực hiện chủ yếu khi:

chia tai san khi ly hon

“a. Việc không thực hiện làm mất đi chủ yếu những gì người có quyền được mong đợi từ hợp đồng, trừ trường hợp bên có nghĩa vụ đã không dự tính trước hoặc đã không thể dự tính trước một cách hợp lý hậu quả này;

 

b. Việc thực hiện nghiêm ngặt nghĩa vụ là bản chất của hợp đồng;

 

c. Việc không thực hiện là cố ý hoặc không tính đến hậu quả;

 

d. Việc không thực hiện khiến cho bên có quyền tin rằng không thể tin cậy vào việc thực hiện hợp đồng trong tương lai.

chia tài sản khi ly hôn

Việc quy định rõ các tiêu chí như trên tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn khi xem xét có chấp nhận yêu cầu hủy bỏ hợp đồng hay không. Đây là hướng đi có thể tham khảo để giải quyết những bất cập về vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng của LTM 2005.

 

soan thao hop dong

[1]Khoản 13 Điều 3 LTM 2005.

[2]Võ Sỹ Mạnh (2013), “Bàn về khái niệm “Vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 08 (304), tr. 47.

[3]Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tlđd (18), tr. 397-399.

[4]Bùi Thị Bích Sơn (2011), Tuyên bố hủy hợp đồng và hậu quả pháp lý của việc hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên 1980 và Luật thương mại 2005, Khóa luận tốt nghiệp, Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 17.

[5]Võ Sỹ Mạnh, “Bàn về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 1980”,

 https://cisgvn.wordpress.com/2011/04/09/ban-v%E1%BB%81-khai-ni%E1%BB%87m-vi-ph%E1%BA%A1m-c%C6%A1-b%E1%BA%A3n-h%E1%BB%A3p-d%E1%BB%93ng-theo-cong-%C6%B0%E1%BB%9Bc-vien-1980/, truy cập ngày 04/6/2015.

soạn thảo hợp đồng

 

Từ khóa » Vi Dụ Về Hủy Bỏ Hợp đồng Thương Mại