Cần Giải Tỏa Sự “cô đơn” Cho Con Trẻ - Báo Công An Đà Nẵng

Mới đây, tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con do Tổ chức Giáo dục Faros tổ chức, Tiến sĩ giáo dục học Trương Thị Bạch Yến cho rằng, trong xã hội hiện đại, chất lượng giao tiếp giữa cha mẹ và con cái ngày càng giảm. Ở nhiều gia đình, cha mẹ không thể nói chuyện với con cái. Trong khi đó, những đứa trẻ lại cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Thầy cô và cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe, đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn con trẻ phát triển phù hợp với từng độ tuổi. (ảnh có tính chất minh họa).
Thầy cô và cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe, đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn con trẻ phát triển phù hợp với từng độ tuổi. (ảnh có tính chất minh họa).

Thực tế này xuất phát từ ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, trong một gia đình, người lớn tuổi thường dạy dỗ con bằng đòn roi và răn đe người nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thói quen và nếp nghĩ này cần được điều chỉnh phương thức sao cho phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện đại. Để thu hẹp khoảng cách về suy nghĩ, cha mẹ cần học cách lắng nghe và giao tiếp với con nhiều hơn, tránh áp đặt quan điểm, suy nghĩ của người lớn, vô tình tạo ra áp lực và bức bối cho con.

Theo Tiến sĩ tâm lý học Phạm Đi - giảng viên Học viện Chính trị khu vực III (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng), trẻ ở độ tuổi càng lớn, càng có xu hướng muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ cái tôi với các giá trị độc lập. Nhiều cha mẹ do chưa theo kịp sự phát triển của con, dẫn đến sự khác biệt trong suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. “Mọi đứa trẻ đều có nhu cầu giao tiếp với cha mẹ, nhưng nếu không có sự lắng nghe và tin tưởng, chúng sẽ phản ứng tiêu cực là không muốn đối thoại. Vì vậy, cha mẹ cần thay đổi nhận thức và hành vi của mình trước khi muốn tác động đến suy nghĩ của con”- Tiến sỹ Đi cho biết.

Một thực tế khác, hiện nay nhiều gia đình có thói quen tìm kiếm thông tin về cách nuôi dạy con trên mạng xã hội, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng tìm kiếm và sàng lọc thông tin có hiệu quả. Vì vậy, công cụ trợ giúp càng nhiều, đòi hỏi người tham khảo phải thật sự bình tĩnh, học cách trở thành những ông cha, bà mẹ thông thái, không hùa theo số đông, chấp nhận sự khác biệt của mỗi đứa trẻ.

Giống như cha mẹ, giáo viên ngày nay cũng cho rằng, bất lực trong việc giáo dục học trò khi la mắng không được, dùng vũ lực cũng không xong. Phải chăng các học trò ngày nay khó dạy bảo hơn thế hệ xưa? Tiến sĩ Phạm Đi nêu quan điểm: “Thầy cô sẽ tự tạo áp lực cho mình khi khoác lên vai trách nhiệm quá lớn. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của giáo viên là quan sát và nhận ra các bất thường ở học sinh. Từ đó, có sự phối hợp với các lực lượng khác trong nhà trường gồm: Giáo viên bộ môn, cán bộ quản lý, nhân viên trường học, thậm chí những học sinh khác trong lớp và gia đình các em để giải quyết, chứ không phải làm một mình”. Ngoài ra, sức mạnh của giáo viên là dùng khả năng truyền đạt tri thức để uốn nắn cho học trò, chứ không phải dựa vào các chế tài, quy định thưởng, phạt đặt ra trong nhà trường. Như vậy, giáo viên không còn đóng vai trò dẫn dắt mà đã chuyển sang đồng hành, hỗ trợ học sinh phát triển.

Ở một thực tế khác, nhiều phụ huynh còn mang tâm lý e dè khi được gợi ý đưa con đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý, do đánh đồng hai khái niệm “chướng ngại tâm lý” với “bệnh lý về thần kinh”, không muốn thừa nhận con mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở chiều ngược lại, một số gia đình có xu hướng lo lắng thái quá, vô tình trầm trọng hóa vấn đề của con, cho rằng con có biểu hiện lệch lạc về hành vi và giới tính.Chia sẻ từ chính kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy của mình, Tiến sĩ Phạm Đi cho biết, ông từng chứng kiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn hoàn toàn khi phát hiện con thuộc giới tính thứ 3.

Chuyên gia này phân tích, vấn đề là quan điểm và góc nhìn của phụ huynh, chứ chưa chắc trẻ có vấn đề về giới tính. Bởi độ tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ chuyển từ giai đoạn trẻ em phát triển thành người lớn với vô số bấp bênh, tò mò về giới tính, muốn thể hiện bản thân. Chỉ cần cha mẹ thay đổi góc nhìn thoáng hơn, hiểu được con muốn chuyển tải thông điệp gì đến cha mẹ để có cách ứng xử phù hợp.Về phía giáo viên, theo Tiến sỹ Trần Khắc Xin - giảng viên, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, trong xã hội hiện đại, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, góp phần hoàn thiện tri thức và nhân cách cho học sinh. Bản thân các thầy, cô giáo phải thường xuyên trau dồi các kỹ năng và kiến thức, nắm bắt được quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh trong từng độ tuổi. Từ đó, có hình thức hỗ trợ sao cho phù hợp như: động viên, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng trao đổi, phản biện, có suy nghĩ và lối sống lành mạnh.

Song song đó, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay là thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, để giảm bớt áp lực về điểm số, tăng tính chủ động của người học, biến việc học trở thành quá trình tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh để phát triển tư duy, năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Trần Cao Anh

Từ khóa » Dạy Trẻ Chấp Nhận Sự Khác Biệt