Chấp Nhận Sự Khác Biệt :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của H.G.Well (1866-1946), nhà văn khoa học viễn tưởng, là truyện ngắn “Xứ Mù” (The Country of the Blind-1904). Trong câu chuyện, Nunez, một người leo núi, bị rơi xuống một thung lũng không có lối ra của một xứ sở chỉ toàn người mù. Những tưởng theo thói thường, “thằng chột làm vua xứ mù” huống hồ còn cả hai mắt, nhưng ngược lại, Nunez đã gặp vô vàn khó khăn trong thế giới của người mù.

Chính trong thế giới đó, người mù sống rất thoải mái và thuận tiện, trong khi Nunez sáng mắt lại không thể theo kịp nhịp sống, thói quen cũng như những quy định trong cộng đồng của họ. Ở đó, anh bị xem là “người khuyết tật”, là công dân hạng hai.

Kịch tính của câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi Nunez, dù đã cố gắng hết sức để hòa nhập với thế giới mới, thậm chí đã có tình yêu và dự định lấy vợ, nhưng anh vẫn buộc phải đứng trước quyết định phẫu thuật bỏ mắt để trở thành một công dân “bình thường” của xứ này. Nunez đã quyết định liều chết leo lên ngọn núi dốc đứng quay trở về thế giới trước kia khi chính người con gái anh yêu cũng thuyết phục anh làm điều đó.

Vị trí đặt quảng cáo Điều đáng chú ý trong câu chuyện này là người dân xứ Mù không hề có ác ý với Nunez, họ rất nhân hậu và hiền từ, chỉ đơn giản là họ không thể hiểu những gì anh nói về “ánh sáng”, về những cái được gọi là “nhìn thấy”, và vì thế, họ không chấp nhận những gì anh nói hay hành xử. Họ nghĩ làm cho anh trở nên giống họ là một điều tốt cho anh, bởi họ đã không thể, hay không biết chấp nhận những gì khác biệt.

Hẳn phải có lý do khi cho đến tận ngày nay, hơn 100 năm sau ngày ra đời, câu chuyện vẫn được tái bản nhiều lần, nhiều ý kiến bình luận và gây tranh cãi ở cả góc độ khoa học lẫn nhân văn vì những giả thuyết, ý nghĩa và tầm vóc nhân bản của nó. Bởi thế giới con người thường vô tình và thiếu sự thấu hiểu. Cộng đồng chiếm ưu thế vẫn hồn nhiên kỳ thị và gạt ra ngoài lề những người thuộc về những cộng đồng nhỏ, khác với họ, tự nhiên như cách mà người ở xứ Mù đã làm với Nunez.

Từ khóa » Dạy Trẻ Chấp Nhận Sự Khác Biệt