Cần Hướng Tới Mô Hình Hạ Tầng Phúc Lợi Xã Hội Bền Vững

Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội mở

Những nỗ lực về mặt chính sách an sinh của các tỉnh thành như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai với những gói cứu trợ hàng nghìn tỷ nhưng cũng khó giữ chân được một bộ phận người lao động nhập cư. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng, bối cảnh dịch bệnh có thể là nhân tố thúc đẩy hơn nữa sự phát triển những chính sách an sinh xã hội cho công nhân. Do đó, TPHCM cũng đã có những bước chuyển để mô hình phát triển mang tính bền vững hơn, sự phát triển kinh tế đi đôi với chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Một sự chuyển dịch mô hình tư duy kinh tế trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, không thể mãi duy trì chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp theo thể thức cũ mà TPHCM đã mạnh dạn chuyển dịch phân khúc gia công sang những phân khúc có giá trị cao hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn...

Sự chuyển dịch này về mô hình phát triển sẽ có những khó khăn, các cấp quản lý, lãnh đạo cũng sẽ phải cân nhắc trước những rủi ro đối với cảnh huống “rời đi của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, nếu không chuyển dịch mô hình, tư duy phát triển kinh tế để cân bằng với an sinh xã hội và những khía cạnh rủi ro khác từ phía người lao động thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là những dấu hiệu sơ khởi cho một tiến trình giải cơ cấu hóa lao động việc làm một cách tự thân. Vậy nên, chúng ta cũng cần chuẩn bị một tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế (de-construction) cho một viễn cảnh xã hội hậu Covid-19.

Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức về mặt xã hội khi vừa xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý các yếu tố kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội theo nguyên tắc thụ hưởng trên cơ sở mức đóng góp. Do đó, mạng lưới an sinh khu vực chính thức khó có thể bao phủ hết mọi đối tượng trong xã hội, có thể sẽ thiếu sót một lượng người lao động, các đối tượng xã hội khác thụ động hay có thể chủ động chưa tiếp cận chính sách an sinh ở các cấp độ vĩ mô và vi mô. Chính phủ xây dựng mục tiêu “chính thức hóa” thị trường lao động nhằm làm giảm rủi ro không có an sinh xã hội cho các lao động phi chính thức[1], là một hình thức đảm bảo an sinh cho người lao động phi chính thức khi hết tuổi lao động.

Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay khoảng 60% trong tổng số 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam đang hưởng hưu trí hoặc trợ giúp xã hội, trong khi số còn lại không có bất cứ nguồn tích lũy và các hình thức dưỡng già nào mà phải dựa vào thu nhập từ lao động hoặc từ hỗ trợ, chăm sóc quan hệ huyết thống (con, cháu). Vì vậy, đối với người lao động họ bắt buộc phải có những giải pháp tự thân cho vấn đề tài chính cá nhân. Đối tượng này rất dễ tổn thương trước thay đổi như giảm thu nhập do mất việc làm, tai nạn, bệnh tật hay các “cú sốc” xã hội như dịch Covid-19 và buộc phải phụ thuộc vào phúc lợi tối thiểu của nhà nước([2]).

Trong ngắn hạn, với điều kiện nguồn lực nhà nước có giới hạn, quy mô đối tượng lớn, có xu hướng tăng nhanh, các địa phương nên hình thành các định chế an sinh xã hội theo định hướng nhà nước phúc lợi của mô hình hiệp lực công tư. Tại TPHCM, Trung tâm an sinh được ra đời trong bối cảnh đại dịch và tiếp tục hoàn thiện, phát triển, cung ứng nhu cầu thiết yếu đảm bảo đời sống vật chất tối thiểu cho người dân bị tác động do dịch Covid-19 và các đối tượng yếu thế (người già neo đơn, người bệnh nan y cần trợ giúp, hộ gia đình nghèo, lao động tự do mất việc làm đột ngột, đối tượng bảo trợ xã hội trong cộng đồng,…) là một giải pháp cấp bách hiệu quả… Tuy nhiên, về lâu dài, những mô hình như Trung tâm an sinh xã hội có thể phát huy vai trò hình thành giải pháp bổ trợ lưới an sinh chính thức, góp phần xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội mở, đảm bảo khả năng “bảo hiểm xã hội” cho người yếu thế, các đối tượng xã hội cần trợ giúp và người lao động phi chính thức gặp rủi ro tại nơi làm việc.

Một số giải pháp

Những thách thức trong hỗ trợ phúc lợi nhằm nâng cao chất lượng sống cho người công nhân - bộ phận cư dân chiếm đa số trong tỷ lệ dân cư, mang các đặc điểm: Vòng xoáy mưu sinh và những thách thức về khía cạnh thời gian của người công nhân; Thiếu sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh nhu cầu mà bản thân công nhân cần một sự hỗ trợ về nhiều mặt để có thể ứng phó với các rủi ro khác nhau. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, có thể hình dung và suy nghĩ về một mô hình hiệp lực của các tổ chức xã hội mà qua đó các tổ chức xã hội của nhà nước và tổ chức xã hội phi chính thức sẽ chuyển từ trạng thái độc lập và đối lập mang tính cấu trúc sang trạng thái tương tác và bổ sung lẫn nhau.

Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu của người công nhân, cần có sự bổ trợ và hợp tác giữa các định chế và mạng lưới liên quan đến công nhân theo hướng bổ sung và phát huy điểm mạnh của nhau. Từ đó, một số giải pháp khả hữu như: Phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội cần đặt trọng tâm vào việc vận động chính sách về tiền lương, nhà ở, xây dựng trường học, bệnh viện... Các hình thức hỗ trợ phúc lợi cần có chiến lược bài bản phân theo các tiểu hệ thống phúc lợi (giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, bảo trợ khi khó khăn....). Đồng thời, cần hình thành hệ sinh thái mà trong đó mỗi loại hình phát huy thế mạnh của mình, không nhất thiết một loại hình tổ chức phải hoạt động bao gồm đầy đủ các mặt hoạt động mô hình hoạt động của các tổ chức chính trị hiện nay. Cần có những chính sách liên kết, hỗ trợ giữa các tổ chức xã hội với các nhóm xã hội phi chính thức. Thay đổi hướng tiếp cận theo quan điểm “lực đẩy” sang hướng “lực hút”…

Những kết quả nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy, nhu cầu của người trẻ trong sinh hoạt đời sống thường ngày và giải trí thường gắn với công nghệ và thói quen từ trao lưu văn hóa tiêu dùng. Các mô hình văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân đơn thuần chỉ là văn phòng tiếp nhận thông tin và xử lý thống tin, tư vấn hỗ trợ không còn hữu hiệu. Các tổ chức xã hội cần thay đổi quan điểm tiếp cận công nhân từ các công cụ hành chính sang việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin, kết nối thanh niên công nhân. Bởi xét ở khía cạnh thời gian, người công nhân đang rơi vào vòng xoáy mưu sinh, không có thời gian cho nghỉ ngơi, giải trí và sinh hoạt tập thể. Vấn đề cơm áo, gạo tiền là mối ưu tư hàng đầu của người công nhân, chính vì vậy, hoạt động công tác đoàn thể cũng phải gắn với mối ưu tư đó chứ không thể đơn thuần tuyên truyền, cỗ vũ, hoặt các hình thức hỗ trợ đơn thuần theo cách thức phong trào.

Công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM mua hàng lưu động. (Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn) Công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM mua hàng lưu động. (Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn)

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội cho người công nhân ở các chiều cạnh: nhà ở, giáo dục, việc làm, tư vấn pháp lý. Nhưng thực tế công nhân thiếu các thông tin mang tính chọn lọc để họ tiếp cận dễ dàng hơn. Chính vì vậy, giải pháp đề xuất là cần xây dựng mô hình bản đồ mạng lưới các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội thông qua các sản phẩm bản đồ cơ sở phúc lợi xã hội dành cho công nhân. Trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu và thu hút công nhân đánh giá, xếp hạng các đơn vị cung cấp dịch vụ tốt phục vụ thiết thực đời sống công nhân.

Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn có vai trò rất lớn trong hệ thống chính trị và việc nghiên cứu và đề xuất các chính sách cụ thể cho công nhân là việc không có tổ chức xã hội nào ngoài nhà nước có thể làm tốt hơn. Chính vì vậy, các tổ chức chính trị xã hội nên tập trung vào hướng tiếp cận này. Nhìn chung, việc chăm lo hỗ trợ đời sống người lao động phải là công việc của nhiều bộ phận xã hội, các tổ chức xã hội chính thức và các nhóm xã hội phi chính thức phải liên kết lại với nhau trên cơ sở “Hiệp lực” để hình thành một hệ sinh thái tương trợ đời sống công nhân, thay vì dừng lại ở chiều cạnh tập hợp công nhân như lâu nay.

Hy vọng những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ góp phần mang lại những hiệu quả thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng sốngcủa người công nhân trong thời gian sắp tới.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc[1] Mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội là mục tiêu mà Dự thảo luật BHXH sửa đổi đang hưởng tới. Xem thêm dự thảo luật bảo hiểm xã hội đang trình sửa đổi. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=56728

[2]xem thêm Phúc trình kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội – SocialLife về hiện trạng đời sống của người dân trong đại dịch Covid-19 với những khảo sát được thực hiện tại Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai - https://sociallife.vn/phuc-trinh-ket-qua-khao-sat-hien-trang-doi-song-cua-nguoi-dan-trong-dai-dich-covid-19.

----------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Acquisti, A., & Gross, R. (2009). Predicting social security numbers from public data. Proceedings of the National academy of sciences.

Berghel, H. (2000). Identity theft, social security numbers, and the web. Communications of the ACM.

Đinh Công Tuấn. (2006). Quá trình hình thành và phát triển hệ thống ASXH của EU.

Esping-Andersen, G. (1990). The three worlds of welfare capitalism. Princeton University Press.

Fleckenstein, T., & Lee, S. C. (2017). Democratization, post-industrialization, and East Asian welfare capitalism: the politics of welfare state reform in Japan, South Korea, and Taiwan. ournal of International and Comparative Social Policy.

Goodman, R., White, G., & Kwon, H. J. (1998). The east Asian welfare model. London: Routledge.

Hort, S. O., & Kuhnle, S. (2000). The coming of East and South-East Asian welfare states. Journal of European social policy.

Lee, S. A., & Qian, J. (2017). The evolving Singaporean welfare state. Social Policy & Administration.

Nguyễn Đức Lộc (2018), Phúc Lợi xã hội – Vài trò các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ thanh niên công nhân tại các KCN, KCX TP HCM, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Thu Quỳnh (2021), Hỗ trợ người yếu thế trong đại dịch Covid-19 – Hướng tiếp cận dựa vào năng lực cộng đồng, NXB Phụ nữ, Viện SocialLife.

Malpass, P. (2004). Fifty years of British housing policy: Leaving or leading the welfare state? European journal of housing policy.

Myles, J. (1998). How to design a" Liberal" welfare state: A comparison of Canada and the United States. Social Policy & Administration.

Ourairat, A. (2010). Public-Private Partnerships in the Social Sector in Thailand. Public Private Partnerships.

Pedersen, A. W., & Kuhnle, S. (2017). The Nordic welfare state model.

Phạm Thị Hồng Điệp. (2014). Mô hình nhà nước phúc lợi kiểu Đông Á và những gợi ý cho Việt Nam. VNU Journal of Science: Economics and Business.

Seeleib‐Kaiser, M. (2016). The end of the conservative German welfare state model. Social Policy & Administration.

Trần Hữu Quang. (2012). Hệ thống ASXH theo mô hình nhà nước phúc lợi và mô hình nhà nước xã hội, và việc vận dụng vào Việt Nam.

Van Kersbergen, K., & Kremer, M. (2008). Conservatism and the welfare state: intervening to preserve.

Warwick-Booth, L., South, J., Giuntoli, G., Kinsella, K., & White, J. (2020). ‘Small project, big difference’: capacity building through a national volunteering fund: an evaluation of the Department of Health’s Health and Social Care Volunteering Fund. Voluntary Sector Review.

Từ khóa » Hệ Thống Phúc Lợi Xã Hội Tại Việt Nam