Cần Lắm Học Làm Cha Mẹ

Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một lời mời như vậy, và nó thực sự có ý nghĩa vào thời điểm này, khi liên tiếp các vụ việc xảy ra như những tiếng thét xé lòng với các bậc cha mẹ, với thầy cô và cả xã hội.

Làm cha mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, làm cha mẹ của những đứa trẻ Thế hệ Z lại càng khó hơn nữa. Nếu như bố mẹ của thế hệ 7-8x như tôi gặp khó khăn trong nuôi con, dạy con “vượt khổ” vì điều kiện kinh tế thiếu thốn thời đó, thì bố mẹ của trẻ Gen Z đau đầu dạy con “vượt sướng”. Trên hành trình không êm ả ấy, đầu của nhiều bậc phụ huynh không ít lần như muốn nổ tung bởi những câu hỏi vì sao. Vì sao cha mẹ yêu thương con, hy vinh cho con tất cả, mà..; vì sao các con sung sướng đầy đủ đến thế, mà…?

Đó là những câu hỏi rất chính đáng và đương nhiên, bởi không ai sinh ra đã làm cha làm mẹ. Cha mẹ cũng làm cha mẹ lần đầu, thậm chí là lần thứ hai, thứ ba mà vẫn gặp khó khăn, nếu như ta chưa học được cách làm cha mẹ cho đúng.

Bạn sẽ hỏi thế nào là đúng? Thời xưa cha mẹ vất vả làm lụng nuôi được con ăn đủ no, mặc đủ ấm, cho con được đến trường đã là đúng. Còn thời nay, cha mẹ dù làm hơn thế vẫn chưa “đúng”, chưa “đủ”, vì nếu “đúng” thì “kết quả” đã phải đúng. “Kết quả” ở đây được hiểu là gia đình êm ấm, bố mẹ - con cái vui vẻ, tin tưởng và yêu thương. Còn nếu “kết quả” sai, tức mối quan hệ cha mẹ - con cái không êm ả, bố mẹ và con cái không “happy” thì tức là ta đã chưa biết cách làm đúng ở đâu đó.

Cái gì ta chưa biết, chưa làm đúng, thì cần phải học. Một bậc cha mẹ bình thường bỏ ra hơn 20 năm để học kiến thức, trang bị bằng cấp các loại, chủ yếu phục vụ cho công việc, cho kiếm thu nhập. Nhưng thử hỏi ta đã bao giờ bỏ thời gian để học làm cha mẹ - một “công việc” cả đời - một cách nghiêm túc, thực tế và hiệu quả? Và xã hội liệu đã dành đủ sự chú trọng, quan tâm đến nhu cầu học làm cha, làm mẹ hay chưa?

Tôi rất thấm thía câu: “Lá vàng là bởi đất khô. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Trong một nhóm Facebook uy tín dành cho các bậc cha mẹ có con đang tuổi dậy thì, tôi thường xuyên thấy các bố mẹ đặt những vấn đề, những câu hỏi đầy trăn trở về hành trình dạy con của mình. Hầu hết họ đều mong muốn tìm lời giải, tìm sự tư vấn cho những vấn đề mà họ đang bế tắc trong cách ứng xử, thích nghi, hoà hợp với đứa con đang “mỗi ngày một khác” của mình. Sau mỗi bài đăng như vậy, hàng trăm ý kiến được đưa ra, có nhiều ý kiến trái ngược nhau, và nếu may mắn, thì chủ post có thể chọn lọc được những tư vấn hữu ích, phù hợp với mình, để từ đó có thể xoay chuyển mối quan hệ. Còn nếu không, thì họ cũng chỉ biết tiếp tục chịu đựng, tự xoay xở, những mong thời gian trôi nhanh để những đứa con “bước qua cái tuổi dở dở ương ương này”.

Những bậc cha mẹ đã dám nêu vấn đề của gia đình để tìm sự trợ giúp, đó là những người đã nhận thấy “kết quả” sai và muốn sửa, sẵn sàng sửa. Nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Trong một buổi họp phụ huynh ở lớp con gái tôi, một phụ huynh cũng là chuyên gia tâm lý đã xin phép có một bài trao đổi về ứng xử với con cái tuổi dậy thì. Bài nói chuyện của chị rất bổ ích, nhưng chỉ có 2 phụ huynh bật cam và tương tác với diễn giả.

Nhưng tôi tin rằng, buổi sinh hoạt cha mẹ học sinh diễn ra vào cuối tuần này mà Nhà trường tổ chức sẽ có rất đông phụ huynh tham dự. Đại dịch COVID-19 là cuộc thử thách có lẽ là dữ dội nhất với mối quan hệ cha mẹ - con cái, khi các con bị ngắt khỏi những tương tác xã hội, nhà trường, bạn bè vô cùng cần thiết, khi những vấn đề tâm lý do đại dịch làm bộc lộ sâu sắc hơn những khó khăn mà bình thường cha mẹ - con cái đã gặp phải.

Từ khóa » Các Bậc Làm Cha Làm Mẹ