Cần Quy định Cụ Thể Hơn Về Tiêu Chuẩn Của Người ứng Cử đại Biểu ...

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể

Vấn đề tiêu chuẩn ĐBQH có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu mà còn là yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiêu chuẩn ĐBQH theo 5 tiêu chí được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ;

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, HĐND.

Theo quy định hiện hành, về tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn chung của ĐBQH thì các ĐBQH chuyên trách cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về trình độ chuyên môn (từ đại học trở lên); về chức vụ công tác; về độ tuổi và sức khỏe... Với đại biểu chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh từ vụ trưởng, giám đốc sở, ngành và tương đương; là cán bộ quân đội phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng, chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải đang giữ chức giám đốc sở (hoặc tương đương) trở lên, là ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, quy hoạch một trong các chức danh ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Đánh giá về một số hạn chế trong công tác tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, quy định về tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân còn chưa thật cụ thể. Do vậy, xảy ra tình trạng tại một số địa phương bố trí có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, chức vụ, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử; còn tình trạng lãnh đạo một số địa phương “kén chọn” người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại địa phương.

Theo Ths. Trần Văn Tám - nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, về tiêu chuẩn đại biểu, luật hiện hành quy định tiêu chuẩn ĐBQH và tiêu chuẩn đại biểu HĐND là giống nhau. Nhưng thực tế tính chất, mức độ, nội dung hoạt động và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, địa vị pháp lý và vai trò của ĐBQH và đại biểu HĐND rất khác nhau. Do đó, việc quy định tiêu chuẩn đối với hai cấp đại biểu này, ngoài những điểm (đặc tính) chung vốn có của đại biểu dân cử, thì việc phân biệt sự khác nhau để cụ thể hóa tiêu chuẩn của đại biểu từng cấp là rất cần thiết, có như vậy mới đảm bảo công bằng khách quan.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của ĐBQH và tiêu chuẩn của đại biểu HĐND ở từng cấp, để công dân tự mình căn cứ vào đó xét thấy nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tự tin làm hồ sơ đăng ký tự ứng cử đại biểu; đồng thời đây cũng là cơ sở để cử tri xem xét lựa chọn, bầu người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu.

Liên quan đến nội dung này, vừa qua, phát biểu tại Hội nghị phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách.

Chế độ bầu cử đã sớm được luật hóa trong các văn bản pháp lý. Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, pháp luật về bầu cử đã có những thay đổi phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, thực tiễn, đóng góp vào quá trình xây dựng bộ máy nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đổi mới về chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về bầu cử nói riêng (trong đó có sửa đổi, cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH) là vô cùng cần thiết./.

 

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Của đại Biểu Hdnd