Tiêu Chuẩn Và Chất Lượng, Hiệu Quả Hoạt động Của đại Biểu Hội ...

Ảnh minh họa. Nguồn: thainguyen.gov.vn

Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu Hội đồng nhân dân là: trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Pháp luật cũng quy định người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời gian qua

Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã(1). Qua tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy hầu hết đại biểu HĐND luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự là người đại diện cho cử tri; tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Tại các kỳ họp, đa số đại biểu tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy cùng cấp, góp phần giúp HĐND có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách của địa phương. Trong hoạt động chất vấn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc và những lĩnh vực mà đại biểu cũng như cử tri đang quan tâm, đồng thời kiên trì theo dõi những vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả.

Trong hoạt động giám sát, hầu hết đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến đóng góp với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục, từ đó chất lượng hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên. Trong tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan để làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Qua đó, cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND; vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường. Các đại biểu HĐND chuyên trách giữ vai trò nòng cốt trong chuẩn bị kỳ họp, giám sát, thẩm tra và các hoạt động khác của HĐND. Việc quan tâm bố trí đủ số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đã giúp tăng cường sức mạnh hoạt động, để HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vẫn còn một số hạn chế, đó là: số lượng đại biểu HĐND chuyên trách vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số đại biểu và có sự biến động, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND. Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, một số giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên chưa có nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND; trong thực hiện quyền giám sát, nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình do ngại va chạm, còn né tránh trong chất vấn tại các kỳ họp, các cuộc giám sát nên chất lượng, hiệu quả giám sát còn hạn chế.

Một số đại biểu do trình độ, năng lực còn hạn chế nên chưa thực sự tích cực tham gia phát biểu, thảo luận trong các kỳ họp của HĐND hoặc khi tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn, quan trọng của địa phương vẫn còn lúng túng, chưa sâu sát và chưa bám sát vào nội dung; thậm chí có đại biểu cả nhiệm kỳ hầu như không tham gia phát biểu, thảo luận và cho ý kiến. Có đại biểu chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của đại biểu HĐND, thiếu tự tin, ngại va chạm trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Số lượng đại biểu tham gia thành viên các ban của HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 còn mỏng so với chức năng và nhiệm vụ; một số đại biểu được cơ cấu tham gia là ủy viên nhưng lại không có chuyên môn về lĩnh vực của ban đó nên trong quá trình thẩm tra, giám sát chưa bao quát hết các lĩnh vực được giao, dẫn đến chất lượng thẩm tra, giám sát và hiệu quả hoạt động của ban bị hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trước hết là do chưa thực sự đảm bảo hài hòa giữa tiêu chuẩn với cơ cấu nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND nói riêng, HĐND nói chung. Một số đại biểu HĐND có năng lực, kỹ năng hoạt động còn hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên khó thực hiện đầy đủ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân. Đại biểu công tác trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể còn lúng túng trong giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị với nhiệm vụ của đại biểu dân cử.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Để đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, bố trí cán bộ đúng tầm, có đủ năng lực, trình độ để làm nhiệm vụ ở HĐND thì nơi đó chất lượng hoạt động của đại biểu và của HĐND được nâng lên. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, cần tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu. Kết quả công bố người trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy chúng ta đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn đại biểu; song cần tiếp tục phát huy kết quả đó theo hướng phải lựa chọn, bố trí những đại biểu tiêu biểu nhất vào cơ cấu lãnh đạo HĐND, các ban của HĐND và đại biểu hoạt động chuyên trách.

Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách có vai trò nòng cốt trong các hoạt động của HĐND, do đó cần giới thiệu nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức. Chức danh trưởng ban chuyên trách các ban của HĐND cần xem xét, cơ cấu vào cấp ủy cùng cấp để nâng cao vị thế, vai trò của HĐND; xây dựng quy hoạch các chức danh HĐND để bổ sung kịp thời khi có sự thay đổi nhân sự. Ngoài ra, việc bố trí cơ cấu đại biểu HĐND cũng cần lưu ý đến sự cân đối về trình độ chuyên môn giữa các lĩnh vực (kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế, dân tộc), tránh bố trí thiên về một lĩnh vực, để đảm bảo HĐND thực hiện giám sát, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Hai là, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ và được các địa phương quan tâm bồi dưỡng thường xuyên hàng năm thông qua nhiều hình thức như: hội thảo, tập huấn theo chuyên đề, giao ban trao đổi kinh nghiệm… Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của HĐND, do đó các chức danh mới được bầu cần phải được quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nhiều và kỹ hơn. Ngoài ra, Thường trực HĐND cần tăng cường tổ chức việc bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm cho đại biểu HĐND. Đây là cách thức tiếp cận kiến thức, kỹ năng và phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với mỗi đại biểu HĐND. Mặt khác, cần tăng cường giao lưu và trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND giữa các địa phương, để từ đó nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm cho đại biểu HĐND.

Tổ chức lớp tập huấn chuyên đề nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đại biểu HĐND và các đại biểu chuyên trách HĐND. Trong đó, chú trọng tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thẩm tra, giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, nhằm trang bị cho đại biểu phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu tài liệu, thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến những hoạt động cơ bản của HĐND. Ngoài ra, trong các chương trình công tác tại địa phương, cơ sở, thường trực, các ban của HĐND cần mời các đại biểu HĐND ứng cử tại địa bàn tham gia làm thành viên nhằm nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Ba là, mỗi đại biểu cần chủ động học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định; tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời, giúp HĐND ban hành nghị quyết đúng đắn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND. Hàng năm, mỗi đại biểu HĐND cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và báo cáo với Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp biết để theo dõi, giám sát việc thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Mặt khác, hàng năm Thường trực HĐND cần tổ chức đánh giá và xếp loại kết quả hoạt động, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đại biểu HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ... góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND.

Năm là, đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu. Thông tin đối với đại biểu là rất quan trọng, thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu tính chính xác thì việc xem xét, đánh giá và đề xuất của đại biểu đều không đúng và không trúng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND; đặc biệt đối với các đại biểu kiêm nhiệm thì việc cung cấp các thông tin có liên quan đến thực hiện vai trò, nhiệm vụ của đại biểu lại càng quan trọng. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ thông tin cho các đại biểu phải được Thường trực HĐND chỉ đạo kịp thời.

Để giúp đại biểu tiếp cận thông tin nhanh nhất, thời gian qua các tài liệu kỳ họp và văn bản điều hành của HĐND được Thường trực HĐND chỉ đạo gửi cho đại biểu HĐND qua hệ thống thư điện tử và tin nhắn đến điện thoại của từng đại biểu. Thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, từng bước số hóa hoạt động của HĐND, các địa phương đã quan tâm trang bị máy tính bảng cho đại biểu HĐND (chủ yếu ở cấp tỉnh) phục vụ việc gửi tài liệu cho đại biểu, sử dụng Phần mềm điều hành kỳ họp và nhấn nút biểu quyết điện tử từ kỳ họp giữa năm 2019. Kết quả thử nghiệm “kỳ họp không giấy tờ” cho thấy, đại biểu HĐND đã dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận các thông tin, kịp thời nghiên cứu toàn bộ nội dung các tài liệu trình kỳ họp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND có nhiều ưu điểm, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, chuyển phát… thể hiện tinh thần đổi mới phương thức làm việc của HĐND theo hướng ngày càng khoa học và chuyên nghiệp hơn./.

-----------------------------

Ghi chú:

(1) Quốc hội, Báo cáo tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

TS Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ

Tạp chí Tổ chức nhà nước số 7/2021

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Của đại Biểu Hdnd