Cẩn Thận Khi Rung Lắc Trẻ - Tuổi Trẻ Online

Cẩn thận khi rung lắc trẻ - Ảnh 1.

Tung trẻ lên như thế này rất nguy hiểm. Ảnh: vienyhocungdung.vn

Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con em mình: muốn cho con có bữa ăn bổ dưỡng, muốn cho con có giấc ngủ ngon, muốn chơi đùa cùng bé.

Tuy nhiên, một số thói quen do vô ý của người lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó rất thường gặp và rất dễ bỏ qua là tổn thương não do trẻ bị lắc. Hội chứng trẻ bị lắc là những biểu hiện tổn thương não do rung lắc mạnh trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ

Ở trẻ em đặc biệt ở trẻ sơ sinh có đầu lớn và nặng (chiếm 25% cơ thể), cổ rất yếu chưa chịu được sức nặng của đầu, trong khi xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên khi bị rung lắc, lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não gây ra chấn thương trực tiếp làm rách mạch máu, nhất là tĩnh mạch, gây xuất huyết dưới màng nhện, dưới màng cứng, trong nhu mô não… Lực tăng tốc làm cho não bị dội trở lại, đập vào xương sọ, gây dập não, xuất huyết, phù não…

Tùy theo mức độ tổn thương có thể làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực,... trong đó nhiều tổn thương kéo dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn.

Có nhiều kiểu rung lắc có thể gây nguy hiểm cho trẻ:

- Nguy hiểm nhất là rung lắc khi bế xốc trẻ trong tư thế đứng vì cố bé yếu, dễ di chuyển theo hướng trước sau.

- Thường là vô ý: Lắc nôi, đưa võng để ru cho trẻ ngủ. Hầu hết là khi trẻ khóc quá, mẹ hoặc người giữ trẻ nóng ruột, hoặc bực bội, mất kiểm soát nên cố ru, cố lắc mạnh để làm cho trẻ nín.

- Cưng nựng bé nên nhồi xốc bé, bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh.

- Ẵm bé đưa lên cao làm máy bay.

- Ít khi do tai nạn: Trẻ chạy xe tập đi quá nhanh đụng mạnh vào tường gây chấn động ở não…

Triệu chứng lâm sàng của rung lắc:

Đa số: Triệu chứng không rõ ràng

Đôi khi thấy trẻ bị:

- Kích thích, bứt rứt, quấy khóc

- Đờ đẫn, lơ mơ, ngủ mê, trương lực cơ giảm

- Da xanh tái, nhất là ở vùng trán

- Ăn khó, bú khó, nuốt khó hoặc ói

- Khó thở, ngừng thở hoặc co giật

- Chấn thương ở cổ: Sưng, phù nề, cứng cổ, nghẹo cổ về một bên, đầu khó quay qua quay lại

Tổn thương não, mắt:

- Bên ngoài: Không thấy bằng mắt thường

- Trong não: Chấn thương trực tiếp và chấn thương xoay tăng tốc (rotation acceleration injury) làm đứt, rách mạch máu, nhất là tĩnh mạch gây xuất huyết dưới màng nhện, xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết trong nhu mô não hoặc dập não, phù não…

- Trong mắt: Xuất huyết nhãn cầu, xuất huyết võng mạc, phù gai thị hậu quả làm giảm thị lực, mù…

Chấn thương khác: Cổ, cột sống, xương sườn

Di chứng thần kinh, thị giác:

- Não: Chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức

- Mắt: Giảm thị lực, mù…

- Nhiều tổn thương kéo dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn, trên 6 tuổi phải điều trị chuyên sâu, lâu dài, rất tốn kém.

Chẩn đoán:

- Bề ngoài: Không triệu chứng rõ

- Soi đáy mắt: Xuất huyết nhãn cầu, xuất huyết võng mạc, phù gai thị.

- CT Scan, MRI để tìm thương tổn ở não.

Lưu ý những sơ cứu ban đầu:

- Hãy gọi xe cấp cứu.

- Đừng vận chuyển bằng xe thông thường.

- Đừng bế xốc trẻ lên.

- Đừng cố lắc để làm cho trẻ tỉnh lại.

- Không cho trẻ ăn, bú.

- Nếu trẻ ngừng thở: Phải hô hấp nhân tạo.

- Nếu chấn thương cổ: Tránh xoay trẻ, cố định cổ.

- Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ: Xoay nhẹ đầu trẻ về 1 bên để tránh sặc và ngừng thở

Điều trị:

Giai đoạn cấp:

- Bệnh viện ngoại thần kinh nhi: Cấp cứu hồi sức, dẫn lưu máu tụ.

Khi có di chứng:

- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

- Tâm lý liệu pháp, ngôn ngữ liệu pháp…

Như vậy, muốn đem lại niềm vui, đem lại điều tốt nhất cho trẻ mong các bậc phụ huynh hãy chú ý đừng rung lắc trẻ dù chỉ vài giây, kể cả khi vui đùa hay giận dữ, khi trẻ thức hay khi trẻ ngủ. Khi di chuyển trẻ, hãy cố gắng giữ cổ ở tư thế cố định.

Từ khóa » điều Trị Rung Lắc ở Trẻ Sơ Sinh