Cẩn Thận Khi Sưng Tuyến Nước Bọt Mang Tai

Những nguyên nhân gây sưng tuyến mang tai

Sỏi tuyến nước bọt: Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tắc tuyến nước bọt và làm mang tai sưng phồng là sỏi. Sỏi tuyến nước bọt là tình trạng đóng khối của canxi và phosphate tại đường ra của các tuyến nước bọt ở khoang miệng. Những sỏi lớn có thể làm tắc tuyến nước bọt, gây viêm, thậm chí áp- xe. Để chẩn đoán xác định chính xác sỏi tuyến nước bọt, cần chụp Xquang hoặc CT - scaner. Sỏi tuyến nước bọt thường không gây triệu chứng khi mới hình thành nhưng nếu đạt đến kích thước của ống dẫn nước bọt và gây tắc nghẽn, nước bọt tràn vào các tuyến gây đau và sưng. Người bệnh có thể cảm thấy cơn đau xuất hiện rồi giảm dần, nhưng rồi triệu chứng ngày càng nặng nề hơn, viêm và áp- xe xuất hiện sau đó.

Viêm tuyến nước bọt đơn thuần: Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai đơn thuần do các tác nhân gây bệnh như: Staphylococcus aureus, Parainfluenza, coxsackie... gây nên. Hoặc như đã nói ở trên, viêm tuyến nước bọt mang tai có thể do sỏi, làm tắc ống dẫn tuyến và gây viêm. Bệnh thường chỉ gây ra các tổn thương tại tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, đa số tự khỏi hoặc có trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.

Cẩn thận khi sưng tuyến nước bọt mang taiHình ảnh giải phẫu tuyến nước bọt mang tai.

Biểu hiện là vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da ở vùng tuyến bị sưng có biểu hiện tấy đỏ, đau, nói và nuốt đều rất đau, có hạch viêm phản ứng ở vị trí góc hàm hoặc sau tai cùng bên. Sốt từ 38-390C, ấn vào vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.

Bệnh quai bị: Nếu tuyến nước bọt mang tai bị viêm do virut quai bị thì được coi là bệnh quai bị, tuy nhiên tỷ lệ viêm tuyến mang tai do virut quai bị chỉ chiếm 24% trong tổng số các nguyên nhân gây bệnh tại tuyến này. Sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14 - 24 ngày, người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 38 - 390C, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói chuyện, đau nhức các khớp xương. Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm. Có khi sưng lan đến ngực gây phù trước xương ức. Da ở vùng sưng có màu sắc bình thường, không bị nóng đỏ và có tính đàn hồi. Bệnh quai bị thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, sưng 2 bên so với sưng 1 bên có tỷ lệ là 6/1. Tuyến mang tai trong bệnh quai bị thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng từ từ trong khoảng 1 tuần. Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virut quai bị còn gây viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng. Các tổn thương này thường có các triệu chứng không điển hình, thường diễn biến lành tính.

U tuyến nước bọt: Một số loại u khác nhau có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt. U tuyến nước bọt hầu hết là lành tính và thường được phát hiện ở tuyến mang tai. Phổ biến nhất là u tuyến đa dạng. Các u tuyến đa dạng thường chỉ có một và ở một bên. Khối u phát triển chậm và có thể không có triệu chứng. Ít gặp hơn là u tế bào hạt, u tế bào đáy.

Các khối u ác tính (ung thư) có thể bao gồm ung thư biểu mô dạng nhày bì, ung thư biểu mô tế bào gai hoặc ung thư biểu mô tuyến. Khác với các khối u tuyến nước bọt lành tính, các khối u ác tính có thể phát triển nhanh, đau khi chạm vào, có thể dính với mô bao quanh, có thể gây liệt nhẹ hoặc liệt dây thần kinh mặt.

Hội chứng Sjogren: Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn mạn tính, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tuyến ngoại tiết trong đó có tuyến nước bọt. Khoảng 50% những người mắc hội chứng Sjogren bị sưng tuyến mang tai ở hai bên, thường không đau. Người mắc hội chứng Sjogren giảm tiết nước bọt nên dễ bị hôi miệng, khó nói, khó nhai và nuốt, giảm hoặc mất vị giác. Tình trạng viêm nhiễm nướu hay sâu răng cũng dễ xảy ra hơn. Tuyến lệ bị thâm nhiễm tế bào lympho và tương bào nên giảm tiết nước mắt dẫn đến viêm kết giác mạc khô, đỏ mắt, viêm mí mắt. Người bệnh thường có cảm giác ngứa, nóng rát hai mắt, có cảm giác cộm và tăng nhạy cảm với ánh sáng. Ở những trường hợp nặng hơn, có thể gặp biến chứng loét mắt. Mũi, họng, thanh phế quản, da và âm đạo cũng có thể phải trải qua tình trạng khô niêm mạc tương tự như mắt và miệng.

Cẩn thận khi sưng tuyến nước bọt mang taiSưng tuyến nước bọt mang tai do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Điều trị thế nào?

Sưng tuyến mang tai chỉ là biểu hiện của nhiều bệnh, vì thế việc điều trị tùy thuộc vào chẩn đoán bệnh.

Sỏi tuyến nước bọt: Đối với sỏi nhỏ, chỉ cần gây kích thích tăng lưu lượng nước bọt để đẩy sỏi ra bằng cách uống nhiều nước, ngậm chanh hoặc kẹo chua. Có thể mát xa, chườm ấm để giảm sưng hoặc đẩy viên sỏi ra khỏi tuyến nước bọt.

Trường hợp sỏi tuyến nước bọt phức tạp, cần phẫu để loại bỏ sỏi. Nội soi là một phương pháp phẫu thuật thường được chọn vì ít xâm lấn. Ngoài ra thuốc kháng sinh có thể được sử dụng nếu sỏi tuyến nước bọt gây nhiễm trùng.

Viêm tuyến nước bọt: Phương pháp điều trị thường là thuốc bao gồm kháng sinh, giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể cần thiết để dẫn lưu áp-xe. Nếu viêm do nhiễm virut, phương pháp điều trị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa mất nước và uống thuốc giảm đau và giảm sốt.

U tuyến nước bọt: Các khối u lành tính và các khối u ác tính nhỏ, giai đoạn đầu được loại bỏ bằng phẫu thuật, và điều trị bằng bức xạ để ngăn ngừa tái phát. Khối u ác tính không thể phẫu thuật được điều trị bằng hóa trị và xạ trị.

Hội chứng Sjogren: Điều trị hội chứng Sjogren hiện tại chỉ có vai trò cải thiện các triệu chứng chứ không thể giải quyết nguyên nhân của bệnh. Vì vậy hội chứng Sjogren vẫn là một chứng bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh cần vệ sinh răng miệng tốt và tránh bất kỳ loại thuốc nào có thể làm cho tình trạng khô miệng tồi tệ hơn, dùng thuốc theo đơn, và theo chỉ dẫn của bác sĩ để kích thích tiết nước bọt nhiều hơn. Không hút thuốc. Nhai kẹo cao su không đường và kẹo chua để kích thích sản xuất nước bọt.

Từ khóa » Sưng Má Phải Là Bệnh Gì