Căng Thẳng Giữa Israel Và Palestine Lại Leo Thang - Báo Hậu Giang

Xung đột giữa người Palestine và người định cư Israel ở Đông Jerusalem lại nổ ra làm dấy lên quan ngại cuộc chiến giữa hai quốc gia này lại tái diễn.

Cảnh sát Israel phá dỡ nhà ở của một gia đình người Palestine ở khu vực Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem, ngày 19-1-2022. Ảnh: THX

Mới đây, vụ đụng độ nổ ra giữa người Palestine và người định cư Israel ở Đông Jerusalem làm nhiều người bị thương. Xung đột xảy ra sau khi ông Itamar Ben Gvir, lãnh đạo đảng cực hữu Quyền lực Do thái của Israel đến khu vực Sheikh Jarrah và tuyên bố sẽ mở một văn phòng để khôi phục an ninh cho cư dân Do thái.

Cảnh sát Israel đã sử dụng vòi rồng trấn áp và cho biết đã bắt giữ 12 người với cáo buộc “gây rối nơi công cộng và các hành động bạo lực”, trong đó có hành vi ném đá và bắn pháo sáng. Theo cảnh sát, một số người đã bị thương và cần được điều trị trong bệnh viện.

Trong khi đó, Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ cho biết 31 người Palestine, trong đó có một trẻ em, đã bị thương trong vụ việc trên. Phóng viên hãng tin AFP (Pháp) cho biết có một cảnh sát cũng bị thương.

Chính quyền Palestine - có trụ sở tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng - đã lên tiếng chỉ trích động thái “khiêu khích và làm leo thang căng thẳng” của ông Ben Gvir. Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza cảnh báo những hành động “tấn công” tái diễn nhiều lần của Israel nhằm vào khu vực Sheikh Jarrah sẽ gây “hậu quả”.

Israel chiếm giữ Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Lâu nay, Israel bác bỏ quyền công dân của người Palaestine sinh sống tại Đông Jerusalem. Trong khi đó, hơn 200.000 người Do Thái đã đến định cư tại khu vực này.

Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái trên của Israel, trong khi đó Mỹ và một số đồng minh đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này đã làm cho người Palestine càng thêm bực tức và liên tục có những động thái phản đối bằng biểu tình dẫn đến xung đột trong những năm gần đây.

Phía Palestine xác định, Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Trong một động thái liên quan, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người dân Palestine sẽ không chấp nhận bị chiếm đóng mãi mãi và việc chiếm đóng phải chấm dứt phù hợp với các nghị quyết quốc tế và theo sự bảo trợ của nhóm Bộ tứ quốc tế gồm Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, được thành lập ở Madrid (Tây Ban Nha) vào năm 2002. Bên cạnh đó, Tổng thống Abbas cũng cảnh báo nếu Israel phản đối giải pháp hai nhà nước mà thế giới ủng hộ, người dân Palestine sẽ buộc phải tìm đến các lựa chọn chính trị khác nhằm mở ra con đường chính trị mới để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Hội đồng Trung ương Palestine (PCC) đã tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký với Israel. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 3 ngày của PCC tại thành phố Ramallah, Bờ Tây. Tuyên bố nêu rõ: “Do Israel đang từ chối thực hiện các thỏa thuận đã ký, PCC quyết định chấm dứt nghĩa vụ của PLO và chính quyền Palestine đối với tất cả các thỏa thuận đã ký với Israel”, đồng thời tiết lộ rằng việc Israel tịch thu đất của Palestine cũng góp phần khiến PCC đưa ra quyết định trên.

Trước đó, hồi tháng 10-2021, Tổng thống Abbas khẳng định một trong những lựa chọn của Palestine là thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hoặc xây dựng một nhà nước dân chủ trên mảnh đất lịch sử của Palestine - nơi người dân Palestine có đầy đủ các quyền chính trị và dân sự.

Israel và Palestine đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp và cuộc đàm phán cuối cùng giữa hai quốc gia này do Mỹ bảo trợ đã kết thúc vào năm 2014 mà không mang lại kết quả đáng kể nào do sự khác biệt sâu sắc trong các vấn đề biên giới, an ninh và định cư.

Kể từ giữa Israel và Palestine không có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào do Palestine phản đối việc Israel mở rộng các khu định cư cũng như các biện pháp mà nước này thực hiện tại Đông Jerusalem.

Hơn 100 năm xung đột giữa Israel và Palestine về chủ quyền vùng đất Jerusalem vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Do vậy, giải pháp hai nhà nước được LHQ bảo trợ tại vùng đất này được cho là khả thi nhất cho đến thời điểm hiện nay.

HN tổng hợp

Từ khóa » Toàn Cảnh Israel Và Palestine