Canh Bánh đa Cá Rô đồng – Nét đẹp Văn Hóa Trong ẩm Thực Việt

Trong hương vị ẩm thực đồng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, món ăn từ con cá rô đồng luôn dễ ăn và có sức hấp dẫn lạ kỳ. Có nhiều món ngon như xôi cá rô đồng, cá rô kho, cá rô rán giòn, cá rô kho tương…nhưng đậm đà phong vị hơn cả là canh bánh đa cá rô đồng.

“Nhất rô nhì trê tam trạch” là câu nói mà các cụ xưa nhằm đề cao giá trị dinh dưỡng của cá rô đồng bên cạnh con cua, ốc, con tép, con rươi…Ngày xưa, cá rô đồng tự nhiên nhiều nhất và thịt cá ngon nhất vào khoảng tháng 3 âm lịch khi những cánh đồng lúa ở Bắc Bộ vào giai đoạn làm đòng, trổ bông. Những cơn mưa rào xuất hiện là thời điểm sâu bọ trên cánh đồng trút xuống làm mồi cho cá rô. Không rõ từ bao giờ, món canh nấu cá rô đồng trở nên quen thuộc với người dân quê ở Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam.

Canh bánh đa cá rô không bị ngán, dễ tiêu hóa nên ăn vào mùa nào cũng hợp. Cái ngọt thơm từ nước xướng, từ thịt cá, từ vị gạo bánh đa, từ cái mát của rau gia vị tao nên hương vị lạ thường. Hãy tưởng tượng một tô canh nóng với màu trắng của bánh đa, màu vàng rộm của cá rán, li ti trứng cá, màu đỏ cà chua, xanh mát của thì là, dọc mùng hay rau cải, rau cần. Tất cả cùng hòa quện trong bát nước dùng vàng trong. Thêm chút tỏi ớt đủ đánh thức vị giác các vị chua chua, cay cay, mặn, ngọt, hăng nồng.

Để nấu được bát canh ngon cần chọn những con cá rô đồng mình vàng đầy đặn,vây sắc.Cá rô không quá to, cỡ khoảng 2 ngón tay là vừa. Phần thịt cá sau khi tách xương thật khéo còn được tẩm ướp chế biến theo cách rán giòn hay rim mặn tùy theo khẩu vị, thói quen vùng miền. Bánh đa (hay gọi là mì) dùng với canh cá là màu trắng hay đỏ nhưng sợi phải dai, mềm.“Linh hồn” của bát canh bánh đa cárô đồng chính là nước dùng. “Nước dùng làm nên sự khác biệt nên phải đầu tư. Bởi cảm nhận đầu tiên với món ăn chính là nước dùng. Nguyên liệu chính là xương mình cá, đầu cá. Để tạo thêm độ ngọt hơn nữa có thể sử dụng thêm xương ống ninh hoặc sử dụng nước củ quả hầm để làm ngọt tự nhiên. Nước dùng phải trong thanh mát và đảm bảo chất dinh dưỡng.

Để tạo nên hấp dẫn cho món ăn đồng quê này còn là các loại rau gia vị như gừng, nghệ, thì là, hành, ớt, hoa chuối, kinh giới. Miếng cá rô ăn bùi ngọt hơn khi tẩm ướp cần thêm nghệ tươi để tạo màu vàng óng cho bát canh. Nghệ cũng giúp khử tanh và làm rắn cá. Rau thì là phải chọn loại càng già càng tốt. Cũng là món canh từ con cá rô đồng nhưng các quán hàng ở Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Hải Phòng hay Hưng Yên lại có những kiểu chế biến khác nhau, tạo cho món ăn sắc thái ẩm thực rất riêng. Nếu như bát canh cá Hải Phòng không thể thiếu vị cay nồng của ớt, sợi mì to bản màu đỏ đậm đà thì bánh đa trong canh cá Phủ Lý nhỏ mềm hơn và không thể thiếu cải ngọt. Còn món canh cá rô Quỳnh Côi (Thái Bình) đôi khi biến tấu bằng cá trắm, cá quả. Thịt cá được rim với nước mắm hay cà chua thay vì rán vàng giòn.

Bởi thế, canh bánh đa cá rô đồng là những nét chấm phá mộc mạc trong bức tranh đa sắc màu của ẩm thực Việt, nên duy trì và quảng bá cho người nước ngoài, trong nước thưởng thức. Bởi đó là đặc sản ngon bổ và rẻ tiền của quê hương, đất nước.

Chỉ gồm chút nguyên liệu đơn giản dễ kiếm tìm nhưng với sự kết hợp hài hòa, canh bánh đa cá rô đồng trở thành nét đẹp văn hóa trong ẩm thực Việt. Và, cứ ngon ngọt như vậy, món ăn bình dị này đã đi vào tiềm thức của mỗi người con xa xứ.

Xa quê canh cánh bên lòngThèm ăn canh cá rô đồng….. mắm kho.

Từ khóa » Canh Bánh đa Cá Rô Hưng Yên