Cảnh Rừng Việt Bắc Thật Là Hay - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Việt Bắc là quê hương của cách mạng, Việt Bắc còn là đầu não cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Những tháng ngày gian khổ ấy, Hồ Chủ tịch đã ở đây cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng và kháng chiến. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, Người đã làm thơ để ngâm ngợi.

Với một nhãn quan sâu rộng, một tâm hồn cao đẹp, một trái tim yêu thương, Việt Bắc đã hiện lên qua thơ của Người với một phong cảnh vô cùng đẹp đẽ, với những đoàn quân ra hỏa tuyến rầm rập núi rừng, với các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân... Việt Bắc tiêu biểu cho khí thế của dân tộc.

Trong sự nghiệp văn học mà Hồ Chủ tịch để lại, thiên nhiên luôn là một người bạn thân thiết của Người. Một thiên nhiên trong sáng, tươi vui và rạo rực như có tâm hồn. Đó là phong cảnh quê hương đất nước, phong cảnh thủ đô, phong cảnh nước bạn.

Nhưng có lẽ thiên nhiên sống động nhất, tươi đẹp nhất chính là thiên nhiên Việt Bắc. Thiên nhiên ở đây là thiên nhiên tự do, thiên nhiên trong cách mạng và kháng chiến, dưới con mắt, trong tâm hồn của một lãnh tụ cách mạng đang làm chủ lịch sử.

Thiên nhiên tươi tắn và rực rỡ lạ thường:

Tiếng suối trong như tiếng hát xaTrăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.(Cảnh khuya)

Hai câu thơ đã gợi lên cảnh một đêm khuya vui và trong trẻo. Tiếng con suối chảy du dương, êm ả. Một rừng trăng sáng của những cây lớn ngả bóng dài trùm trên mặt đất, lúc ẩn, lúc hiện xen lẫn giữa ánh sáng và bóng tối.

Nhà thơ phải có tâm hồn sáng chừng nào thì cảnh khuya hiện lên mới đáng yêu đến thế!

Đây lại một đêm xuân đầy trăng nữa trong “Rằm tháng giêng”:

Rằm xuân lồng lộng trăng soiSông xuân nước lẫn màu trời thêm xuânGiữa dòng bàn bạc việc quânKhuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Trăng ở đây sáng như tấm lòng của người đón ánh trăng. Quả là một phong cảnh đầy xuân và đầy trăng. Ta hiểu vì sao từ bài thơ này mà ngày Rằm tháng giêng chính thức được Hội Nhà văn Việt Nam lấy làm “Ngày thơ Việt Nam” để tôn vinh truyền thống thơ ca của dân tộc. Còn Việt Bắc ban ngày trong thơ Bác có một sức sống mãnh liệt:

- Đường non khách tới hoa đầyRừng sâu quân đến tung bay chim ngàn.

- Cảnh rừng Việt Bắc thật là hayVượn hót chim kêu suốt cả ngày.

Một phong cảnh thật là lộng lẫy, vui nhộn và rạo rực!

Bên cạnh những cảnh thiên nhiên tươi tắn, trong sáng và rộn rã, Việt Bắc còn được dựng lên với cả một bức tranh hiện thực sinh động của cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Khí thế cách mạng ào ào như nước vỡ bờ, cuồn cuộn như dòng thác lớn cuốn đi tất cả những gì xấu xa và tối tăm. Sức triều dâng của một dân tộc được ẩn giấu tiềm tàng, giờ đã bật tung lên:

Ào, ào, ào... ào, ào, ào.... già nào, trẻ nào, lính nào, dân nào, đàn ông nào, đàn bà nào!

Hình ảnh người lãnh tụ của cuộc kháng chiến ở đây chính là Bác. Có điều, Bác không bao giờ tỏ ra mình là thiên tài, là lãnh tụ. Nhưng thực tế khách quan của một vài câu thơ nhỏ đã hiện lên hình ảnh của một lãnh tụ vô sản có tầm vóc lớn, đầy khí phách hào hùng:

Chống gậy lên non xem trận địaVạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.

Bên cạnh hình ảnh của Bác, Người cha, lãnh tụ của cuộc kháng chiến, còn được hỗ trợ bằng cả một tập thể lãnh đạo, một bộ tham mưu, đầu não của cuộc kháng chiến.

Tuy không xuất hiện rõ hình ảnh của riêng ai, nhưng chỉ với một vài câu thơ cũng đủ thấy sự lo lắng, nhiều đêm thao thức của Trung ương trước vận mệnh của dân tộc, để bàn kế hoạch đưa kháng chiến đến thắng lợi:

- Giữa dòng bàn bạc việc quânKhuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.(Rằm tháng giêng)

- Bàn việc canh chày mới tạm ngơiGió mưa thu báo lạnh thu rồi(Đêm thu)

Có được một khí thế cách mạng hùng hậu là nhờ sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng và Bác đã huy động được toàn bộ tinh thần và lực lượng. Một cuộc chiến đấu toàn dân toàn diện của chiến tranh nhân dân, mà một hình thức quan trọng là chiến tranh du kích. Tất cả các lực lượng đã ra quân. Những cụ già với một khí phách hăng hái làm cho quân thù phải khiếp sợ:

Tuổi cao, chí khí càng caoMúa gươm giết giặc ào ào gió thuSẵn sàng tiêu diệt quân thùTiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.(Tặng các cụ lão du kích)

Còn đây là những người bạn, người em của Kim Đồng đi liên lạc, đi bắt Tây “Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội”, hoặc “Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó”.

Cái đẹp của các em chính là cái đẹp dũng cảm hồn nhiên của tuổi thơ, cái đẹp của những em Lượm trong lửa đạn, cái đẹp tiêu biểu cho cả hế hệ măng non của dân tộc nối bước cha anh.--PageBreak--

Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp còn là một bài ca của tuổi trẻ. Người thanh niên mới được Đảng giáo dục đã đi lên phơi phới cùng dân tộc. Họ đã xung phong trên tất cả các mặt trận, họ hát vang những lời ca của tuổi thanh xuân anh hùng, ngày đêm xông xáo trên trận địa, đánh đồn phá bốt làm cho quân giặc phải kinh hoàng.

Họ còn mang cả sức lực và trí tuệ để mở ra những con đường cho cách mạng, để các đoàn quân tiến lên. Tuy hình ảnh của tuổi trẻ in trong thơ Bác không nhiều, nhưng với một tình cảm yêu thương vô vàn của Người với thanh niên, Người đã tin tưởng và thấy hết sức mạnh của họ, khi Người đi thăm một lán trại thanh niên xung phong:

Không có việc gì khóChỉ sợ lòng không bềnĐào núi và lấp biểnQuyết chí ắt làm nên(Khuyên thanh niên)

Mặc dù gian khổ khó khăn vô ngần, rừng núi ở đây vẫn vang tiếng hát, tiếng còi của những đội du kích, những đơn vị bộ đội, những doanh trại thanh niên xung phong rộn rã. Ngay những đêm mưa thu lạnh mà rừng núi vẫn cứ vang động, rộn ràng:

- Bàn việc canh chầy mới tạm ngơiGió mưa thu báo lạnh thu rồiCòi thu bỗng rúc vang rừng núiDu kích về thôn, rượu chửa vơi(Đêm thu)

- Chuông lầu chợt tỉnh giấc thuẤy tin thắng trận Liên khu báo về(Tin thắng trận)

Quả thật, kháng chiến không phải là một cuộc ngao du, nhưng kháng chiến có một niềm vui lớn. Đấy là những cơ quan tập thể đầu tiên của một xã hội mới. Sau này, những người kháng chiến phải xa Việt Bắc về Thủ đô, không ai không nhớ những ngày tháng reo vui ấy, mà tiêu biểu, da diết là tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ sao ngày tháng cơ quan/ Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo” (Việt Bắc).

Khí thế hùng dũng của cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối quân sự của cuộc chiến tranh nhân dân đã giành chiến thắng ngày đêm trên mặt trận.

Hồ Chủ tịch đã có một hình ảnh thơ đẹp “tin vui thắng trận dồn chân ngựa”. Tin chiến thắng dồn dập, phản ánh kết quả tất yếu của những khí thế tiến công, phản ánh cái vui, hồ hởi của cuộc kháng chiến, phản ánh sức mạnh của quần chúng kháng chiến, phản ánh việc “kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Những bài thơ nói về chiến khu Việt Bắc của Hồ Chủ tịch không nhiều; những bài, những câu nói trực tiếp lại càng ít. Nhưng với tầm nhìn sâu rộng của một lãnh tụ, nên mỗi câu, mỗi bài thơ tuy nói về sự việc cụ thể mà có tầm khái quát, diện phản ánh rất rộng cho nên hình ảnh chiến khu Việt Bắc được dựng lên khá đây đủ, chân thật.

Những ai chưa một lần đến Việt Bắc có thể hình dung được phong cảnh đẹp đẽ của núi rừng, càng thêm yêu mến quê hương của cách mạng.

Bức tranh hiện thực, sinh động được hiện lên không phải chỉ vì hiện thực có sức sống mãnh liệt mà đã được lọc qua một trái tim mênh mông yêu thương, qua đôi mắt nhìn thấu suốt của Bác, làm cho chúng ta đọc thơ như thấy mình được hạnh phúc đứng ngay trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở giữa núi rừng Việt Bắc.

Cùng với sự nghiệp cách mạng sống mãi với non sông của Bác, hình ảnh của Việt Bắc kháng chiến qua thơ của Bác sẽ còn mãi mãi với dân tộc, cuộc kháng chiến mà chính Người lãnh đạo để giành độc lập tự do.

Thật là một vinh dự to lớn của đồng bào các dân tộc Việt Bắc!

Từ khóa » Cảnh đẹp Núi Rừng Việt Bắc