Cấp Dưỡng Sau Ly Hôn: Ai Phải Thực Hiện? Cấp Dưỡng Bao Nhiêu?

1. Sau khi ly hôn, ai có nghĩa vụ cấp dưỡng?

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Đây là định nghĩa được nêu tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo đó, cấp dưỡng chỉ xảy ra khi có các điều kiện sau đây:

- Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn;

- Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.

- Những người này không sống cùng nhau.

Do đó, khi ly hôn, những người sau đây sẽ xảy ra quan hệ cấp dưỡng:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con thành niên không có tài sản tự nuôi mình, không có khả năng lao động có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đặc biệt, dù cha, mẹ có bị hạn chế quyền với con chưa thành niên thì vẫn phải cấp dưỡng cho con (theo khoản 2 Điều 82 và khoản 3 Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình).

- Vợ, chồng sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đối phương nếu một bên khó khăn, túng quẫn, có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng (theo Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình).

>> Tổng đài tư vấn về ly hôn của LuatVietnam 1900.6192

2. Mức cấp dưỡng bao nhiêu/tháng? Bằng cách nào?

Mức cấp dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, mức cấp dưỡng sẽ do các bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng cũng như nhu cầu thiết yếu của người con. Tòa án chỉ giải quyết khi các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được.

Đặc biệt, khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do đó, pháp luật không có quy định giới hạn mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của các bên hoặc dựa vào thu nhập, điều kiện, nhu cầu của các bên. Hiện nay, thông thường Tòa án sẽ ấn định mức cấp dưỡng là khoảng 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng.

Về phương thức cấp dưỡng, Điều 117 Luật này quy định, việc cấp dưỡng có thể thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên cũng có thể thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Xem thêm…cap duong sau ly hon

3. Cha, mẹ sau khi ly hôn phải cấp dưỡng cho con đến khi nào?

Như phân tích ở trên, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi bản thân thì người không ở cùng con sau khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trong đó, con chưa thành niên là con con chưa đủ 18 tuổi trở lên theo Điều 21 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, các trường hợp được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nêu tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:

- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.

- Vợ hoặc chồng (gặp khó khăn, túng quẫn) sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác…

Như vậy, có thể thấy, sau khi ly hôn, cha mẹ có thể không phải cấp dưỡng cho con khi thuộc các trường hợp sau đây:

- Con đã đủ 18 tuổi hoặc đã có khả năng lao động, có tài sản để tự nuôi mình.

- Cha, mẹ hoặc con chết.

Xem thêm…

4. Có được tăng mức cấp dưỡng không?

Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, pháp luật hoàn toàn cho phép các bên thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập của bên cấp dưỡng không còn thực hiện được việc cấp dưỡng thì có thể thỏa thuận giảm số tiền cấp dưỡng. Ngược lại, nếu nhu cầu thiết yếu của con tăng lên, người cấp dưỡng có đủ điều kiện thì hai bên có thể thỏa thuận tăng mức cấp dưỡng.

Tuy nhiên, thực tế nếu có tranh chấp về mức cấp dưỡng thì thường các bên sẽ không thể thỏa thuận được mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong những trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào lý do chính đáng mà các bên đưa ra để xem xét, quyết định có đồng ý yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng của các bên không.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc yêu cầu cấp dưỡng, hãy nhấc máy gọi ngay cho chúng tôi tại tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

5. Trốn cấp dưỡng bị xử phạt thế nào?

Điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định, người không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.

Theo đó, nếu việc cấp dưỡng đã được quy định cụ thể tại bản án, quyết định ly hôn mà chồng hoặc vợ không thực hiện thì có thể bị phạt từ 03-05 triệu đồng.

Đồng thời, theo khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị phạt đến 02 năm tù.cap duong sau ly hon Trốn cấp dưỡng có thể bị phạt đến 2 năm tù? (Ảnh minh họa)

6. Phải làm gì để “đòi” chồng cấp dưỡng cho con sau ly hôn?

Khi việc cấp dưỡng đã được quy định trong bản án, quyết định ly hôn mà người có nghĩa vụ không thực hiện thì người còn lại có thể thực hiện các biện pháp sau đây để “buộc” người kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của mình.

6.1 Yêu cầu thi hành án

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, kể từ ngày quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực thì người được cấp dưỡng được yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện cấp dưỡng trong thời hạn 05 năm. Trong đó:

- Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Đơn yêu cầu thi hành án; bản án, quyết định ly hôn.

- Thời gian giải quyết yêu cầu thi hành án: Trong 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận và kiểm tra nội dung yêu cầu cùng các tài liệu kèm theo, cơ quan thi hành án sẽ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.

- Khi hết thời hạn 10 ngày tự nguyện thi hành án mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án cấp dưỡng cho con nhưng sẽ không cưỡng chế từ 22 giờ hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, lễ và các trường hợp đặc biệt khác.

Xem thêm...

6.2 Khởi kiện

Nếu trong bản án, quyết định ly hôn không quy định cụ thể về việc cấp dưỡng vợ, chồng người trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng từ đối phương. Trong đó, thủ tục khởi kiện thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

- Hồ sơ: Đơn khởi kiện, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, quyết định hoặc bản án ly hôn, chứng cứ chứng minh thu nhập của người phải cấp dưỡng, giấy khai sinh của con.

- Tòa án giải quyết: Là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người không thực hiện cấp dưỡng thường trú hoặc tạm trú.

- Thời gian giải quyết: Theo thủ tục chung, thời gian giải quyết có thể kéo dài đến 06 tháng hoặc hơn hoặc ít hơn tùy vào tính chất của vụ án có phức tạp không.

Xem thêm…

Trên đây là tổng hợp các quy định về việc cấp dưỡng sau ly hôn mà các cặp vợ chồng ly hôn nên biết. Thực tế, những vụ việc về ly hôn khá phức tạp với các hoàn cảnh khác nhau nên để được tư vấn cụ thể, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được tư vấn.

>> Giành quyền nuôi con khi ly hôn: Toàn bộ hướng dẫn cần biết

Từ khóa » Tru Cấp Hay Chu Cấp