Cập Nhật Chẩn đoán Và điều Trị Enterobacteriaceae

Đào tạo trực tuyến tuần 2 tháng 4/2021

“Cập nhật chẩn đoán và điều trị Enterobacteriaceae”

Ths.Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới

Tình trạng kháng kháng sinh tại các cơ sở y tế đang gia tăng một cách đáng báo động trong những năm gần đây. Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình có khoảng 40-60% ca bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên gặp tình trạng kháng kháng sinh, gây rất nhiều khó khăn trong điều trị và tốn kém về chi phí. Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp ngày càng nhiều những ca bệnh nhiễm trùng nặng trên những bệnh nhân có bệnh mạn tính (suy tim, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính….), dù đã được sử dụng tất cả các kháng sinh thế hệ mới nhưng hy vọng khỏi bệnh rất mong manh do mầm bệnh kháng nhiều thuốc kháng sinh. Trong bài Đào tạo trực tuyến tuần này (8/4/2021), Ths. Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng phòng Truyền nhiễm Cấp cứu (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới) đã đề cập đến Enterobacteriaceae, một họ vi khuẩn trong các vi khuẩn gây kháng kháng sinh phổ biến trong cộng đồng và bệnh viện.

Enterobacteriaceae là họ vi khuẩn đường ruột, các trực khuẩn Gram âm có trên 30 giống với hơn 100 loài được nhà vi sinh học Otto Rahn (Đức) xác định từ năm 1937. Chúng có mặt chủ yếu ở đường tiêu hoá dưới, ngoài ra có trong đường sinh dục, tiết niệu và cả họng miệng. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể gây bệnh ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể, gây nhiễm khuẩn cả trong cộng đồng và trong môi trường bệnh viện. Một số vi khuẩn hay gặp và quan trọng trên lâm sàng như Enterobacter cloacae, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae….

Điều nguy hiểm nhất là vi khuẩn mang gen đề kháng kháng sinh trên plasmid có thể làm đề kháng lan rộng giữa các giống vi khuẩn khác nhau, đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ cộng đồng. Trên thực tế, họ vi khuẩn này chiếm 25-50% các trường hợp nhiễm trùng máu, thường gây nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm trùng (có tỷ lệ tử vong tới 12-38%). Những trường hợp người bệnh dễ mắc nhiễm khuẩn gây ra bởi họ vi khuẩn này bao gồm người bệnh ghép tuỷ, suy gan, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh phổi, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm HIV, đang điều trị thuốc corticoid…. Các mầm bệnh gây lây nhiễm có thể có trong dịch truyền, ống thông (catheter) và các dụng cụ y tế khác.

Chẩn đoán nhiễm khuẩn do Enterobacteriaceae dựa trên nuôi cấy máu, các dịch cơ thể (màng tim, màng phổi….) và các bệnh phẩm đờm, dịch phết vết thương. Cần chỉ định đúng, lấy mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy và giám sát đúng quy trình để có thể phân lập, xác định được đúng vi khuẩn và mức độ kháng kháng sinh, từ đó có thể lựa chọn loại kháng sinh phù hợp, tránh lạm dụng.

Giám sát kiểu hình vi khuẩn kháng kháng sinh bằng test khuếch tán đĩa kép (DDDT)

Về điều trị, cần chủ động phát hiện những tình huống nghi nhiễm khuẩn do Enterobacteriaceae, thường xuyên theo dõi tình trạng kháng thuốc tại bệnh viện và cộng đồng, đánh giá nguy cơ vi khuẩn sinh ESBL, phối hợp kháng sinh khi có nhiễm khuẩn nặng. Ths. Nguyễn Quốc Thái cũng đưa ra một số phác đồ điều trị cụ thể trong một số bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp trên lâm sàng….

Để kết luận, Ths. Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh Enterobacteriaceae có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt có một số cơ địa người bệnh dễ nhiễm khuẩn (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, sau phẫu thuật…); chúng ta cần ưu tiên phát triển xét nghiệm vi sinh hơn là sử dụng kháng sinh không kiểm soát dễ gây ra hiện tượng kháng kháng sinh.

Đào tạo trực tuyến, một nội dung trong Chương trình Hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, là bài chia sẻ về các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị chuyên khoa do các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai trình bày. Quý đồng nghiệp và Quý vị có thể theo dõi trực tiếp lúc 14h00 thứ Năm hàng tuần hoặc xem lại trên Fanpage của Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai https://www.facebook.com/tdcbachmai. Trân trọng cảm ơn!

Từ khóa » Khuẩn Enterobacter Là Gì