Họ Vi Khuẩn đường Ruột (Enterobacteriaceae) ( P2) | BvNTP

SALMONELLA

Hiện nay có tới 2000 type huyết thanh Salmonella khác nhau. Chúng gây bệnh cho người hoặc động vật hoặc cả hai. Các bệnh do Salmonella gây ra ở người có thể chia thành 2 nhóm: thương hàn và không phải thương hàn.

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Salmonella là trực khuẩn gram âm. Hầu hết các Salmonella đều có lông xung quanh thân (Trừ Salmonella gallinarumSalmonella pullorum), vì vậy có khả năng di động, không sinh nha bào.

Tính chất sinh vật hóa học

Salmonella lên men glucose có sinh hơi (trừ Salmonella typhi lên men glucose không sinh hơi) không lên men lactose, indol âm tính, đỏ methyl dương tính, VP âm tính, citrat thay đổi, urease âm tính, H2S dương tính (trừ Salmonella paratyphi A: H2S âm tính)...

Cấu trúc kháng nguyên

Kháng nguyên O

Mỗi Salmonella có thể có một hoặc nhiều yếu tố kháng nguyên. Hiện nay người ta biết có 67 yếu tố kháng nguyên O. Việc xác định các yếu tố kháng nguyên O là hết sức quan trọng để định nhóm và định type.

Kháng nguyên H

Chỉ có ở những Salmonella có lông. Kháng nguyên H của Salmonella có thể tồn tại dưới 2 pha: pha 1 được ghi bằng chữ viết thường a, b, c, d... và pha 2 được ghi bằng các chữ số Ả rập 1, 2,,,

Kháng nguyên Vi

Là kháng nguyên bề mặt bao bên ngoài vách tế bào vi khuẩn, dưới dạng một màng mỏng không nhìn thấy được ở kính hiển vi thường. Kháng nguyên Vi chỉ có ở 2 type huyết thanh Salmonella typhiS. paratyphi C.

Người ta dựa vào sự khác nhau về cấu trúc kháng nguyên để xếp loại Salmonella. Một số type huyết thanh Salmonella chủ yếu gây bệnh cho người bao gồm :

Salmonella typhi: Chỉ gây bệnh cho người. Ở nước ta bệnh thương hàn chủ yếu do S. typhi gây ra.

Salmonella paratyphi A: Chỉ gây bệnh thương hàn cho người và cũng hay gặp ở nước ta sau S.typhi.

Salmonella paratyphi B: Gây bệnh thương hàn chủ yếu cho người, đôi khi ở cả súc vật. Bệnh thường gặp ở các nước châu Âu.

Salmonella paratyphi C: Gây bệnh thương hàn, viêm dạ dày ruột và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh thường gặp ở các nước Đông Nam Á.

Salmonella typhimuriumSalmonella enteritidis: Gây bệnh cho người và gia súc, gặp trên toàn thế giới. Chúng là nguyên nhân gây nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do ăn phải thức ăn nhiễm Salmonella.

Salmonella cholerae suis: Loại này hay gây nhiễm khuẩn huyết.

Khả năng gây bệnh cho người

Bệnh thương hàn

Ở nước ta, bệnh thương hàn chủ yếu do S. typhi, sau đó đến S. paratyphi A, còn S. paratyphi B và S. paratyphi C thì ít gặp. Bệnh lây từ người này sang người khác, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Sau khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng, khoảng 5% bệnh nhân trở thành người lành mang vi khuẩn kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Ở họ, ổ chứa Salmonella là đường mật và vi khuẩn vẫn được tiếp tục đào thải theo phân ra ngoại cảnh. Người lành mang vi khuẩn là nguồn lan truyền bệnh quan trọng.

Sinh bệnh học: Trực khuẩn thương hàn vào cơ thể qua đường tiêu hóa đến ruột non thì chui qua niêm mạc ruột rồi vào các hạch mạc treo ruột. Ở đó chúng nhân lên và một phần vi khuẩn bị dung giải, giải phóng ra nội độc tố. Nội độc tố kích thích thần kinh giao cảm ở bụng, gây thương tổn mảng Peyer, xuất huyết tiêu hóa, có thể gây thủng ruột. Ngoài ra, nội độc tố theo máu lên kích thích trung tâm thần kinh thực vật ở não thất ba, gây ra trạng thái sốt kéo dài, li bì, và gây ra biến chứng trụy tim mạch... Từ các hạch mạc treo ruột vi khuẩn lan tràn vào máu gây nên nhiễm khuẩn huyết và lan đi khắp cơ thể, rồi vi khuẩn vào mật và từ đó quay trở lại ruột. Vi khuẩn theo phân ra ngoại cảnh.

Các bệnh khác

Các bệnh không phải thương hàn do Salmonella gây ra thường là một nhiễm trùng giới hạn ở ống tiêu hóa trong các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn mà Salmonella typhimurium... là tác nhân hay gặp nhất, sau đó là Salmonella enteritidis... Nhiễm trùng nhiễm độc do Salmonella có thời gian nung bệnh từ 10 đến 48 giờ. Bệnh biểu hiện có sốt, nôn, tiêu chảy. Bệnh khỏi sau 2 - 5 ngày, không có biến chứng.

Ngoài ra, Salmonella có thể gây nên các tổn thương ở ngoài đường tiêu hóa như viêm màng não, thể nhiễm trùng huyết đơn thuần, nhiễm trùng phổi...

Chẩn đoán vi sinh vật

Chẩn đoán trực tiếp

Phân lập vi khuẩn từ các bệnh phẩm như máu (cấy máu), phân (cấy phân) và các bệnh phẩm khác .

Cấy máu

Lấy 5ml đến 10ml máu tĩnh mạch bệnh nhân lúc sốt cao cấy vào bình canh thang có mật bò, ủ ấm 370C, sau 24 đến 48 giờ nếu vi khuẩn mọc, cần phải kiểm tra hình thể, tính chất bắt màu khi nhuộm Gram, kiểm tra tính chất sinh vật hóa học, xác định công thức kháng nguyên với các kháng huyết thanh Salmonella mẫu.

Đối với bệnh thương hàn, nếu bệnh nhân chưa sử dụng kháng sinh thì giá trị của phương pháp cấy máu cao. Nếu cấy máu vào :

Tuần lễ đầu của bệnh thì tỷ lệ dương tính đạt 90%

Tuần lễ thứ hai của bệnh, dương tính đạt 70% - 80%

Tuần lễ thứ ba, tỷ lệ dương tính đạt 40% - 60%

Nếu bệnh tái phát, cấy máu sẽ tìm thấy vi khuẩn thường xuyên trong nhiều ngày.

Cấy phân

Thường dương tính từ tuần thứ 2 trở đi. Nuôi cấy phân lập vi khuẩn ở môi trường tăng sinh và môi trường có chất ức chế (môi trường SS, DCA, Istrati, Endo...). Xác định vi khuẩn dựa vào tính chất sinh vật hóa học và làm phản ứng ngưng kết với kháng huyết thanh mẫu.

Khi nghi ngờ một trường hợp mắc bệnh thương hàn phải đồng thời xét nghiệm cấy máu, cấy phân và làm huyết thanh chẩn đoán.

Cấy phân là biện pháp duy nhất để chẩn đoán vi sinh vật trong trường hợp ngộ độc thức ăn nghi do Salmonella và trong việc xác định người lành mang mầm bệnh.

Cấy các bệnh phẩm khác

Vi khuẩn thương hàn còn có thể phân lập bằng cách cấy tủy xương, nước tiểu, dịch đào ban, dịch mật của bệnh nhân.

Chẩn đoán huyết thanh

Sau khi nhiễm Salmonella từ 7 đến 10 ngày, trong máu bệnh nhân xuất hiện kháng thể O của Salmonella, sau ngày thứ 12 đến ngày thứ 14 xuất hiện kháng thể H. Kháng thể O, tồn tại trong máu trung bình 3 tháng, kháng thể H tồn tại 1 đến 2 năm.

Lấy huyết thanh các bệnh nhân tìm kháng thể ngưng kết của Salmonella bằng phản ứng ngưng kết Widal.

Trong bệnh thương hàn, chẩn đoán huyết thanh (Widal) từ tuần lễ thứ hai trở đi, làm 2 lần cách nhau một tuần lễ để tìm động lực kháng thể.

Phòng bệnh và chữa bệnh

Phòng bệnh

Thực hiện các biện pháp vệ sinh về phân, nước, rác, tích cực diệt ruồi. Phải ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn... Quản lý chặt chẽ bệnh nhân. Phát hiện người lành mang mầm bệnh để điều trị triệt để.

Tiêm vaccine T.A.B là loại vaccine chết. Một số nước dùng vaccine thương hàn sống giảm độc lực và vaccine chiết từ kháng nguyên Vi của Salmonella.

Chữa bệnh

Diệt vi khuẩn Salmonella bằng kháng sinh. Những thuốc kháng sinh thường dùng là chloramphenicol, ampicillin với liều lượng thích hợp để tránh biến chứng truỵ tim mạch vì thuốc diệt vi khuẩn làm giải phóng ra quá nhiều nội độc tố. Tuy nhiên ngày nay cũng đã xuất hiện những chủng Salmonella đề kháng với các kháng sinh trên, vì vậy cần làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.

KLEBSIELLA PNEUMONIAE

Loài Klebsiella có nhiều type có khả năng gây bệnh cho người như:

Klebsiella pneumoniae: Thường gây ra các bội nhiễm ở đường hô hấp.

Klebsiella rhinoscleromatis : Gây bệnh xơ cứng mũi.

Klebsiella ozenae: Gây bệnh trĩ mũi

Klebsiella pneumoniae hay còn gọi là phế trực khuẩn Friedlander là loại vi khuẩn rất phổ biến trong thiên nhiên (nước, đất), nó ký sinh ở đường hô hấp trên của người, là tác nhân “gây bệnh cơ hội”.

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Trong bệnh phẩm K. pneumoniae có hình trực khuẩn ngắn, gram âm, bắt màu đậm ở hai cực, vi khuẩn này có nhiều hình thể, có khi như cầu khuẩn, có khi lại hình dài, có vỏ, không di động, không sinh nha bào.

Tính chất nuôi cấy

Vi khuẩn dễ mọc trên môi trường nuôi cấy thông thường. Trên thạch dinh dưỡng hay thạch máu, khuẩn lạc lầy nhầy, màu xám. Trong canh thang, vi khuẩn mọc nhanh và đục đều, ở đay ống có lắng cặn.

Tính chất sinh vật hóa học

Lên men nhiều loại đường sinh acid và hơi như : Glucose, lactose, manit. Phản ứng indol âm tính, phản ứng đỏ metyl âm tính, phản ứng VP dương tính, phản ứng citrat dương tính, urease dương tính, H2S âm tính.

Cấu trúc kháng nguyên

Kháng nguyên thân O : Có 5 type

Kháng nguyên vỏ K : Bản chất là polysaccharide, mang tính chất đặc hiệu type, có 72 type, trong đó type 1 và type 2 hay gặp nhất trong nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Khả năng gây bệnh cho người

Klebsiella pneumoniae là loại vi khuẩn gây bệnh có điều kiện gọi là “gây bệnh cơ hội”. Những “nhiễm trùng cơ hội” xảy ra chủ yếu ở môi trường bệnh viện và trên những bệnh nhân bị suy kiệt, suy giảm miễn dịch. Những điều kiện để các “nhiễm trùng cơ hội” xuất hiện là :

Ngày càng có nhiều loại kháng sinh phổ rộng, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi và thiếu thận trọng làm mất thế quân bình của vi khuẩn chí bình thường, đồng thời làm cho vi khuẩn được chọn lọc bởi kháng sinh và tạo nên sức đề kháng đối với kháng sinh.

Các thủ thuật như nội soi, thông tim... được phát triển và áp dụng ngày càng nhiều trong các bệnh viện. Khi áp dụng các thủ thuật này có thể đưa vi khuẩn vào cơ thể qua ống thông...

Những bệnh nhân mà sức đề kháng giảm sút nghiêm trọng do mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch (ví dụ: K máu, suy tủy...)

Klebsiella pneumoniae có thể gây ra :

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản phổi thứ phát sau cúm, sau sởi, sau ho gà hoặc ở các bệnh nhân đang hồi sức hô hấp (đang dùng máy hô hấp nhân tạo).

Nhiễm trùng máu : Thường gặp ở những bệnh nhân bị suy kiệt như xơ gan, ung thư máu, suy tủy...

Ngoài ra còn có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, đường mật hoặc đường sinh dục, viêm màng não, viêm tai, viêm xoang và viêm nội tâm mạc.

Chẩn đoán vi sinh vật

Chủ yếu dựa vào chẩn đoán trực tiếp, phân lập vi khuẩn từ các bệnh phẩm đàm, máu v.v... tùy theo thể bệnh. Nuôi cấy lên các môi trường thích hợp để phân lập và xác định vi khuẩn dựa vào hình thể, tính chất nuôi cấy đặc biệt (khuẩn lạc nhầy, dính), tính chất sinh vật hóa học, khả năng gây bệnh thực nghiệm. Xác định type bằng phản ứng ngưng kết hoặc phản ứng phình vỏ với kháng huyết thanh đặc hiệu type.

Phòng bệnh và chữa bệnh

Phòng bệnh

Chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Chủ yếu là tránh những điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng cơ hội xuất hiện bằng cách nâng cao sức đề kháng của người bệnh và dự phòng tốt các nhiễm trùng bệnh viện.

Chữa bệnh

Dựa vào kết quả của kháng sinh đồ để chọn kháng sinh công hiệu. Klebsiella pneumoniae thường có sức đề kháng cao với kháng sinh.

PROTEUS

Giống Proteus ký sinh ở ruột và các hốc tự nhiên của người (ví dụ : ở ống tai ngoài). Chúng là loại vi khuẩn “gây bệnh cơ hội”.

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Trực khuẩn gram âm, rất di động. Vi khuẩn có nhiều hình thể thay đổi trên các môi trường khác nhau, từ dạng trực khuẩn đến dạng hình sợi dài.

Tính chất nuôi cấy

Vi khuẩn mọc dễ dàng trên các môi trường nuôi cấy thông thường. Trên môi trường thạch dinh dưỡng, khuẩn lạc có một trung tâm lan dần ra, từng đợt, từng đợt , mỗi đợt là một gợn sóng và có mùi thối đặc biệt.

Trên môi trường có natri deoxycholate: Proteus mọc thành khuẩn lạc tròn, riêng biệt không gợn sóng, có một điểm đen ở trung tâm, xung quanh màu trắng nhạt.

Tính chất sinh vật hóa học

Không lên men lactose. Đa số Proteus : H2S dương tính và urease dương tính. Dựa vào tính chất sinh vật hóa học người ta phân loại giống Proteus thành các loài: Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Proteus myxofaciens, Proteus penneri.

Cấu trúc kháng nguyên

Cấu trúc kháng nguyên của Proteus rất phức tạp và không được vận dụng vào công tác thực tế hàng ngày. Người ta thấy có một mối tương quan đặc biệt giữa kháng nguyên O của một số chủng Proteus (được gọi là OX2 ; OX19; OXK) và Rickettsia. Vì vậy, người ta dùng các chủng này để làm kháng nguyên trong chẩn đoán huyết thanh bệnh do Rickettsia (phản ứng Weil - Felix).

Khả năng gây bệnh

Proteus là một loại vi khuẩn "gây bệnh cơ hội". Chúng có thể gây ra : - Viêm tai giữa có mủ

Viêm màng não thứ phát sau viêm tại giữa ở trẻ còn bú.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn huyết ...

Chẩn đoán vi sinh vật

Phân lập vi khuẩn từ các bệnh phẩm như : mủ tai, nước tiểu, máu ... tùy theo thể bệnh lâm sàng. Đặc điểm của các tổn thương và mủ do Proteus gây ra có mùi thối như trong hoại thư do vi khuẩn kị khí gây nên. Nuôi cấy trên các môi trường thông thường. Xác định vi khuẩn dựa vào hình thái khuẩn lạc gợn sóng, mùi thối đặc biệt trên dĩa môi trường và trực khuẩn Gram âm urease dương tính và một số tính chất sinh vật hóa học khác.

Muốn phân lập thành khuẩn lạc riêng rẽ thì nuôi cấy trên môi trường có Natri desoxycholat, Proteus sẽ mọc thành khuẩn lạc riêng biệt có chấm đen ở giữa sau 48 giờ.

Phòng bệnh và chữa bệnh

Phòng bệnh

Nâng cao thể trạng người bệnh, khi áp dụng các thủ thuật thăm khám phải tuyệt đối vô trùng dự phòng tốt các nhiễm trùng bệnh viện.

Chữa bệnh

Sử dụng kháng sinh dựa vào kết quả của kháng sinh đồ. Vi khuẩn này thường có sức đề kháng cao với kháng sinh.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Khuẩn Enterobacter Là Gì