Cắt Lợi (Nướu) Là Gì? Có Đau Không? Giá Bao Nhiêu Tiền? Có Mọc ...
Có thể bạn quan tâm
Cắt lợi là kỹ thuật loại bỏ một phần mô nướu ở khu vực xung quanh răng bằng các phương pháp khác nhau, trong đó sử dụng laser là phương pháp hiện đại nhất với độ an toàn, chính xác cao. Nếu thực hiện ở những địa chỉ nha khoa kém uy tín hoặc chăm sóc tại nhà sai cách, bạn sẽ gặp phải những biến chứng, rủi ro rất nguy hiểm. Do đó, bạn cần lưu ý đến việc lựa chọn địa chỉ thực hiện kỹ lưỡng.
- 1. Cắt lợi là gì?
- 2. Tại sao phải cắt lợi?
- 2.1. Cắt bỏ lợi bị viêm
- 2.2. Cắt lợi phì đại do u
- 2.3. Cắt loại bỏ lợi thừa, lợi trùm răng
- 2.4. Cắt nướu để làm dài thân răng chữa hở lợi
- 3. Các phương pháp cắt nướu phổ biến
- 3.1. Cắt nướu răng thủ công bằng dao
- 3.2. Cắt nướu bằng điện
- 3.3. Cắt nướu bằng laser
- 4. Cắt lợi có đau không
- 5. Thời gian hồi phục sau khi cắt lợi
- 6. Nguy hiểm của phẫu thuật cắt lợi
- 6.1. Ngộ độc hoặc sốc thuốc gây tê
- 6.2. Chảy máu lợi kéo dài
- 6.3. Nhiễm trùng nướu
- 6.4. Cắt nhầm lợi sừng hóa, vết mổ không đều
- 6.5. Viêm nha chu
- 6.6. Răng yếu dẫn đến gãy răng
- 7. Các lưu ý sau khi cắt lợi xong
- 8. Chi phí cắt lợi (nướu) giá bao nhiêu tiền?
1. Cắt lợi là gì?
Cắt lợi (cắt nướu) là một ca tiểu phẫu nha khoa được áp dụng để cắt bỏ một phần mô lợi bám trên thân răng. Đây là kỹ thuật thường được chỉ định cho các trường hợp viêm lợi, khắc phục vấn đề cười hở lợi hoặc cải thiện tình trạng lợi thừa.
Thông qua việc bóc tách và cắt bỏ bớt phần mô lợi, phẫu thuật cắt lợi giúp cải thiện sức khỏe răng miệng và tránh được các vấn đề liên quan đến lợi như sưng, đau và chảy máu lợi.
Riêng với trường hợp phức tạp, việc cắt nướu sẽ cần kết hợp với tạo hình xương ổ răng.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe răng miệng của mình, hãy tìm hiểu thêm về kỹ thuật trên và hỏi ý kiến từ bác sĩ nha khoa để được tư vấn tốt nhất về liệu pháp điều trị phù hợp.
2. Tại sao phải cắt lợi?
Như đã chia sẻ ở phần trên, cắt lợi thường được nha sĩ chỉ định trong các trường hợp lợi bị viêm, phì đại do u, lợi thừa – lợi trùm răng hoặc làm dài thân răng với mục đích chữa cười hở lợi.
2.1. Cắt bỏ lợi bị viêm
Với những người bị viêm nướu, viêm nha chu ở mức độ nghiêm trọng, đã chuyển qua giai đoạn mãn tính, không thể chữa dứt điểm bằng các phương pháp thông thường như lấy cao răng hoặc uống thuốc thì bác sĩ thường chỉ định cắt lợi.
Nghiên cứu của Jankovic và đồng nghiệp năm 2018 đã chỉ ra rằng, cắt lợi giúp cải thiện đáng kể tình trạng nướu bị viêm nhiễm. Sau khi phần nướu viêm đã bị cắt bỏ, bác sĩ sẽ thuận lợi hơn trong việc chữa trị bệnh lý hoặc tiêu diệt vi khuẩn đang bám dưới chân răng. Nhờ vậy, các triệu chứng của bệnh lý sẽ nhanh chóng thuyên giảm và biến mất hoàn toàn.
Ngược lại, nếu như bệnh viêm lợi không được chữa trị dứt điểm, bạn phải đối mặt với những biến chứng như: mất răng vĩnh viễn, tiêu xương hàm hoặc nhiễm trùng huyết.
2.2. Cắt lợi phì đại do u
Nếu như bạn có những khối u phì đại ở nướu, giải pháp khắc phục tối ưu chính là cắt nướu.
Hiện tượng trên thường xảy ra khi bệnh lý viêm nướu đã diễn biến phức tạp hơn. Vi khuẩn tấn công với tốc độ nhanh gây kích ứng và khiến cho các mô nướu phát triển bất thường. Khi đó, thuốc chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Hiện tượng nướu phì đại rất nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Thậm chí, phần lợi ở cả hàm cũng sẽ bị sưng tấy, che phủ toàn bộ răng và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như mất răng, nhiễm trùng…
2.3. Cắt loại bỏ lợi thừa, lợi trùm răng
Trong thực tế, có không ít người đang bị mắc chứng thừa lợi, lợi mọc trùm lên thân răng. Hiện tượng đó khiến cho quá trình ăn uống và sinh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, bạn còn dễ cắn phải mô nướu, gây chảy máu và nhiễm trùng.
Một phần lợi che lấp gần hết bề mặt răng khiến chúng không thể phát triển bình thường, gây ra những cơn đau nhức kéo dài. Về lâu dài, răng sẽ đẩy một phần lợi trùm và tạo khoảng trống dưới lợi. Khi đó, bạn sẽ có nguy cơ cao gặp phải các bệnh lý nguy hiểm như sâu răng, viêm nha chu…
Tình trạng lợi trùm rất phổ biến với người đang bắt đầu mọc răng khôn. Với trường hợp trên, các bác sĩ sẽ tư vấn nhổ bỏ răng số 8 để tránh gây hại tới sức khỏe răng miệng cũng như những răng còn lại trên cung hàm.
2.4. Cắt nướu để làm dài thân răng chữa hở lợi
Cắt nướu cũng là một trong những cách chữa cười hở lợi rất phổ biến. Phần nướu thừa sẽ được bác sĩ tính toán kỹ lưỡng và sau đó loại bỏ bớt. Sau khi cắt bỏ nướu thừa, thân răng lộ ra và lợi được đẩy lên cao nên giúp răng nhìn dài hơn. Nhờ vậy, tình trạng cười hở lợi sẽ được khắc phục triệt để.
Bên cạnh đó, đường viền lợi được các bác sĩ khâu bằng chỉ thẩm mỹ nên không để lại bất kỳ sẹo hay dấu vết nào.
Sau khi cắt nướu chữa cười hở lợi, bạn hoàn toàn có thể tự tin với một nụ cười rạng rỡ và tỏa sáng như mong muốn.
3. Các phương pháp cắt nướu phổ biến
Nhờ sự phát triển vượt bậc của ngành nha khoa trong những năm trở lại đây, kỹ thuật cắt nướu hiện tại đã được triển khai bằng nhiều phương pháp khác nhau. Bao gồm cắt nướu thủ công bằng dao, bằng điện và bằng laser.
3.1. Cắt nướu răng thủ công bằng dao
Phương pháp cắt nướu răng thủ công bằng dao là phương pháp truyền thống nhất để loại bỏ mô mềm quanh răng.
Theo đó, bác sĩ sử dụng dao nhỏ và nhẹ để cắt bỏ mô mềm quanh răng, đôi khi có thể sử dụng thêm các dụng cụ phẫu thuật để giúp loại bỏ mô mềm một cách hiệu quả nhất.
Phương pháp trên có thể gây ra sự khó chịu và đau đớn, do đó nha sĩ thường sử dụng thuốc tê để giảm đau trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, chúng còn có một số mặt hạn chế như sau.
Đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của bác sĩ để tránh cắt quá sâu và gây ra tổn thương cho nướu và xương răng.
Thời gian phục hồi có thể lâu hơn so với các phương pháp cắt nướu khác do mức độ tổn thương nướu và xương răng lớn hơn.
Nếu không thực hiện đúng cách, có thể gây ra sưng tấy, nhiễm trùng và viêm nướu.
Do đó, các phương pháp cắt nướu mới như cắt nướu bằng điện hoặc cắt nướu bằng laser, đang trở nên phổ biến hơn do có nhiều lợi ích về tính hiệu quả và tiện lợi.
3.2. Cắt nướu bằng điện
Khi sử dụng phương pháp cắt nướu bằng điện, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay có một đầu cắt điện. Thiết bị đó được điều chỉnh để cắt nướu một cách chính xác và hiệu quả nhất.
Trong quá trình thực hiện, khi thiết bị tiếp xúc với mô mềm sẽ tạo ra một dòng điện để cắt bỏ mô mềm một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn so với phương pháp cắt nướu bằng dao truyền thống.
Phương pháp cắt nướu bằng điện có nhiều lợi ích, bao gồm:
Giảm đau và khó chịu do cắt nướu bằng điện chỉ gây ra áp lực và nóng trên nướu, thay vì đau đớn như khi sử dụng dao.
Phương pháp trên được thực hiện nhanh hơn so với cắt nướu bằng dao truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian.
Thiết bị cắt điện có thể được điều chỉnh để cắt một cách chính xác, giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương cho nướu và xương răng.
Do mức độ tổn thương nhỏ hơn so với phương pháp cắt nướu bằng dao nên quá trình phục hồi sau khi cắt nướu bằng điện thường nhanh hơn và ít đau đớn hơn.
Tuy nhiên, cắt nướu bằng điện cũng có những hạn chế, bao gồm:
Thiết bị cắt điện có thể tạo ra tiếng ồn và rung, gây khó chịu cho bạn trong suốt quá trình thực hiện.
Chi phí thực hiện thường cao hơn so với phương pháp cắt nướu bằng dao truyền thống.
3.3. Cắt nướu bằng laser
Cắt lợi bằng tia laser luôn là phương án được các bác sĩ đánh giá cao nhất về mức độ hiệu quả. Thay vì dùng điện hoặc những loại dao mổ truyền thống, phương pháp trên sử dụng công nghệ laser với tần số ổn định để cắt bỏ một phần nướu.
Bác sĩ sẽ dùng trang thiết bị chuyên dụng có khả năng phóng chùm tia sáng được khuếch đại, tỏa ra bức xạ và nhiệt lượng cao.Chúng đốt chết các tế bào mô nướu đã bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Actinobacillus Actinomycetemcomitans.
Tia laser có thể được điều chỉnh để cắt theo hình dạng và kích thước mong muốn, giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương cho nướu và xương răng.
Phương pháp cắt nướu bằng laser có nhiều lợi ích, bao gồm:
Tia laser có thể được điều chỉnh để cắt mô mềm một cách chính xác gần như tuyệt đối, giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương cho các mô xung quanh.
Laser có khả năng cắt bỏ mô mềm một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không gây ra đau hay khó chịu.
Phương pháp trên được thực hiện nhanh hơn so với cắt nướu bằng dao hoặc cắt nướu bằng điện.
Nhờ mức độ tổn thương nhỏ hơn so với phương pháp cắt nướu bằng dao hoặc cắt nướu bằng điện, quá trình phục hồi sau khi cắt nướu bằng laser thường diễn ra nhanh chóng và ít gặp biến chứng hơn.
Tuy nhiên, phương pháp cắt nướu bằng laser cũng có những hạn chế, bao gồm:
Chi phí đắt đỏ nhất trong tất cả các phương pháp.
Đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt của bác sĩ để sử dụng thiết bị laser thành thục.
4. Cắt lợi có đau không
Phương pháp cắt nướu răng thường được sử dụng để điều trị các vấn đề về nướu và răng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê hoặc gây mê để đảm bảo bạn không cảm thấy đau đớn.
Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể cảm thấy hơi tê và nhói. Tuy nhiên, những cảm giác đó sẽ dần dần mất đi trong vài ngày sau phẫu thuật và bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau để giảm thiểu cảm giác khó chịu.
Nhìn chung, cảm giác đau nhức, khó chịu sau khi cắt nướu không hề quá nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn thế, nhờ có thuốc giảm đau cũng như những hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc tại nhà của bác sĩ thì tình trạng đó cũng sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt thường nhật của bạn.
Để hiểu rõ hơn về tình trạng trên, bạn hãy tham khảo quá trình phục hồi sau khi cắt nướu dưới đây:
Vài giờ sau phẫu thuật: Sau khi thuốc tê hết tác dụng thì những cơn đau nhanh chóng kéo đến. Tùy vào cơ địa của mỗi người, tình trạng đau nhức sẽ khác nhau. Bạn có thể chườm đá hoặc uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau nhanh chóng.
3 – 4 ngày tiếp theo: Tình trạng đau nhức vẫn còn nhưng đã có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gian đó, nướu răng rất dễ bị chảy máu hoặc sưng nhẹ. Bạn không nên để bàn chải đánh răng tác động tới vết thương. Ngoài ra, bạn cần súc miệng với nước muối pha loãng đều đặn 2 lần mỗi ngày để ngăn chặn vi khuẩn có hại phát triển.
Sau 1 tuần: Thông thường, sau khoảng 1 tuần, cơn đau đã hoàn toàn chấm dứt. Vết thương cũng gần ổn định. Bạn nên tới phòng khám nha khoa để bác sĩ kiểm tra vết thương. Ngoài ra, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào xảy ra, bác sĩ cũng sẽ xử lý kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
5. Thời gian hồi phục sau khi cắt lợi
Thực chất, thời gian hồi phục sau khi cắt lợi sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên thông thường, vết thương sẽ hết sưng tấy sau 5 – 7 ngày và lành lại sau 7 – 10 ngày. Đối với người điều trị cười hở lợi, thời gian hồi phục có thể nhanh hơn chỉ trong vòng 1 tuần. Sau khi vết thương lành lại, bạn có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, việc hoàn toàn bình phục có thể mất đến 3 – 6 tháng. Để rút ngắn thời gian hồi phục, bạn nên chăm sóc vết thương đúng cách và tuân thủ các chỉ đạo của bác sĩ điều trị.
Sau đây là các yếu tố cụ thể quyết định đến quá trình phục hồi:
Độ tuổi: Người trẻ thường phục hồi nhanh hơn và ít có nguy cơ phát sinh biến chứng hơn so với người lớn tuổi.
Tình trạng sức khỏe: Những người có bệnh lý nền hoặc các vấn đề sức khỏe răng miệng khác sẽ mất thời gian phục hồi lâu hơn.
Phương pháp phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật cắt lợi truyền thống thường gây đau đớn và mất nhiều thời gian phục hồi hơn so với phương pháp phẫu thuật laser hiện đại.
Độ lớn của lợi bị cắt: Tỷ lệ các mô lợi cắt đi nhỏ thì thời gian phục hồi nhanh hơn và ít đau đớn hơn.
Chăm sóc sau phẫu thuật: Việc tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn, chỉ định của nha sĩ về chăm sóc sau phẫu thuật có thể giúp giảm đau đớn và tăng tốc quá trình phục hồi.
Yếu tố tâm lý: Cảm giác lo lắng, stress, áp lực, tâm lý không tốt có thể ảnh hưởng đến thời gian phục hồi của mỗi người.
6. Nguy hiểm của phẫu thuật cắt lợi
Cắt lợi là một phương pháp thường được sử dụng để loại bỏ phần lợi bị viêm nhiễm hoặc bị thừa do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình thực hiện không hề quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu bác sĩ tiến hành không đúng kỹ thuật hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách sau phẫu thuật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sốc, ngộ độc thuốc tê, viêm nha chu, răng yếu dẫn đến gãy răng, chảy máu kéo dài, cắt nhầm lợi sừng hóa, vết mổ không đều.
6.1. Ngộ độc hoặc sốc thuốc gây tê
Ngộ độc thuốc gây tê là tình trạng khi lượng thuốc gây tê trong cơ thể vượt quá mức cho phép, gây ra các triệu chứng như giảm huyết áp, rối loạn nhịp tim, khó thở, suy hô hấp, tê liệt và tử vong. Trong khi đó, sốc thuốc gây tê là một tình trạng nguy hiểm, nhanh chóng xảy ra và có thể gây ra suy giảm chức năng nhiều cơ quan và tử vong.
Các nguy cơ trên thường xảy ra khi cơ thể chúng ta tiếp nhận liều thuốc gây tê cao hơn mức được đề ra hoặc do quá trình tiêm thuốc không đúng cách.
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc hoặc sốc thuốc gây tê, bác sĩ cần phải kiểm tra và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của khách hàng trước, trong và sau khi thực hiện để đảm bảo rằng khách hàng được liều thuốc gây tê an toàn và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, bản thân người làm phẫu thuật cũng cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe và lịch sử bệnh của mình để bác sĩ có thể đưa ra quyết định và điều chỉnh liều thuốc phù hợp.
6.2. Chảy máu lợi kéo dài
Sau khi phẫu thuật cắt lợi, việc chảy máu là điều bình thường và sẽ dừng lại sau một vài phút hoặc vài giờ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chảy máu có thể kéo dài và gây ra nguy hiểm cho sức khỏe.
Chảy máu lợi kéo dài thường xảy ra do một số nguyên nhân như: tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh trong quá trình phẫu thuật, sử dụng thuốc làm tê cục bộ gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu, do các bệnh nền như bệnh máu, bệnh lý về tiểu đường.
Nếu bạn gặp phải tình trạng chảy máu lợi kéo dài, hãy thực hiện các biện pháp như cầm máu với bông gạc để giảm chảy máu và kiểm soát tình trạng. Trong trường hợp chảy máu không ngừng, cần liên hệ ngay cho bác sĩ để tư vấn và áp dụng các biện pháp phù hợp.
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ phải tái điều chỉnh lại vết mổ và thực hiện các phương pháp khác như tiêm thuốc hoặc phẫu thuật để kiểm soát tình trạng chảy máu.
6.3. Nhiễm trùng nướu
Phẫu thuật cắt nướu cũng có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng nướu, đặc biệt là trong trường hợp bạn có nhiều mảng bám trên răng và nướu trước khi phẫu thuật. Khi phẫu thuật, các vi khuẩn trong khoang miệng có thể bị lây lan và gây ra nhiễm trùng.
Do đó, bạn có thể bị nhiễm trùng nướu sau phẫu thuật cắt nướu nếu không tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật, bao gồm cả việc vệ sinh răng miệng và sử dụng thuốc kháng viêm nếu được chỉ định bởi bác sĩ.
Các triệu chứng của nhiễm trùng nướu bao gồm đau, sưng, đỏ và rát ở vùng xung quanh vết mổ.
Ngoài ra, hiện tượng viêm nhiễm còn có thể xảy ra do quá trình cắt lợi không tiến hành trong môi trường vô khuẩn tuyệt đối.
6.4. Cắt nhầm lợi sừng hóa, vết mổ không đều
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật cắt nướu, nếu bác sĩ không nắm rõ kỹ thuật sẽ có nguy cơ cắt nhầm lợi sừng hóa (còn gọi là lợi sừng) – là một khối u dày và cứng trên lợi. Nếu cắt nhầm lợi sừng hóa sẽ gây ra tình trạng đau đớn, chảy máu và ảnh hưởng đến việc ăn uống và chăm sóc răng miệng sau đó.
Ngoài ra, nếu vết mổ sau phẫu thuật không đều, có thể dẫn đến các vấn đề về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến nụ cười của bạn.
Để giảm thiểu nguy cơ trên, bác sĩ cần phải có kinh nghiệm và tay nghề cao trong phẫu thuật cắt nướu. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng vùng lợi cần phẫu thuật và xác định vị trí chính xác của lợi sừng hóa (nếu có). Bác sĩ cũng cần sử dụng các công cụ và công nghệ phẫu thuật hiện đại để đảm bảo rằng ca phẫu thuật được thực hiện một cách chính xác.
6.5. Viêm nha chu
Nha chu gồm nướu, dây chằng răng, cement chân răng và xương ổ răng. Chúng có nhiệm vụ giữ chặt răng trong vị trí của nó trong hàm và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của răng và niêm mạc miệng.
Khi mô nướu bị cắt bỏ quá nhiều, tác động vào sâu khiến các mô xung quanh chịu ảnh hưởng và bị tổn thương, gây ra sự gián đoạn trong sự phục hồi của nha chu. Viêm nha chu thường xảy ra từ vài ngày đến vài tuần sau phẫu thuật, có thể gây đau, sưng và khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nha chu có thể dẫn đến các biến chứng khác như nhiễm trùng nặng, hôi miệng và mất răng.
Việc điều trị viêm nha chu bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và các phương pháp giảm sưng như chườm lạnh. Nếu tình trạng viêm nha chu không được kiểm soát hoặc có các biểu hiện nghiêm trọng hơn như sốt, sưng nặng, chảy máu hoặc nhiễm trùng, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
6.6. Răng yếu dẫn đến gãy răng
Khi phẫu thuật cắt nướu, các răng lân cận sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn để thay thế vai trò của răng cần điều trị. Những răng đó có thể bị yếu đi do tổn thương hoặc do các vấn đề khác như sâu răng hoặc viêm nha chu.
Nếu các răng đó ngày càng trở nên yếu đi, chúng sẽ gặp phải tình trạng gãy hoặc bị hư hại trong quá trình ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng. Từ đó dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như mất răng, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về xương hàm và khớp cắn.
Do đó, sau khi phẫu thuật xong, bạn cần thường xuyên kiểm tra và chăm sóc răng miệng của mình, bao gồm vệ sinh răng đúng cách và ăn uống hợp lý để giữ cho các răng còn lại khỏe mạnh, tránh bị hư hại.
7. Các lưu ý sau khi cắt lợi xong
Sau khi cắt nướu xong, để vết thương mau lành và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bạn cần lưu ý một số điều dưới đây.
Ăn đồ mềm: Hạn chế ăn những thực phẩm cứng và khó nhai nhằm tránh làm tổn thương vùng lợi và gây ra đau khi vết thương chưa lành hoàn toàn. Thay vào đó hãy ăn đồ ăn mềm như cháo, súp, trứng, đậu phụ…
Nạp thêm khoáng chất/vitamin: Tránh ăn đồ ngọt, béo quá mức vì dễ khiến vết thương lâu lành, thay vào đó bạn hãy cố gắng ăn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để hỗ trợ quá trình phục hồi như rau họ cải, động vật có vỏ, đậu, bơ…
Uống nước nhiều: Bạn cần giữ cho cơ thể của mình luôn đủ nước, điều đó sẽ giúp giảm đau và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Vệ sinh miệng bằng nước muối tiệt trùng: Súc miệng với nước muối tiệt trùng sẽ giúp giảm vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Không ăn cay: Tránh ăn các loại thực phẩm cay và nóng để tránh kích thích vùng lợi, gây ra đau đớn như ớt, hạt tiêu, đậu phụ sốt cay…
Dùng thuốc kháng viêm: Sử dụng thuốc kháng viêm được chỉ định bởi bác sĩ để giảm đau và sưng tấy trong quá trình phục hồi. Các loại thuốc kháng viêm phổ biến bao gồm ibuprofen, naproxen và aspirin. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết thuốc nào phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình và liều lượng nên sử dụng là bao nhiêu.
Thăm khám nếu có vấn đề lạ: Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào lạ hoặc đau đớn nghiêm trọng, hãy thăm khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
8. Chi phí cắt lợi (nướu) giá bao nhiêu tiền?
Chi phí cắt nướu sẽ có sự khác biệt phụ thuộc vào từng dịch vụ cụ thể, điển hình như tại Nha Khoa Paris nếu áp dụng phương pháp trên để chữa cười hở lợi thì mức giá sẽ dao động từ 2.000.000 – 20.000.000 VNĐ, cụ thể:
Chữa cười hở lợi bằng laser (1 răng): 2.000.000 VNĐ/lần.
Chữa cười hở lợi (đối với 1 hàm): 18.000.000 VNĐ/lần.
Chữa cười hở lợi bằng Laser (1 hàm): 20.000.000 VNĐ/lần.
Cắt lợi là giải pháp hàng đầu để khắc phục một số bệnh lý răng miệng cũng như cải thiện thẩm mỹ của hàm răng rất hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên lựa chọn những đơn vị nha khoa uy tín và chăm sóc răng miệng tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Từ khóa » Cắt U Lợi Bằng Laser
-
Cắt Lợi Thẩm Mỹ Công Nghệ Laser 3.0 Hiện đại Của Mỹ, Quy Trình ...
-
Cắt U Xơ Lợi Bằng Laser - Health Việt Nam
-
Giá Cắt Lợi Bằng Laser Bao Nhiêu? - Việt Smile
-
Cắt U Xơ Lợi Bằng Laser - Bộ Y Tế 2020 - Suckhoe123
-
Điều Trị Viêm Lợi Bằng Phương Pháp Cắt Lợi Laser – Nha Khoa Thùy Anh
-
Laser - Xu Hướng Mới Trong điều Trị Nha Khoa
-
Phẫu Thuật Cắt Lợi ở đâu Tốt Và Uy Tín Tại TP.HCM? - BookingCare
-
Cắt Lợi Có Mọc Lại Không? Những Biến Chứng Nguy Hiểm Trong Phẫu ...
-
Thẻ Cắt Lợi Bằng Laser – Nha Khoa Quốc Tế DND
-
GIẢI ĐÁP: Phẫu Thuật Cắt Lợi Có Nguy Hiểm Không? | TCI Hospital
-
Chữa Cười Hở Lợi Như Thế Nào? Hiệu Quả Ra Sao? Giá Bao Nhiêu?
-
Căt Nướu Phủ Răng Bằng Laser - YouTube
-
Phẫu Thuật Cắt Lợi Có An Toàn Không? - Vinmec
-
Đánh Giá Kết Quả Phương Pháp Phẫu Thuật Cắt Lợi Phì đại Bằng Laser ...