Câu Chuyện Sao Kê, Quyết Toán Giữa Rừng Xanh Lá đỏ - Tạp Chí Thuế

Ngày vui nôn nao, bận bịu

Ông Mười Phi, Trưởng ban Tài chính trung ương Cục miền Nam nhớ lại: “Khi nhận chỉ thị của Trung ương về việc quyết toán ngân sách, chi tiêu tại chiến trường miền Nam trong 10 năm chống Mỹ, cùng với không khí hối hả, tiến về Sài Gòn, chúng tôi đã lệnh cho các quân khu, đơn vị, địa phương thống kê nhanh, báo cáo đầy đủ (trong vòng 1 vài tháng) bởi biết thời gian tới là cả núi việc đang chờ đợi. Tâm trạng của những người lính làm công tác tài chính là làm sao thanh quyết toán chính xác, dễ hiểu… bởi ai cũng mong ngày đoàn tụ với gia đình”.

Vì trông mong từng ngày về thăm quê, thăm nhà sau bao nhiêu năm thoát ly gia đình, tập kết ra Bắc theo cách mạng, nay mơ ước hiện hữu, nên anh em đều không quản ngày đêm tập hợp chứng từ, sổ sách, làm việc không biết mệt mỏi. Cái khó nhất vẫn là chứng từ liên quan tới chi, nhất là chi bằng ngoại tệ. Chi tiêu ngân sách trong thời chiến, giữa rừng sâu, trong điều kiện đảm bảo bí mật tuyệt đối, phần nhiều đều dùng các ký hiệu, nay lại cần minh bạch nên là một thách thức. Ví dụ chuyển khoản gọi là FM; thanh toán tiền mặt là AM; AZ là đổi từ USD thành tiền Sài Gòn; AK là đổi từ USD sang tiền Kíp Lào; AR là đổi thành tiền Riel Campuchia; AB là đổi sang tiền Bạt Thái Lan. Chi phí chuyển đổi trong điều kiện tuyệt mật là tốn kém, mất thêm phí, tức phải chịu thiệt về tỷ giá, thường cao hơn giá trị thị trường 3%. Những con số này đều có sao kê, đưa vào quyết toán, tổng quyết toán.

Thường thì tiền từ trung ương chuyển vào chiến trường được phân bổ phân đoạn. Đầu tiên là đến các đơn vị lớn từ Bình Trị Thiên, khu V, Tây Nguyên đến Nam bộ. Theo đó, tiền tới đơn vị nào thì đơn vị đó có bộ phận đặc biệt tiếp nhận, sau đó phân bổ tiếp cho các đơn vị, địa phương thuộc trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng với sự tham mưu của bộ phận kinh tài trực thuộc, bằng kênh chuyển riêng biệt. Trong số ngoại tệ sử dụng tại các chiến trường, USD chiếm tỷ lệ cao nhất với nhu cầu chi tiêu đa dạng, nhất là cho cán bộ, người lính hoạt động nằm vùng, chiến đấu trong lòng địch. Khi chiến trường có nhu cầu sử dụng loại tiền khác (thường gọi là biệt tệ) thì chủ động chuyển đổi tại chỗ theo phương thức phân tán nhỏ lẻ để tránh bị lộ. Ở tầm quản lý vĩ mô, trung ương có chỉ thị không khuyến khích đổi USD sang tiền Sài Gòn tích trữ nhiều, vì đồng tiền của chế độ cũ mỗi năm một mất giá, nhất là từ năm 1970 trở đi.

Khi tham gia quyết toán, những người lính có nghiệp vụ tài chính vừa được bổ sung (sau khi được đào tạo tại miền Bắc vào) đều chung nhận định, việc quản lý thu chi, theo dõi hạch toán kế toán kho quỹ tại các đơn vị thuộc Trung ương cục miền Nam được tổ chức chặt chẽ, kỹ càng, đảm bảo an toàn. Các ban kinh tài đều có nhân viên chuyên lo kế toán. Dù vẫn phải cầm súng đánh giặc, nhưng các “lính kế toán viên” không quên đối chiếu số liệu định kỳ với kế toán cơ quan cấp trên. Đối với các khoản thu, chủ yếu từ 3 nguồn, một từ trung ương cấp vào qua AM và FM (tiền mặt và chuyển khoản); hai là lãi suất tiền gửi bí mật tại các ngân hàng miền Nam; ba là nguồn thu tại chỗ do các cơ sở kinh doanh, dịch vụ của cách mạng từ nội thành chuyển lợi nhuận về.

Những con số của một thời khó

Theo nhà nghiên cứu Đặng Phong - tác giả của những công trình nghiên cứu kinh tế xã hội, tổng số tiền mặt do Trung ương cục miền Nam sử dụng trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ không lớn so với tổng đầu tư cho cuộc chiến, nhưng để quyết toán là một vấn đề khó, vì các chứng từ, hoá đơn được mặc định dưới dạng mật. Hơn nữa, đường đi của đồng tiền rất dích dắc, nên người ngoại đạo dẫu giỏi nghiệp vụ đến mấy cũng khó hiểu nổi, làm nổi. Đó là chưa kể, trong quá trình vận chuyển, quản lý, sử dụng gặp không ít rủi ro. Ví dụ, có một số lần xe chở hàng trong đó có các thùng tiền không may bị bom Mỹ bắn phá. Tuy thùng đựng tiền không cháy, nhưng sức nóng của bom đã tiêu huỷ hết số tiền bên trong. Qua quyết toán, thống kê cho thấy, trong 2 năm 1972-1973, riêng ngoại tệ các loại cháy do bị bom oanh tạc tương đương 5.036.000 USD. Trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, gian khổ, số tiền trên vẫn được thu gom chuyển trả về cơ quan cấp phát để báo cáo, quyết toán. Bằng nghiệp vụ, cơ quan hữu quan, tức “Quỹ đặc biệt dành cho chiến trường miền Nam” có mật danh là B29 ẩn mình trong Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại Hà Nội đã tận dụng, khắc phục được gần 2.000.000 USD đưa vào lưu thông trở lại.

Ồng Phan Đình Mậu, kế toán trưởng B29 cho biết, từ năm 1965 - 1975 quỹ tiếp nhận 678,7 triệu USD trong đó 620 triệu là viện trợ đặc biệt; 24 triệu là từ các tổ chức, nhân dân quốc tế ủng hộ; gần 21 triệu là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi, gửi ngoại tệ ở nước ngoài; gần 7,5 triệu là lãi từ tiền dự trữ trên chiến trường, “ẩn” trong các ngân hàng, thương tín miền Nam.

Trong mấy tháng ròng, những người lính kinh tài cuối cùng đã hoàn thành xong công việc sao kê, quyết toán tài chính trong điều kiện thiếu thốn, lại được thực hiện bởi những người chưa được đào tạo nghiệp vụ kế toán, quản trị tài chính bài bản, mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và trên tất cả là một tấm lòng trung thực trước Tổ quốc, đồng bào. Bản quyết toán do ông Mai Hữu Ích, Phó cục trưởng Cục Ngoại hối trung ương, phụ trách Quỹ tổng kết cho thấy khá chi tiết: tổng quỹ dự trữ đặc biệt đến cuối năm 1975 chưa cấp phát 149.431.767,38 USD; tồn quỹ từ các chiến trường gửi về, không dùng hết, nộp lại 53.803.361 USD; Tổng cục Hậu cần (Quân đội) bàn giao 508.673,29 USD tiền lãi ngoại tệ gửi tại ngân hàng nước ngoài 14.730.374,94 USD. Tổng cộng số dư của Quỹ cuối năm 1975 là 218.474.176, 61 USD.

Sau này khi có dịp gặp lại những người lính chuyên lo chuyện tiền nong trên rừng, trong đó có tham gia vào đợt quyết toán tài chính ở chiến trường miền Nam, nhiều người cho rằng những ngày quyết toán ấy tuy vất vả, nhưng chan hoà một niềm vui. Tất cả đều thực hiện bằng trách nhiệm - trách nhiệm thiêng liêng trước mỗi đồng tiền gom góp từ nhiều nguồn, trong đó có sự chắt chiu của đồng bào trong nước và nước ngoài. Bà Đỗ Thị Lệ Hồng, cán bộ trực tiếp tham gia chuyển tiền từ Campuchia về Nam bộ bằng đường sông trước 1975, sau này là Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Cần Thơ cho biết, qua đợt quyết toán khi đất nước thống nhất, những người lính thuộc binh chủng tiền mới biết mặt nhau, chứ trước đây vì đảm bảo bí mật tuyệt đối nên cả người đưa và người nhận tiền đều bịt kín mặt, bàn giao xong đi ngay, không được trò chuyện, hỏi thăm bất cứ điều gì, kể cả tặng cho nhau bài thơ vừa chép được.

Sau năm 1975, khi đất nước hoà bình, thống nhất, mặc dù đối diện với cơ man khó khăn, tài chính Việt Nam vẫn chắt chiu, dành dụm để có ngoại tệ chi trả các khoản vay mượn từ các tổ chức quốc tế, hay chính phủ các nước, nhất là khối xã hội chủ nghĩa. Hơn thế, còn động viên hợp lý nguồn lực từ quốc dân để chăm lo xây dựng và phát triển đất nước.

Hồ Phú Hội

Từ khóa » Câu Chuyện Sao Kê