Cầu Dải Yếm Qua Dòng Sông Thơ - Enews@.vn

Văn học là thế giới thứ hai của hiện thực đời sống, là cái mã để lưu truyền, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Áo yếm là một sáng tạo văn hóa đánh dấu sự phát triển về đời sống vật chất cũng như nhu cầu thẫm mỹ của con người. Trong đời sống, chiếc yếm gắn liền với phụ nữ nên nó trở thành biểu tượng của nữ tính và là ngôn ngữ đặc biệt của tình yêu.

Dân tộc ta có nền văn hóa thiên trọng nữ tính, trọng cội nguồn dân tộc (Mẹ Âu Cơ), trọng yếu tố sinh sản nên những gì gắn bó với phụ nữ hầu hết đều mang biểu tượng cho nữ tính đặc biệt nhất là áo, yếm, khăn… Vào cái thủa xa xưa đó, cái thủa chưa có cái xú chiêng (nguyên văn tiếng Pháp: soutien) ngự trị trên cặp nhũ hoa của người phụ nữ Việt Nam mà chỉ có cái yếm trắng, yếm đào, yếm hồng, yếm thắm… đã có biết bao chàng trai chết mê chết mệt, bao nhiêu thầy nho, thầy đồ cũng phải lụy vì cái yếm của cô nàng thôn nữ:

                                                                            

                                  Yếm thắm mà nhuộm hoa nương

                                  Cái răng hạt đỗ làm tương anh đồ

                                  Yếm thắm mà vã nước hồ

                                  Vã đi vã lại anh đồ yêu đương!

Đâu có phải chỉ làm những chàng trai dân dã hay những anh đồ nhại chữ thánh hiền say lòng, ngay những bậc tu hành cũng không thoát khỏi nỗi đam mê trần tục:

                                - … Thấy cô yếm đỏ, răng đen

                               Nam mô di phật lại quên mất chùa!

                                      

                                - Ba cô đội gạo lên chùa

                                Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

                                Sư về sư ốm tương tư…

Chiếc yếm trở thành ngôn ngữ nữ tính của người con gái Việt, ý nghĩa biểu cảm như cái duyên thắm mặn mà, mong manh kín đáo, tự nhiên chân thực hàm chứa bao ý bao tình, say lòng người quân tử, và cũng là cách để nữ sĩ họ Hồ khép mở nỗi niềm Xuân Hương:

                           Yếm đào trễ xuống dưới nương long

                           Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

                               (Thiếu nữ ngủ ngày – Hồ Xuân Hương)

Nụ thanh xuân e ấp sau làn yếm mong manh và ẩn chứa cả vũ trụ bí ẩn, thúc giục sự sống cần được cảm nhận và khám phá mọi cấm đoán, khiến cho anh chàng quân tử dùng dằng lưỡng lự, tiến thoái lưỡng nan trước vẻ đẹp trễ nãi mà nên thơ của thiếu nữ khi quá giấc nồng.

Dải yếm xinh trở thành vật tỏ tình rất đặc biệt. Áo yếm đi vào câu hát huê tình hằng trăm năm nay. Họ yêu nhau thắm thiết, quyến quyện đến độ cởi nhẫn, cởi áo và cởi cả yếm cho nhau rồi về nhà dối mẹ qua cầu nhẫn rơi, nón bay và áo yếm cũng bay…! Người xưa chân thành, bình dị, hồn nhiên trong cả lời tỏ tình, ngỏ ý:

                               - Hỡi cô áo trắng yếm hồng

                         Đi trong đám hội, có chồng hay chưa?

                               - Hỡi cô yếm thắm, răng đen

                         Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh!

Hỏi như vậy là vừa đủ kín đáo, tế nhị để cô gái hiểu chàng trai mong mỏi điều gì, cô có đồng ý hay không đó là chuyện khác và cả hai sẽ cảm thấy không bị tổn thương bởi nó vừa an toàn vừa mạo hiểm, vừa thiết tha vừa nửa vời.

Trong hoàn cảnh phải xa cách, nỗi nhớ là chiếc cầu gắn kết hai bờ yêu thương. Trung tâm của nỗi nhớ nhung mong đợi là những gì gắn bó nhất với người mình yêu: là áo, là yếm…

                              Mình về mình có nhớ chăng

                        Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình

                              Ta về ta cũng nhớ mình

                        Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.

Nỗi nhớ thật đặc trưng, và người thương hiện lên tươi đẹp, thường trực trong đôi mắt của tình nhân. Và vì vậy, áo yếm trở thành vật trao tình của các cô gái trẻ. Yêu anh thì mới trao yếm cho anh. Khi anh hỏi mượn yếm là anh muốn hỏi em có yêu anh không, có đồng ý theo anh không:

                               Thuyền anh đã cạn lại đây

                         Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.

Dải yếm chỉ bằng mút đũa con mà đòi “mượn… làm dây kéo thuyền”. Mượn gì mà oái ăm thế! Thế nhưng cô gái cũng không vừa. Cô không từ chối thẳng thừng, sợ làm buồn lòng anh chàng tinh nghịch, cô chỉ hứa khéo với lời ước ao không bao giờ trở thành hiện thực:                  

      Ước gì dải yếm em to / Để em buộc lấy mũi đò kéo lên

      Ước gì dải yếm em bền/ Để em buộc lấy kéo lên trên bờ.

Nếu chàng trai mượn dải yếm kéo đò mắc cạn, thì cô gái lấy dải yếm bắc cây cầu tình cảm cho người mình yêu. Ước vọng giao hòa bạo liệt của cô đã có thể biến dải yếm mong manh thành chiếc cầu tình ái vững bền:

                                  Ước gì sông rộng một gang

                             Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

Qủa là người ta không thể lấy kích thước bình thường để đo lường rồi phê phán hình ảnh tuyệt diệu trong câu ca, mà phải lấy kích thước của khát vọng để nhận chân một tấm chân tình nồng đượm. Chiếc cầu dải yếm là hình ảnh đầy ý nhị, đó cũng là lời bày tỏ tình cảm của cô gái ẩn chứa sự thẹn thùng trong mong manh của cầu dải yếm. Nó vừa gần vừa xa. Bước qua cầu dải yếm là ngưỡng cửa tâm hồn rạo rực yêu đương. Ý nhị và trữ tình hơn khi cô mượn dải yếm để gửi gắm chữ tình:

                                Ở gần mà chẳng sang chơi

                                Để em bắc ngọn mồng tơi làm cầu

                                Mồng tơi chẳng tới được đâu

                                Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.

         Tình yêu đã chắp đôi cánh diệu kỳ, trí tưởng tượng thêm phần bay bổng để con người vượt qua muôn vàn khó khăn, và chiếc yếm trở thành báu vật đối với chàng trai trong đêm mưa bão, đơn côi lạnh lùng:

                                - Đêm nằm đắp chục chiếc chăn

                            Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.

                                 - Trời mưa gió rét kìn kìn

                            Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.      

Đối với những đôi trai gái không được nên duyên vợ chồng như mong ước, kỷ vật của mối tình xưa bây giờ là nhân chứng của khổ đau và bất hạnh khi họ không đến được với nhau:          

                                     Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

                                     Em có chồng rồi trả yếm cho anh

                                     Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

                                Yếm em em mặc yếm gì anh anh đòi.

Chiếc yếm hiện lên trong câu thơ nuối tiếc, xót xa của chàng trai và chàng muốn biến thành đôi dải yếm để mãi được quấn quýt bên người tình:

                                      Kiếp sau đừng hóa ra người

                                Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân!

Xung quanh chiếc yếm có đủ mọi cung bậc thanh sắc của tình yêu. Ta hiểu được sức sống mãnh liệt của chiếc yếm trong đời sống văn hóa. Nếu phụ nữ ngày xưa dễ được chú ý khi mặc yếm thắm biết phô ra "hở lườn mới xinh" thì không phải ngẫu nhiên Nguyễn Nhược Pháp trong Chùa Hương để nhấn mạnh vẻ đẹp hớn hở xuân thì của người thiếu nữ thi sĩ cũng không quên đeo yếm cho nàng lên chùa để thêm phần thi vị. Nguyễn Bính được xem là nhà thơ tiêu biểu nhất cho tình quê, chân quê. Những cô thôn nữ trong thơ ông gắn với chiếc thắt lưng xanh, cái khăn mỏ quạ, cái yếm lụa sồi… Vì vậy, thi nhân tỏ ý không bằng lòng khi cô em thôn nữ ra phố may áo mới mà bỏ lại cái chân quê của áo yếm cổ truyền. Ông đã vặn vẹo đau khổ, van lơn tha thiết:

                                     Nào đâu cái yếm lụa sồi

                              Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

                                                (Chân quê – Nguyễn Bính)

         Còn Hoàng Cầm nói rất nhiều, rất hay về yếm và nó trở thành một biểu tượng ám ảnh nhà thơ. Đó không chỉ là vẻ đẹp non tơ của thiếu nữ mà còn thể hiện những thói quen rất bản năng của con người:

                                     - Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu

                                   Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt

                                                                  (Hội vật)

                                     Đêm khoanh tròn ngủ tay bưng đầu

                                    Ngón cụt thói quen sờ ngực yếm

                                                                  (Đợi mùa)

         Cái yếm còn là biểu tượng tình dục trong thơ ông*. Yếm là y phục để che ngực trong trang phục truyền thống của nữ giới. Ngực là bộ phận vừa nhạy cảm vừa lộ liễu nhất trong cơ thể người nữ. Màu sắc của yếm dễ thu hút và làm bao chàng tơ tưởng như những anh đồ anh khóa ngày xưa. Chất tính dục ở Hoàng Cầm tưởng như nằm ngoài chủ định của ngòi bút, cứ hiện lên khi kín đáo khi lộ liễu thông qua chiếc yếm:

                                 Ngủ lại giấc mơ dang dở

                                 Chũm cau căng nứt mạch tằm

                                 Yếm may ba ngày mẹ vá lại

                             Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm

                                                       (Đêm mộc)

Và trong những hội hè được phá bỏ cấm kỵ: Hội tàn mau / Quẩn quanh nghiêng ngửa / Giật yếm đào túm vội đôi bầu (Hội Vân Hà), rồi phóng túng hình hài: Luồn tay ôm say / Giấc bay lay đỉnh núi / Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành (Thi đánh đu). Hoàng Cầm còn viết riêng cho yếm một huyền sử mang tên Hội yếm bay trong tập 99 tình khúc Hoàng Cầm, nhà thơ đã khắc tạc hình tượng người phụ nữ với vẻ đẹp đậm chất văn hóa:

                                    Em mặc yếm thắm

                                    Em thắt lụa hồng

                                    Em đi trẩy hội non sông

                        Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

                                                      (Bên kia sông Đuống)

         Chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa đã kết tinh trong hình ảnh chiếc yếm gần gũi thân thương. Nghệ thuật đã bắc chiếc cầu vô hình để nối dài đời sống vô tận cho dải yếm. Nó trở thành biểu tượng cho nữ tính, thành ngôn ngữ trao gửi tình yêu và hình ảnh những cô yếm thắm trong văn học còn làm sống dậy không gian văn hóa truyền thống xa xưa.

Tài liệu tham khảo:

* Đỗ Lai Thúy, 2009, Bút pháp của ham muốn, Nxb Tri thức, Hà Nội tr.173

1. Vũ Ngọc Phan, 1958, Tuyển tập tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Văn Học Hà Nội.

2. Phạm Thị Thu Hương, 2009, Hồ Xuân Hương tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, TP Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Bính, 2007, 36 bài thơ Nguyễn Bính, Nxb Lao động.

4. Trang Thơ Hoàng Cầm: http://www.thica.net/category/tat-ca/hoang-cam/

 

 

Ths Nguyễn Thị Tuyết - BM Ngữ văn

Từ khóa » Câu đố Về Cái Yếm đào