Cầu dây văng? Chữ này nghe thật lạ cho những người mới nghe đến lần đầu, và không hiểu là người ta nói đến cầu gì? Gần đây báo chí loan tin thêm ba cầu dây văng nữa đang được xây cất ở Việt Nam, nên tưởng cũng nên tìm hiểu một chút về nó cùng tóm lược qua những cây cầu dây văng hiện có và còn đang hay sẽ xây cất tại Việt Nam. Tài liệu và hình ảnh thu thập trên trang thông tin giao thông vận tải trong nước, trang du lịch, và Wikipedia. Cầu dây võng Cầu dây văng dạng rẻ quạt Cầu dây văng dạng đàn hạc (harpe) Cầu dây văng là một loại cầu bao gồm một hoặc nhiều trụ (thường được gọi là tháp), với dây cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Có ba loại cầu dây văng chủ yếu, được phân biệt theo cách nối cáp vào trụ cầu. Theo kiểu thiết kế đàn harpe, các dây cáp được bố trí gần như song song nhau bằng cách buộc đầu cáp vào các điểm khác nhau của tháp để chiều cao khoảng cách giữa các dây văng gắn liền ở tháp gần bằng khoảng cách giữa các dây văng phần dưới gắn với các vị trí trên cầu, dọc theo lòng đường. Theo kiểu thiết kế rẻ quạt, tất cả các dây cáp đều được nối vào, hoặc nối qua đỉnh tháp. Kiểu thứ ba là thiết kế những dây văng neo vào một điểm cố định trên tháp gọi là sơ đồ dây đồng quy. Cầu dây võng Cầu dây võng, còn gọi là cầu treo dây võng, là một loại cầu có kết cấu cầu treo dạng cáp treo trên cáp, thay vì cáp treo trực tiếp vào trụ cầu như cầu treo dây văng. Hệ cáp treo chính của cầu được móc liên kết chắc chắn vào đỉnh các trụ cầu, như đường dây điện cao thế, nhưng do khoảng cách nhịp lớn và chịu tải nặng chúng thường có dạng bị võng xuống ở khoảng giữa nhịp cầu. Từ hệ cáp treo chính này, thường nằm 2 bên thành cầu, các hệ cáp treo thẳng đứng được (móc vào hệ cáp chính) treo rủ xuống với khoảng cách song song đều nhau đỡ lấy từng đốt bản mặt cầu. Chính nhờ có hệ kết cấu dây cáp treo không phụ thuộc vào góc neo cáp, chiều cao trụ cầu và khoảng cách điểm neo đốt cầu vào cáp treo tới trụ tháp, mà cầu treo dây võng có thể vượt được các nhịp lớn hơn cầu treo dây văng (loại cầu phụ thuộc nhiều vào những yếu tố vừa kể đó). Những cầu treo nhịp dài nhất trên thế giới là các cầu treo dây võng. Cầu treo dây võng có sớm nhất ở Việt Nam có lẽ là cầu Thuận Phước Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng bắc qua 2 bờ sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng, nối đường Nguyễn tất Thành với cầu Mẫn Quang, giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà thuộc thành phố Đà nẵng . Như thế cây cầu này giúp nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà. Cầu Thuận Phước được khởi công ngày 16-1-2003, khánh thành ngày 19-7-2009, vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng (cỡ 86 triệu USD) do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách. Thiết kế: Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc. Nhà thầu chính: Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 và Cienco 6. Chiều dài toàn công trình 2,1 km, trong đó chiều dài cầu 1,85 km; chiều rộng 18 m. Điểm đặc biệt: phần cầu treo dây võng là 655 m, được xem là cầu treo dây võng dài nhất hiện nay của Việt Nam. Cầu dây võng/treo Thuận Phước. Đà Nẵng Cầu dây văng Tại sao lại gọi là cầu dây văng? Từ văng trong cầu dây văng có nghĩa là gì? Theo trang nhà về từ nguyên thì cầu dây văng là cầu gồm một hoặc nhiều trụ, với cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Cầu dây văng tiếng Anh được viết là cable-stayed bridge. Văng có lẽ là từ phiên âm từ gốc Nga ванты, có nghĩa là thừng chăng cột buồm. Cầu dây văng tiếng Nga: ВАНТОВЫЙ МОСТ) cũng được gọi là cầu dây băng. Cũng có thể cầu dây bãng xuất phát từ thuật ngữ tiếng Pháp tương ðương là pont à haubans (?). Và có thể văng và băng ðều là biến thể phát âm của cùng một từ (?). Vì Liên Bang Nga có liên hệ với Việt Nam từ những thập niên 1980s, nên có lẽ là phiên âm từ chữ Nga thành cầu văng (?). Hay từ chữ nguồn gốc Pháp haubans thành cầu dây băng (?). Và nay cầu dây văng hay cầu dây băng cùng được hiểu như là nói về loại cầu với trụ có nhiều dây cáp neo chịu đỡ gắn vào cột trụ. Những câu cầu dây văng ở Việt Nam. Dưới đây là danh sách những cầu dây văng theo thứ tự năm cầu đuợc khánh thành. 1-Cầu Mỹ Thuận. Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng dạng dàn hạc nằm trên tuyến quốc lộ 1A bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu này là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam (1997-2000). Khởi công tháng 7-1997, hoàn thành tháng 5-2000. Chiều dài: 1.535 m trong đó phần cầu dây văng dài 350 m; rộng: 23,66 m; cao: 116,5m Điểm đặc biệt: Hai trụ tháp chính hình chữ H cao. Vốn đầu tư: 90,86 triệu đô la Úc (cỡ 66.2 triệu US dollars?) Nhà thầu xây dựng: Baulderstone Hornibrook (Úc), với sự trợ giúp của Freyssinet (Pháp) trong việc kéo dây cáp, nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Cienco 6 (Việt Nam). Cầu Mỹ Thuận 2- Cầu Bính. Cầu Bính là cây cầu dây văng (đàn hạc) bắc qua sông Cấm nối thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và tới tỉnh Quảng Ninh. Cầu Bính Cầu Bính có chiều dài 1.280 m, rộng 22,5 m, hai tháp cầu cao 101,6 m. Cầu được khởi công ngày 1-9-2002 và khánh thành ngày 13-5-2005. Điểm đặc biệt: Cầu được thiết kế theo đường cong. Chủ đầu tư: Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng. Nhà thầu: Liên danh Ishikawajima Harima Heavy Industries Co., Ltd, Shimizu và Sumitomo-Mitsui thực hiện trong vòng 32 tháng. Dự án cầu Bính được vay vốn ưu đãi 8,02 tỉ yên từ Chính phủ Nhật Bản (cỡ 65 million US dollars?). 3- Cầu Bãi Cháy. Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, trục giao thông huyết mạch của vùng tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, nối hai phần của thành phố Hạ Long là Hòn Gai và Bãi Cháy qua cửa sông Cửa Lục nơi đổ ra vịnh Hạ Long, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Cầu Bãi Cháy. Photo Đỗ Phương Khởi công tháng 5-2003, được bắt đầu được dùng từ tháng 12-2006. Chiều dài: 903 m, trong đó nhịp chính - nhịp dây văng dài 435 m; chiều rộng: 25,3 m; chiều cao: 130 m. Đường dẫn lên cầu dài 5 km, có tám cầu dẫn với tổng chiều dài 1,172 km. Điểm nổi bật: Cầu dây văng một mặt phẳng, trong khi các cây cầu dây văng khác tại Việt Nam được cấu trúc theo hai mặt phẳng dây. Cầu có hai trụ tháp. 4- Cầu Rạch Miễu. Cầu Rạch Miễu là một câycầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang (trước năm 1976 là tỉnh Mỹ Tho) và Bến Tre với nhau. Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam. Cây cầu này đã giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông đường bộ. Ngoài cầu chính, công trình này còn bao gồm đường dẫn hai đầu. Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, cách bến phà hiện hữu khoảng 1 km về phía thượng lưu. Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba ðược xây dựng ở ðồng bằng sông Cửu Long (sau cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và xây dựng, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và xây dựng) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư VN thiết kế và xây cất theo công nghệ mới. Cầu Rạch Miễu được khởi công ngày 30-4-2002, hoàn thành ngày 19-01-2009. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng (cỡ 70 triệu USD?), bao gồm vốn ngân sách nhà nước và liên danh gồm các doanh nghiệp xây dựng nhà nước Cienco 1, Cienco 5 và Cienco 6. Phần cầu chính gồm 2 cầu có tổng chiều dài 2,86 km, chiều dài toàn tuyến 8,33 km (gồm cả đường nối hai đầu cầu); nhịp chính cũng là phần dây văng dài 270 m (117m-270m-117m); chiều rộng: 12-15 m; chiều cao tĩnh không thông thuyền là 37,5 m. Hai trụ tháp hình chữ V ngược. Điểm đặc biệt: Cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam thiết kế và xây cất, với sự hỗ trợ kỹ thuật của hãng SVL (Thụy Sĩ). Hai trụ tháp có hình chữ V ngược. Cầu Rạch Miễu 5- Cầu Phú Mỹ Cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn, nối liền khu đô thị Nam Sài Gòn nằm về phía quận 7 với khu vực phía đông của thành phố nằm về phía quận 2. Cầu được đầu tư bởi Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ với nguồn vốn do doanh nghiệp tự huy động, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cầu Phú Mỹ Tổng mức đầu tư 2076 tỷ đồng (cỡ 100 triệu USD?). Cầu được khởi công ngày 9 tháng 9 năm 2005 và khánh thành vào ngày 2/9/2009. Đây là cây cầu dây văng có 6 làn xe. Chiều dài công trình: hơn 2.100 m, trong đó hai nhịp dây văng dài 705m; chiều rộng: 27,5 m; chiều cao: 140 m. Điểm đặc biệt: Hai trụ tháp hình chữ H, khoảng cách giữa hai trụ chính là 380m. Tổng thầu: Bilfinger Berger (Đức). Liên danh Bilfinger Berger và Baulderstone Hornibrook (gọi là BBBH) thi công cầu chính, phần cáp dây văng thuê nhà thầu phụ là Freyssinet (Pháp) thực hiện. Phần cầu dẫn được giao cho nhà thầu phụ Việt Nam là Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới. 6- Cầu Cần Thơ. Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long. Cầu Cần Thơ Cầu Cần Thơ ðược khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 nãm 2004. Cầu ðược khánh thành vào ngày 24 tháng 4 năm 2010. Toàn tuyến dài 15,85 km với điểm khởi ðầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh Quốc lộ 1 và Cần Thơ, vượt qua sông Hậu, nối trở lại Quốc lộ 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ. Tổng mức ðầu tư 4.832 tỷ VNÐ (thời ðiểm 2004, tức là khoảng 37 tỷ yen Nhật; 342.6 triệu USD?). Khổ cầu rộng 23,1m trong ðó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.Về trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 164,80 m và tính từ mặt cầu là 134,70 m. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào trên mặt nước (trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại hướng lên trời). Cấu trúc phần trên: Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á. Nhịp dây vãng có chiều dài 550m giữa hai trụ tháp, có tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m) ðảm bảo cho tầu 10.000 DWT qua lại thường xuyên. (DWT, deadweight tonnage, là đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu thủy tính bằng tấn. Một con tàu được khẳng định là có trọng tải ví dụ 10,000DWT nghĩa là tàu này có khả năng an toàn khi chuyên chở 10 nghìn tấn.) Cầu xây dựng dựa vào nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Nhà thầu chính là liên danh TAISEI – KAJIMA – NIPPON STEEL (TKN). , Nhà thầu phụ VSL (Thụy Sỹ), Mitsui Thăng Long (MTSC) (Liên doanh Việt Nhật về kết cấu thép, NM tại Hà Nội). 7- Cầu Trần Thị Lý. Ngoài những cây cầu dây văng kể trên, tưởng cũng nhắc đến cây cầu dây văng đặc điểm có 3 dàn dây văng tại tỉnh Đà Nẵng. Đó là cầu Trần Thị Lý (thay thế cầu Trình Minh Thế/De Lattre de Tassigny cũ có từ thời Pháp thuộc, xây cất cỡ năm 1950). Cầu Trần Thị Lý được khởi công từ tháng 4/2009, với tổng mức đầu tư là 1.709 tỷ đồng, và được dùng ba năm sau đó. Đây là cây cầu duy nhất ở Việt Nam với kiến trúc sử dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng 12 độ về phía tây, cao 145m so với mặt nước biển. Cầu Trần Thị Lý mới có tổng chiều dài cầu là 731m, bề rộng mặt cầu 34,5m. Ghi chú. Hiện nay, Đà Nẵng có 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, theo thứ tự từ thượng nguồn ( ngã ba sông) đến hạ lưu ( cửa biển), gồm: Cầu Tiên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước. Cầu dây văng 3 chiều Trần Thị Lý 8- Cầu Nhật Tân. Cầu Nhật Tân là một cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, xây dựng theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp liên tục dạng đàn hạc với 5 trụ tháp hình thoi , bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 3, xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh . Mỗi nhịp cầu có 11 đôi dây văng chịu tải. Thông tin cho biết cầu Nhật Tân được thiết kế và xây dựng để trở thành một biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội. Cầu được khởi công ngày 7 tháng 3 năm 2009 ngay sau khi hoàn thành cầu Thanh Trì và hoàn thành nhân kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội 1000 năm. Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Vào thời điểm này, 2015, cầu Nhật Tân là cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng. Phần cầu chính dài 3,7 km với thiết kế dây văng liên tục 5 trụ tháp, phần đường dẫn dài 5,1 km, mặt cầu rộng 33,2m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới gồm 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp, phân cách giữa, hai bên có đường dành cho người đi bộ, phần chính của cầu qua sông Hồng dài 1,5km. Điểm đặc biệt: Năm trụ tháp hình chữ V ngược. Cầu Nhật Tân 9- CầuVàm Cống. Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng đang xây dựng bắc qua sông Hậu, nối liền hai tỉnh Cần thơ và Đồng Tháp, Việt Nam. Cầu Vàm cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm 2013 và dự trù hoàn thành vào năm 2017. 10- Cầu Phước Khánh. Cầu Phước Khánh là cây cầu dây văng đường bộ đang xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành-Bến Lức và là cây cầu thứ ba được xây dựng trên tuyến cao tốc này. Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ, HCM city, với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam và dự trù hoàn thành vào năm 2019. 11- Cầu Bình Khánh. Cầu Bình Khánh là cây cầu dây văng sắp được khởi công xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành-Bến Lức . Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của HCM city,Việt Nam. Cầu sẽ được xây dựng từ tháng 8 năm 2015 và dự trù hoàn thành vào tháng 7 năm 2019. Tóm tắt rất tổng quát thì cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam (2000). Cầu Thuận Phước là cầu dây võng đầu tiên ở Việt Nam (2009). Vào thời điểm này, cầu dây văng Cần Thơ là cầu có tuyến đường dài nhất gần 16 km. Cầu Nhật Tân là cầu dây văng có phí tổn cao nhất ở Viêt Nam (2015). Còn những cái nhất khác như về cấu trúc, về chiều dài cầu, về số nhịp thì không nhắc đến ở đây. Sóng Việt Tháng Bảy 2015 |