Câu đơn Hai Thành Phần | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

2. Câu đơn

2.1. Khái niệm chung

– Câu đơn là loại câu mà trong thành phần cấu tạo chỉ có một kết cấu nòng cốt (một kết cấu C-V). Trong thực tế giao tiếp, phần nòng cốt có thể chỉ bao gồm hai thành phần chính là chủ ngữvị ngữ với cách cấu tạo đơn giản, nghĩa là mỗi thành phần chỉ bao gồm một từ, ví dụ:

Mây bay./ Gió thổi.

nhưng cũng có thể có cấu trúc mở rộng, trong đó mỗi thành phần chính là một cụm từ, ví dụ:

Một đám mây trắng đang bay qua mặt trăng.

– Trong giao tiếp, có những trường hợp mặc dù phát ngôn thiếu một trong hai thành phần chính, thậm chí có thể thiếu cả hai thành phần chính, nhưng vẫn biểu thị một nội dung thông báo đầy đủ, ví dụ:

1) Năm hôm, mười hôm… rồi nửa tháng, một tháng. 2) Trước nhà trồng hai cây cau. 3) Ồn ào một lúc.

– Do vậy, người ta thường phân biệt hai loại câu đơn: Câu đơn bình thường và câu đơn đặc biệt (hoặc đơn vị tương đương câu).

2.2. Câu đơn bình thường

Câu đơn bình thường có thể chia thành hai loại nhỏ:

2.2.1. Câu đơn hai thành phần: Là loại câu đơn, trong đó chỉ có mặt hai thành phần chính: chủ ngữ và vị ngữ. Những kiểu kết cấu thường gặp là:

– Kiểu có vị ngữ động từ gồm một hoặc một vài động từ, Ví dụ:

1) Chim hót. 2) Tần phải đi nằm.

– Kiểu có vị ngữ danh từ gồm động từ quan hệ (‘là’, ‘làm’) và danh từ. Ví dụ:

1) Họ là sinh viên. 2) Bác Kim làm thợ mộc.

– Kiểu câu có vị ngữ tính từ. Ví dụ:

Cái món này ngon.

– Kiểu câu có vị ngữ là một ngữ cố định (thành ngữ, quán ngữ). Ví dụ:

Thằng ấy ba voi không được một bát nước xáo.

– Kiểu câu có vị ngữ là một kết cấu giới ngữ. Ví dụ:

1) Cái nón này của chị ấy. 2) Dao này để thái thịt.

– Kiểu câu có vị ngữ là một kết cấu gồm tính từ/số từ + danh từ. Ví dụ:

1) Cái ao này rộng hai sào. 2) Ông cụ tôi (năm nay) bảy mươi tuổi.

– Kiểu câu có vị ngữ là một kết cấu bị động. Ví dụ:

1) Ông ấy mới được thủ tướng khen. 2) Bức thư này của chị Bích gửi.

– Kiểu có vị ngữ là một cụm chủ-vị hoặc cụm chính phụ. Ví dụ:

1) Cái xe này màu đẹp. 2) Bà tôi mắt đã mờ, chân đã chậm.

– Kiểu có vị ngữ là một kết cấu khứ hồi. Ví dụ:

1) Anh ấy vừa đi Thái Lan về. 2) Tôi mới sang hàng xóm về.

– Kiểu câu có vị ngữ là một kết cấu gồm động từ trở thành/trở nên + danh từ/tính từ. Ví dụ: 1) Chúng đã trở thành bố mẹ. 2) Nó trở nên khó gần.

(còn nữa)

Từ khóa » đặt 1 Câu đơn 2 Thành Phần