Câu Ghép Chính Phụ Là Gì? Chi Tiết Về Câu Ghép Chính Phụ

Tìm hiểu về Câu ghép chính phụ là gì? Chi tiết về câu ghép và câu ghép chính phụ là chủ đề trong bài viết hôm nay của Lichgo.vn. Viết và nói tiếng Việt sao cho chuẩn văn phong và ngữ pháp tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thực ra không phải vậy nhé! Có rất nhiều kiến thức mà chúng ta phải trau dồi và học hỏi hàng ngày, đặc biệt là đối với các bạn thường xuyên phải giao tiếp, tư vấn khách hàng hay các bạn làm công việc soạn thảo, hành chính.

Cùng với câu đơn, câu ghép là một trong những kiểu câu cơ bản cần nắm rõ để sử dụng trong văn viết và văn nói hàng ngày. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn kiến thức: câu ghép là gì, câu ghép chính phụ, câu ghép đẳng lập, cách nối câu ghép và câu ghép trong tiếng Anh. Mời các bạn cùng theo dõi!

cau-ghep-chinh-phu-la-gi

Câu ghép là gì?

Câu ghép trong Tiếng Việt là câu do nhiều vế câu ghép lại, thường là hai vế, mỗi vế câu thường có đủ cụm Chủ ngữ-Vị ngữ. Các vế câu trong câu ghép có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không bao hàm nhau, hai vế của câu ghép nối với nhau bằng nhiều cách, thông dụng nhất là nối trực tiếp hoặc nối với nhau bằng quan hệ từ và cặp từ hô ứng.

Ví dụ: Trời càng nắng, nước giếng càng mau cạn.

Trong tiếng Anh, một câu ghép- Compound sentence được tạo thành từ hai hay nhiều mệnh đề độc lập và nối với nhau bằng liên từ như “and”, “but” hoặc dấu chấm phẩy…

Ví dụ: I ate dinner but my mother did not (Tôi đã ăn tối còn mẹ tôi thì chưa).

Phân loại câu ghép trong tiếng Việt.

Có 3 loại câu ghép là câu ghép chính phụ, câu ghép đẳng lập và câu ghép hỗn hợp.

Câu ghép chính phụ.

Câu ghép chính phụ là câu gồm hai vế, vế chính và vế phụ, vế phụ bổ sung ý nghĩa cho vế chính. Mối quan hệ trong câu ghép chính phụ có thể là quan hệ nguyên nhân, mục đích, điều kiện, nhượng bộ và tăng tiến. Chúng ta thường sử dụng từ nối hoặc cặp từ nối (từ liên kết) để biểu hiện các mối quan hệ trong câu ghép chính phụ.

Có 3 mẫu câu ghép chính phụ sau đây:

– Từ nối-Chủ ngữ-Vị ngữ-Từ nối-Chủ ngữ-Vị ngữ. Ví dụ: Vì cha mẹ quan tâm dạy dỗ nên con cái mới thành người.

– Chủ ngữ-Vị ngữ-Từ nối-Chủ ngữ-Vị ngữ. Ví dụ: Thảo đậu đại học vì Thảo đã không ngừng cố gắng học tập.

– Dùng phó từ (phụ từ) để biểu hiện các mối quan hệ trong câu ghép chính phụ: Chủ ngữ-Phó từ-Vị ngữ, Chủ ngữ-Phó từ-Vị ngữ.

Ví dụ: Trời càng mưa, nước sông càng dâng cao.

Câu ghép đẳng lập.

Câu ghép đẳng lập là câu ghép có hai cụm chủ vị có quan hệ đẳng lập, độc lập với nhau. Mối quan hệ trong câu ghép đẳng lập có thể là quan hệ liệt kê, tương phản, lựa chọn, tương đồng.

Có 2 mẫu câu ghép đẳng lập sau:

– Chủ ngữ-Vị ngữ-Chủ ngữ-Vị ngữ.

Ví dụ: Đông tàn, xuân đến.

– Ta có thể sử dụng phó từ để thể hiện các mối quan hệ trong câu ghép đẳng lập: Chủ ngữ-Vị ngữ-Chủ ngữ-Phó từ-Vị ngữ.

Ví dụ: Anh đi, tôi cũng đi.

Câu ghép hỗn hợp.

Câu ghép hỗn hợp là câu ghép do câu ghép chính phụ và câu ghép đẳng lập tạo thành.

Ví dụ: Mẹ về, cả nhà vui vì ai cũng mong.

Cách nối câu ghép trong tiếng Việt và một số quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép.

Cách nối các vế câu trong câu ghép:

– Nối các vế câu bằng các từ nối.

– Nối trực tiếp không dùng từ nối, tuy nhiên cần sử dụng dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm giữa các vế câu.

Ví dụ: Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

– Nối các vế trong câu bằng quan hệ từ: Giữa các vế trong câu có nhiều kiểu quan hệ khác nhau, để biểu thị những mối quan hệ đó có thể dùng các quan hệ từ như và, rồi, thì, nhưng, hay… hoặc cặp quan hệ từ để nối các vế câu với nhau như vì…nên, do…nên, nếu…thì, tuy…nhưng, chẳng những…mà còn…

Ví dụ: Nếu cá còn tươi thì con hãy mua.

– Nối các vế câu trong câu ghép bằng cặp từ hô ứng: Ngoài các quan hệ từ, có thể sử dụng các cặp từ hô ứng để nối các vế câu với nhau. Một số cặp từ hô ứng được dùng để nối các vế câu trong câu ghép như vừa …đã …, chưa … đã …, mới … đã …, vừa … vừa …

Ví dụ: Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.

Một số quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép.

– Quan hệ nguyên nhân-kết quả: Để thể hiện quan hệ nguyên nhân-kết quả của hai vế trong câu ghép chúng ta sử dụng quan hệ từ như vì, bởi, do, nên…hoặc các cặp quan hệ từ như vì…nên (cho nên)…

Ví dụ: Vì trời mưa to nên lớp Minh không học thể dục.

– Quan hệ điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả: Để thể hiện quan hệ điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả giữa hai vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng quan hệ từ như nếu, hễ, giá… hoặc cặp quan hệ từ: nếu … thì, hễ … thì…

Ví dụ: Nếu trời không mưa thì Lan được đi xem phim với dì.

– Quan hệ tương phản: Để thể hiện quan hệ tương phản giữa hai vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng quan hệ từ: tuy, dù, mặc dù, nhưng…hoặc cặp quan hệ từ: tuy … nhưng …, mặc dù … nhưng…

Ví dụ:  Tuy nhà xa nhưng Khoa luôn đi học đúng giờ.

– Quan hệ tăng tiến: Để thể hiện quan hệ tăng tiến giữa các vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng các cặp quan hệ từ Không những … mà còn, không chỉ … mà còn…

Ví dụ: Mật ong không chỉ làm đẹp da mà mật ong còn tốt cho sức khỏe.

– Quan hệ mục đích: Để biểu thị quan hệ mục đích giữa các vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng quan hệ từ: để, thì…hoặc cặp quan hệ từ: để … thì …

Ví dụ: Khoa chăm chỉ học tập để ba mẹ vui lòng.

Một số lỗi thường gặp khi đặt câu ghép cần chú ý như: thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ, chủ ngữ không xác định, lặp từ, sai vị trí các thành phần câu…

Phân biệt câu phức và câu ghép.

Câu phức là câu có hai cụm chủ vị trở lên, trong đó có một cụm đóng vai trò chính, các cụm còn lại bổ nghĩa cho cụm chính và có thể đổi chỗ qua lại cho nhau.

Ví dụ: Mai làm hết mọi việc: cô giao hàng buổi sáng, cô đi làm, cô đón con.

Còn các cụm chủ vị trong câu ghép độc lập với nhau, không bao hàm nhau.

Cách tạo thành câu ghép trong tiếng Anh.

Có 3 cách để nối các mệnh đề độc lập để tạo thành câu ghép trong tiếng Anh:

– Các liên từ sử dụng để nối trong câu ghép bao gồm for, and, nor, but, or, yes, so goi tắt là FANBOYS.

Ví dụ: Everyone was busy, so I went to the movie alone (Vì mọi người bận, nên tôi đi xem phim một mình)

– Các mệnh đề của câu ghép có thể được nối với nhau bằng trạng từ nối như futhermore, however, moreover…

Ví dụ: My sister is good at English, moreover, she is excellent at French (Chị tôi giỏi tiếng Anh, ngoài ra, chị còn rất giỏi tiếng Pháp).

– Bạn có thể tạo thành các câu ghép đơn giản bằng cách kết hợp hai câu hoàn chỉnh thành một câu dài mà không cần thêm từ nối tuy nhiên bạn phải sử dụng dấu chấm phẩy để nối hai mệnh đề độc lập.

Ví dụ: The sky is clear; the stars are twinkling (Bầu trời thì quang đãng; những ngôi sao đang lấp lánh).

Ngữ pháp tiếng Việt quả là có nhiều kiến thức cần phải học hỏi phải không. Thông qua bài viết, hy vọng các bạn đã nắm bắt được câu ghép là gì, câu ghép chính phụ, câu ghép đẳng lập, cách nối câu ghép và câu ghép trong tiếng Anh. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp các kiến thức ngữ pháp về câu ghép giúp bạn áp dụng nó một cách hữu ích trong cách hành văn của mình nhé.

Từ khóa » Câu Ghép Chính Phụ