Cầu Kỳ Xe Cộ Của Vua - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Ba bài thơ nôm của Vua Lê Thánh Tông về biển đảo Quảng Ninh
- Làm thế nào để tạo ra "lý lịch" của vua?
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", đời Vua Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), vua sai hoạn quan Lương Đăng soạn quy chế lỗ bộ, tức xa giá của nhà vua khi ra ngoài, bao gồm các đồ nghi vệ, binh khí, huy chương để thị uy.
Nhà bác học Phan Huy Chú, khi soạn bộ "Lịch triều hiến chương loại chí", phần "Lễ nghi chí", nhận định: "Nước Việt ta, từ đời Lý, Trần về trước, xe kiệu và nghi vệ không thể khảo được. Đến buổi đầu nhà Lê mới định quy chế lỗ bộ đại giá, nghi vệ đến đây mới tạm đủ. Như xe lọng, khí giới và nghi trượng, đại khái châm chước chế độ nhà Đường nhà Tống bên Trung Quốc nhưng số nhiều ít, thứ trước sau không thể kê cứu rõ ràng được. Nay hãy lục chép những quy chế sửa định do Lương Đăng tâu và chép thêm sơ lược lỗ bộ của hai đời Đường, Tống để có thể cho thấy đại khái".
Theo quy chế đời Đường, Tống thì thiên tử có ngũ lộ (5 thứ xe), gồm ngọc lộ, kim lộ, tượng lộ, cách lộ, mộc lộ. 3 thứ xe ngọc, kim và tượng lộ thì lấy ngọc, vàng và ngà voi để trang trí. Cách lộ là xe bọc da sơn. Mộc lộ là xe gỗ sơn. Trong quy chế này thì ngọc lộ là quý nhất, đóng 6 ngựa xanh. Kim lộ màu đỏ, đóng 6 ngựa đỏ. Tượng lộ màu vàng lợt (màu ngà voi), đóng 6 ngựa trắng hung hung. Cách lộ màu vàng, đóng 6 ngựa vàng mõm đen. Mộc lộ màu đen, đóng 6 ngựa đen. Trên xe đều cắm cờ. Quy chế từ thời Tấn quy định: ngọc lộ dùng để đi tế Trời, kim lộ để đi hội khánh với các nước, tượng lộ để đi ra coi chầu, cách lộ để ra việc quân, mộc lộ để đi săn. Pháp giá của nhà vua có 5 thứ xe, xe nào đi về việc nấy, không thể đem cả ra một lúc. Nhưng, đến đại lỗ bộ đời Đường, Tống thì 5 thứ xe cùng đi, chế tạo trang hoàng đều có quy cách riêng. Phan Huy Chú dự đoán rằng, 5 thứ xe do Lương Đăng chế tạo đời Lê Thái Tông có lẽ bắt chước từ đây.
Ngược dòng lịch sử, trước thời Lê sơ. Thời Lý, sử nước ta cũng từng viết sơ qua về xe cộ của nhà vua. Như năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 2 (1045), đời Lý Thái Tông, "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết sự kiện: "Chế xe Thái Bình, lấy vàng trang sức bồng la ngà (tức cái bành voi của Chiêm Thành), đóng voi để kéo". Đến đời Lý Nhân Tông thì năm 1124, sử viết vua cho chế ra dải bạc để dẫn lỗ bộ, tức dẫn đoàn tùy tùng cầm các đồ nghi vệ, binh khí khi nhà vua xuất hành. Nhưng, Phan Huy Chú nhận xét: "Xe cộ và nghi vệ triều Lý chỉ thấy chép ở sử như thế thôi, ngoài ra không khảo vào đâu được. Mà quy chế của bồng la ngà và dải bạc thì không biết rõ được, duy có cái lọng cán cong đời sau còn dùng làm đồ ngự dụng của người sang trọng".
Thời Lê, sau khi Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi xây dựng triều đại, đến đời Lê Thái Tông mới sai hoạn quan Lương Đăng định quy chế lỗ bộ. Theo đó, xe kiệu đại giá của nhà vua có xe đại lộ, xe voi, xe ngựa, kiệu cửu long, kiệu thất long, xe bộ (xe có người kéo), xe bay... Đến tháng 10 năm đó, xe kiệu làm xong, vua thăng Lương Đăng từ chức Đồng giám lỗ bộ ty lên chức Đô giám, tức chức quan đứng đầu bộ phận nghi lễ của triều đình.
Tuy nhiên, sang thời Lê trung hưng, chúa Trịnh mới nắm thực quyền, nên vua Lê chỉ còn ở trên ngôi làm vì, mỗi năm chỉ ra ngoài một lần vào lễ tế Giao đầu năm mà thôi, mà cũng chỉ tiến hành từ năm 1600 và kéo dài dăm chục năm. Theo sử sách, khi đó, quân cấm vệ của vua Lê chỉ còn có 10 đội hiệu, mỗi khi xa giá của vua đi đâu thì mới điều quân của binh phiên (thuộc quyền quản lý của Chúa Trịnh) đi phù giá, xong việc lại về. Lỗ bộ ở nội điện có vài trăm người, chỉ đủ cho việc truyền đạt và nghi trượng mà thôi.
Đến đời Vua Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 18 (1595), chúa Trịnh Tùng chế ra thứ xe hai bánh, trang sức bằng châu ngọc và ngà voi, trên xe có mui sơn, hai bên xe có lan can bằng ngà voi, 4 vách xe sơn đen thếp vàng. Có lẽ xe này rất lớn, vì có đến 4 cái thang để trèo lên. Loại xe này không dùng voi, ngựa để kéo mà do người đẩy, vì theo mô tả thì "Đằng trước xe có cái đòn ngang, sai 4 người lực sĩ đẩy xe. Kiểu xe này bắt đầu từ thái úy quốc công (tức chúa Trịnh Tùng)".
Phan Huy Chú viết tiếp: Buổi quốc sơ (thời Lê sơ) đại giá nhà vua có 5 thứ xe, về sau dần bỏ đi. Đến đời trung hưng mới chế lại xe ấy nhưng cũng chưa đem vào lỗ bộ. Các vua chúa đi đâu chỉ dùng kiệu kim long (chạm rồng dát vàng) và kiệu kim quy (chạm rùa vàng). Các quan đi thì dùng kiệu 7 đòn, võng 3 đòn; dùng đã quen, cho là êm thích nên các kiểu xe bèn bỏ không dùng nữa. Các mô tả về nghi lễ tế Giao thời Lê trung hưng đều cho biết nhà vua cũng như chúa Trịnh đều ngồi kiệu, chứ không ngồi xe.
Quy cách đoàn ngự giá của vua Lê có tới 560 cấm quân sắp bày nghi trượng. Tất cả đều đội mũ bằng vải là gai đỏ. Theo "Bang giao chí" thì vải là vốn là hàng dệt quý của nước ta, thời xưa chuyên dùng làm lễ vật tặng các sứ giả Trung Quốc. Các cấm quân mặc áo vải thanh cát viền đỏ, nẹp trắng. Nghi trượng gồm có đội đi đầu cầm cờ nhật nguyệt, cờ ngũ phương, cờ thập nhị thần, cờ long vân. Tiếp theo là 40 người cầm gậy mạ vàng, 40 người mang kiếm nạm bạc, 20 con ngựa, rồi đến 20 trấn điện tướng cầm dùi đồng, đội mũ gai đỏ, mặc áo gấm xanh. Sau nữa là 18 cái tàn vàng, các búa lớn, búa nhỏ bằng đồng và sắt, rồi đến đoàn đồng văn nhã nhạc, 1 trống cái, 1 tù và, 10 trống con, các thứ đàn sáo, 12 quạt cán ngà vẽ rồng, 12 kiếm nạm vàng, rồi đến kiệu rồng, tiếp theo là đội cầm gậy vàng, đội cầm cờ, đội cưỡi ngựa. Các khí giới như súng, giáo, đao, gươm đi hộ giá đằng trước, đằng sau.
Sang đến triều Nguyễn, chúng ta lại thấy từ thời Vua Minh Mạng (1820-1841), quy chế "ngũ lộ" dành riêng cho nhà vua lại được khôi phục trở lại. Bộ sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", do nội các triều Nguyễn biên soạn, ghi chép toàn bộ các quy tắc, nghi lễ của triều đình, đã dành hẳn chương “Nghi vệ” (quyển 79) để miêu tả các loại xe kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi, số lượng xe kiệu cùng các nghi trượng đi kèm. Theo đó, "ngũ lộ" thời Minh Mạng cũng được đặt tên là cách lộ, kim lộ, ngọc lộ, tượng lộ và mộc lộ như quy chế thời Đường, Tống. Các loại xe này cũng sẽ được sử dụng tùy mục đích chuyến đi. Ngoài ra, tháp tùng ngự giá còn có 2 voi và 2 ngựa để vua cưỡi khi cần thiết, cùng với 20 voi đi chầu. Sách "Hội điển" cũng quy định đoàn lỗ bộ gồm có các thứ cờ, quạt, tán, lọng... như thế nào.
Dù vậy, thì ở thời vua đầu triều Nguyễn là Gia Long (1802-1820), quy chế "ngũ lộ" chưa được quy định chi tiết. Theo bộ quốc sử triều Nguyễn là "Đại Nam thực lục" thì năm Gia Long thứ hai (1803), triều đình mới "chế xe voi, xe ngựa", tuy nhiên không ghi rõ quy chế của từng loại xe này như thế nào. Đến năm Gia Long thứ 13 (1814), vào tháng Giêng, bộ sử này cho biết "Chế thêm lỗ bộ đại giá, trong đó kiệu ngự một cái, xe ngọc lộ 5 cái", như vậy có lẽ Vua Gia Long mới ưu tiên dùng xe cho lễ tế trời mà thôi.
Sau này, trong "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ" cho biết vào thời Vua Gia Long, các loại xe của nhà vua chỉ có 4 chiếc, gồm 1 chiếc ngọc lộ, 1 chiếc kim lộ và 2 chiếc kim bảo dư. Hoàng thái hậu có 2 thứ xe, gồm 1 xe phượng dư và 1 xe phượng liễn. Hoàng thái tử chỉ có 1 chiếc xe, gọi là xe bộ liễn.
Về việc hoàn thiện "ngũ lộ", "Đại Nam thực lục" chép sự kiện vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 9 (1828) như sau: "Vua cho rằng 5 xe lộ là trọng khí trong đồ lỗ bộ, sai Vũ Khố bày ở sân điện lần lượt chỉ bảo, đổi xe tay làm xe da cho hợp với danh sắc. Sai chưởng cơ Lê Thuận Tĩnh đốc thợ chỉnh sức xe da và sửa chữa các xe vàng, ngọc, ngà, gỗ, cho được vững chắc".
Nghi thức rước vua lên xe được quy định vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833) như sau: "Long đình từ cửa giữa ra ngự đạo, đợi xa giá; Ty Loan nghi đem xe vua đặt ở dưới thềm gian giữa điện Cần Chính. Cửa giữa tạm đóng lại. Rước vua ra ngự ở điện. Các cửa được canh phòng. Vua lên ngự tọa. Cửa giữa lại mở. Một viên trong vệ loan giá, đội mũ áo đầu hổ, cầm thanh kim đao, theo cửa hữu cung môn đi ra, đứng ở trên thềm một gian bên hữu, hướng về đằng trước, truyền lệnh dàn bày xe loan. Ty Loan nghi đem xe vua từ thềm giữa lên đặt ở gian giữa trong điện phía trước. Viên quan truyền lệnh bày xa giá, đi vào quỳ tâu, xin vua lên xe".
Hình ảnh, cách thức các loại xe này đến nay cũng không rõ, tuy nhiên, năm 1835, Vua Minh Mạnh cho đúc cửu đỉnh đặt trước Thế tổ miếu ở trong hoàng thành, thì trên Huyền đỉnh, có đúc hình một cỗ xe tứ mã. Theo hình ảnh này thì đây là xe 4 ngựa kéo (tứ mã), có 4 bánh, thùng xe có 4 cửa, dáng dấp khá giống các loại xe ngựa của phương Tây.
Ngựa để kéo xe của vua được nuôi dưỡng ở Mã khái sở. Sở này đặt cạnh nơi đóng quân của hai vệ kị binh của triều Nguyễn là vệ Phi kỵ và vệ Khinh kỵ. Các bộ phận này đều đóng gần Thượng Tứ viện, sát với cửa Thượng Tứ của kinh thành Huế ngày nay.
- Ba bài thơ nôm của Vua Lê Thánh Tông về biển đảo Quảng Ninh
- Làm thế nào để tạo ra "lý lịch" của vua?
Từ khóa » Xe Vua Là Gì
-
Đằng Sau Những Cái Logo Xe Vua Là Gì? - Kiến Thức
-
Nguồn Gốc Của Logo “xe Vua” Là Từ đâu? - PLO
-
Xe Vua Là Gì - Đường Dây 'Logo Xe Vua' Ở Tp Hcm
-
Xe Vua Là Gì ? Đằng Sau Những Cái Logo Xe Vua Là Gì
-
Thế Nào Gọi Là "xe Vua"? | Báo Dân Trí
-
Xe Của Vua được Gọi Là Gì - Thả Rông
-
Ai Là "vua" Của Xe "vua"?
-
Xe Vua - Báo Tuổi Trẻ
-
Xe Vua Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Xe (cờ Vua) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Điều Kỳ Lạ Từ Vụ Xe "vua" Lộng Hành ở Thủ Đức - Báo Giao Thông
-
Vì Sao 80 CSGT Không Bị Xử Lý Trong Vụ 'logo Xe Vua'? - VnExpress
-
Vụ Logo Xe Vua Cho Thấy Sự Lạc Hậu Của điều Tra Hỏi Cung? - BBC