Nguồn Gốc Của Logo “xe Vua” Là Từ đâu? - PLO
Có thể bạn quan tâm
Trên báo điện tử, có bạn đọc thắc mắc lời khai của các bị cáo rất chi tiết và trùng khớp về số tiền, số lần đưa, địa điểm, tên của từng CSGT, thanh tra giao thông (TTGT)…, tại sao lại không làm rõ được người nhận hối lộ? Bạn đọc khác viết nhận xét: “Quá phi lý. Ghép vào tội danh đưa hối lộ nhưng chẳng có ai nhận hối lộ thì chính xác không?”. Bên cạnh đó, không ít bạn đọc cho rằng tòa cần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ sự thật của vụ án...
CQĐT cần quyết tâm làm tới cùng
Trao đổi, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đây là một vụ án “chưa làm đến nơi đến chốn”. Ông thẳng thắn nhận xét: “Đã có nhiều vụ đưa-nhận hối lộ tương tự, cuối cùng chỉ xử lý người đưa, người môi giới mà không xử lý được người nhận là do CQĐT đã không quyết tâm làm đến cùng”.
Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để làm rõ sự thật là đã có người đưa, người môi giới thì phải có người nhận để vụ án không bị “ngắt khúc nửa chừng”.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), để phá án thì khâu quan trọng nhất vẫn thuộc về CQĐT. Không chỉ đơn giản là người bị khai có hành vi nhận hối lộ phủ nhận thì CQĐT bó tay. CQĐT cần tích cực điều tra, xác minh cặn kẽ, không bỏ lọt bất kỳ một tình tiết nào trong quá trình điều tra, tìm mọi cách chuyển hóa, củng cố các chứng cứ buộc tội và đấu tranh với nghi can để làm rõ sự thật một cách triệt để, toàn diện. Bên cạnh đó, vai trò kiểm sát điều tra của VKS cũng rất quan trọng.
“Không chỉ triệu tập những người bị khai có hành vi nhận hối lộ đến làm việc, CQĐT phải tiến hành các công tác xác minh thông tin được cung cấp, tiến hành hoạt động đối chất giữa người đưa, người môi giới và người bị khai có hành vi nhận hối lộ. Trong vụ “xe vua”, việc đưa hối lộ được thực hiện thành dây chuyền với quy mô lớn nên để tránh bỏ lọt tội phạm, CQĐT cần xác minh nguồn gốc của logo “xe vua” là từ đâu, ai có thẩm quyền xử lý vấn đề này. Cần kiểm tra tất cả lời khai và tìm mối liên quan giữa các lời khai bởi lẽ sự thật chỉ có một và CQĐT phải tìm được sự thật từ các lời khai đó. Việc có lời khai phủ nhận cũng không loại trừ trách nhiệm và không phủ định có hay không việc nhận hối lộ mà phải xem xét một cách tổng quan” - luật sư Trạch nói.
Các bị can tại cơ quan điều tra. Ảnh: CT
Đồng tình, một kiểm sát viên cao cấp cũng cho rằng trong vụ án, không phải chỉ có một bị cáo khai đã đưa hối lộ cho CSGT, TTGT mà nhiều bị cáo khác cũng khai tương tự. Các lời khai này đều trùng khớp số tiền, số lần đưa và tên từng CSGT, TTGT nhận hối lộ. Cạnh đó, CQĐT còn có thể chứng minh sự liên quan của những CSGT, TTGT thông qua kiểm tra các số điện thoại liên lạc, đối chiếu tài liệu sổ sách ghi chép tiền đưa hối lộ cho CSGT, TTGT… CQĐT phải làm rõ nếu không có mối quan hệ thì tại sao không quen biết mà bỏ qua nhiều trường hợp vi phạm lỗi xe quá tải, bỏ qua liên tục, nhiều lần cho một xe, tài xế… Từ đó sự thật của vụ án sẽ được làm rõ, không chỉ dừng lại chỉ có người đưa, người môi giới mà không có người nhận hối lộ.
“Vụ án này khác rất nhiều”
“Đúng là theo quy định của BLHS từ trước tới nay và thực tiễn xét xử, có nhiều vụ án không chứng minh được người nhận hối lộ nhưng những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đó chỉ là những vụ nhỏ lẻ cả về tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của sự việc. Còn vụ “xe vua” này lại rất khác” - ông Vũ Phi Long (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) nhận xét.
Theo ông Long, vụ án này có tính tổ chức quy mô và thời gian khá dài, có rất nhiều người tham gia hoặc liên quan đến vụ việc. Như vậy, từ nhiều nguồn, dấu vết chứng cứ để chứng minh tội phạm “đưa-nhận hối lộ” là khá nhiều, ngoài lời khai nhận tội của những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì còn có các chứng cứ vật chất khác. Đặc biệt là cần thu thập lịch trình vận tải của hơn 1.000 xe mua logo, đối chiếu với lịch công tác hằng ngày của các đội, trạm CSGT để nhận biết các dấu hiệu tiêu cực, ít nhất cũng có thể xác định có bao nhiêu xe vi phạm qua lại tuyến đường đó, có CSGT tuần tra nhưng không bị xử phạt...
“Về tội danh, trong trường hợp cơ quan tố tụng đã làm hết sức mà vẫn không chứng minh được có người nhận hối lộ thì người trực tiếp đưa hối lộ cần phải bị chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn những người chuyển giao tiền qua trung gian, qua môi giới thì vẫn phải chịu trách nhiệm về tội đưa hối lộ” - ông Long nói.
Các bị cáo khai đưa hối lộ ra sao? Theo hồ sơ, Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu hai đường dây bán logo “xe vua” đã bán logo cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu hàng chục tỉ đồng. Hai bị cáo khai đã đưa hối lộ cho 80 cán bộ, chiến sĩ CSGT, TTGT trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tổng cộng gần chục tỉ đồng. Đối với đường dây của Thới, CQĐT xác định Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) nhận của Thới 12 lần tổng cộng hơn 1,2 tỉ đồng. Chân khai đã chuyển cho lãnh đạo phòng, đội CSGT tỉnh Đồng Nai gần 1 tỉ đồng. Các bị cáo khai rõ danh tính các CSGT, số tiền từng cán bộ nhận. Tài liệu, hồ sơ vụ án cũng liệt kê khá chi tiết, gồm tại 16 đội, trạm CSGT trực thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM và 16 đội CSGT công an các quận, huyện TP.HCM... Ngoài ra là danh tính một số cán bộ thuộc các đội CSGT, TTGT tại các TP, thị xã thuộc Bình Dương, Đồng Nai. Các bị cáo cũng khai đã chi tiền cho một số cán bộ của bảy đội TTGT thuộc Sở GTVT TP.HCM, tùy mỗi đội sẽ nhận tiền bảo kê hằng tháng hoặc nhận của từng xe vi phạm. Còn TTGT Bình Dương và Đồng Nai, Thới khai tên hai cán bộ nhận tiền hàng trăm triệu đồng/tháng. Qua đối chiếu, lời khai của Thới trùng khớp với lời khai của bị cáo Trần Quốc Thái về số tiền, số lần, tên các cán bộ CSGT, TTGT nhận tiền. Đối với đường dây của Vân, ngoài việc trực tiếp đưa hối lộ, Vân còn phân công Trần Trọng Nhân, Huỳnh Tấn Thắng đưa tiền trực tiếp cho một số cán bộ CSGT, TTGT. Theo hồ sơ, Vân khai chung chi hơn 576 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu và lời khai của các bị cáo khác, cáo trạng xác định ba tháng 6, 7, 8-2015, Vân và đồng phạm đã đưa hối lộ 627 triệu đồng cho một số CSGT, TTGT. Có cán bộ thuộc 11 đội, trạm CSGT của Công an TP.HCM và bốn đội CSGT thuộc công an quận, huyện trong danh sách đường dây của Vân. Vân cũng khai đưa hối lộ cho ba đội TTGT TP.HCM. Trên địa bàn Bình Dương và Đồng Nai, Vân khai đưa tiền cho một số cán bộ của hai đội CSGT. Thắng khai giúp Vân bốn lần đưa tiền, đưa danh sách các xe mua logo cho cán bộ tên H. ở Đội 7 TTGT của TP.HCM với số tiền 308 triệu đồng. Nhân khai được Vân giao đưa hối lộ 169 triệu đồng cho một số cán bộ Đội 7, 8 TTGT TP.HCM. Theo hồ sơ, lời khai của Thắng, Nhân phù hợp với lời khai của Vân về số tiền, số lần Vân giao tiền đưa hối lộ... |
Từ khóa » Xe Vua Là Gì
-
Đằng Sau Những Cái Logo Xe Vua Là Gì? - Kiến Thức
-
Xe Vua Là Gì - Đường Dây 'Logo Xe Vua' Ở Tp Hcm
-
Xe Vua Là Gì ? Đằng Sau Những Cái Logo Xe Vua Là Gì
-
Thế Nào Gọi Là "xe Vua"? | Báo Dân Trí
-
Xe Của Vua được Gọi Là Gì - Thả Rông
-
Ai Là "vua" Của Xe "vua"?
-
Xe Vua - Báo Tuổi Trẻ
-
Xe Vua Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Xe (cờ Vua) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Điều Kỳ Lạ Từ Vụ Xe "vua" Lộng Hành ở Thủ Đức - Báo Giao Thông
-
Vì Sao 80 CSGT Không Bị Xử Lý Trong Vụ 'logo Xe Vua'? - VnExpress
-
Vụ Logo Xe Vua Cho Thấy Sự Lạc Hậu Của điều Tra Hỏi Cung? - BBC
-
Cầu Kỳ Xe Cộ Của Vua - Báo Công An Nhân Dân điện Tử