Câu Phức | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

Câu phức hợp (gọi tắt là câu phức) là loại câu có từ hai kết cấu chủ-vị (C-V) trở lên, mỗi kết cấu chủ-vị được gọi là một mệnh đề. Tùy theo quan hệ giữa các mệnh đề, ta phân biệt các loại câu phức sau đây:

3.1. Câu phức đẳng lập

Là loại câu phức, trong đó các mệnh đề được liên kết với nhau bằng quan hệ bình đẳng. Loại câu này có thể được nhận biết nhờ các dấu hiệu hình thức sau đây: 1) liên từ liên hợp [như: và, nhưng, song, rồi, còn, hay (là), hoặc (là), mà, vả (lại), nào (là)… nào (là)]; 2) quãng nghỉ khi nói, hoặc các dấu ngắt mệnh đề (dấu phảy, dấu hai chấm) khi viết.

Để thiết lập loại câu này, người ta thường dựa vào một số quan hệ. Dưới đây là những quan hệ phổ biến:

– Quan hệ liệt kê/ nối tiếp. Ví dụ:

1) Mắt tôi nhìn xuống mũi, mũi tôi nhìn xuống miệng, và miệng tôi thì bịu ra. 2) Nó kêu, nó la, nó rên, nó khóc, nó giả giãy chết, nó nằm lăn ăn vạ.

– Quan hệ giải thích. Ví dụ:

1) Nết làm mọi việc: cô đưa hàng buổi sớm, cô đến cơ quan, cô dạy học. 2) Tôi đùa chơi đấy chứ, anh tưởng tôi mê con Dung lắm à?

– Quan hệ bổ sung. Ví dụ:

1) Dung chỉ khóc, không dám nói gì. 2) Thôi, tôi nhức đầu như bị búa bổ, vả chóng mặt lắm. 3) Tôi không nói, mà anh ấy cũng không nói.

– Quan hệ tương phản/nhượng bộ. Ví dụ:

1) Người đàn bà run cầm cập, còn thầy đồ thì thản nhiên như không. 2) Cà có nhiều loại, nhưng vị cũng không khác gì nhau.

– Quan hệ lựa chọn/so sánh. Ví dụ:

1) Tôi đi hay anh đi? 2) Nó nghiện mùi xăng như người ta nghiện ma túy.

3.2. Câu phức phụ thuộc

Là loại câu phức, trong đó các mệnh đề được liên kết với nhau bằng quan hệ phụ thuộc hay quan hệ chính phụ. Như vậy, loại câu phức này có từ hai mệnh đề trở lên, trong đó có một mệnh đề là mệnh đề chính còn các mệnh đề khác thì phụ thuộc vào nó và bổ sung ý nghĩa cho một thành phần của nó. Trong tiếng Việt, khi một thành phần của mệnh đề chính có cấu tạo là một mệnh đề thì câu đó cũng được coi là câu phức chính phụ. Thường người ta phân biệt các loại câu phức chính phụ sau đây:

3.2.1. Câu phụ chủ ngữ

Đây là câu có mệnh đề phụ bổ sung ý nghĩa cho thành phần chủ ngữ của mệnh đề chính. Có thể có hai khả năng:

– Chủ ngữ của mệnh đề chính là một kết cấu chủ-vị được danh từ hóa bằng các từ ngữ pháp. Các từ dùng để danh từ hóa kết cấu chủ-vị gọi là chủ ngữ hình thức của mệnh đề chính. Ví dụ:

Việc nó không đến là lỗi của anh. C (C – V) – V

– Chủ ngữ có cấu tạo là một kết cấu chủ-vị. Đó là trường hợp mệnh đề chính không có chủ ngữ hình thức, còn kết cấu chủ-vị nằm trọn trong chủ ngữ chính là mệnh đề phụ chủ ngữ. Ví dụ:

Gió thổi mạnh làm đổ cây cối. C (C – V) – V

– Trong nhiều trường hợp, ta có thể chuyển đổi cấu tạo của hai loại câu trên bằng cách bổ sung thêm chủ ngữ hình thức hoặc loại bỏ chủ ngữ hình thức. So sánh:

1) Chị li dị anh ấy là đúng. / Việc chị li dị anh ấy (là) đúng. 2) Thôi, tôi thăm cô Minh thế là đủ rồi./ Thôi, việc tôi thăm cô Minh thế là đủ rồi.

(còn nữa)

Từ khóa » Các Ví Dụ Về Câu Phức