Cấu Tạo Giày Thể Thao – [Phần 1] – Giới Thiệu Tổng Quan - Yêu Chạy Bộ

Giày thể thao nói chung hay giày chạy bộ nói riêng, được cấu tạo từ 3 thành phần chính: Upper (thân giày trên), Midsole (đế giữa) và Outsole (đế ngoài). Cùng mình tìm hiểu cấu tạo giày thể thao trong bài viết này để hiểu thêm giá trị những đôi giày bạn đang song hành hằng ngày

Cấu tạo giày thể thao
Xem Nhanhshow
  • I. Các bộ phận chính của giày thể thao
  • II. Vật liệu chế tạo thân giày
  • III. Các phần chính của thân giày
    • Mũi giày
    • Dây và lưỡi gà
    • Hông giày
    • Phần sau gót
  • IV. Đế giữa
    • Tăng độ đàn hồi cho đế giữa
  • V. Đế ngoài
    • Thiết kế đế ngoài

I. Các bộ phận chính của giày thể thao

Nói cho dễ hiểu, giày thể thao cũng giống như xe hơi, nó là phương tiện giúp con người di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đa dạng màu sắc và kiểu dáng. Giày hay xe đều được cấu thành từ nhiều phần có những chức năng riêng biệt

Quảng Cáo
upper

Phần thân giày trên được ví như phần thân xe. Nó có nhiệm vụ cố định và bảo vệ chân, tạo sự thoải mái và thông thoáng . Kiểu dáng, màu sắc phản ánh của thân giày còn thể hiện phong cách và sở thích cá nhân.

Midsole

Phần đế giữa đóng vai trò như bộ phận chống sốc của xe hơi. Nó có nhiệm vụ giúp bạn giảm lực tác động ngược của địa hình chạy lên chân đồng thời giúp bảo đảm cân bằng khi đổi hướng.

Outsole

Phần đế ngoài đóng vai trò như bánh xe, tiếp xúc với mặt đường khi chạy, cần phải bảo đảm độ bám. Đế ngoài cần phải rất bền để tăng tuổi thọ của giày.

Quan trọng nhất, chân của bạn đóng vai trò như động cơ của xe. Không có động cơ, vỏ xe, bánh xe hay bộ phận giảm sốc chỉ là đống kim loại vô dụng.

Động cơ có thể hoạt động tốt mà không cần vỏ xe hay bộ phận chống sốc nhưng chắc chắn chẳng có ai chạy xe trên 1 khung động cơ trơ trụi. Chạy bộ cũng vậy, bạn hoàn toàn không cần đến giày, nhưng để bảo vệ chân và tạo phong cách riêng cho mình, giày chạy bộ đóng một vai trò rất quan trọng.

II. Vật liệu chế tạo thân giày

Thân giày thể thao chủ yếu sử dụng vật liệu mesh (lưới), da tự nhiên hoặc da nhân tạo.

Engineered Mesh

Mesh được làm từ nylon, polyester hoặc sợi cotton. Với ưu điểm nhẹ và thông thoáng nên mesh được sử dụng rất nhiều trong giày thể thao, nhất là các môn cần sự linh hoạt như bóng rổ, chạy bộ, … Mesh giúp giảm hiện tượng phồng rộp chân khi chân tiếp xúc với giày khi chạy tốt hơn rất nhiều so với da tự nhiên, bởi vậy mesh là vật liệu chính để làm thân giày chạy bộ

Da tự nhiên

Các loại da tự nhiên thường được sử dụng trong giày thể thao gồm có da bò, da kangaroo, da heo, da dê, nhưng phổ biến nhất vẫn là da bò do tính phổ biến và giá thành. Da tự nhiên được sử dụng nhằm tăng khả năng hỗ trợ, bảo vệ chân và đồng thời tạo kiểu dáng đẹp cho giày. Da kangaroo được sử dụng nhiều trong giày đá banh nhờ ưu điểm nhẹ và bền hơn da bò.

Da nhân tạo

Da nhân tạo cũng được sử dụng nhằm mục đích tăng khả năng hỗ trợ và bảo vệ chân. Ưu điểm của da nhân tạo so với da tự nhiên là nhẹ hơn, xử lý dễ dàng hơn và giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên da nhân tạo không có được sự sang trọng và tính chất vật lý tốt như da tự nhiên. Vì thế, da nhân tạo chủ yếu được sử dụng trong các dòng sản phẩm giá rẻ.

Hyperfuse

Nike Hyper Fuse

Ra mắt năm 2010, Hyperfuse là công nghệ đột phá từ Nike giúp tạo ra một loại vật liệu ưu việt hơn. Hyperfuse cấu tạo 1 lớp vật liệu tổng hợp dưới cùng để bảo vệ, 1 lớp mesh kế tiếp tạo sự thông thoáng và 1 lớp fim TPU (Thermalplastic Urethane) mỏng trên cùng có sức bền tốt. 3 lớp này được ép lại dưới tác động của nhiệt và áp suất tạo ra một loại vật liệu duy nhất kết hợp những ưu điểm nhẹ, thoáng khí, bền chắc và bảo vệ tốt.

Nike Flyknit

Flyknit là tinh hoa mới nhất từ Nike với ý tưởng tạo ra một đôi giày nhẹ và thoải mái như vớ. Flyknit được giới thiệu lần đầu tiên năm 2012 với sự ra mắt của Nike Flyknit Racer và đến nay đã được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm mới nhất như Nike Kobe 9 (bóng rổ), Nike Flyknit Lunar 2 (chạy bộ), Nike Magista (đá banh), Nike Flyknit Chukka (thời trang)

Xem thêm: Flyknit – Công nghệ hướng đến tương lai của Nike

III. Các phần chính của thân giày

Thân giày được chia làm nhiều phần khác nhau theo thứ tự trước ra sau như dưới đây:

Mũi giày

Cận cảnh mũi giày

Bảo vệ các ngón chân và phần bàn chân trước. Đối với giày thể thao, phần mũi giày thường hạn chế tối đa các đường may để tạo sự liền mạch tránh tác động lên ngón chân. Phần mũi giày quá chật chội sẽ khiến các ngón chân bị thâm tím hoặc viêm kẽ chân.

Dây và lưỡi gà

Lưỡi gà được may dính vào phần thân trên

Đóng vai trò quan trọng giúp cố định phần chân giữa khi vận động. Dây giày giúp điều chỉnh độ rộng của thân giày dựa theo kích cỡ bàn chân trong khi đó lưỡi gà giúp bảo vệ mu bàn chân khỏi áp lực của dây giày. Nhiều loại giày có thiết kế lưỡi gà may dính vào hông giày giúp giảm tình trạng lưỡi gà bị lệch khi vận động mạnh.

Hông giày

Dynamic Flywire chia thân giày làm 2 vùng màu sắc khác nhau

Có tác dụng bảo vệ má trong và má ngoài bàn chân. Hông giày cũng đóng vai trò quan trọng tạo độ ôm và cố định bàn chân bên trong giày. Hông giày quá rộng sẽ dễ gây chấn thương khi chạy. Các công nghê giúp tăng độ ôm chân: Dynamic Fit, Dynamic Flywire

Phần sau gót

Nike Flyknit Lunar 2 nhìn từ phía sau

Tên tiếng Anh là heel counter, có tác dụng cố định phần gót chân và tránh bị tụt giày khi vận động. Ngoài ra nó đóng vai trò bảo vệ gân gót chân Achilles trong các môn thể thao có va chạm như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục. Phần cố định gót này thường được gia cố bằng vật liệu TPU (Thermalplastic Urethane), có thể tuỳ biến sự mềm dẻo hoặc cứng chắc tuỳ thuộc vào công thức chế tạo.

No Sew

Công nghệ No-Sew

Các loại giày thể thao truyền thống dùng rất nhiều đường may ráp nối các bộ phận để tạo nên một thân giày hoàn chỉnh. Công nghệ No-Sew (không đường may) giúp loại bỏ công đoạn may truyền thống, thay thế bằng công nghệ ép nhiệt và áp suất để tạo nên thân giày liền mạch hơn. No-Sew giúp tăng tính thẩm mỹ cho mặt giày và giảm trọng lượng của giày đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các vận động viên.

IV. Đế giữa

Đóng vai trò chống sốc và cân bằng, đế giữa là bộ phận quan trọng nhất trong giày thể thao. Đế giữa được các hãng giày đầu tư rất nhiều thời gian và kinh phí để nghiên cứu tạo các loại vật liệu tốt hơn, nhẹ hơn để đáp ứng yêu cầu của các vận động viên.

Vật liệu phổ biến để tạo ra đế giữa là EVA (ethylene vinyl acetate) và PU (polyurethane). Các hãng giày có thêm các công nghệ độc quyền riêng để tạo ra các đế giữa bền và đa năng hơn: Nike có Lunarlon, Cushlon, Phylon; Adidas có Boost.

PU Midsole

Polyurethane (PU) có kết cấu phân tử dày đặc nên mang đặc tính cứng, nặng và bền chắc hơn EVA. PU được ưu tiên sử dụng cho giày cần độ ổn định và độ bền cao. Thường được sử dụng trong các dòng giày thời trang.Tiêu biểu: Nike Air Max 90, Air Force 1,…

EVA Midsole

EVA là một loại vật liệu có khả năng đàn hồi rất tốt nên được sử dụng phổ biến trong giày thể thao. Nhược điểm của nó là độ bền kém, mất khả năng đàn hồi một thời gian sử dụng. Ưu điểm lớn nhất của EVA là giá thành rẻ nên nó vẫn là ưu tiên hàng đầu trong các dòng giày thể thao giá rẻ

Tiêu biểu: Adidas Howard 3, Reebok Zignano Profury

Phylon-3

Phylon là một công nghệ độc quyền của Nike, được tạo ra bằng cách cho các hạt EVA dưới dạng nén vào khuôn, dưới nhiệt độ cao các hạt này sẽ giãn nở thành hình đế giữa. Ưu điểm của Phylon là nhẹ và rất đàn hồi.

Tiêu biểu: Nike Lebron X (Bóng rổ), Nike Free (chạy bộ)

Cushlon

Tương tự như Phylon, Cushlon cũng là một vật liệu độc quyền của Nike với công thức chế tạo riêng, có tính chất mềm và đàn hồi hơn Phylon. Cushlon được sử dụng rất phổ biến trong các giày chạy bộ của Nike, thường được kết hợp thêm với các công nghê Air và Zoom.

Tiêu biểu: Nike Air Pegasus, Nike Structur

Lunarlon

Lunarlon, được Nike ra mắt năm 2008, và được xem như là vật liệu tốt nhất để làm đế giữa hiện nay. Lunarlon giúp tạo ra đế giữa cực nhẹ (nhẹ hơn Phylon 30%) và khả năng đàn hồi tuyệt vời, được ưu tiên sử dụng trong các loại giày cao cấp.

Tiêu biểu: Nike Lunarglide (chạy bộ), Nike Kobe 8 (bóng rổ), Nike Lunar Gato (đá banh)

Tăng độ đàn hồi cho đế giữa

Miếng lót giày

Miếng lót giày (sockliner) được xem như một phần của hệ thống chống sốc của giày, tăng thêm khả năng đàn hồi, hỗ trợ và độ ôm. Miếng lót được làm chủ yếu từ EVA. Một số dòng cao cấp sử dụng Lunarlon để sản xuất ra miếng lót giày dày hơn đóng vai trò như một đế giữa thứ hai.

Xem thêm: Nike Free – 10 năm không ngừng sáng tạo và khám phá (2004-2014)

Ngoài ra, các hãng giày còn có thêm các công nghệ độc quyền khác như AIR, Zoom (Nike), GEL (Asiscs) tích hợp thêm vào đế giữa để cải thiện khả năng chống sốc và bảo vệ cho giày.

Nike Air Max 2014
Nike Air Max 2014
Asics Gel
Asics Gel

V. Đế ngoài

Đế ngoài tạo ra độ bám cho giày trong các hoạt động thể thao, đồng thời giúp tăng tuổi thọ cho đế giữa. Đa số đế ngoài được làm từ hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Cao su tự nhiên có tính chất mềm và bám dính tốt trong khi cao su tổng hợp cứng và bền. Tỉ lệ pha trộn giữa cao su thiên nhiên và cao su tổng hơp sẽ được điều chỉnh phù hợp tuỳ vào mục đích của giày.

Cao su thiên nhiên
Cao su thiên nhiên
Cao su tổng hợp
Cao su tổng hợp
Đế ngoài
Đế ngoài

Thiết kế đế ngoài

Bề mặt đế ngoài được thiết kế tối ưu để tăng độ bám tuỳ thuộc vào các môn thể thao khác nhau và các địa hình khác nhau.

Chạy bộ
Bóng rổ
Tập Cross-Train

Tham khảo:Rhoderunnerinc

Quảng Cáo

Từ khóa » Phần Upper Của Giày