Cầu Vượt Sông Hồng: Những Nhịp Cầu Hướng Tới Tương Lai

Bài 1: Cầu không chỉ để... vượt sông

Từ muôn đời nay, Hà Nội vẫn được đánh giá là mảnh đất trù phú, địa linh nhân kiệt nhờ vị trí đắc địa nằm ven dòng sông Hồng; mang lại rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc giao lưu kết nối giữa bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hệ thống cầu đường.

Cầu vượt bắc qua sông Hồng: Những nhịp cầu hướng tới tương lai - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh

Thêm cầu, thêm kết nối cho đô thị ven sông

Nhắc đến những cây cầu của Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc đến cầu: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… nằm "vắt" qua sông Hồng.

Mỗi cây cầu mang một ý nghĩa lịch sử, một vẻ đẹp riêng cũng như đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh… với khu trung tâm Thành phố.

Có thể nói đây đều là những cây cầu vô cùng quan trọng đối với Hà Nội. Nhưng thực tế là số lượng cầu bắc qua sông Hồng cho đến giờ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá cũng như giao thương phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ Nam sông Hồng (khu vực đô thị trung tâm) phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ Bắc (các quận, huyện Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh…) dù có nhiều tiềm năng lại chưa phát triển được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm. Thực tế đó đòi hỏi Thành phố phải xây dựng thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, giao thông là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương. Giữa hai bờ Nam-Bắc sông Hồng hiện còn thiếu những "bản lề" định tuyến, kết nối giao thông. Đó là những cây cầu vượt sông quy mô lớn, có năng lực đáp ứng cho sự phát triển hàng trăm năm tới.

Còn theo Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, bên cạnh việc liên kết các huyết mạch giao thông, nhiều cầu vượt sông Hồng còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của Hà Nội. Ví dụ như việc di dân từ khu vực phố cổ sang bờ Bắc sông Hồng, khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, muốn thực hiện được phải có hệ thống cầu thông thương tốt để người dân đi lại thuận tiện.

"Theo tôi, bất kỳ lúc nào có điều kiện, Thành phố đều cần đầu tư, xây dựng thêm cầu vượt sông Hồng, để khớp nối hệ thống giao thông, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ Nam-Bắc về kinh tế-xã hội và văn hoá. Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng", ông Tân nhấn mạnh.

Các chuyên gia đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội cần nhất là 6 cây cầu vượt sông Hồng gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy-giai đoạn 2; Trần Hưng Đạo, Hồng Hà, Mễ Sở. Trong đó, hiện mới chỉ có cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được gấp rút xây dựng, nâng cao năng lực thông hành cho cửa ngõ phía đông bắc Thủ đô, kết nối Vành đai 2 với Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5.

Cần những cây cầu mang tính biểu trưng về kiến trúc

Nhiều thập kỷ trước, Hà Nội và cả nước nói chung còn khó khăn về kinh tế, việc xây dựng các cầu chỉ hướng đến tiêu chí thuận tiện lưu thông, bền vững và tiết kiệm chi phí. Nhưng hiện nay, chúng ta đã có điều kiện về kinh tế hơn, nên việc xây dựng cầu không chỉ chú trọng vào công năng, độ bền mà còn phải đặt ra yêu cầu cao về tính thẩm mỹ.

"Hà Nội cần có những cây cầu mang tính biểu tượng về kiến trúc, thấm đẫm văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến", ông Nguyễn Xuân Tân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Tân phân tích, Hà Nội hiện mới chỉ có một số cầu vừa đáp ứng được tiêu chí giao thông hiện đại quy mô lớn, vừa có tính thẩm mỹ như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh… Còn lại các cây cầu: Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì… đều đã lạc hậu hoặc cho thấy khoảng trống về kiến trúc.

Chẳng hạn, cầu Long Biên là điểm nhấn của lịch sử, văn hóa nhưng hiện đã quá cũ, không phát huy được thế mạnh toàn diện của một cây cầu lớn mang dáng dấp đặc trưng cho Hà Nội. Cầu Nhật Tân có thể coi là to, đẹp, hiện đại nhất Hà Nội nhưng nét kiến trúc lại không hoàn toàn nổi bật, và quan trọng hơn là không thấy "dáng dấp" Thăng Long-Hà Nội trong đó.

  • Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2

    Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2ĐỌC NGAY

Vừa qua, Hà Nội đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Cuộc thi đã thu hút được 20 đồ án của 12 đơn vị tham gia, điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của xã hội với những cây cầu vượt sông Hồng mang tầm chiến lược.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy "cầu chỉ để vượt sông" đã không còn phù hợp với Hà Nội hiện đại nữa. Mỗi cây cầu phải thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến; hơn nữa còn có thể hướng tới các giá trị kinh tế-xã hội thiết thực. Những ý tưởng như biến cầu vượt sông Hồng thành điểm tham quan du lịch, hay một nền tảng để khai thác kinh tế giao thông cần được xem xét nghiêm túc, cụ thể.

Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng. Trong tương lai gần, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Nội, trong sự đô thị hóa nhộn nhịp đó có bóng dáng của những cây cầu.

Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Trong đó, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp).

Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Ngoài ra, Thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.

Bài 2: Cầu vượt sông Hồng: Tạo diện mạo đột phá cho Thủ đô

Thùy Linh

Từ khóa » Cầu Cửa Bắc Qua Sông Hồng