Cây Cam Thảo - Tên Khoa Học, Bộ Phận Dùng, Thành Phần, Công Dụng

1.Đặc điểm thực vật: 

cây cam thảo
cây cam thảo
Cây nhỏ mọc nhiều năm, có một hệ thống rễ và thân ngầm rất phát triển. Thân ngầm dưới đất có thể đâm ngang đến 2 mét. Từ thân ngầm này lại mọc lên các thân cây khác. Thân cây mọc đứng cao 0,5-1,50 m. Thân yếu, lá kép lông chim lẻ, có 9-17 lá chét hình trứng. Hoa hình bướm màu tím nhạt; loài glabra có cụm hoa dày hơn loài uralensis. Quả loại đậu, loài glabra nhẵn và thẳng, loài uralensis thì quả cong và có lông cứng
cây cam thảo
cây cam thảo

2.Địa lý: 

Được trồng ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ, Hungari .v.v. Bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Khoa Hà Nội cũng đã di nhập được từ năm 1960 và đã nghiên cứu theo dõi sự tích lũy hoạt chất trong cây trồng. Cây mọc tốt ở điều kiện khí hậu của nước ta.

3.Trồng tỉa và chế biến: 

Thường được trồng bằng các đoạn thân ngầm có 2 – 3 mầm vào mùa xuân. Đất phải tốt và phải bón phân. Sau 3-4 năm thì thu hoạch vào cuối thu. Ba năm đầu có thể trồng xen các hoa màu khác. Rễ và thân ngầm đào lên, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, ủ đống làm cho màu trở nên vàng. Rễ và thân ngầm thường được cắt thành đoạn dài 15 – 30 cm, đường kính 5 – 20 mm, bó thành từng bó. Dược liệu mặt ngoài có lớp vỏ màu nâu, vết bẻ có xơ, màu vàng, dễ xé theo chiều dọc. Vị rất ngọt, hơi khé cổ. cây cam thảo

4.Thành phần hóa học

– Glycyrrhizin là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10-14% trong dược liệu khô, chỉ có trong bộ phận ở dưới mặt đất, có vị rất ngọt (gấp 60 lần đường saccharose). Đây là saponin quan trọng nhất của rễ cam thảo. Glycyrrhizin được Robiquet phân lập năm 1809 dưới dạng mảnh màu vàng. Glycyrrhizin tinh khiết ở dạng bột kết tinh trắng dễ tan trong nước nóng, cồn loãng, không tan trong ether và chloroform. Glycyrrhizin ở trong cây dưới dạng muối Mg và Ca của acid glycyrrhizic (còn gọi là acid glycyrrhizinic). Dưới tác dụng của acid vô cơ, acid glycyrrhizic bị đẩy ra khỏi muối của nó. Khi thủy phân bằng acid thì cho phần aglycon là acid glycyrrhetic (còn gọi là acid glycyrrhetinic) và 2 phân tử acid glucuronic. Acid glycyrrhetic có một OH ở C-3 (2 phân tử acid glucuronic nối vào đó), một nhóm carbonyl ở C-11, một nối đôi ở C-12-13 và ở C-30 là nhóm carboxyl. Glycyrrhizin trên thị trường là muối ammoni glycyrrhizat thu được bằng cách chiết bột cam thảo với nước rồi acid hoá để kết tủa, rửa tủa rồi lại hoà tan trong ammoniac, bốc hơi trong các khay mặt bằng sẽ thu được những vẩy màu đen nhạt, bóng, tan trong nước và rất ngọt. Trong cam thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carboxyl ở C-29), acid 18-a-hydroxy-glycyrrhetic, acid 24-hydroxyglycycrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, 24-a-hydroxyisoglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxoglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic. – Các flavonoid là nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai có trong rễ cam thảo với hàm lượng 3-4%. Có 27 chất đã được biết, quan trọng nhất là hai chất liquiritin (hay liquiritirosid) và isoliquiritin (hay isoliquiritirosid). Liquiritin được Shinoda và Ueda (1934) phân lập. Chất này thuộc nhóm flavanon, có phần aglycon là liquiritigenin (= 4′,7 dihydroxy – flavanon). Isoliquiritin được Puri và Seshadri phân lập (1954). Chất này là đồng phân của chất trên và thuộc nhóm chalcon, phần aglycon là isoliquiritigenin (= 4,4′,6′ trihydroxy chalcon). Isoliquiritigenin ở môi trường acid thì đồng phân hoá thành liquiritigenin (xem phần flavonoid). Ngoài ra còn có nhiều flavonoid thuộc các nhóm khác: isoflavan (gla-bridin), isoflavon (glabron), isoflaven (glabren).

Liquiritin Glabridin
Isoliquiritin
Glabron Glabren
       – Những hoạt chất estrogen steroid: phần này tan trong ether dầu hỏa, khi thí nghiệm trên chuột cống đã thiến thì thấy xuất hiện những tế bào sừng trong niêm dịch âm đạo. – Những dẫn chất coumarin: umbelliferon, herniarin, liqcoumarin (= 6-acetyl-5-hydroxy-4-methyl coumarin). – Trong rễ cam thảo còn có 20-25% tinh bột, 3-10% glucose và saccharose. Toàn bộ các chất chiết được bằng nước có thể đến 40%. Phần trên mặt đất của cây cam thảo cũng đã xác định được các flavonoid: pinocembrin (= 5,7-dihydroxyflavanon), prunetin (= 5,4′-dihydroxy 7-methoxy-isoflavon), isomucronulatol (= 7,2′-dihydroxy 3′,4′-dimethoxyisoflavon).

5.Kiểm nghiệm:

Sắc ký: Chuẩn bị một dung dịch cam thảo 20% trong cồn, lấy dung dịch này chấm lên giấy sắc ký rồi khai triển với hệ dung môi butanol-acid acetic – nước (4:1:5). Trên sắc phổ sẽ xuất hiện các vết có huỳnh quang vàng dưới ánh sáng tử ngoại hoặc có màu vàng sau khi phun dung dịch KOH. Liquiritin có thể phát hiện bằng cách nhúng giấy sắc ký trong dung dịch kali borohydrid rồi hơ trên miệng lọ đựng HCl đậm đặc sẽ có màu đỏ tím. Các dẫn chất coumarin thì cho những vết huỳnh quang xanh da trời dưới đèn tử ngoại. Có thể tiến hành sắc ký lớp mỏng và dùng các thuốc thử có acid sulfuric.

6.Định lượng acid glycyrrhizic:

    – Phương pháp cân: loại tạp chất bằng ether, chiết bằng cồn 75 độ, bốc hơi cồn, hoà tan cặn trong nước, tủa acid glycyrrhizic trong nước bằng H2SO4. Ly tâm để lấy tủa, rửa tủa bằng nước đá rồi hoà tan lại trong cồn 95 độ sôi. Bốc hơi trong chén đã cân bì trước, sấy 1000C rồi cân. – Phương pháp acid-kiềm: chiết acid glycyrrhizic bằng aceton có mặt của acid nitric. Thêm ammoniac vào dịch chiết, sẽ có ammoni glycyrrhizat kết tủa. Lọc lấy tủa, hoà vào nước, thêm formalin thì acid glycyrrhizic được giải phóng và có hexamethylentetramin tạo thành.

sau đó chuẩn độ acid glycyrrhizic bằng dung dịch kiềm.

1ml NaOH 0,1 N ứng với 0,0274 g acid glycyrrhizic. – Phương pháp quang phổ: Chiết như ở phương pháp acid-kiềm, dung dịch nước (không thêm formalin) được đem đo ở bước sóng 285 nm. Độ hấp thu phân tử là 11.000. – Phương pháp so màu: Bột cam thảo chiết bằng cồn ethylic có mặt HCl, tủa acid glycyrrhizic bằng chì acetat. Tủa đem thủy phân bằng acid sulfuric 3% trên nồi cách thủy sôi. Sau đó có thể định lượng acid glucuronic dựa trên phản ứng màu tím nhạt với naphthoresorcinol và HCl; hoặc định lượng acid glycyrrhetic sau khi tách ra khỏi dung dịch thủy phân bằng chloroform hoặc ether. Dưới tác dụng của acid sulfuric đậm đặc và vanillin, acid glycyrrhetic có màu tím (không bền); hoặc tác dụng với butyl 2-6 p. cresol cho màu nâu tím.

7.Tác dụng:

 -Dịch chiết cam thảo có tác dụng chống loét dạ dày. Tác dụng đã được chứng minh bằng thí nghiệm trên súc vật. Trên chuột lang thì gây loét bằng cách tiêm những liều xác định histamin; trên chó thì gây loét bằng atophan (= acid 2-phenyl quinolein 4-carboxylic); trên chuột cống thì thắt u môn. Súc vật thí nghiệm được mổ và quan sát tình trạng tổn thương trên niêm mạc dạ dày. – Tác dụng chống co thắt của dịch chiết cam thảo được chứng minh trên ruột cô lập của chuột lang hoặc thỏ thấy có tác dụng đối kháng với histamin, acetylcholin. Tác dụng chống co thắt và tác dụng bảo vệ chống loét dạ dày chủ yếu là do các thành phần flavonoid. – Tác dụng long đờm do các saponin . – Tác dụng tương tự như cortison do glycyrrhizin, giữ nước trong cơ thể kèm theo tích các ion Na+ và Cl- và tăng thải ion K+, giảm lượng nước tiểu, tăng huyết áp. Nếu dùng cam thảo một thời gian lâu thì có hiện tượng phù. Trong một số trường hợp thí nghiệm trên súc vật cho thấy tác dụng chống viêm bằng 1/5 hydrocortison. Glycyrrhizin làm giảm những tổ chức hạt tạo thành xung quanh viên bông cấy dưới da của chuột cống trắng hoặc làm giảm độ sưng của chân chuột sau khi tiêm formol. Acid liquiritic cũng có tác dụng chống viêm, chống loét và làm chóng lành sẹo.

Từ khóa » đặc điểm Thực Vật Cây Cam Thảo Bắc