Cây Chuối Bị Bệnh Vàng Lá Do Nguyên Nhân Gì? Cách Phòng Trị?

Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Cây chuối bị bệnh vàng lá gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Bệnh do nấm Panama mẫm cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả không có giá trị thương phẩm. Để tìm hiểu kỹ hơn về loại bệnh này và cách phòng trị, chúng tôi mời bà con cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!

Nội dung chính

Bệnh vàng lá trên cây chuối

Bệnh vàng lá Panama là bệnh do nấm Fusarium oxysporumf.sp.cubense (FOC) gây hại trên các nhóm chuối gồm 4 chủng. Trong đó, chủng 1 gây hại trên các giống chuối tây, chủng 4 gây hại trên các giống chuối tiêu. Nấm FOC đã gây bệnh vàng lá khá phổ biến ở các vùng trồng chuối tây tập trung của nước ta.

Bệnh vàng lá trên cây chuối là do một loại nấm gây ra
Bệnh vàng lá trên cây chuối là do một loại nấm gây ra 

Triệu chứng của bệnh

Cây chuối bị nhiễm bệnh héo rũ Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già lan dần lên các lá non, từ bìa lá lan vào gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên cây, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt còn xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng bị héo úa.

Cây bệnh chết nhưng thân không đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch dẫn có màu nâu vàng. Cắt ngang củ chuối có các đốm màu vàng hoặc đỏ nâu và bốc mùi hôi.

Đặc điểm phát sinh gây hại

Nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense (FOC) tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh.

Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch dẫn làm cho cây bị vàng héo.

Cây bị bệnh nhanh chóng xuất hiện triệu chứng héo vàng lá
Cây bị bệnh nhanh chóng xuất hiện triệu chứng héo vàng lá

Phòng bệnh

  • Chọn giống chuối kháng với nấm bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.
  • Đất trồng chuối: Nên chọn đất có độ pH trung hoà và hơi kiềm.
  • Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống. Nên sử dụng giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh để trồng.
  • Xử lý đất và cây giống trước khi trồng: Bón vôi, phân chuồng mục ủ cùng với nấm đối kháng Trichoderma vào các hố trồng. Cắt sạch rễ và đất ở gốc chuối con rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng như Vidoc 80 BTN, Champion 37,5 FL, Bocdocop super, Funguran… 10 – 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.
  • Thoát nước tốt cho vườn chuối, nhất là vào mùa mưa, không nên để ẩm độ đất quá cao.
Vườn chuối cần được chuẩn bị hệ thống thoát nước tốt để phòng tránh bệnh vàng lá
Vườn chuối cần được chuẩn bị hệ thống thoát nước tốt để phòng tránh bệnh vàng lá

Trừ bệnh

Khi phát hiện cây bệnh, phải đào bỏ các gốc bệnh đen tiêu huỷ và dùng vôi bột rải vào các vị trí cây bị bệnh để khử trùng đất. Những khóm chuối còn lại trên vườn phải tưới gốc để chống nấm xâm nhiễm bằng các loại thuốc như Bendazol 50WP, Viben 50BTN, Fudazole 50WP, Zineb, Tilt, Score, Anvil…

Nếu vườn chuối bị bệnh nặng nên ngừng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh, luân canh với cây trồng khác sau ít nhất 1 năm mới trồng chuối trở lại.

Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, bà con sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng cây chuối bị vàng lá.

Từ khóa » Chuối Bị Vàng Lá