Cây Cứt Chuột | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Cây cứt chuột còn có các tên gọi khác là cây rung rúc hay ô long căn… Thảo dược này mọc hoang, thường được thu hái lá, rễ hay cành non để điều trị nhiều bệnh lý trong cơ thể.

  • Tên gọi khác: Cây rung rúc, cây đồng bìa, cẩu cước thích, cây rút đế, đề vân thảo, câu nhi trà, cây lão thử nhĩ, thiết bao kim hay cây ô long căn.

  • Tên gọi khoa học: Berchemia lineata (L.) DC

  • Họ: Táo ta (Rhamnaceae).

Cây cứt chuột

Cây cứt chuột là dược liệu được y học cổ truyền sử dụng để chữa nhiều bệnh

Mô tả về cây cứt chuột

+ Đặc điểm thực vật:

  • Cây cứt chuột thuộc dạng cây bụi leo nhỏ. Thân cây có chiều cao dao động từ 1 – 4 mét.

  • Trên thân có nhiều cành non mảnh. Vỏ ngoài màu xanh nhạt và không có lông.

  • Lá cứt chuột mọc so le, có phiến nhỏ. Lá hình xoan hoặc hình bầu dục. Chiều dài lá dao động từ 1,5-2,5cm và chiều rộng nằm trong khoảng 0,7-1,2cm. Hai đầu lá tù, trên mặt nổi rõ 5 – 6 cặp gân phụ. Cuống lá ngắn, dài khoảng 5 – 7mm.

  • Hoa của cây cứt chuột mọc thành chùm đâm ra từ các nách lá hay đầu cành, nở vào tháng 8 -9 hàng năm. Hoa có màu trắng, kích thước nhỏ. Các cánh hoa thuôn và dài hơn đài, phía dưới có móng nhỏ. Đĩa mật dày và chia thùy bên ngoài mép. Phần bầu nằm ẩn trong đĩa mật.

  • Quả cứt chuột thuộc dạng quả hạch, hình trứng. Chiều dài mỗi quả dao động từ 5 – 6mm. Vỏ quả khi chín màu đen, bên trong có hạt.

  • Mùa quả chín bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài cho đến tháng 1 của năm sau.

+ Khu vực phân bố:

Trên thế giới, cây cứt chuột được tìm thấy ở nhiều đất nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và cả Việt Nam. Ở nước ta, loại cây này mọc hoang ở các khu đất trống, ven rừng thưa thứ sinh hay các dải nắng. Cây phát triển nhiều nhất ở miền Bắc hoặc các vùng trung du Việt Nam.

+ Bộ phận sử dụng:

Rễ, lá và cành non của cây cứt chuột

+ Thu hái – sơ chế

Dược liệu được thu hái quanh năm. Phần lá và cành non sau khi đem về thường được rửa sạch, dùng ngay ở dạng tươi. Rễ cây cần rửa kỹ để loại bỏ sạch đất cát, thái lát mỏng rồi phơi khô sử dụng dần.

+ Bào chế dược liệu:

Rễ cây cứt chuột thường được sao tẩm chung với rượu cho thơm trước khi sử dụng.

+ Thành phần hóa học của cây cứt chuột:

Trong cây chứa thành phần chính là saponin. Ngoài ra còn một số hoạt chất khác đang được tiếp tục nghiên cứu.

Vị thuốc cây cứt chuột

+ Tính vị:

  • Vị ngọt nhạt, đắng nhẹ và chát

  • Tính bình

+ Quy kinh:

Chưa có nghiên cứu cụ thể.

+ Tác dụng của cây cứt chuột:

  • Khử ứ

  • Chỉ khái

  • Giảm đau

  • Khư đàm

+ Chủ trị:

  • Viêm gan

  • Viêm tinh hoàn

  • Tiêu chảy

  • Phong thấp

  • Đau nhức xương khớp

  • Xuất huyết dạ dày và ruột

  • Chảy máu cam

  • Khái huyết trong lao phổi

  • Bệnh viêm khí quản cấp

  • Trĩ ngoại

  • Bệnh tinh thần phân lập

  • Nội thương xuất huyết

+ Liều dùng:

Mỗi ngày 30-50g

+ Cách sử dụng cây cứt chuột:

Sắc uống hoặc giã đắp ngoài da.

Tác dụng của cây cứt chuột

Lá, rễ và cành non của cây cứt chuột được thu hái làm thuốc theo hình thức sắc uống hoặc giã đắp ngoài da

Bài thuốc chữa bệnh từ cây cứt chuột

Với những tác dụng trên, cây cứt chuột được Đông y sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như:

1. Điều trị bệnh viêm khí quản cấp tính

  • Chuẩn bị 60g lá cây cứt chuột và một ít rượu trắng

  • Rửa sạch dược liệu, bỏ vào ấm sắc chung với rượu và 500ml nước.

  • Đun sôi ấm thuốc trong 10 phút

  • Nước sắc còn lại trong ấm gạn ra chén, để còn hơi âm ấm rồi chia làm 2 lần dùng

  • Mỗi liệu trình cần duy trì uống trong khoảng 15 ngày liên tục để bệnh được điều trị dứt điểm.

2. Chữa trị bệnh lao phổi có khái huyết

  • Sử dụng thang thuốc gồm 60g cây cứt chuột kết hợp với 30g xuyên phá thạch, 12g bạch cập và 10g cao da lừa (a giao).

  • Trước tiên, đem xuyên phá thạch, cứt chuột và cạch cập sắc kỹ

  • Đun sôi khoảng 15 phút thì bỏ cao da lừa vào nấu tan

  • Gạn thuốc sắc uống khi còn ấm, dùng 2 – 3 lần cho hết ngay trong ngày.

3. Cây cứt chuột chữa ho lâu ngày do bị nhiễm lạnh

Bài 1: Dùng rễ cây

  • Chuẩn bị 30g rễ cứt chuột, 10g hoàng lồ và 9g quốc lão (cam thảo)

  • Sau khi rửa sạch các dược liệu trên, bỏ tất cả vào ấm

  • Thêm vào 700ml nước sắc cho cạn còn 300ml

  • Gạn thuốc sắc chia uống làm 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối mỗi ngày sau khi ăn khoảng một tiếng

  • Dùng thuốc tốt nhất khi còn ấm với liệu trình kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Bài 2: Dùng lá và cành non của cây

  • Chuẩn bị 60g dược liệu, 60ml rượu trắng và 200ml nước

  • Rửa sạch lá và cành non cây cứt chuột. Bỏ vào ấm sắc với nước đến khi cạn còn 100ml

  • Tiếp tục đổ rượu trắng vào, nấu cho đến khi thuốc sôi trở lại là được

  • Thuốc sắc gạn ra chén chia đều làm 2 phần uống

  • Mỗi liệu trình uống thuốc trong 15 ngày liên tục.

4. Điều trị mụn nhọt sưng đau nhưng chưa vỡ mủ

Thuốc đắp:

  • Dùng 30g lá non của cây cứt chuột đem rửa qua vài lần nước cho sạch, để ráo nước

  • Bỏ dược liệu vào cối giã nát với một ít muối ăn

  • Đắp thuốc trực tiếp lên nốt mụn nhọt

  • Dùng gạc ý tế băng cố định lại khoảng 2 tiếng mới tháo băng

  • Đều đặn đắp thuốc mỗi ngày 1 lần cho đến khi nốt mụn nhọt hết sưng đau. Khi đắp thuốc cần nhẹ nhàng, cố gắng không để mụn bị vỡ ra.

Thuốc uống: Dùng kết hợp với thuốc đắp

Để tăng công dụng điều trị, người bị mụn nhọt nên chăm chỉ đắp thuốc đều đặn kết hợp với bài thuốc sắc như sau:

  • Lấy 15g hoa cúc trắng sắc với 5g cam thảo và 200ml nước.

  • Đun sôi thuốc và để lửa nhỏ cho đến khi cạn còn 100ml

  • Gạn thuốc sắc chia làm 2 phần uống

  • Ngày dùng 1 thang trong 5 ngày liên tục.

5. Điều trị bệnh phong tê thấp, đau nhức các khớp xương

  • Dùng 200g rễ cây cứt chuột rửa sạch, thái mỏng. Bỏ vào chảo nóng sao vàng

  • Ngâm dược liệu cùng 1 lít rượu trắng có nồng độ khoảng 30 – 40 độ trong bình thủy tinh

  • Đậy kín nắp bình rượu, để nơi thoáng mát trong ít nhất 15 ngày mới uống được.

  • Để điều trị bệnh phong tê thấp và giảm đau nhức xương khớp, mỗi ngày người bệnh lấy rượu thuốc uống từ 20 – 30ml.

6. Bài thuốc điều trị bệnh trĩ ngoại

  • Chuẩn bị 30g cây cứt chuột (dùng lá và cành non), 1 cái đuôi lợn

  • Đuôi lợn cạo sạch lông, chặt khúc ngắn vừa ăn rồi đem hầm nhừ với dược liệu

  • Ăn cả nước lẫn cái với liệu trình điều trị bệnh trĩ ngoại kéo dài trong 10 ngày liên tục.

7. Chữa bệnh viêm da mủ hoặc rắn độc cắn

  • Lấy cây cứt chuột tươi rửa thật sạch

  • Giã nát và trộn chung với một ít muối ăn

  • Đắp trực tiếp ngoài vùng da bị tổn thương hoặc vết rắn cắn.

8. Trị mẩn tịt

  • Chuẩn bị 30g rễ cây và 500ml nước

  • Bỏ dược liệu vào ấm sắc cùng lượng nước đã chuẩn bị

  • Đun sôi đến khi cạn còn 250ml thì ngưng

  • Thuốc sắc thu được gạn ra chén chia đều làm 3 lần uống. Sử dụng hết trong ngày

  • Dùng thuốc 5 ngày là hết một liệu trình. Nếu bệnh chưa khỏi thì tiếp tục chuyển sang liệu trình mới.

Bài viết vừa cung cấp đến bạn những thông tin chi tiết cây cứt chuột và cách sử dụng dược liệu chữa bệnh sao cho hiệu quả. Trường hợp đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe nói trên và có ý định dùng loại cây này làm thuốc trị bệnh tại nhà, hãy tham vấn ý kiến của các thầy thuốc, bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cây Cu Rúc