Cây Dã Hương Và Vận Làng Dương Phạm - Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Thời buổi làng quê cứ nóng hừng hực về những vấn đề đất đai, kiện cáo, tệ nạn… thì nhiều ngôi làng vẫn nằm ngoài vòng quay ấy, với “cây đa bến nước con đò”. Sự yên bình ấy một phần nhờ vào những báu vật lạ kỳ mà những ngôi làng này đang sở hữu.
Cây dã hương và vận làng Dương Phạm
Một dự án đòi hỏi 50 tỷ đồng chỉ để bảo vệ một cây dã hương 544 tuổi ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Vì sao cây cổ thụ mà dân địa phương vẫn gọi cái tên xoan dã này lại quan trọng như thế?
Cây đổi vận làng
Thôn Dương Phạm xưa nay vẫn được gọi là vùng đất Tam Kỳ Giang bởi mảnh đất này nằm giữa ngã ba sông Đào và sông Đáy. Tên thôn gộp từ tên của hai dòng họ đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này là họ Dương và họ Phạm từ sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Dương Phạm thuần nông, 100% các hộ dân làm ruộng. Mỗi năm hai vụ lúa cũng đủ để người dân trang trải cuộc sống, nuôi con cái học hành. Không giàu có, được cái ngôi làng yên bình đến mức kỳ lạ. Hầu như trong thôn chưa bao giờ có một vụ án nào ghê rợn cả. Mà hình như họ cũng chẳng cần đến quan tòa. Mỗi lần có mâu thuẫn, khúc mắc thì đưa nhau ra gốc cây dã hương nằm trong miếu vua bà nhờ phán xét theo quẻ bói âm dương.
Đó là một cây cổ thụ khổng lồ, cao gần 40m, đường vanh gốc rộng gần 3m, án ngữ trên một khu đất rộng chừng 1.500m2. Tên loài cây này là dã hương, nhưng người làng Dương Phạm vẫn quen gọi là cây xoan dã ở miếu vua bà. Theo ngọc phả làng Dương Phạm thì người được gọi là vua bà hay Đức chúa Hoàng cô chính là bà Ngô Thị Nữ Hoằng, thứ phi của vua Lê Thánh Tông, con của ông Ngô Công Tước và bà Nguyễn Thị Thái. Ngọc phả chép: Thuở nhỏ, bà Hoằng thường ra cửa sông Đào cạnh nhà để chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc...
Cây dã hương cổ thụ, báu vật của làng Dương Phạm
Mùa xuân năm 1468, khi bà vừa tròn 19 tuổi, trong một lần ngồi nghỉ trên khu đất Cổ Mã thì gặp thuyền của vua Lê Thánh Tông đi sát hạch việc thi công đê Hồng Đức. Vua thấy người con gái thôn quê có tướng mạo đoan trang, dung nhan tuyệt sắc liền cho quân ghé thuyền xuống trò chuyện. Cảm mến tài đức, vua Lê cho đón về triều phong làm Nhị phi cung tần. Nhưng được bốn năm sau, khi chưa kịp có con thì bà đã vội qua đời.
Trước khi mất, bà thỉnh cầu nhà vua: “Vì thiếp chưa sinh được hoàng nam nối dõi nên khi sống ở nơi đất mẹ thì chết thiếp cũng muốn được yên nghỉ trên chính mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên”. Đáp lại ước nguyện ấy, vua Lê cho thuyền rồng chở thi hài bà về quê. Quan niệm tâm linh người phụ nữ có 9 vía, vì thế nhà vua đã cho mang theo 9 cỗ quan tài bằng đồng, 9 chiếc thuyền chở đồ đạc và cát, đá xanh để xây mộ. Nhưng khi mộ chưa kịp xây thì bỗng dưng giông bão từ đâu ập tới.
Cả làng Dương Phạm đổ xô ra làm nhà tạm để che chở thi hài bà. Qua một đêm, trời tạnh, nhưng khu đất nơi đặt quan tài của bà đã đùn lên một tổ mối to. Những người xây mộ bèn chở đá cuội đổ lên 9 chiếc quan tài và trồng bên cạnh một loài cây để làm dấu. An táng xong Nhị phi cung tần, nhà vua chu cấp tiền bạc để xây miếu và chùa Phúc Linh Tự ngay trong khu vườn ở gần mộ và cho trồng thêm hai cây thị nữa. Người làng gọi cây cạnh miếu vua bà là xoan dã.
Khu miếu và cây xoan dã ấy rất thiêng. Bất cứ ai xâm phạm đều bị trách phạt. Nhẹ thì mất ngủ, đau đầu, nặng có thể mất mạng như chơi. Có lần, một người trong làng cầm đá ném con chim trên cành thì bị gãy tay. Con rể ông trưởng xóm trước kia leo lên cây chặt ba cành to về bán, đúng ba năm sau đi xe máy đâm vào gốc cây mà tử nạn. Rồi vào năm 1984, ông chủ tịch xã dùng súng bắn chim, hai năm sau, đang ngồi làm việc thì đột tử. Mấy năm trước còn có người lấy cành cây gãy về làm vật dụng trong nhà nhưng sau đó mang ra trả vì gặp toàn chuyện xui xẻo…
Pháo đài thời chiến, Bao Công thời bình
Ban quản lý miếu vua bà và cây dã hương của thôn Dương Phạm bây giờ có 5 người. Toàn già cả, lão thành và họ làm việc không công. Trưởng ban là ông Nguyễn Trung Kiên (73 tuổi), một ông giáo về hưu. Chính ông Kiên là người đưa tên dã hương trả cho cây cổ thụ này bởi người dân địa phương trước nay vẫn quen gọi là cây xoan dã.
“Năm 2007, khi đọc báo thấy nói về một cây cổ thụ ở Bắc Giang được mệnh danh là “Quốc chúa đô mộc dã đại vương”, một trong hai cây dã hương cổ thụ nhất thế giới được đưa vào Sách đỏ phải bảo tồn. Cây kia tận bên Nam Phi vừa chết nên chỉ còn duy nhất cây này thôi. Thấy giống cây xoan dã làng mình quá tôi lẳng lặng nhặt lá mang lên so sánh thì vừa nhau như đúc, cả vỏ cây, cành cây cũng giống, như là anh em sinh đôi vậy”, ông Kiên cười.
Cây dã hương và quần thể di tích miếu vua bà
Điều làm dân làng Dương Phạm lo nhất là cây cổ thụ ngày một già và đã xuất hiện nhiều hiện tượng của bệnh tật. Tuy cây còn khỏe, lá còn xanh nhưng đã có những dấu hiệu bị xâm hại của sinh vật. Ở phía gốc cây sát mặt đất đã có rất nhiều chỗ bị mục, rỗng do mối mọt. Ông Kiên bảo rằng, sinh mệnh cây dã hương từ thu hút được sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Năm 2008, khi biết cây “có vấn đề”, Bộ trưởng đã chỉ đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về tìm hiểu và trị bệnh thì phát hiện cây bị mối đục. “Không có đợt diệt mối ấy có khi cây đã chết rồi. Chúng tôi nghe bảo có một dự án tận 50 tỷ đồng đầu tư bảo tồn cây quý nhưng vẫn chưa thấy khởi động. Dân làng đang mong có thêm nhiều lãnh đạo cấp cao quan tâm đến cây cổ thụ này trước khi quá muộn”, ông Kiên nói. |
Dã hương hay xoan dã thì cây cổ thụ này cũng đã là báu vật của làng Dương Phạm. Họ không biết giá trị trong Sách đỏ hay những dự án bảo vệ lên đến tiền tỷ. Họ chỉ biết cây cổ thụ giống như Thành hoàng làng vậy. Thời chiến, cả khu di tích miếu vua bà và cây xoan dã như một pháo đài để bộ đội ta chống giặc.
Đó là những năm sau 1945, toàn bộ khu đất nơi có lăng mộ vua bà và cây dã hương hiện nay là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Bộ đội đóng quân dưới tán cây mà ngõ như đang được rừng Trường Sơn che chắn. Đến năm 1949, giặc Pháp đã cho quân chặt phá cây cối, san bằng địa khu rừng rậm rạp này để ngăn không cho các đội du kích ẩn mình trong đó. Chỉ riêng cây dã hương và ngôi miếu thờ vua bà thì bao nhiêu đạn pháo không tài nào phá được. Thế mới có chuyện, cây cổ thụ được ghi công đầu tiên khi xã Yên Nhân đón nhận danh hiệu Anh hùng.
Đến thời bình, dân trong thôn có công to việc nhỏ đều đến gốc cây. Từ chuyện đặt móng xây nhà, đưa con đi thi đại học, đám cưới đám hỏi… đều nhờ cây phán hộ. Cây dã hương trở thành thần, thành thánh phù hộ dân làng sống được yên ổn.
Thiêng nhất là chuyện cây xử án, ông Kiên nói rằng thỉnh thoảng nhà này nhà kia tranh nhau con gà, cãi nhau bờ ruộng lại cùng nhau ra gốc cây lấy quẻ đài âm dương nhờ cây phán hộ. Chưa sai bao giờ.
Tất cả những chuyện đó đều được ông Kiên lý giải rằng: Đất Dương Phạm có hình thù như một con rồng. Hai cái giếng khơi năm hai bên gốc cây dã hương là mắt rồng không bao giờ cạn nước. Nhờ hồng phúc ấy mà Dương Phạm sinh ra những vị anh hùng dân tộc như Triệu Quang Phục, Trần Khánh Dư và quan ngự sử Phạm Bảo (đỗ Hoàng Giáp năm Đinh Mùi 1487) và em trai là quan thị lang Phạm Phú (tiến sĩ năm Canh Tuất 1490).
Bản thân gia đình ông Kiên cũng vậy. Hai ông bà sinh được 5 người con đều thành đạt cả. Người là giáo viên, bộ đội, doanh nhân, có người đang làm ở cơ quan đại sứ quán Việt Nam bên Mỹ. (Còn nữa)
Từ khóa » Cây Dã Hương Nam định
-
Phát Hiện Cây Dã Hương Cổ Thụ Tại Nam Định
-
Ý Yên: Chuyện Lạ Về 'cụ' Cây Quý Hiếm 600 Tuổi
-
Cây đại Thụ Dã Hương ở Nam Định: Thị Phi Suốt 7 Năm Trời…
-
NTV | Nam Định Tôi Yêu | CÂY DÃ HƯƠNG DI SẢN - YouTube
-
Ngắm Cây Dã Hương Cổ Thụ Hơn 500 Năm Tuổi | Báo Dân Trí
-
Phát Hiện Cây Dã Hương Cổ Thụ Tại Nam Định - Kiến Thức Khoa Học
-
Hãy Cứu Lấy Cây Dã Hương Lớn Nhất Thế Giới Tại Việt Nam
-
Nam Định: Xây Dựng Khu Bảo Tồn Cây Dã Hương Cổ Thụ
-
Chuyện đời Của “cụ Cây” Từng Trải Qua 7 Thế Kỷ Tại VN
-
Cây Dã Hương – Thôn Dương Phạm - Xã Yên Nhân – Huyện Ý Yên
-
Phóng Sự ảnh Lễ Công Nhận Cây Dã Hương đầu Tiên Tại Tỉnh Nam ...
-
Chiêm Ngưỡng Cây Dã Hương Nghìn Năm Tuổi, "thần Mộc" độc Nhất ...
-
Cây Di Sản Việt Nam: Cây Dã Hương Lớn Nhất Thế Giới "chỉ Có" ở Bắc ...