Cây đại Thụ Dã Hương ở Nam Định: Thị Phi Suốt 7 Năm Trời…

Đến thánh thần còn gặp điều… "thị phi"

Cách đây không lâu, nhiều tờ báo cùng phản ánh những câu chuyện kì lạ nhuốm màu sắc tâm linh xung quanh cây dã hương ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Những nhân vật xuất hiện trong các bài báo ấy đa phần đều không có tên tuổi rõ ràng mà chỉ là những tên gọi chung chung như "ông chủ tịch", "anh thanh niên", "người làng Dương Phạm"... Tựu trung, họ đều có những hành động mạo phạm đến sự linh thiêng của khu miếu nên bị thánh phạt, thậm chí có người bị phạt nặng tới mức phải chết!

Lần theo từng câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà cụ Ngô Thị Xếp, có người con trai tên là Nguyễn Văn Uẩn, nhà sát đền thờ Đức chúa Hoàng Cô. Theo một bài báo đưa tin, năm 1960, ông Uẩn khi làm nhà đã lấn chiếm vào đất của khu miếu nên bị thánh phạt mà ngớ ngẩn. Nhưng sự thực là ông Uẩn mắc chứng loạn thần do rượu. Việc ông uống rượu nhiều được cụ Xếp xác nhận. Được biết, ông Uẩn không còn nghiện rượu nữa, đã yên bề gia thất trong Nam, có công ăn việc làm ổn định và hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền sinh hoạt về cho mẹ.

Việc ông chủ tịch xã đứng dưới gốc cây bắn hai phát súng rồi hai năm sau đó đang làm việc thì hộc máu mồm mà chết cũng là bịa đặt. Lúc đó nhằm vận động nhân dân đi theo đường lối đổi mới, ông chủ tịch lúc đó tên là Inh đã đứng lên chỉ đạo phá đổ khu miếu đá (thời trước miếu thờ Hoàng Cô làm bằng đá kiên cố). Từ lúc ông ra lệnh tới khi mất không phải hai năm mà là… hàng chục năm, và do mắc chứng bệnh khái huyết mà mất chứ không phải do thánh phạt gì cả. Điều này được ông Nguyễn Trung Kiên, người trông coi khu miếu thờ kể lại.

Và ngay cả nhân vật có lí lịch đầy đủ nhất là anh Nguyễn Văn Thành với câu chuyện anh lấy hòn đất ném hai con chim sâu trên cành dã hương, chẳng may hòn đất lao thẳng vào miếu thờ, tức thì cánh tay tự dưng gãy gập… cũng không có gì chắc chắn do thánh phạt. Anh Thành kể: "Chuyện xảy ra năm tôi 17 tuổi, cũng lâu quá rồi, nên chẳng nhớ chính xác như thế nào nữa".

Rồi có người thanh niên, nhân lúc miếu bị phá thì sang chặt cành cây về chẻ ra làm đồ gia dụng rồi sau đó đi xe máy gặp tai nạn mà chết cũng chỉ là suy luận vô căn cứ. Bởi lẽ, từ lúc chặt cành dã hương cho tới lúc xảy ra tai nạn ngót nghét 20 năm. Đó có thể là một tai nạn ngẫu nhiên và việc quy kết do thánh thần phạt thì đúng là "giời ơi đất hỡi", chắc là ai chết cũng do thánh thần (!).

"Già rồi" nhưng 7 năm qua vẫn đang kêu… trời

Theo Ngọc phả của thôn, "cụ" dã hương này đã có gần 600 năm. Tới năm 2007, nhờ ông Nguyễn Trung Kiên - một người đã đổ bao nhiêu tâm huyết để đi tìm giá trị thật cho "cụ" và bài báo đầu tiên viết về "cụ" được đăng trên Báo An ninh thế giới thì không chỉ trong nước mà cả thế giới cũng bất ngờ. Bởi ai cũng đinh ninh rằng khi cây dã hương ở Châu Phi chết vì sâu mối thì trên thế giới chỉ còn độc nhất một "cụ" dã hương ở Bắc Giang.

Dù "tuổi đời" của cây dã hương Nam Định không bằng cây dã hương Bắc Giang nhưng về hình dáng, kích thước không hề thua kém gì. Tháng 8/2012, những người thuộc Tổ chức Guiness Việt Nam về chơi đã đo đường kính lớn nhất của cây là 16 mét (trong khi cây dã hương Bắc Giang là 12 mét rưỡi). Đặc biệt, "cụ" dã hương nơi đây có nhiều tán tỏa rộng, trông rất ấm cúng.

Tuy nhiên, từ lúc UBND xã Yên Nhân đệ đơn trình lên UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng khác nghiên cứu để có biện pháp bảo vệ kịp thời đến nay đã 7 năm trôi qua mà "cụ" vẫn "kêu cứu" vì rệp, muỗi, sâu, hoành hành. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất của bộ rễ thì đến nay đều không còn. Có những quãng thời gian như vào tháng 4 năm ngoái, người dân tưởng rằng cây sắp chết đến nơi vì cây bị rệp muỗi làm lá đen hết, héo và đổ ào ạt. Hiện tại, hầu như các cành cây đều rỗng ruột, gió bão bình thường một chút là đổ gãy rất nhiều.

Cây đại thụ dã hương của thôn Dương Phạm nhìn từ xa.

Năm 2008, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất thực hiện đề tài "Nghiên cứu bảo tồn bền vững cây gỗ đại thụ thôn Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên". Trung tâm Đa dạng sinh học thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị được chọn để thực hiện đề tài này, người đứng đầu là PGS.TS Vũ Quang Mạnh. Tuy nhiên, vì lí do gì không rõ, đề tài nghiên cứu và bảo tồn này mới chỉ dừng lại trên giấy tờ mà thôi. Còn ông Mạnh, qua lời ông Kiên, sau khi đổ ít phân lợn, thả một số con giun cày xới đất, mấy con tắc kè kèm lời dặn "dân không được đổ đất gì vào gốc cả, đất đổ vào đây phải nghiên cứu sao cho phù hợp sinh thái từ con sâu, con bọ cho đến tỉ lệ…" thì không thấy về nữa.

Đến tháng 8/2012, nhận thấy tình trạng "cụ" dã hương đang "lâm nguy" thì UBND xã Yên Nhân đã mời ông Kiên lên để chấp bút viết đơn tường trình kêu cứu khắp nơi. Sau đó, một loạt các cơ quan, ban ngành từ trên xuống dưới tập trung về để bàn cách cứu cây dã hương. Nhận thấy tình hình khẩn cấp quá, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) đã cử Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ Mối của Bộ (nay là Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình) về diệt mối về.

Khi có động tĩnh từ phía Bộ NN & PTNT thì chẳng hiểu ở đâu, sau một thời gian dài vắng bóng, ông Vũ Quang Mạnh về "xác nhận" lại dự án thuộc Trung tâm mình từ trước. Vì nghĩ ông Mạnh là người đầu tiên tham gia vào việc bảo vệ cây dã hương này nên tỉnh ưu tiên cho ông tiếp tục bảo vệ cây đại thụ.

Nhưng theo ông Kiên cho biết: "Đến nay ông Mạnh cũng chưa có những quan tâm thực sự thiết thực nào đến sự tồn tại của cây dã hương". Tại cuộc gặp gỡ gần đây nhất là vào tháng tám năm ngoái, ông Mạnh nói với ông Kiên: "Cái vấn đề này là cái gì mà ghê gớm, bao nhiêu công văn liên tục thế?". Khi ông Kiên nói: "Vì nghe lời ông mà suốt 5 năm qua dân chúng tôi không hề đổ đất. Vừa qua, cây có nhiều dấu hiệu sắp chết. Nếu cây mà chết thì tôi sẽ dẫn dân đi kiện ông" thì lúc đó ông Mạnh ú ớ không biết nói gì rồi lên xe phóng thẳng… về Hà Nội. Suốt mấy hôm nay, chúng tôi tìm mọi cách liên lạc với ông Mạnh để xác minh lại chuyện này thì điện thoại của ông lại "thuê bao"…

Về đề tài bảo tồn cây đại thụ dã hương, ông Vũ Dũng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết: "Hiện nay, Sở đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài, song chưa có kết luận nghiệm thu vì đang yêu cầu Trung tâm Đa dạng Sinh học bổ sung thêm một số nội dung còn thiếu, hoặc chưa cụ thể như tổng kinh phí thực hiện đề tài, giải pháp bảo tồn…". Dù chưa có kết luận nghiệm thu nhưng số kinh phí 420 triệu đồng đã được Sở này thanh toán hết cho đơn vị thực hiện. Có điều, đến giờ phía Trung tâm Đa dạng Sinh học vẫn chưa có động thái gì khác cả.

Và khi "cụ" dã hương đang ngày đêm kêu… trời, các nhà khoa học vẫn đang loay hoay với mớ dự định trên giấy tờ rồi bỏ vào ngăn tủ từ năm 2007 tới nay, các cơ quan, ban ngành chưa có những quan tâm cụ thể, thiết thực thì cái "dự án ước mơ" về một khu quần thể tâm linh hoàn chỉnh của ông Chu Minh Giang, Bí thư UBND xã Yên Nhân và ông Nguyễn Xuân Năm - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định vẫn chỉ là… mơ thôi.

Từ sáng kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vào năm 2010, danh hiệu "Cây di sản Việt Nam" ra đời. Đây là những cây sống trong tự nhiên có tuổi từ 200 năm và cây trồng từ 100 năm, nằm trong "Danh mục cổ thụ" gắn liền với lịch sử và mang giá trị văn hóa, có tính chất giáo dục, xã hội… Hiện nay cả nước có hàng trăm cây cổ thụ được vinh danh là "Cây di sản văn hóa Việt Nam" trong đó có những cá thể đặc biệt quý hiếm với cả thế giới. Ngày 26/1 vừa qua, VACNE đã duyệt hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản Việt Nam do xã Yên Nhân đệ trình.

Về việc phát hiện và bảo tồn Cây di sản Việt Nam, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết: "Ngoài bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ màu xanh cho đất nước thì đây là một hành động mang đậm tính chất nhân văn, giúp tri ân những công lao to lớn của thế hệ đi trước trong việc tạo dựng môi trường sống cho chúng ta có thể tồn tại và phát triển. Đặc biệt, khi biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, việc bảo vệ và giữ gìn cây xanh góp phần cải thiện tình hình hạn hán, thiên tai, lũ lụt.

Sâu xa hơn, cây còn có hồn của nó, bảo vệ cây gắn với bảo vệ giếng nước, chùa chiền thì làng xã tự nhiên sẽ cấu thành một thể thống nhất sum vầy, dân cư đoàn kết, chăm lo đời sống văn hóa. Việc bảo vệ cây di sản này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu làng xóm trong lòng mỗi con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ".

Từ khóa » Cây Dã Hương Nam định