Cây đa Làng - Một Chút Hồn Quê - Chi Tiết Tin Tức - Sở VHTT & DL
Có thể bạn quan tâm
Hoàng Lân
Xa quê đến nay cũng đã gần 40 năm rồi, kể từ ngày tôi lên đường nhập ngũ mà tôi thấy cây đa làng vẫn như xưa, hay nói đúng hơn nó có thay đổi nhưng rất từ từ, nên khó nhận biết, chỉ người đi xa lâu năm về làng mới nhìn rõ sự đổi thay của nó, còn người lớn trong làng kể nhiều sự tích ly kỳ có liên quan tới cây đa lắm.
Chúng tôi khi còn nhỏ, cũng như trẻ em bây giờ, nhà tôi ở gần gốc đa làng Kép xã An Hà huyện Lạng Giang thường ra đây bứt những lá đa xanh, lấy gai bưởi hoặc gai găng gim thành các đồ chơi như bồ đài, gầu tát nước, hay tết thành mũ Bao Công đội trên đầu, hoặc cuộn thành con trâu có hai sừng nhọn chìa ra cứ ngúc ngắc, gật gật cái đầu nhìn rất ngộ nghĩnh, do một sợi dây nhỏ điều khiển như kiểu chơi con rối.
Tuy thân cây đa rất lớn nhưng không tròn trĩnh. Giữa bụng đa lâu ngày bị mục ruỗng, trẻ con thường chui vào để chơi chốn tìm. Cũng may mà cây có nhiều rễ phụ từ những cành lớn cắm xuống đất, trông như những chân voi, vòi rồng nên lúc nào cũng vững chãi, hiên ngang trước những trận cuồng phong của trời đất.
Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân quân, du kích làm chòi gác trên ngọn đa để báo động cho dân làng tản cư, sơ tán hoặc xuống hầm ẩn lấp tránh bom đạn. Trên thân đa hiện còn lưu lại nhiều dấu tích của một số lỗ thủng khối u lớn. Các cụ cao niên trong làng có thể lý giải được đâu là do vết đạn đại bác của giặc Pháp hay của bom Mỹ bắn vào. Theo các cụ trong làng, trên thân đa còn nhiều những viên đạn, mảnh bom của giặc nằm trong đó. Nếu không có các cụ thì ít ai có thể nhận ra điều đó trên cây đa lúc nào cũng thấy vạm vỡ thân cành và xanh tươi vòm lá.
Đáng chú ý nhất vẫn là gốc đa, bộ rễ một phần nổi vồng lên trên mặt đất, bò ngoằn nghèo như những con trăn, con rắn khổng lồ. Trẻ chăn trâu thường luồn dây thừng buộc trâu vào rễ đa để trâu nghỉ ngơi giữa trưa hè nóng lực. Tôi còn nhớ trước đây có một quán nhỏ mái tranh nép dưới gốc đa và cách quán nhỏ này chừng mươi mét là xưởng sản xuất nông cụ của hợp tác xã. Nhưng đến nay thì cả cái quán nhỏ và xưởng sản xuất nông cụ kia của hợp tác xã đều không còn nữa.
Đặc biệt, các cụ cao tuổi thường vẫn thích ra đây ngắm cảnh và hóng mát. Còn trẻ con thì hầu như chiều tối nào cũng có mặt để chơi trốn tìm, đánh khăng, và ca hát. Gốc đa này còn là nơi tụ hội của lớp thanh niên mỗi khi có hội hè hoặc tết đến. Và từ lâu gốc đa đã trở thành điểm hẹn, bến đợi, thân thuộc, dễ nhớ, khó nhầm và cũng là nơi chứng kiến những mối tình của những cặp trai thanh nữ tú quê tôi, nhiều cặp vợ chồng cưới nhau cũng bắt đầu hò hẹn từ gốc đa này.
Cây đa làng tôi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nó là một phần hình ảnh phong phú, tươi đẹp của hồn làng. Có thể nói, cây đa này là nhân chứng lịch sử của những năm đen tối dưới thời phong kiến, đế quốc; cái thời mà những người nông dân nghèo thiếu sưu thuế, bị tróc nã ra đình, trói vào gốc đa bị đánh đập dã man.
Rồi những ngày hòa bình lập lại, từ gốc đa làng lại vang lên từng hồi kẻng báo giờ làm việc, báo giờ nghỉ ngơi và hội họp. Cây đa đã được dân quân du kích làng tôi treo lên đấy một chiếc kẻng vốn là vỏ một quả bom bị tịt ngòi của giặc Pháp. Tôi không biết có đúng thế không nhưng tự thấy cũng hay. Hóa ra thứ vũ khí hủy diệt sự sống của kẻ thù đã bị vô hiệu hóa và người dân mình bắt nó phải phục tùng trở thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Bây giờ do cơ chế làm ăn mới, làng ít dùng đến cái kẻng đó nữa, nhưng dù sao nó vẫn được giữ nguyên như một kỷ vật biết nói của một thời oanh liệt.
Cây đa làng tôi không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị tình cảm mà nó còn có giá trị đặc biệt về cảnh quan, môi trường sinh thái. Những ngày ngột ngạt nắng nóng người ta tìm đến gốc đa để giải tỏa căng thẳng. Cũng như cây tùng, cây bách, đa không bị trụi lá về mùa đông. Nó chịu đựng được mọi thời tiết khắc nghiệt để xanh tốt quanh năm. Trên cái nền xanh tươi chung của chòm xóm, đồng ruộng, làng quê, cây đa góp lên mảng mầu xanh riêng của mình. Đa cũng là cây đứng hàng đầu tỏa bóng che mát cho dân làng đi làm, trẻ em đi học hay lúc vui chơi. Đa còn là một vật thể được coi như tín hiệu dễ nhận biết nhất của mọi người về một làng quê cụ thể. Người ta muốn thăm hỏi đến đâu đó trong làng, người ta thường lấy cây đa làm mốc để tìm đến đích.
Khi nói về sự trường tồn, sức sống của đa thì nhiều cây khác không sao bì kịp. Một cây đa có sự nối tiếp liên tục của nhiều thế hệ, rễ, thân này mất đi đã có rễ, thân khác thay thế. Nó tự đào thải, tự phát triển để trường tồn và luôn trẻ trung. Những đền đài, đình, chùa kiên cố vậy mà vẫn bị thời gian, thiên tai, địch họa tàn phá nhưng có nhiều cây đa vẫn trụ vững hơn trước những biến thiên của lịch sử. Những cây đa ấy đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương, được nhân dân hết sức chăm sóc, giữ gìn.
So với nhiều loại cây khác, ở làng xã Việt Nam, đa vừa là vị hoàng đế, vừa là người bạn thân thiết. Chính vì vậy mà xưa nay nhiều bậc vĩ nhân, danh nhân thường chọn cây đa để trồng làm vật lưu niệm sống ở nơi này, nơi kia. Còn cây đa làng tôi, nghe các cụ bảo chẳng biết ai trồng cả, mà khi các cụ lớn lên đã thấy nó rồi. Chính từ cây đa này mà chúng tôi đã lớn lên, dưới gốc đa này chúng tôi đã chia tay người thân, bạn bè đi chiến đấu, người đi học, kẻ đi làm xa,…Để mỗi khi nhớ về quê hương, hình ảnh thân thuộc của cây đa làng trong tôi lại hiện về./.
Từ khóa » Cây đa Kia
-
170 Hộ Dân Thôn Cây Da đã Có điện Lưới Quốc Gia
-
Thằng Cuội - Ngọc Hiển
-
Giai Thoại Về Cây đa ở Thạnh Đông - Báo Bình Phước
-
Chuyện Về Cây đa Nở Hoa Gạo ở Ngôi đền Cổ Ven Sông Hồng
-
Gốc đa Xưa | Giác Ngộ Online
-
Cây đa Lịch Sử - Báo Nhân Dân
-
Cay Xang Da Kia | Vietnam - I-5.Biz
-
Cây đa, Sân Vận động Làng Sen - Nơi Chứng Kiến 2 Lần Bác Hồ Về ...
-
'Khách Sạn' Cây đa Của Trẻ Không Nhà - Tuổi Trẻ Online
-
Cây đa Máu - Phần 5 - Nghe Radio Online
-
Cây đa Hồn Làng - Báo Bắc Giang
-
Lời Bài Hát Lý Cây Đa (Dân Ca)
-
Lời Bài Hát Lý Cây Đa - Ngọc Hạ