Gốc đa Xưa | Giác Ngộ Online

GN - Ngoại tôi bảo, khi nào về quê, chỉ cần xuống đò ngang qua bên kia sông, rồi đến cây đa to đầu làng, nhà ngoại chỉ cách gốc đa ấy một con ngõ.

Tôi về, dỏng mắt tìm hoài chẳng thấy gốc đa quê, tần ngần không biết đâu là nhà ngoại giữa chi chít những ngôi nhà mới mọc? Lâu quá không về, làng quê đổi khác quá nhiều so với trước, con ngõ nhỏ giờ cũng rộng thênh thang mấy thước, những mái nhà tranh vách đất cũng không còn bóng dáng, thế mới biết, ở đời không có gì là mãi mãi.

Goc đa.jpg

Tranh minh họa, từ internet

Trước có người bạn đùa “nhà anh ở chỗ x, ngay trước cổng nhà có trụ điện rất to, dễ thấy, khi nào đến thấy trụ điện người ta dời đi thì biết nhà anh không còn, cứ alô”. Tôi đứng tần ngần nơi đầu làng, không biết cây đa làng hàng trăm tuổi giờ đã được “dời” đi đâu? Nghĩ thầm, nếu không hỏi thăm đường chắc cũng đành alô cho ngoại.

Đã hơn mười năm không về quê, những tưởng cây đa làng vẫn còn đứng nguyên ở đó, hiên ngang như một chiến binh hùng dũng dang rộng đôi tay để bảo vệ làng. Cái gốc đa xù xì ấy đã từng tồn tại trong ký ức tuổi thơ tôi và hẳn cũng ở trong ký ức của những con người nơi đây. Đậm đà và thân thương. Vậy mà giờ chỉ còn trong miền nhớ.

Cái gốc đa hàng trăm năm tuổi đó nằm ngay đầu làng, người ta muốn đi vào làng hay ra khỏi làng đều phải đi qua gốc đa ấy. Với từng ấy tuổi đời, không biết gốc đa kia đã đón đưa bao nhiêu đứa con của làng đi về qua năm tháng.

Chẳng ai biết gốc đa làng có từ đời nào, trong gia phổ của làng cũng không thấy đề cập đến. Khi tôi biết đi, cây đa làng đã sừng sững ở đó. Ông tôi bảo cây đa ấy có trước cả khi ông tôi chào đời, và từ thời ông cố của tôi còn trẻ, cây đa đã dang rộng tay đứng canh ngoài kia.

Người làng bảo những năm chiến tranh, bom đạn trút xuống làng không biết bao nhiêu mà kể, người không sống được huống hồ cây cỏ. Thời ấy trong làng không một cây xanh nào còn sống sót được, vậy mà cây đa đầu làng vẫn hiên ngang trong gió. Có mấy bận bị trúng bom nặng, cây đa già nghiêng ngả, cành lá tả tơi, tưởng chừng đã chết, vậy mà qua vài cơn mưa, qua vài con nắng, cây đa lại rùng mình thay lá, vẫn xanh tươi trong bom đạn kẻ thù. Thế nên, người làng có đi đâu xa, cũng bởi thương nhớ cây đa quê mình mà quay về với quê cha đất tổ.

Hồi nhỏ, tôi thường rủ mấy đứa hàng xóm ra gốc đa làng chơi “năm mười”, chơi “nhảy ngựa”… thành ra gốc đa già ấy, cũng chứng kiến không biết bao nhiêu là trò chơi của tuổi thơ tôi.

Gốc đa to và xù xì bởi tuổi tác, nhưng tán đa rất rộng nên là nơi lý tưởng để ngồi hóng mát lúc nắng lên. Người làng đi chợ về ngang qua gốc đa tranh thủ nghỉ chân một tí cho đỡ nhọc; đi làm đồng về cũng tranh thủ ngồi một chốc dưới gốc đa cho ráo mồ hôi mới chịu về nhà. Còn lũ trẻ chăn trâu thì khỏi nói, gốc đa được xem như là nhà, khi trâu đang lững thững gặm cỏ trên đồng cạnh đó, lũ trẻ sẽ kéo nhau đến dưới gốc đa làng, khi bày trò trận giả, khi nướng khoai nướng sắn, có khi lại ê a học bài. Thành ra cây đa dù không có mắt, không có tai nhưng vẫn chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện, nghe bao nhiêu thứ từ làng.

Những tưởng cây đa ấy sẽ ở đó mãi mãi, sống mãi với làng quê. Bao nhiêu bom đạn của kẻ thù vẫn không thể làm bật được gốc cây đa già, vậy mà chỉ cần một chiếc máy ủi, một chiếc máy xúc, cây đa đã mất dấu vĩnh viễn ở làng.

Đường làng giờ rộng thênh thang, có người làng ngang qua nơi gốc đa cũ dợm bước định ghé vào nghỉ chân tí chút cho đỡ nhọc, bỗng ngẩng đầu nhìn lên, trên kia là bầu trời xanh ngắt, là nắng vàng đổ lửa, đâu còn lá đa reo cười trong gió? Đâu còn bóng đa xưa?

Làng quê đổi mới đã đánh cắp cuộc đời của cây đa già...

Từ khóa » Cây đa Kia