Cay đắng Mùi đời/Cuốn Thứ Nhứt/Cay đắng Mùi đời - Wikisource

Bước tới nội dung
  • Văn kiện
  • Nguồn
  • Thảo luận
Tiếng Việt
  • Đọc
  • Sửa đổi
  • Xem lịch sử
Công cụ Công cụ chuyển sang thanh bên ẩn Tác vụ
  • Đọc
  • Sửa đổi
  • Xem lịch sử
Chung
  • Các liên kết đến đây
  • Thay đổi liên quan
  • Tải lên tập tin
  • Trang đặc biệt
  • Thông tin trang
  • Trích dẫn văn kiện này
  • Lấy URL ngắn gọn
  • Tải mã QR
In/xuất ra
  • Tải về bản in
  • Tải về EPUB
  • Tải về MOBI
  • Tải về PDF
  • Định dạng khác
Tại dự án khác Giao diện chuyển sang thanh bên ẩn Tải về Văn thư lưu trữ mở Wikisource < Cay đắng mùi đời | Cuốn thứ nhứt(Đổi hướng từ Cay đắng mùi đời/I) ←Cuốn thứ nhứt, Cay đắng mùi đời bình nghị Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu ChánhCay đắng mùi đờiCuốn thứ nhì→ 44778Cay đắng mùi đời — Cay đắng mùi đờiHồ Biểu Chánh

CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI

Ai đi đường Chợlớn xuống Gòcông, hễ qua đò Bao-Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ-lợi, tới khúc quanh, thì sẽ thấy bên phía tay trái, cách lộ chừng ít trăm thước, có một xóm đông, kêu là Xóm-Tre, nhà ở chật, cái trở cữa lên, cái day cữa xuống, tre xanh kịch bao trùm kín-mít, ngoài vuông tre thì ruộng bằng-trang sấp liển từ dây. Qua mùa mưa cây đượm màu, ruộng nỗi nước, thì trông ra chẳng khác nào cù-lao nằm giữa sông lớn.

Đến nửa tháng năm, trời mưa dầm dề ngày nào cũng như ngày nấy. Chiều bữa nọ, trận mưa mới tạnh, bóng mặt trời chói chói phía bến đò, trong xóm nhà nhúm lửa nấu cơm chiều khói lên ngui-ngút; tre níu nhau mừng trời mát lá dủ phất phơ. Ngoài đồng náo nức nông-phu; bạn cày thá di tiếng vang vầy, công cấy hát hò hơi lảnh lót. Dưới sông Bao-Ngược ghe chài chở lúa trương buồm rồi thả trôi theo giọt nước, chiếc nào chở cũng khẩm lừ. Trên lộ Cây-Dương xe ngựa đưa người nút-ních chạy chậm xì, tiếng lục-lạc nhỏ khua xa xa nghe như tiếng nhái.

Dưới cuối xóm, phía mặt trời lặn có một cái nhà lá đã nhỏ mà lại thấp, muốn vô nhà qua cữa phải cúi đầu. Dựa bên nhà có một cái chuồng vịt, tuy xấu nhưng mà sạch, nên không hôi cho lắm. Trước sân thì ướt át, có một đám rau đắng đất không trồng mà mọc, dường như tỏ dấu người ở trong nhà chẳng biết ngọt buồi. Còn sau hè thì có hai hàng chuối xơ rơ, chớ không có một bụi tre, bỡi vậy ở một xóm mà khác mấy nhà trong xóm.

Trong nhà im-lìm vắng-vẻ, chỉ có mấy con gà giò kiếm ăn chéo chéc dưới sân, với một con chó vàng ốm, nằm dựa xó cữa lim-dim như buồn ngủ. Cách một lát con chó vùng đứng dậy ngoắt đuôi, mấy con gà dực-mình chớp cánh chạy vô buồng, còn ngoài bờ có một đứa trai nhỏ, chừng tám chín tuổi, ở truồng ở trần, thủng thẳng lùa một bầy vịt vô sân, sau lưng có một con heo đen ột ệch đi theo lấm lem lấm luốt. Vô tới sân con heo đứng dựa đám rau đắng ngoắt đuôi mà ngó vô nhà, còn đứa nhỏ thì chạy lăn xăn chận bầy vịt mà nhốt.

Lúc thằng nhỏ đương đóng cữa chuồng vịt thì con chó thủng-thẳng bước ra ngoắt đuôi mừng rồi lim cẳn lim tay, coi như hình tiếp rước. Thằng nhỏ vổ trên lưng con chó vài cái rồi đi lại chỗ khạp nước để trước cữa đứng mà kêu heo: « Quắn, quắn ột! Quắn ột, ột, ột..... » Con heo núc ních đi lại, thằng nhỏ mới lấy gáo múc nước trong khạp xối mà kỳ rửa bùn đất sạch sẽ rồi lùa vô nhà.

Lo cho heo vịt xong rồi, nó mới trở lại chỗ khạp nước nữa. Con chó chạy theo đứng xẩn bẩn bên chưn. Nó múc nước xối tắm, con chó sợ nước đổ ướt lông nên nhảy trái chạy vô nhà đứng ngó. Thằng nhỏ thấy vậy tức cười ngất rồi nói rằng: « Sao chạy đi? Ra đây tắm với tao chơi mà! »

Thăng nhỏ đứng tắm mặt mày sáng rở, da trắng, thịt săng, hai bàn tay ngón tròn mà dài, đầu cạo chừa chóp tóc xuống khỏi ót, hình dạng nhắm coi thì chẳng kém chi con nhà sang giàu, nhưng mà vì bỡi ở trong chốn lâu hạn bần cùn nên dầu ngọc cũng phải lu, dầu vàng cũng mất nước.

Con chó vàng thình lình trong nhà vụt chạy thẳng ra sân, thằng nhỏ ngó theo thì thấy ngoài bờ có một người đàn-bà xâm xâm đi vô, nó liền la lớn « má về » rồi buông gáo chạy ra nắm tay mừng rở mà dắc vô. Người đàn-bà nầy trạc chừng 34 tuổi, áo xăn ngang, ống quần vo tới đầu gối, nước da không đen không trắng, mặt tròn, chơn-mày rậm, mình mẩy ướt loi ngoi, sau lưng có giắt một cây nọc cấy, trên đần bịch trùm khăn vải trắng, ngoài đội thêm một cái nón lá dừa, đi vô vừa tới sân, mắt liếc ngó chuồng vịt rồi hỏi thằng nhỏ:

— Con cho heo ăn rồi hay chưa vậy con?

— Chưa, má à! tôi mới tắm rồi đuổi vô nhà đó đa.

— Vịt về đủ hay không, con?

— Tôi nhốt rồi mà tôi quên đếm.

Thằng nhỏ nói chưa dứt lời liền chạy lại chuồng vịt, còn người đàn-bà thì đi thẳng vô nhà thay áo quần. Một lát thằng nhỏ ở ngoài nói: « Đủ 9 con, má à. » Người đàn-bà ở trong buồng trả lời: « Được ơi! thôi con tắm rồi bận quần bận áo kẻo lạnh lắm con » Thằng nhỏ nói: « Tôi tắm rồi. »

Mẹ con bận áo quần xong rồi thì trời đã chạn vạng tối, ngoài bụi chuối nhái kêu chót chét, dựa xó hè dế đất ngâm nga. Mẹ thì đi nhúm lửa rồi vo gạo nấu cơm, còn con thì lấy cám sú cho heo ăn. Cơm chín mới đốt đèn dọn ăn, tuy có một dĩa rau với vài con cá sặc nhỏ, mà mẹ con đói bụng nên ăn coi ngon lành, cũng như người ăn chả phụng khô lân. Lúc ăn cơm người đàn-bà ấy liếc ngó thằng nhỏ hoài, coi cập con mắt thì biết trong lòng thương nó lắm, song chẳng hiểu vì cớ nào bữa ấy hễ ngó con rồi day mặt chỗ khác lại có sắc buồn. Ăn cơm rồi gài cữa tắt đèn mẹ con dắc nhau vào buồng mà ngủ.

Người đàn-bà nầy là Lê-thị-Thời, có một người anh thứ hai tên là Lê-văn-Tiết, chị ta nhằm thứ ba, nên từ khi có chồng cho đến nay trong xóm kêu là ba Thời. Chị ta mồ côi cha mẹ, lúc còn nhỏ thì ở đợ cho ông cả trong làng, đến chừng được 19 tuổi, có tên Trần-văn-Hữu ở xóm Cầu-Mống, cũng con mồ côi, ở với chú mà làm ruộng, thấy chị ta giỏi-giắn mới cậy mai đi nói mà cưới. Vợ chồng ở với nhau được 2 năm, người chú mới cất cho một cái nhà lá nhỏ tại đầu Cầu-Mống đặng ra ở riêng mà làm ăn. Tuy tên Hữu có tánh lổ mảng, ăn nói không chừng, song vợ chồng ở với nhau cũng thuận-hòa, mướn được một mẩu ruộng rồi, vợ chồng gia công mà làm, làm ruộng nhà rồi lại đi cày cấy, nhổ mạ, gặt lúa mướn cho người ta nữa, buông dầm cầm chèo, không chịu ở không, bỡi vậy cho nên năm nào trong nhà cũng có dư được năm bảy chục giạ lúa.

Vợ chồng ở với nhau đến 5 năm mới sanh được một đứa con gái. Thời chẳng may nên con nhỏ nuôi được mới 4 tháng rồi nó chết. Vợ chồng buồn rầu thối chí hết muốn làm ăn, mà nhứt là tên Hữu nhớ con khóc hoài, tính trả ruộng đặng đi làm mướn, chớ không chịu lo cày cấy nữa. Ba Thời năn-nỉ khuyên lơn hết sức mà chồng không nghe lời, làm mãn mùa rồi mới trả ruộng lại cho chủ mà đi chèo ghe mướn.

Chồng đi khỏi, ba Thời ở nhà một mình nuôi vịt nuôi gà, đi xúc đi tác, rồi đem đổi gạo mà ăn cho qua ngày. Một đôi tháng chồng về một lần, mà về thì về thăm một ngày một buổi rồi đi, chớ không cho vợ một cắt nào, mà coi bộ lại quạo-quọ nữa. Có một lần tên Hữu về ba Thời năn-nĩ khuyên chồng ở nhà, dầu nghèo nàn cực khổ đủ vợ chồng hủ-hĩ cũng vui; tên Hữu nổi cộc bèn nạt rằng: « Mầy không bằng lòng thôi thì lấy chồng khác đi, hay là về ngoài anh mầy mà ở, đừng có nói nhiều chuyện lắm vậy. » Nói rồi bận áo bỏ ra đi nữa.

Cách sáu bảy tháng sau, ba Thời nghe người ta nói chồng mình đã có vợ khác bên Cần-Đước và đã dắc nhau xuống Cầnthơ mà làm ruộng. Chị ta nghe chồng bạc-bẻo thì phiền nảo vô cùng, vào ra quạnh-quẻ hết muốn làm ăn, sớm tối thở-than khó cầm giọt lụy. Nhà một ngày một nghèo, hai mái dột hết không có tiền mua lá mà lợp lại, vô thưa với chú chồng thì ổng hiểu: « Thằng chết vầm đó nó không thương con, thôi con bỏ nhà về ngoài anh con mà ở, rồi con muốn lấy chồng khác thì lấy, chớ chú biết liệu làm sao bây giờ. »

Ba-Thời đã sẵn ý phiền chồng, nghe chú chồng nói xuôi xị như vậy lại càng buồn thêm nữa, nên giao nhà cho chú chồng rồi gói áo quần trở về Xóm-Tre mà nương-náu với anh. Tuy chồng bạc-bẻo thì phiền, nhưng mà chị ta vẩn cũng còn thương hoài, chẳng hề tính lấy chồng khác, nên về ở với vợ chồng Lê-văn-Tiết gần một năm, ngày lo làm công việc, tối nằm mảng đợi trông, thầm vái van cho chồng nghĩ bụng trở về, đặng cho cá nước sum vầy, dầu cực khổ cũng cam tâm mà chờ vận. Trông đà mỏi mắt, mà chồng chẳng thấy về, ba Thời thối chí hết muốn làm ăn nữa.

Ba Thời ở với anh được một năm, kế có chú Tích là người gốc ở Xóm-Tre, song mấy năm nay lên Chợlớn làm ăn, nay có bà con trong họ muốn bán ruộng của ông bà lưu lại nên kêu chú về đứng giấy. Nhơn dịp ấy chú dắc vợ con về thăm trong làng, tiện bước ghé thăm luôn hai anh em tên Tiết. Thím Tích thấy ba Thời thì liền hỏi thăm việc chồng con rồi khuyên ba Thời đi theo mình lên Bình-Tây ở mà vá bao cho nhà máy xay lúa. Ba Thời đương buồn chồng cuồng trí, nên nghe biểu như vậy liền nói với anh và chị dâu mà đi. Theo thế thường tình chị dâu em chồng chẳng mặn nồng chi cho lắm, nhưng mà vợ tên Tiết thấy ba Thời vô duyên bạc phận chồng bỏ bơ vơ thì đem lòng thương, nên không muốn để cho ba Thời đi, mà vì bỡi tên Tiết thấy em ngày lơ-lững tối thở-than, muốn cho em đi xa ít tháng đặng giải khuây, nên không nỡ cản.

Vợ chồng chú Tích ở một cái chòi nhỏ tại Bình-Tây, thuộc phía sau nhà-máy thổi. Ngoài mé sông đi dọc theo đường hẻm dựa nhà máy, đi mút tấm vách tường nhà-máy phải băng ngang qua một miếng đất trống, mả mồ lúp-xúp, cây-lức u-du mọc tàn-lan, lại còn phải đi vòng theo mé vũng rau muống-biển mọc đầy, rồi mới tới nhà chú Tích. Vợ chồng ở đây làm mấy năm cũng đủ ăn, chồng thì vác lúa, vợ thì vá bao, còn con gái, được 15 tuổi, tên là con Thiện, thì coi nhà nấu cơm vá áo.

Ba Thời lên ở với vợ chồng chú Tích, mỗi ngày đi theo thím Tích mà vá bao, chẳng phải là vì thấy mỗi tháng ăn uống rồi còn dư được năm ba đồng bạc mà hết buồn, thiệt là vì ở xứ lạ không thấy người quen, mà nhứt là nhờ thím Tích hay kiếm chuyện nói cho vui, nên ba Thời lần lần khuây lảng. Tuy vậy mà cũng chẳng có khi nào mà ba Thời tính tới sự cải giá, tự nguyện rằng dầu chồng chẳng tưởng mình cũng giữ cho trọn tiết với chồng.

Có đêm trời mưa rỉ-rã, gió thổi lạnh lùng, ba Thời nằm nhớ đến chồng thì dầm-dề giọt lụy, thầm tiếc rằng chớ chi mà con còn sống, dầu chồng có bỏ thì hủ-hỉ với con, cũng còn có chỗ vui, ngặt vì chồng đã biệt mất mà con cũng không còn, nên mới đau-đớn chốn cô-phòng hiu-quạnh.

Ba Thời ở với vợ chồng chú Tích được một năm, bữa nọ vá bao đến tối, thím Tích đi về trước, còn ba Thời mắc qua chợ Bình-Tây mua ít con khô lóc đem về ăn, nên thủng-thẳng về sau. Về đến miếng đất trống ở phía sau nhà máy, lúc ấy đã 7 giờ tối, lại nhằm lúc mùng bảy mùng tám, nên trăng không được tỏ, ba Thời đương đi thình-lình nghe trong bụi lức dựa gò mã có tiếng con nít khóc. Ban đầu chị ta tưởng ma nhát nên ngực nhảy hồi-hộp, mặt mày tái xanh, muốn bỏ mà chạy. Song chị ta nghĩ trời mới tối không lẻ có ma, mà dầu có ma thiệt đi nữa, đây cũng đã gần nhà, không đủ lo sợ, nên chị ta đứng lại nghe cho chắc coi thiệt phải con nít khóc hay không.

Ba Thời đứng lóng nghe tiếng khóc một hồi rồi nín. Chị ta vừa muốn bỏ đi, lại nghe khóc nữa. Chị ta mới làm gan lần-lần đi vô chỗ bụi lức coi vì cớ nào mà có con nít khóc trong đó. Đi gần tới thì tiếng khóc lại càng lớn hơn nữa. Chị ta và đi và phập-phồng, chưn thì bước, mà mắt thì ngó chừng nhà. Tới bụi lức, thiệt quả thấy có một đứa con nít nằm ngữa mà khóc, chung quanh có bao một cái mền tua trắng. Chị ta ngó chừng nhà chú Tích thì thấy có đốt đèn, nên trong lòng bớt sợ, bèn cập mấy con khô vô nách rồi thò tay ôm hết và cái mền và đứa nhỏ mà đem về.

Ba Thời bước vô nhà, vợ chồng chú Tích thấy có bồng con nít trum-trủm trước ngực thì chưng-hững, không biết bồng con của ai. Ba Thời bèn thuật hết đầu đuôi việc mình xí được đứa nhỏ lại cho vợ chồng chú Tích nghe, rồi mới biểu thím Tích đem đèn lại đặng có dở đứa nhỏ ra coi bao lớn, con trai hay là con gái, có đau ốm chi hay không.

Ba Thời ngồi ghé phía đầu váng, thím Tích thì cầm đèn, còn chú Tích với con Thiện thì đứng ngó, ba Thời dở mền ra thì thấy một đứa con trai, chừng năm sáu tháng, da trắng, tóc đen, môi son, miệng rộng, cườm tay như ống chỉ, bắp chưn như củ cãi, đầu đội một cái mủ kết bằng lụa màu bông phấn, mình mặc một cái áo đầm cũng bằng lụa màu bông hường, ở truồng mà cẳn có mang một đôi vớ bằng chỉ-lên màu lông két, còn cổ lại có đeo một sợi dây chiền vàng nhỏ. Đứa nhỏ bị chói đèn nên nheo nheo con mắt một hồi rồi bú tay, ngó đèn không khóc la chi hết.

Ba Thời thấy nó trắng trẻo ngộ nghĩnh mà chẳng bịnh hoạn thì mừng húm, liền bồng mà hun trơ hun trấc rồi nói rằng: « Con ai như vầy mà đem đi bỏ cho đành! Mình xí được, thôi, mình để nuôi chơi. »

Chú Tích liền cảng rằng: « Không được đâu em! Qua coi tướng mạo áo mủ của thằng nhỏ nầy, qua chắc nó là con nhà giàu, có lẽ khi họ mướn vú nuôi rồi có việc chi đó vú nó bỏ lẩy. Nếu em giấu mà nuôi, qua sợ ngày sau lậu việc em mang tội chớ không chơi đâu. » Ba Thời nói: « Người ta bỏ mình xí được thì mình nuôi, như họ có biết họ đến họ đòi thì mình trả, chớ có tội gì... Ý! mà tôi nghi có lẽ khi con gái nhà giàu chữa hoang đẻ lạnh, sợ để nuôi xấu hổ nên họ đem đi bỏ đây chớ gì. Tôi tưởng tôi nuôi được mà, có sao đâu mà sợ. »

Chú Tích nghe nói ngồi ngẩm-nghĩ một hồi, rồi khuyên ba Thời có muốn nuôi, song phải đi cớ cò bót hay, làm như vậy dầu ngày sau có ai mất con họ tìm ra mối, mình mới khỏi tội. Thím Tích cho lời của chồng nói đó là hữu-lý, nên dọn cơm ăn rồi hối ba Thời qua bót mà cớ.

Lúc ngồi ăn cơm, ba Thời để thằng nhỏ nằm một bên thì nó khóc như ác-là. Ba Thời thấy tội nghiệp ngồi ăn không ngon, liền vạch áo cho nó bú thử vú da, thì nó hết khóc mà lại núc mạnh lắm. Thím Tích thấy vậy mới nói rằng: « Thằng nhỏ nầy nó khát sữa nên nó khóc chớ gì. » Ăn cơm rồi ba Thời mượn thím Tích dỗ giùm đứa nhỏ đặng đi với con Thiện ra quán mua một hộp sữa bò về khuấy cho nó uống đở. Thằng nhỏ uống sữa no-nê, nằm lật chơi một hồi rồi ngủ chẳng la khóc chi nữa.

Rạng ngày ba Thời thức dậy cho thằng nhỏ uống sữa no rồi, mới mượn thím Tích dắc đường đặng bồng nó qua bót mà cớ. Chị ta thưa hết đầu đuôi việc mình xí được đứa nhỏ cho ông cò nghe, rồi nài xin ông cò cho đứt cho mình nuôi, chớ đừng có bắt lại.

Ông cò nói không được, bỡi vì ổng không biết nó là con của ai, nên ổng không dám cho phép. Ba Thời năn nĩ hết lời, ông cò thấy vậy mới cho phép đem về nuôi, song ổng dặn nếu có ai đến nhìn, có bằng cớ đủ, thì phải trả lại cho người ta. Ba Thời nghe nói như vậy thì dụ-dự không muốn nuôi, nghĩ vì mình nghèo bây giờ có nuôi thì phải mua sữa bò mà cho bú, đã thất-công mà còn tốn của, nếu một ngày kia phải trả lại cho người ta thì nuôi có ích chi đâu. Ông cò nói rằng đứa nhỏ nầy chắc là con nhà giàu, hễ cha mẹ nó đến nhìn thì ổng sẽ biểu cho tiền mà đền công dưỡng-dục không có sao mà sợ. Ba Thời trong lòng quyết xin đứt mà nuôi, nên dục-dặc hoài, ông cò thấy vậy mới móc túi đưa cho chị ta một đồng bạc, biểu đem về mua sữa bò cho nó bú, mãn một tháng phải bồng nó qua bót rồi ổng sẽ liệu cho.

Ba Thời bồng về, ban đêm thì chị ta dỗ ngủ, còn ban ngày thì mượn con Thiện ở nhà cho uống sữa, săn sóc giùm, mỗi tháng cho nó 5 cắt bạc, đặng cho chị ta có đi vá bao mà kiếm tiền. Nuôi được ít bữa chị ta nhai cơm mà đút, tập đặng cho nó biết ăn lần lần, đêm nằm thường vái đừng có ai đến nhìn đặng cho chị ta nuôi làm con mà hủ-hỉ cho quên nỗi chồng bạc-bẻo. Trọn một tháng thằng nhỏ ăn chơi mạnh giỏi như thường, không có chún-chứn òi-ọp chi hết.

Đúng tháng ba Thời bồng nó qua bót trình cho ông cò xem, thì ổng nói ổng đã có chạy giấy ra ngoài bót-cái mà không thấy ai đến nhìn, vậy như chị ta có muốn nuôi thì đem về mà nuôi, còn như không muốn nuôi thì trả cho ổng đặng ổng gởi vô nhà mồ-côi, hoặc ổng cho nhà-phước. Ba Thời tuy không chắc nuôi có bền hay không, song thấy đứa nhỏ dễ thương nên không đành rức mà giao cho người khác, bỡi vậy đứng ngẩm nghĩ một hồi rồi xin với ông cò để cho mình nuôi. Ông cò mới viết một cái giấy, ký tên đóng con dấu hẳn hòi, rồi đưa cho ba Thời, biểu giữ cái giấy ấy, như ngày sau ai có nhìn thì đem tới bót rồi trình cho cò họ xem, khỏi ai trành tròn được.

Ba Thời được cái giấy của cò thì mừng rở vô cùng. Tối bữa ấy tính đặt tên cho thằng nhỏ mà không biết đặt tên gì, bàn luận với vợ chồng chú Tích một hồi rồi nhứt định mình xí được nó, thôi đặt tên nó là thằng Được. Nuôi thằng nhỏ hơn một năm nó biết đi và biết nói chút đỉnh rồi, chẳng may chú Tích đau không mấy ngày mà chết. Thím Tích bị chồng đau túng rồi, rồi kế chồng chết tốn hao nữa, nên trong nhà nghèo khổ phải tính lấy chồng khác mà nuôi tấm thân.

Thím Tích có chồng rồi dắc con về ở theo chồng ngoài chợ-Đuổi. Ba Thời một mình bơ vơ, nên phải bồng con dan ghe trở về Xóm-Tre mà ở với anh. Mấy năm ở Bình-Tây tiện tặn để dành được 35 đồng bạc. Lê-văn-Tiết ở nhà nhờ ruộng trúng mấy năm cũng có dư được vài ba thiên lúa, làng lại cữ làm chức Phó-thôn, thấy em về thì mừng rở, song thấy có thằng Được thì trong lòng sanh nghi. Ba Thời thuật việc thình-lình mà gặp thằng Được lại cho anh chị nghe, rồi đưa giấy của ông cò cho anh chị coi, thì Lê-văn-Tiết tin bụng em nên không hồ nghi chi nữa, nhưng mà vợ tên Tiết với xóm giềng ai thấy thằng Được nay đã được mười tám mười chín tháng, còn ba Thời bỏ làng mà đi tính đã chẳn hai năm, thì cũng đều nghi cho ba Thời đã có chửa hoang bốn năm tháng, sợ ở trong làng lậu việc, nên mới kiếm cớ mà đi, bỡi vậy cho nên ai cũng xầm-xì, ai cũng nói thằng Được là con của ba Thời đẻ.

Ba Thời chịu tiếng nhơ lấy làm oan ức, nhưng mà nghĩ vì lòng ngay dầu người không thấu chớ trời phật cũng hay, bỡi vậy chị ta giã làm tai điếc mặt ngơ quyết nuôi thằng Được sớm khuya hũ-hỉ mà lấp bớt cái mạch sầu, không màn miệng mối lưỡi lằn, chi sá hơi hành dọng tỏi. Chị ta đi thăm chú chồng thì nghe nói chồng đi biệt không thấy về; chị ta mới mượn của anh thêm vài chục đồng bạc nữa, rồi mua cây lá cất sơ-sài một cái nhà nhỏ mà ở gần với anh chị.

Ba Thời ở Xóm-Tre trọn 7 năm trời, đến mùa cấy thì đi cấy, đếm mùa gặt thì đi gặt, hết mùa làm ruộng thì xúc tôm bắt cá đem bán kiếm tiền; trong nhà lại nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo, nuôi đến lớn rồi đem đi bán. Mẹ con hẫm-hút, tuy là cực khổ, song cũng chẳng đói khát bữa nào. Còn người trong xóm, hồi ba Thời mới về, thì xúm-xích dị-nghị nhiều lời, đến chừng ở được đôi ba năm, việc đã nguôi-ngoai, thì cũng không còn ai chê cười chi nữa. Có người thấy chị ta tánh hiền nết tốt, lại để ý mến yêu, nên đã không cười sự chồng đi khỏi ở nhà có con, mà lại còn kiếm cớ mà nói rằng thiệt thằng Được là con nuôi, bỡi vì mặt mũi tay chơn chẳng giống chị ta chỗ nào hết. Thế tình ấm lạnh nghĩ đến ngậm ngùi, khi thương dầu ngược cũng nói xuôi, lúc ghét dầu thiệt ngọt buồi cũng cho là cay đắng.

Trót mấy năm trường, tuy nhà nghèo cực khổ, tuy chồng bỏ buồn rầu, nhưng mà ba Thời hễ thấy mặt thằng Được thì hớn hở vui cười, dường như thằng nhỏ nầy nó có phép chi mầu nhiệm, dầu buồn thấy nó thì hết buồn, dầu mệt thấy nó thì quên mệt.

Hôm nay chị ta đi cấy về ngồi ăn cơm với con sao lại ngó nó mà buồn, chừng ăn cơm rồi sao lại tắt đèn đi ngủ liền, chẳng chuyện vản chi hết? Thằng Được tuy còn thơ ngây chưa hiểu việc đời cho lắm, song nó từ nhỏ cho đến bây lớn, vào ra hôm sớm chỉ thấy có một mình ba Thời mà thôi, hồi nhỏ thì đút cơm rửa đít, khi đau thì ôm ấp ẵm bồng, lúc rảnh thì đưa vỏng hát hò, đêm lạnh thì trùm mền hun hích, mẹ thương con, con triếu mẹ, mẹ làm mệt thì con nói đỏ-đẻ cho mẹ vui lòng, con đi chơi thì mẹ chạy kiếm lăn-xăn sợ con dại dột. Thằng Được vì lòng thương mẹ nên hễ mẹ đi khỏi thì ở nhà nó ngóng trông, chừng mẹ về thì nó chạy ra mừng, rồi lại thường liếc coi ý mẹ buồn vui cho biết. Bữa ấy nó thấy mẹ nó không được vui thì nó cũng buồn thầm, nó muốn hỏi coi vì cớ nào mà mẹ nó buồn, song nó nghĩ chắc là tại đi cấy mệt, rồi lại bị trời mưa lạnh, nên biểu đi ngủ thì nó đi, nó không hỏi đến.

Thằng Được vào trong giường nằm với mẹ, chẳng hề trăn trở, mà mẹ nó cũng im-lìm. Gần hết canh một mà nó cũng chưa ngủ, trong trí cứ nhớ việc nầy, tưởng việc nọ hoài, nhớ hồi xế trời mưa ở nhà trông mẹ, rồi lại thương mẹ lạnh lùn, nhớ hồi tối đi lùa con heo về gần tới sân gặp con rắn mối chạy ngang dực mình dực mẩy. Nó đương thao-thức thình lình nghe mẹ nó cất đầu lên rồi day ra ngoài giường mà hĩ mủi. Nó biết mẹ nó chưa ngủ, song nó cũng cứ nằm im-lìm. Cách một hồi mẹ nó lại day qua ôm nó mà hun hai ba cái, nước mắt dín ướt mặt nó, nó mới hay là mẹ nó khóc. Nó làm bộ như ngủ nằm ninh luôn, song nó lấy làm buồn bực vô cùng, không hiểu có việc chi mà mẹ nó lại khóc thầm như vậy.

Thằng Được nằm buồn một hồi rồi ngủ quên. Đến hừng sáng mẹ nó kêu nó thức dậy ăn cơm rồi dặn nó coi chừng nhà đặng có đi cấy. Ngày ấy nó không vui chơi, không lấy đất liện cu-xanh, không bắt chó làm ngựa mà cởi như mấy bữa khác. Nó cứ ngồi dựa cữa mà ngó ra ngoài ruộng hoài, suy tới nghĩ lui coi tại sao mà mẹ buồn rầu đến đổi đêm nằm lụy ứa, rồi lại hỏi thằm rằng không biết tại sao mà trẻ nhỏ trong xóm như thằng Cam, con Lụa, thằng Phát, con Tiền, đứa nào cũng có mẹ mà lại cũng có cha, còn phận mình đây sao mình có một mẹ mà thôi, còn cha đi đâu mà thuở nay không thấy mặt. Nó nhớ tới sự mẹ nó khóc thầm thì nó buồn, mà chừng nó nghĩ tới việc nó không có cha, thì trong lòng nó tại càng áy-náy, tưởng thầm rằng hay là tại không có cha nên mẹ mới buồn rầu đây chăng.

Đến trưa ba Thời nghỉ cấy, tạm về một chút mà thăm nhà, thấy con nằm chèo-queo trên váng bộ mặt buồn xo; mà thằng Được liếc coi thì thấy mẹ nó cũng chẳng vui chi đó. Ba Thời dòm heo, coi vịt, hỏi con có lấy cơm nguội mà ăn hay không, rồi bỏ ra đi, chớ không hỏi coi tại sao mà con không chạy đi chơi. Đến tối trở về thay áo thay quần rồi đi nấu cơm, thấy con cũng chẳng vui cười như trước song cũng chẳng hỏi tới. Chừng cơm chín dọn ra ăn, thằng Được ngó mẹ nó một hồi rồi hỏi rằng:

— Tại sao mà từ hôm qua đến bữa nay má buồn dữ vậy má?

— Có giống gì đâu mà buồn.

— Có việc gì đó, chớ sao lại không có.

— Có việc gì đâu?

— Không có sao hồi hôm má khóc?

Ba Thời nghe hỏi tới đó thì chưng-hững, nên ngó con rồi lặn thinh không chịu trả lời. Thằng Được thấy vậy không muốn hỏi riết tới làm chi, nên và ít miếng cơm rồi kiếm chuyện khác mà nói rằng:

— Nầy má! thằng Cam, thằng Phát, đứa nào cũng có tía nó hết, còn tía tôi là ai đâu má há?

— Tía con đi khỏi gần về đa.

— Đi đâu vậy má?

— Đi làm ruộng dưới Cầnthơ.

— Tía tôi đi hồi nào đâu mà sao từ nhỏ đến bây giờ tôi không thấy mặt lần nào hết vậy má?

— Đi lâu lắm mà! Đi hồi mới đẻ con ra lận.

— Sao má biết tía gần về?

— Có người ta nói.

— Ai nói đó má?

— Ai nói cũng vậy, con tra hạch làm chi, con.

— Tía tôi như tía thằng Cam vậy phải hôn má?

— Không. Tía con nhỏ hơn mà cao hơn.

— Sướng a! Tía tôi về đây tôi biểu tía tôi mua thép uốn lưỡi câu rồi tôi đi câu với tía tôi chơi. Nầy má, hôm trước thằng Phát đi câu với tía nó, nó câu được một con cá trê lớn quá, má à.

Ba Thời nghe con nói chừng nào thì trong lòng buồn chừng nấy, nên ngồi rưng-rưng nước mắt không nói chi hết. Ăn cơm rồi mẹ con gài cữa tắc đèn đi ngủ. Ba Thời nằm im-lìm, còn thằng Được cũng nằm ninh khe không cụt cựa. Vừa hết nửa canh một, trong ngoài đều lặn lẻ, duy có tiếng dế kêu déo-dắc với gió thổi lá lào-xào mà thôi. Thằng Được nằm, cặp mắt còn lim-dim, thình lình nghe có tiếng người đi động đất rồi bầy vịt trong chuồng la rộ, chó vàng trước cữa sủa rân, ba Thời miệng thì hỏi « ai đó? », tay thì kiếm hộp quẹt đặng đốt đèn. Ngoài có tiếng người đáp rằng: « Tao chớ ai, mở cữa chút, có thẳng nó về đây. »

Thằng Được nghe tiếng thì biết tiếng cậu hai nó là Lê-văn-Tiết, lại nghe nói « có thẳng nó về đây » tuy không biết thẳng là ai, song nó nghi là tía nó về, nên lật đật chạy ra đặng thấy mặt cha một chút. Nó vừa bước ra tới bộ váng để giữa nhà thì má nó đã mở cữa rồi. Nó đứng dựa đầu váng mà chờ thì Lê-văn-Tiết ở ngoài bước vô trước, rồi có một người lạ mặt, đầu bịch một cái khăn nhiểu trắng, mình mặc quần lảnh đen lưng xanh, áo bà-ba lụa trắng dài phủ mỗng tròn, tay cập một cây dù máy cán cong như mỏ dằn xay lúa.

Ba Thời để chông đèn trên váng giữa, rồi qua bên cái chỏng để phía tay trái mà ngồi, Lê-văn-Tiết ngồi dựa cái đèn, còn người lạ mặt ấy để cây dù trên váng rồi cũng ngồi dựa một bên đó. Thằng Được đi lần lại ngồi một bên má nó, cẳn thì thò mà gảy con heo quắn nằm dưới sàn, con mắt thì ngó người lạ mặt đó trân trân rồi day qua liếc má nó. Hai người vô nhà rồi lặn thinh không nói chi hết, một lát ba Thời mới hỏi người lạ mặt ấy rằng:

— Mình về bao giờ?

— Về mấy bữa rày.

— Về mấy bữa rày ở trong chú hay là ở đâu?

— Ở trỏng chớ ở đâu.

Hai người hỏi nhau có mấy lời kế Lê-văn-Tiết đứng dậy mà nói rằng: « Để tôi về tôi lùa trâu vô chuồng, dượng ba nó nghĩ rồi sáng mai lại nói chuyện chơi nghé. »

Lê-văn-Tiết dở cữa ra về rồi, Trần-văn-Hữu với ba Thời ngồi lặn thinh, không nói chuyện chi nữa hết. Cách một lát ba Thời vỗ đầu thằng Được rồi biểu nho nhỏ rằng: « Khuya rồi, thôi đi ngủ đi con, ngồi làm chi đó. » Thằng Được leo xuống đất mà đi vô buồng, chưn thì đi mà mắt thì ngó chừng tên Hữu, trong lòng trông coi cha có hỏi đến mình chăng, nào dè tên Hữu đã không thèm nói tới, mà lại liếc ngó theo nó, bộ mặt hầm hầm, xem thấy phát sợ. Thằng Được đi vừa khỏi cữa buồng bổng nghe cha nó hỏi má nó rằng: « Con của mầy đó phải hôn? »

Ba Thời thở dài rồi nói nho-nhỏ rằng: « Để rồi tôi nói hết chuyện đó cho mình nghe. »

Thằng được leo lên giường nằm lặn thinh, nhắm mắt giả đò ngủ, mà trong trí nó cứ tưởng tới người lạ mặt đó hoài, không biết người ấy có phải là cha nó hay không. Ban đầu nó chắc là phải, bỡi vì hồi chiều mẹ nó có nói cha nó gần về, mà người nầy ở đâu lạ, thuở nay nó không biết, nếu không phải là cha nó, sao cậu nó dắc lại, rồi má nó kêu bằng « mình » lại hỏi « về bao giờ ». Nghĩ như vậy rồi nó lại nghĩ mà nếu người đó là cha nó sao coi bộ không thương nó, mà lại ngó nó lườm-lườm dữ vậy. Nó vái thầm cho người đó đừng phải là cha nó, bỡi vì nó thấy nó sợ quá, nếu có cha mà cha như vậy chi bằng không có cha, ở một mình với má như thuở nay vậy còn vui hơn.

Ở ngoài im-lìm, một lát nó nghe có người lấy cây gài cữa, rồi lần lần đi vô buồng. Nó lén mở mắt hi hí mà dòm thì thấy má nó lấy cái gối rồi ôm đi ra ngoài nữa. Nó không hiểu vì cớ nào má nó không vô mà ngủ, còn ở ngoài cũng không nói chuyện mà thức đốt đèn làm chi cho hao dầu. Nó đương suy nghĩ như vậy liền nghe hai người nói chuyện với nhau. Ban đầu má nó hỏi:

— Mấy năm nay mình đi làm ăn khá hay không?

— Sao lại không khá.

— Khá sao không về, bỏ tôi ở nhà cực khổ hết sức vậy?

— Về làm giống gì?

— Như mình đi mình tính không về, thôi hồi đó dắc tôi đi theo, chớ sao lại bỏ tôi đi lưu dóng ở nhà vậy.

— Mầy ở nhà sướng hòng chết, còn ức nỗi gì.

— Mình đừng có nói vậy. Sướng giống gì. Tôi biết hết; mình mắc dắc con vợ bé bên Cần-Đước đi với mình, nên không chịu dắc tôi đi chớ gì.

— Ừ, tao dắc vợ bé đi đa, mầy làm sao tao?

— Nói chuyện mà nghe vậy chớ ai làm sao mình được.

— Tao đi, mầy ở nhà mầy có được một đứa con, còn ức-hiếp nổi gì nữa mà nói.

— Mình tưởng thằng nhỏ đó là con của tôi đẻ hay sao? Trời ôi, hèn chi hổm nay tôi nghe mình về trong Cầu-Mống mà mình không chịu ra kiếm mà thăm tôi. Mình đừng có nghi như vậy mà tội nghiệp cho cái thân tôi. Vậy chớ hổm nay mình ở trong nhà chú không có nói chuyện tôi xí được thằng nhỏ đó rồi tôi xin với ông Cò đặng tôi nuôi, lại cho mình nghe hay sao? Mình bỏ tôi mình đi hơn 9 năm nay tuy mình bạc bẻo chớ chẳng hề khi nào tôi dám phụ cái lòng mình bao giờ. Nay mình về nếu mình nghi quấy như vậy thì là uổng công tôi chờ đợi bấy lâu nay lắm.

— Tao về chú có nói chuyện cho tao nghe đủ hết, chú nói mầy nghèo khổ nên về ở với anh hai rồi sau đi theo vợ chồng chú Tích lên Bình-Tây mà làm mướn. Mầy xí được một đứa nhỏ mầy để mầy nuôi đặng hũ-hĩ giải buồn. Tao ra ngoài nầy từ hồi xế đến bây giờ tao ở đằng nhà anh hai, thì ảnh cũng nói y như lời của chú nói vậy, ảnh lại có đưa áo quần nón vớ của thằng nhỏ đó cho tao coi nữa.

— Phải, nhà tôi trống trải, mà tôi lại hay bỏ nhà mà đi làm ăn, nên tôi gởi đồ đó đằng nhà ảnh mượn ảnh để trong giường hộc cất giùm. Ảnh có đưa giấy của ông Cò cho mình coi hay không?

— Có.

— Nếu vậy, sao mình còn nghi nỗi gì?

— Không nghi sao được.

— Tại sao mình nghi, đâu mình nói cho tôi nghe thữ coi.

— Đàn-bà, chồng đi làm ăn xa, ở nhà khi không mà có con, làm chồng ai lại không nghi.

— Tôi nói con tôi xí được tôi để tôi nuôi chớ không phải con tôi đẻ. Trời ôi! oan ức cho tôi biết chừng nào.

— Thuở nay người ta có xí được thì xí được tiền bạc, chớ có ai mà xí được con bao giờ.

— Vậy chớ chú nói mình không đủ tin hay sao?

— Chú thương mầy còn ghét tao, nên chú nói theo mầy hơi nào mà tin.

— Mình nói chú binh tôi, vậy chớ còn anh hai đó mình cũng không tin ảnh nữa hay sao?

— Ảnh là anh ruột mầy chớ phải là anh tao hay sao. Mà chú với anh hai ở nhà còn mầy lên ở trên Bình-Tây, mầy làm giống gì mà có một đứa con đó, chú với anh hai làm sao rõ được.

— Mắc chú Tích chú chết rồi, thôi mình lên mình hỏi thữ thím Tích coi. Bây giờ thím có chồng khác ở ngoài Chợ-đuổi đó.

— Thím quen với mầy chớ có quen với tao đâu mà hỏi.

— Thiệt tức lắm! Mình nói không phải con tôi xí được, vậy mình không coi cái giấy của ông Cò đó sao?

— Giấy gì ở đâu mầy kiếm đem về mà gạt bà con, ai có biết chữ Tây đâu mà coi.

Ba Thời nghe nói nghẹn-ngùn, ngồi khóc ngay chớ không nói được nữa, khóc một hồi rồi chắc lưỡi than rằng: « Trời đất ôi! oan ức cho tôi biết chừng nào! Xin trời phật soi xét giùm cái lòng ngay của tôi, kẻo tôi chịu tiếng oan như vầy tội nghiệp lắm mà! »

Trần-văn-Hữu nằm bên váng hút thuốc không thèm nói chi hết. Thằng Được còn thức nằm nính thinh trong buồng. nghe hết đầu đuôi mọi việc, tuy nó còn thơ ngây, chưa đủ trí khôn, nên không hiểu những lời gay gắt nghi ngờ của tên Hữu làm đau đớn lòng dạ, làm nhuốt nhơ danh tiết của ba Thời là dường nào, song nó biết tên Hữu không phải là cha nó thì nó chẳng có chút chi buồn, còn nó biết ba Thời là mẹ nuôi chớ không phải là mẹ ruột, thì trong lòng nó lại xốn-xang bức-rức vô cùng, không biết ba Thời còn thương nó nữa hay không, không biết cha ruột ở đâu, tại sao mà đẻ nó rồi không chịu nuôi, lại bồng mà bỏ cho người ta xí được. Nó vừa suy nghĩ tới đó lại nghe tên Hữu tằn hắn rồi nói rằng:

— Mầy nói tao kiếm chuyện nói oan cho mầy, chớ thằng nhỏ đó không phải con của mầy đẻ; thôi thì mầy đuổi nó đi đâu nó đi đi.

— Con nít mới tám chín tuổi mình biểu đuổi nó đi, nó ra khỏi nhà biết làm giống gì cho có cơm mà ăn; làm như vậy mình không sợ tội hay sao?

— Tám chín tuổi còn nhỏ gì nữa. Đi ở với người ta coi gà giữ vịt mà ăn cơm không được hay sao? Như nó có làm biếng thì nó đi xin nó ăn, mầy tưởng nó dại nó nằm mà chịu chết đói há?

— Nuôi nó từ hồi mới sáu bảy tháng đến bây giờ mến tay mến chưn, ai nỡ lòng nào mà đuổi nó đi cho đành.

— Mầy nói nó không phải con của mầy đẻ, sao mầy thương nó dữ vậy?

— Con nít của họ đàng xóm mình thấy mình còn thương thay, huống chi là con mình nuôi.

— Nếu mầy nói đuổi nó đi thì tội nghiệp, thôi thì kiếm người ta mà cho nó cho họ nuôi, chớ mầy để nó ở trong nhà tao thấy tao ghét lắm, không biết chừng có bữa tao nổi giận đây tao đập nó chết đa.

— Thôi, để thủng-thẳng tôi nói với anh hai chị hai rồi tôi gởi nó ở đẳng.

— Tao không chịu vậy đâu. Mầy cho ai mầy cho đứt đi, đặng họ đem nó đi cho khuất con mắt tao, chớ mầy gởi đằng anh hai thì cũng như mầy để ở nhà đây vậy, gởi làm giống gì.

Ba Thời ngồi khóc tấm tức, không biết tính lẽ nào, muốn cho chồng hết nghi đặng vợ chồng sum hiệp lần gỡ mối thảm sầu, mà cũng thương thằng Được nên không nỡ phân-ly, vì công nuôi cực nhọc. Ba Thời khóc than rồi nói rằng:

— Thôi để thủng-thẳng rồi tôi sẽ tính.

— Nếu mầy muốn ở đời với tao, thì mầy phải rức thằng nhỏ đó mới được. Còn như mầy không chịu, thôi thì tao đi, để mầy ở nhà mà nuôi nó.

— Tôi nói thiệt nó là con của tôi xí được tôi nuôi, nên tôi mới đặt tên nó là thằng Được. Mình không thương tôi mình muốn tính sao mình tính lấy.

— Té ra thằng nhỏ đó mầy đặt tên Được hay sao? Mầy là một con khốn nạn thiệt! Mầy oán tao rồi mầy lấy tên ông nội tao mà đặt tên con mầy hả?

— Trời ôi! Tôi có biết tên ông nội mình là tên gì đâu! Tôi nào có oán thù mình mà mình nói vậy. Mình hỏi thăm họ mà coi, mình bỏ tôi mình đi mấy năm nay, tôi buồn rầu thì buồn rầu trong lòng, chớ có khi nào mà tôi nói nặng đến mình một tiếng chi đâu.

Tên Hữu nằm lặn thinh một hồi rồi nói rằng: « Nếu mầy thương nó mầy không nỡ đem nó mà đi cho họ, thôi để rồi tao dắc nó tao cho họ giùm cho. »

Ba Thời ngồi khóc thúc-thích, chẳng bao lâu thấy tên Hữu nằm nghiêng qua bên kia, gát tay ngang qua tráng rồi ngủ ngáy pho-pho. Ba Thời mới bưng cái đèn đem để trên ghế mà tắc rồi nằm với con. Thằng Được thấy dạng ba Thời vô liền ôm mà nói nhỏ rằng: « Má đừng có đuổi tôi đi nghe hôn má. Tôi thương má lắm, để tôi ở với, đừng đuổi tôi tội nghiệp. » Ba Thời day qua ôm con, ừ hai ba tiếng nhỏ nhỏ, rồi kề mặt mà hung, nước mắt chảy chàm-ngoàm. Mẹ con ôm nhau chặt cứng, một hồi rồi thằng Được ngủ quên

Tên Hữu về ở với vợ coi bộ không tính đi đâu nữa nhưng mà cũng không tính làm công việc chi hết, ăn rồi cứ nằm ngay mà ngủ, ngủ đã thèm thức dậy thì vát dù đi dạo xóm. Chẳng mấy ngày mùa cấy đã dứt, ba Thời không biết làm việc chi, nên mỗi bữa hễ nước ròng sát rồi thì lội xuống rạch Băng mà xúc tôm bắt cá đem về bữa nào có ít thì để ăn, bữa nào có dư thì sai con bưng lại đàng xóm mà bán.

Tên Hữu vài ngày thì biểu làm thịt một con gà luột rồi xé phay mà uống rượu, nửa tháng biểu làm thịt một con vịt đặng nấu cháo mà ăn. Ba Thời bổn tánh tiện tặn, bấy nay nuôi gà nuôi vịt thì trông cho nó lớn đặng bán lấy tiền mua gạo, chớ chẳng khi nào dám làm thịt mà ăn bao giờ, nay chồng biểu thì xót ruột bầm gan, song vì bỡi muốn làm cho vừa ý chồng, nên biểu sao nghe vậy chớ không dám cãi. Đã vậy mà mỗi lần làm gà làm vịt tên Hữu lại đòi uống rượu, ba Thời phải sai thằng Được xách ve lại quán mà mua chịu, khi năm bảy su, khi một cắt, tên Hữu về mới hơn một tháng mà và tiền rượu và tiền thuốc hút, ba Thời thiếu nợ đằng quán tính đã hơn 4 đồng bạc rồi.

Mà tên Hữu chẳng những là làm tốn hao cho vợ mà thôi, lại còn làm nhọc lòng cho vợ nhiều nỗi khác nữa. Mỗi ngày vào ra thấy mặt thằng Được thì kiếm chuyện rầy rà, hễ thấy nó ngồi chơi thì chưởi rủa van rân nói rằng: « Đồ chó, già đầu rồi mà không biết làm công việc chi hết, thứ đồ như vậy nó chết đâu thì chết cho rảnh nuôi tốn cơm chớ ích lợi gì », còn thấy nó làm công chuyện, hoặc quét nhà, hoặc cho heo ăn, thì lại mắng nhiếc rằng: « Mầy có làm thì làm cho thiệt tình nó, chớ đừng quẹt lọ, làm lấy có đó tao đánh mầy nát đầu đa, nói cho mầy biết ». Thằng Được tối ngày không dám nhích mép hễ thấy mặt cha thì sợ sệt không dám ngó ngay; kiếm công chuyện mà làm hoài, chớ không dám ở không, ăn cơm thì ăn sau chớ không dám ăn chung. Còn ba Thời tuy thương con mà không dám hở môi, vì sợ nói ra chồng nó bắt quanh bắt quẹo rồi sanh rầy rà hơn nữa.

Chẳng có bữa nào mà thằng Được khỏi bị bạt tai hai là khỏi nghe chưởi rủa, mà cũng chẳng có đêm nào ba Thời nằm ngủ mà chẳng khóc thầm. Ba Thời chẳng những là thấy chồng ăn ở khổ khắc với con nên buồn rầu mà thôi, mà nhứt là thấy chồng không tính làm việc chi cứ nằm nhà mà ăn hoài, làm cho mình phải mắc nợ mắc nần thì trong lòng lo sợ hết sức.

Bữa nọ, tên Hữu ngồi ăn cơm uống rượu coi bộ vui, ba Thời mới mở lời hỏi thữ coi chồng có tính mùa tới kiếm ruộng đặng mướn mà làm hay là tính làm việc chi khác. Tên Hữu nghe hỏi châu mày lặn thinh một hồi rồi đáp rằng:

— Tao bây giờ không muốn làm ăn chi nữa hết.

— Nếu không làm thì của đâu có mà ăn.

Tên Hữu lặn thinh không trả lời. Ba Thời mới nói tiếp rằng:

— Mấy năm nay mình đi khỏi tôi ở nhà làm lắc-lẻo, đi cấy đi gặt, nuôi vịt nuôi heo, tuy không phải là giàu có chi, song nhờ trời nuôi nên khỏi đói khát. Mà thiệt cũng vì bỡi mẹ con tôi hẩm hút, ăn cực ở khổ, nên không tốn hao bao nhiêu, nay có mình về đó thêm một miệng ăn, mà lại tốn tiền rượu trà trầu thuốc nữa; nếu mình không chịu làm việc chi hết, thì chắc là tôi nuôi không nổi. Mình mới về hổm nay mà tôi đã mắc nợ đằng quán hơn 4 đồng bạc rồi. Tôi không biết làm sao mà trả cho họ.

— Ối! mầy đừng có lo mà.

— Không lo sao được. Thuở nay tôi nghèo chớ tôi không chịu nhơ bợn của ai hết. Hồi tôi mới về cất nhà tôi có mượn của anh hai vài chục đồng bạc, tôi lo hết sức, tôi ráng nuôi một con heo tôi bán trả đủ cho ảnh rồi tôi mới hết lo. Từ hồi đó đến bây giờ tôi không dám vay hỏi của ai nữa. Hổm nay tôi thiếu mấy đồng bạc đằng quán tôi lo hoài ngủ không yên giấc.

— Mầy có con heo đó chi? Bán con heo đó không đủ trả hay sao mà sợ?

— Tôi nuôi heo đặng bán lấy tiền may áo may quần mà mặc, chớ phải tính nuôi đặng bán mà xài hay sao.

— Mầy đừng nói lộn xộn, để đó mặc tao tính cho. Tao biết rồi, trong ý mầy thấy tao về hổm nay tốn cơm của mầy nên mầy phiền chớ gì. Vậy chớ mầy nuôi thằng nhỏ đó sao mầy không sợ tốn.

Ba Thời thấy mình nói việc phải quấy mà chồng không biết nghe, lại còn kiếm chuyện nói xóc lại mình như vậy thì buồn trong lòng nên đứng dậy bỏ đi ra sau bếp ngồi mà khóc, chớ không dám nói chi nữa. Thằng Được đương đứng sau hè cho vịt ăn, ngó vô bếp thấy má nó khóc, thì nó cũng ứa nước mắt, song không dám vô mà an ủi.

Qua bữa sau tên Hữu ăn cơm sớm mai rồi liền xách dù ra đi. Ba Thời ở nhà mẹ con mới thong thả mà nói chuyện với nhau. Ba Thời kể hết đầu đuôi việc mình xí được thằng Được lại cho nó nghe; thằng Được tuy còn nhỏ, nhưng mà nuôi dưỡng theo phường lậu hạn, lam lụ nơi chốn cơ hàng, cực ăn mặc rách đã quen rồi, chẳng hề mơ ước đều chi hết, bỡi vậy cho nên nghe ba Thời thuật chuyện của nó rồi thì nó duy sợ ba Thời không nuôi nó nữa mà thôi, chớ chẳng hề để ý tính tìm kiếm mẹ cha hoặc may thân được sung sướng. Ba Thời thuật chuyện rồi liết coi thì thấy con có sắc buồn nên liền nói tiếp rằng: « Thuở nay mẹ không muốn nói chuyện đó cho con nghe là vì mẹ nghĩ con nghe con buồn chớ không có ích chi, bỡi vì mẹ thương con nên dốc lòng nuôi con như con của mẹ đẻ vậy, nếu nói ra sợ con bớt thương mẹ rồi lại sợ con nói bậy nói bạ cha mẹ ruột con hay đến mà nhìn con thì mẹ co tay còn ai đâu mà hủ hỉ. Nay mẹ nói ra đây là tại việc tình cờ làm cho con đã rõ biết ngọn ngành rồi, nên mẹ không lẽ còn giấu con nữa được. Tuy vậy mà mẹ khuyên con chớ nên buồn, ví dầu thế nào mẹ cũng thương con, dầu ngày sau con khôn lớn có tìm được cha mẹ ruột rồi con phụ bạc mẹ đi nữa, mẹ cũng cam tâm chớ không khi nào mẹ phiền trách ».

Thằng Được nghe mấy lời thì nước mắt chảy ròng ròng, trong bụng muốn tỏ rằng dầu ngày sau mình được giàu sang đến bực nào đi nữa cũng chẳng phụ phàn tình mẹ, song không biết nói làm sao cho được, chỉ nói có mấy lời nầy mà thôi: « Con không bạt má đâu mà sợ. Xin má làm sao nói giùm với tía để cho con ở đây với má hoài, chớ đừng có đuổi con tội nghiệp nghe hôn má ».

Thằng Được nói tới đó rồi day mặt ngó ra ngoài đường thì thấy tên Hữu đi xóm về, lại có dắc về một chú chệt nữa. Ba Thời thấy có khách lật đật bước trái vô trong buồng, còn thằng Được sợ ở không cha thấy cha rầy, nên cổi quần cổi áo rồi xách dỏ đi ra mé sông kiếm cá bống-kèo mà bắt. Nó bắt được vài chục con cá nhỏ nhỏ, đến mặt trời gần lặn mới xách dỏ trở về. Nó đứng ngoài sân dòm vô nhà thì thấy cha đương nằm tại bộ ván giữa mà ngủ. Nó lén đi vòng dựa hè ra phía sau xối nước mà tắm, rồi bước vô bếp thì thấy mẹ đương ngồi khoanh tay mặt mày buồn xo. Nó hỏi thăm mới hay tía nó kêu chệt tới hồi trưa đó là kêu coi con heo quắn đặng dứt giá mà bán.

Má nó nói chú chệt đã chịu mua 28 đồng, hẹn đến ngày mai thì chồng bạc mà bắt heo. Thằng Được tuy thương con heo quắn, nhưng mà nghe nói tía nó bán thì nó không dám nói chi hết, lại nghe nói bán tới 28 đồng bạc, thì chắc có tiền, khỏi lại quán mua chịu nữa, nên nó không hiểu tại sao mà má nó buồn.

Sáng ngày sau, mặt trời vừa mới mọc thì thấy chú chệt hôm qua đó đến nhà, mà bữa nay lại có dắc theo một người Annam mập ú, ở trần, tay lại có cầm một cái vòng với một cây đòn. Thằng Được rình coi thì thấy chú chệt đếm giấy bạc đưa cho tía nó rồi thò vòng giựt chưn bắt con heo quắn trói lại khiêng đi. Chệt đi rồi tía nó đưa cho má nó một xấp giấy bạc mà nói rằng: « Đây nầy, mầy lấy 10 đồng đi trả nợ nần gì thì trả đi, còn 18 đồng để tao cất đây cho. » Má nó ngồi khóc không nói chi hết.

Từ khi bán con heo quắn rồi thì tên Hữu ngày nào ăn cơm rồi cũng xách dù ra đi, chừng trở về thì mặt mày đỏ như cắt kè lửa, hơi rượu bay nực nồng. Tên Hữu đi chơi thì thằng Được trong bụng mừng thầm, còn ba Thời lại buồn rầu không muốn nói chuyện. Thằng Được không hiểu vì cớ nào mà tía nó đi chơi má nó lại buồn, đến đêm nọ nó nằm nghe vợ chồng rầy lộn với nhau, ba Thời phiền chồng bán heo lấy 18 đồng bạc bỏ vô lưng hổm nay cờ bạc rượu trà tiêu gần hết, chừng ấy nó mới biết tại như vậy nên má nó buồn bực. Thằng Được tính thầm rằng chớ chi mà mình giàu có thì mình kiếm mua một con heo khác mà cho má mình, đặng má hết buồn, để tía đi chơi, cho mình ở nhà thong thả.

Tên Hữu về nhà ở chẵn hai tháng làm khó cho thằng Được, làm rầu cho ba Thời không biết ngằn nào mà kể xiết. Bữa nọ tên Hữu đi chơi, ba Thời ở nhà lấy quần áo rách đem ra ngồi dựa cữa mà vá, thằng Được xẩn-bẩn ngồi một bên mà thỏ thẻ hỏi chuyện nầy rồi hỏi tới chuyện khác. Trước sân gà vịt vắn teo, trong nhà chỉ còn có một con heo đen nhỏ mới mua bằng bắp cẳn nằm lim-dim dưới sàn với con chó vàng ốm bày sường đi không muốn bước. Ngoài đồng lúa lên xanh kịch, có mấy đám ruộng cấy lúa sớm đà lác-đác trổ bông.

Ba Thời ngồi vá áo mà mặt thì buồn xo, thằng Được hỏi cực chẳng đã phải trả lời, chớ ý không muốn nói chuyện. Đến xế trời chuyển mưa, mây giăng đen mịt, gió thổi ồ ào; tên Hữu đi chơi về lại có dắc về một ông già chừng 50 tuổi với một đứa con gái nhỏ chừng bảy tám tuổi.

Thằng Được vừa thấy cha thì lật đật chạy vô buồng, đứng núp sau vách, rồi kề con mắt chỗ lỗ vách rách mà ngó. Nó thấy má nó chào khách rồi dẹp đồ may đi lấy trầu cau để trên khay cho khách ăn. Nó dòm ông già ấy thì thấy ổng mình mặc một cái áo xuyến dài cũ, trong có áo cổ giữa trắng, dưới mặc quần lảnh đen, đầu bịch khăn be nhiểu đen, chơn đi giày hàm ếch da láng, người vóc lớn, miệng rộng, môi dày, râu thưa mà dài lại bạc hoa râm, tráng cao, mặt dung da mà cặp mắt lớn, đôi chơn mày rậm. Còn con nhỏ đi theo ổng tuy nó mặc một cái áo lụa xanh cũ với một cái quần lảnh đen cũng cũ, nhưng mà da trắng môi son, đầu xước lược cày tóc xuống nửa lưng, mặt mày sáng rở, nhắm coi chẳng kém chi mấy đứa con gái của hương-chức giàu ở trong làng. Thằng Được lại thấy ông già ấy để hai cái bao bằng vải xanh với một cây đờn trên ván gần chỗ ổng ngồi đó, nó biết cây đờn ấy kêu là đờn cò, song nó không hiểu hai cái bao ấy đựng vật gì ở trỏng.

Ông già ngồi vừa yên chỗ rồi thì tên Hữu hỏi vợ rằng: « Thằng Được đi đâu rồi mậy, biểu nó ra biểu chút nào ». Ba Thời chưa kịp trả lời, thì thằng Được trong buồng đà riu-ríu đi ra. Nó đi vừa mới tới đầu bộ ván thì tên Hữu nói với ông khách rằng: « Thằng nhỏ tôi đó! Nó sáng láng quá chớ, ngặt vì tôi nghèo nên không cho nó đi học được, thiệt uổng biết chừng nào. »

Ông già day lại ngó thằng Được rồi thò tay vào túi lấy ra một cập kiến con mắt mà mang vô. Thằng Được đứng dựa bên cái chỏng mà ngó ổng, còn ba Thời tuy đã bước vô cữa buồng rồi, song cũng đứng lại mà ngó chừng, không hiểu ông già nầy ở đâu và có ý gì mà lại đến coi thằng Được. Ban đầu chị ta nghi chồng mình tính đợ con cho ông già nầy, rồi sau chị ta lại nghi ông nầy mất con nên tìm đến mà nhìn. Ba Thời đương nghi nghi ngại ngại, ông già dơ tay ngoắc thằng Được mà biểu rằng: « Lại đây ông biểu chút, con ». Ba Thời nghe xưng ông thì biết ổng không phải là cha thằng Được, tính đứng nán lại mà nghe coi ổng nói chuyện gì. Tên Hữu day vô buồng thấy vợ còn lấp ló xó cữa bèn biểu rằng: « Mầy coi nấu nước rồi bỏ trà chế cho ông thầy ổng uống chơi. »

Ba Thời quày quã đi vô bếp. Thàng Được mắt ngó chừng cha, còn chưn thì đi lần lại gần ông già. Ông già mang mắt kiến ngó nó trân trân, tay vuốt cái chóp của nó rồi hỏi rằng: « Cháu mấy tuổi? » Thằng Được nói nhỏ rằng: « Thưa, tôi 9 tuổi ». Ông già nghiêng tai biểu nói cho lớn một chút. Thằng Được phần thì sợ, phần thì đàm vướn cổ, nên nói lớn hơn, mà nói dọng nghe đặt sệt. Tên Hữu trợn mắt biểu: « Nói cho lớn coi nào! » Thằng Được tằn hắn rồi nói: « Thưa, tôi 9 tuổi ».

Ông già gặt đầu rồi ngó tên Hữu mà nói rằng: « Được, tiếng nó tốt, hơi nó ấm mà lại dài, thằng nầy tập ca được. Mà chú em nó nói lại, chớ nói giống gì mà mắc quá vậy ».

Lúc ấy ba Thời ở trong buồng bước ra. Tên Hữu không trả lời với ông già, lại biểu thằng Được rằng: « Thôi, đi vô trong cậu hai chơi đi, chừng nào tao kêu sẽ về ». Thằng Được không hiểu việc gì, nghe biểu đi chơi thì vưng lời nên lật đật bước ra đi, ba Thời kêu lại biểu rằng: « Con vô nói với mợ hai cho má mượn một nồi trà, con đem về cho má rồi sẽ đi chơi nghe con ». Thằng Được dạ một tiếng rồi đâm đầu chạy tuốt.

Tên Hữu lấy chổi quét cái ghế nghi rồi đi lấy gối bỏ trên ván mà mời ông già nằm. Ông già không nằm lại biểu con nhỏ đi theo đó ngồi trên chỏng mà chơi, rồi day qua hỏi tên Hữu: « Sao, chú em nó tính lẽ nào thì tính phức cho rồi, đặng tôi đi cho sớm ». Tên Hữu đáp rằng: « Không phải bán chác chi mà nói giá cao giá thấp. Hồi trưa tôi vô nhà ông Hương-hộ chơi, tình cờ gặp thầy, tôi thấy thầy ngồi đờn còn con em đây ca theo, nhiệp nhàng ăn rập nên tôi khen. Thầy nói thầy muốn kiếm thêm một đứa con trai nữa thầy nuôi rồi dạy nó đờn ca đặng kiếm tiền cho dễ. Vợ tôi nó có nuôi một đứa con nuôi, mà bây giờ nhà tôi nghèo nhắm nuôi nó tốn cơm chớ không có ích lợi gì. Tôi nghe thầy nói như vậy nên tôi mới tính giao nó lại cho thầy nuôi. Thầy nghĩ lại đó mà coi, vợ tôi nuôi nó từ hồi mới đẻ cho đến bây giờ tốn hao cực khổ biết là bao nhiêu. Nay nó đã được 9 tuổi rồi, từ nầy về sau nhờ cậy nó được, vậy tôi đòi có 20 đồng bạc có phải mắc mỏ chi đâu ».

Ông già lắc đầu rồi đáp rằng: « Con Liên của tôi đây là con mồ côi, nó ở với cô nó, mà cô nó nghèo nên nuôi nó không nổi, tôi gặp tôi xin, cô nó giao cho tôi dắc đi, tôi cho có 10 đồng bạc mà thôi. Nếu chú em nó muốn giao thằng nhỏ cho tôi nuôi đặng tôi dạy học đờn học ca, thôi để tôi trả cho chú em nó cũng 10 đồng. Tôi nuôi nó bây giờ tôi phải tốn công mà dạy nó học, chớ là nhờ nhỏi gì được đâu mà trả tiền mắc ».

Ba Thời ra lấy bình tích tính đem đi súc cho sẵn rồi thằng Được đem trà về có chế nước cho khách uống, bỗng nghe hai đàng nói chuyện như vậy thì đứng chưng-hững, đợi ông già nói dứt lời bèn hỏi chồng rằng:

— Uả, mình tính bán thằng Được hay sao mình?

— Ừ, chớ để nuôi làm gì.

— Tội nghiệp lắm mà! Tôi nuôi nó đã tám chín năm nay, mến tay mến chơn, mình bán cũng như mình cắt ruột tôi vậy đa mình à.

— Con của mầy đẻ đó sao? Nếu mầy chịu thiệt con của mầy đẻ thì tao để cho mầy nuôi, tao không bán.

Ba Thời nghe chồng nói xeo mình thì ứa nước mắt, song vì thương con nên ráng gượng gạo kiếm cớ mà cải rằng:

— Tôi đã có nói với mình rằng tôi chắc thằng Được là con nhà giàu sang; áo mền giày nón nó mặc hồi tôi xí được nó đó với mặt mủi nó bảnh bao, tay chơn nó diệu nhiểu đó mình không thấy hay sao? Bây giờ mình bán nó mình lấy một hai chục đồng bạc có phải là nhiều ở đâu, chi bằng mình để mình nuôi nó họa may ngày sau cha mẹ nó tìm mà nhìn nó mình xin một đôi trăm đồng bạc mới khá chớ.

— Mầy cãn đản để mầy nuôi có bữa tao dóa tao đập nó chết đây mầy mang họa đa, nói cho mầy biết. Đi coi nấu nước uống, tao tính thế nào tại nơi ý tao, mầy không được phép nói.

Ba Thời thấy chồng trộ trạo thì chảy nước mắt, rồi riu-ríu đi vô bếp, không dám nói chi nữa hết. Lúc hai vợ chồng đương đôi co với nhau thì ông già kéo gối mà nằm. Tuy ổng không rõ gia đạo của tên Hữu ra thể nào, song ổng nghe hơi tên Hữu nói đó thì ổng biết anh ta khắc thằng nhỏ lắm, nếu ổng mua nó ổng nuôi thì chắc là tội nghiệp cho vợ tên Hữu mà cũng là làm phước giùm cho thằng nhỏ. Chừng ba Thời bước vô bếp ổng mới nói với tên Hữu rằng:

— Tôi coi ý thím nó triếu mến thằng nhỏ lắm; vậy thôi chú nó để mà nuôi, giao cho tôi làm chi rồi thím nó buồn rầu tội nghiệp.

— Không mà! Hễ tôi nhứt định thì tôi cho, cha nó cản tôi không được lựa là nó. Chẳng giấu chi thầy, tôi nghèo nên trôi nổi xuống Cầnthơ mà làm ruộng. Ở nhà vợ tôi lên trên Chợlớn ở đậu nhà người ta mà làm mướn, cách vài năm sau nó trở về nó có bồng về một đứa con, nó nói đứa nhỏ đó là con của họ nó xí được nó để nó nuôi. Thầy nghĩ đó mà coi theo thầy vậy thầy có nghi hay không. Mấy tháng nay tôi về tôi thấy thằng nhỏ tôi gay con mắt nên sanh giặc trong nhà hoài, bỡi vậy tôi tính kiếm người đặng cho phức nó đi cho rồi, thì trong nhà mới an ổn mà lo làm ăn được. »

Ba Thời trong bếp chạy ra nước mắt nước mũi chàm-ngoàm và khóc và thề rằng: « Nếu không phải con tôi xí được mà tôi nói dối đặng gạt mình, thì xin ông thần trong làng nầy bẻ cổ vặn họng tôi đi. »

Ông già thấy ba Thời khóc lóc thề thốt như vậy, thì lồm-cồm ngồi dậy mà can rằng: « Thôi, hai vợ chồng cũng chẳng nên rầy-rà mà làm gì. Tôi là người ở xứ lạ, tình cờ đến đây chớ không phải là bà con quen biết chi với hai vợ chồng. Nảy giờ tôi nằm lòng tai nghe thì tôi đã rõ gia đạo của hai vợ chồng hết rồi. Thím em nó xí được con của họ bỏ rơi thím em nó bồng về mà nuôi phải hôn, chú em nó đi làm ăn lâu ngày về thấy khi đi thì vợ không có nghén mà khi về thì vợ lại có con, nên để lòng nghi thím em nó ở nhà có ngoại tình, rồi vợ chồng sằn-sặt với nhau hoài. Làm đàn-ông mà nghi như chú em nó đó cũng chẳng phải lạ gì. Mà nảy giờ tôi nghe hơi thím em nó tức tối trong lòng lắm, thì tôi biết chắc thím em nó thiệt tình chớ không có gian-dối. Tôi tuổi đã trộng rồi, cũng đáng bực huynh trưởng của hai vợ chồng, tôi đến đây thấy hai vợ chồng cắn-đắn với nhau như vậy tôi cũng buồn. Vậy tôi xin thím nó vui lòng để cho tôi nuôi giùm thằng nhỏ cho, làm như vậy chú em nó mới hết nghi, vợ chồng mới hòa thuận mà lo làm lo ăn với người ta. Tôi vẫn biết thím em nó nuôi thằng nhỏ từ hồi còn đỏ lắm-lói cho đến bây giờ kể đã tám chín năm trường sao lại không thương, bây giờ thím em nó giao cho tôi dắc đi thì thím em nó chắc là thương nhớ buồn rầu lắm chớ. Mà thím em nó nên nghĩ đều nầy: Thằng nhỏ thì mặt mày sáng-láng lắm, nếu thím em nó để mà nuôi thì bất quá một vài năm nữa thím em nó bắt đi chăn trâu, bắt đi mót lúa, rồi chừng nó lớn thì cầm cày đánh xe càng tội nghiệp cho thân nó. Chớ còn thím em nó bằng lòng để lại cho tôi nuôi thì tôi dạy nó học chữ học đờn, họa may ngày sau thân nó khỏi cực khổ, coi có phải là tốt hơn hay không? Chú em nó đòi 20 chục đồng bạc, thôi tôi cũng chịu cho đủ 20 đồng bạc, tôi nuôi nó trước là làm phước giùm cho nó, sau nữa giúp cho hai vợ chồng hòa thuận mà ở đời với nhau, dầu mắc rẻ cũng chẳng nệ gì. »

Tên Hữu nghe ông già chịu trả 20 đồng thì mặt mày hớn hở, còn ba Thời nghe lời hơn thiệt thì động lòng nên ngồi khóc dầm dề. Chừng ông già nói dứt lời ba Thời mới nói rằng: « Thầy thấy thân tôi thầy thương nên thầy tính như vậy thiệt tôi đội ơn thầy lung lắm. Ngặt vì tôi nuôi nó đã mến tay mến chơn, nếu rứt mà giao cho thầy thì chắc tôi chết, chớ chịu không nổi. » Ông già day lại ngó ngay ba Thời rồi nói rất nghiêm nghị rằng: « Thím nói thím thương nó, nếu thiệt thương thì phải tính làm thế nào đặng ngày sau nó trở nên một người biết nhơn, biết nghĩa, biết hiếu, biết trung, đủ tài, đủ lực, mà ở đời cho khỏi người ta khinh bỉ, chớ thương mà tính làm cho nó chăn trâu, cầm cày, cạo heo, pha nước, thương như vậy thì là cố ý làm hại cho nó chớ có phải là thiệt thương đâu. »

Ba Thời cúi đầu lặn thinh không nói chi hết. Tên Hữu đứng dậy ăn trầu rồi nói rằng: « Nếu nay tôi giao nó cho thầy, thoản như ngày sau cha mẹ nó nhìn có cho tiền bạc thì ai lãnh tiền bạc ấy? » Ông già trề môi đáp rằng: « Ối! tôi có cần gì tiền bạc ấy đâu! Nếu ai có nhìn thì tôi chỉ cho họ đến nhà chú em nó rồi họ tính sao họ tính ».

Thằng Được tay cầm một gói trà ở trong nhà cậu hai nó, nó đi về bước đến sân nó sợ rầy nên không dám vô cữa, nó đi dọc theo hè rồi vô phía cữa sau. Đi lại bếp thì thấy siêu nước sôi hơi lên ngui-ngúc mà không có má nó ở đó, nó mới đi nhè nhẹ lại núp dựa cữa buồng mà dòm ra ngoài. Nó thấy dạng má nó ngồi trên cái chỏng gần đó nó mới kêu nho nhỏ: « Má má, trà đây nè ». Ba Thời nghe kêu liền đứng dậy đi vô bếp. Thằng Được chạy theo tay đưa gói trà miệng thì nói rằng: « Mợ hai mở nói mượn trà sao mượn hoài, mở biểu lại quán mua mà uống chớ mở không có trà mà cho mượn nữa. May có cậu hai ở nhà cẩu nghe nói cẩu rầy rồi cẩu lấy cẩu cho mượn đó đa ».

Ba Thời mở gói trà ra bỏ vô bình rồi ngồi chồm hổm mà chế nước không nói chi hết. Thằng Được thấy má nó nước mắt nước mũi chàm-ngoàm không hiểu có việc chi nên vịnh vai má nó mà hỏi rằng: « Sao má khóc vậy má? Tía rầy nữa hay sao? » Ba Thời không trả lời, song day lại ngó con một cách thảm thiết lắm, rồi xách bình nước mà đi ra ngoài trước. Thằng Được đứng bơ vơ buồn nghiến, ngoài hè dông-gió lá đập ồ ào, rồi một lát mưa tuông như cầm tỉn mà đổ, trời gầm như súng nổ bên tai.

Ba Thời ở ngoài bước vô sập cái cữa sau cho khỏi mưa tạc ướt bếp. Thằng Được xẩn-bẩn đi theo mà hỏi rằng: « Ông già nào đó vậy má? Hồi nảy tía biểu tôi đi chơi chừng nào kêu sẽ về, bây giờ trời mưa tôi ở nhà có được hay không má? » Ba Thời sập cữa xong rồi liền day lại ôm con ngồi bẹp xuống đất và khóc và nói rằng: « Cha con nó bán con cho ông già đó rồi, con ôi! »

Thằng Được nghe nói cũng chảy nước mắt rồi nói rằng: « Tôi không chịu đâu má. Tôi ở với má hà ». Ba Thời nghe con nói mấy lời thì đứt ruột nát gan, song cũng gắn gượng mà nói với con rằng: « Con ôi! con còn nhỏ dại nên con không hiểu, chớ thân má mà nuôi con đây thiệt là thảm khổ không biết chừng nào. Mấy tháng nay tía con nó về nó cứ nghi cho má lấy trai nên đẻ con ra đó chớ không phải là xí được con mà nuôi, bỡi vậy cho nên nó ghét con, mà nó lại hành hài thân má hoài. Thiệt nếu mà cự, không chịu giao con cho ông già đó, thì không ai làm sao mà dắc con đi được, song nếu má cản trở thì tía con nó nghi con là con của má đẻ, dường ấy cái danh tiết của má còn gì, vì vậy nên má thương con mà không mở miệng ra được. »

Thằng Được ngồi khóc một hồi rồi đứng dậy mặt chừ-bự, lấy vạt áo lao nước mắt và nói rằng: « Thôi, má đừng có buồn, đừng có khóc nữa. Tía có bán con thì để tía bán đặng con đi phức cho rồi, chớ má cản trở để con ở lại đây tía rầy rà má hoài tội nghiệp má lắm. Không có sao đâu mà sợ! Con đi rồi chừng con khôn lớn con làm ăn có tiền nhiều con trở về con cho má, con không quên má đâu? »

Ba Thời nghe con nói như vậy lại càng tủi trong lòng hơn nữa, nên kéo con ngồi xuống rồi ôm nhau mẹ con khóc mước. Ngoài sân trời đã hết dông, nhưng còn mưa rĩ-rả hoài không dứt hột. Tên Hữu thấy trời gần tối mà mưa không tạnh nên cầm ông già ở lại sáng ngày sẽ đi. Ông già tính đi qua Cần-Đước mà thấy ướt-át nhắm đi cũng bất tiện, nên chịu ở nán ngủ nhờ một đêm. Tên Hữu kêu vợ biểu coi nấu cơm làm gà vịt cho khách ăn.

Cơm nước xong rồi, ông già lấy ra 20 đồng bạc mà đưa cho vợ chồng tên Hữu, và kêu thằng Được ra rồi biểu nó sửa soạn gói áo gói quần cho sẵn đặng sáng thức dậy đi cho sớm. Trời chạn vạng tối thì mưa đã dứt hột. Ba Thời mới đi vô trong nhà người anh lấy hết áo mủ giày mền và sợi dây chuyền của thằng Được mà đem về, tính khuya đưa hết cho con rồi dặn nó sau như cha mẹ ruột nó có nhìn thì đưa đồ ấy ra mà chiếu đối.

Đêm ấy ba Thời không ngủ được cứ nằm trăn trở nước mắt dầm dề. Thằng Được cũng tức tưởi trong lòng, nghĩ rằng còn có một đêm nay thì mình không còn ở với mẹ nữa, phải đi theo người ta mà không biết đi đâu, nên nằm một bên mẹ mà không dám đụng mình mẹ, cứ day mặt vô vách hoài.

Trời rựng đông gà lối xóm gáy van rân. Ông già thức dậy quẹt hộp quẹt mà đốt đèn, rồi mở cữa ra sân mà tiểu tiện. Vợ chồng tên Hữu cũng thức dậy theo. Ông già trở vô kêu đứa con gái đi với ổng đó: « Liên, Liên, dậy con, sáng rồi, dậy sửa soạn mà đi cho sớm, kẻo trưa đi nắng lắm. » Ổng lại day qua biểu tên Hữu rằng: « Kêu giùm thằng nhỏ thức dậy đặng nó đi. »

Thằng Được đã thức dậy rồi, đương đứng sau hè múc nước súc miệng rửa mặt, bổng nghe tía nó kêu liền lật đật quăn gáo chạy ra. Ông già thấy nó liền biểu: « Lấy áo quần rồi đi con. » Thằng Được trở vô buồng, ba Thời mới đưa cho nó một cái áo vải trắng với một cái quần vải trắng mới mà biểu nó bận, rồi lại kêu nó mà dặn rằng: « Con ôi! má để cho con đi đây chắc là má buồn rầu má chết gắp chớ chẳng không. Đây nè, những đồ nầy là đồ của con bận trong lúc má xí được con đó. Cái gói giấy đây là sợi dây chuyền của con. Con đừng có bỏ mất mấy món đồ nghe hôn con, bỡi vì đồ đó là dấu tích của con, nếu con bỏ mất thì sợ sau cha mẹ ruột con có nhìn không biết lấy chi mà làm tin. Má vái van cho con mạnh giỏi ăn chơi..... » Nói tới đó ba Thời khóc tấm tức tấm tưởi nên không tiếp được nữa.

Ở ngoài tên Hữu kêu lớn rằng: « Được a, rồi chưa ra mà đi chớ, làm giống gì mà lục-đục hoài ở trỏng vậy? ».

Ba Thời té ngồi trên giường tay trái thì chống giường, còn tay mặt thì lấy vạt áo tủ trên mặt mà khóc ngất. Thằng Được xách gói đồ bước ra tới cữa buồng, nghe má nó khóc, nó đứng lại ngó má nó và ứa nước mắt. Lúc ấy trời sáng mà còn mờ mờ, tên Hữu chạy vô nắm tay thằng Được kéo ra ngoài, để đứng dựa bên ông già. Ông già vổ đầu nó mà nói rằng: « Con đi với ông, không sao đâu mà sợ. » Ông già vấn thuốc hút rồi đứng dậy biểu con nhỏ đi với ổng đó xách cây đờn, còn ổng lấy dù rồi xỏ vô hai cái bao vải xanh mà mang trên lưng. Ổng vừa muốn từ mà đi thì tên Hữu hỏi thằng Được rằng: « Mầy xách gói gì mà bùm-sùm dữ vậy? Đưa đây coi nào ».

Tên Hữu lấy cái gói của thằng Được rồi mở ra thấy có những áo mền giày mũ của nó hồi nhỏ đó liền kêu vợ mà nói rằng: « Mầy a, mầy đưa đồ nầy cho nó đem theo làm gì? » Nói rồi liền lấy đồ ấy mà bỏ ra ngoài váng, thấy có gói giấy nhỏ mở ra thấy sợi dây chuyền cũng lấy lại nữa, Tên Hữu coi kỹ thì còn có một cái áo với một cái quần vãi đen, mà hai cái tuy chưa rách song cũng đã cũ rồi nên lật đật gói lại mà đưa cho thằng Được rồi hỏi ông già rằng: « Hồi hôm thầy nói với tôi thầy qua Cần-Đước. Mà qua Cần-Đước rồi ở đó hay là còn đi đâu? Xin nói cho tôi biết đặng sau như cha mẹ nó có đến đây mà nhìn nó thì tôi biết mà kiếm thầy. »

Ông già dụ dự một chút rồi đáp rằng: « Sự ăn ở thiệt tôi chưa biết chắc ở đâu, mà không hại gì, nếu chú em có việc muốn kiếm tôi thì qua chợ Cần-Đước hỏi thăm thầy Đàng thì họ chĩ cho. » Nói dứt lời liền từ giả tên Hữu mà đi, và day mặt vô cữa buồng thấy ba Thời đứng đó thì nói rằng: « Thím em nó đừng có phiền, tôi nuôi cũng tử tế, không sao mà sợ. Thôi, tôi kiếu hai vợ chồng nghe? »

Thầy Đàng nắm tay thằng Được mà dắc đi, con nhỏ xá hai vợ chồng tên Hữu rồi xách cây đờn đi theo sau. Ra tới sân thằng Được vùng-vằng trì đứng lại mà kêu: « Má ơi! má! » Ba Thời chạy ra cữa khóc rống lên nghe rất bi thảm. Tên Hữu trợn mắt ngó thằng Được, làm cho nó sợ khiếp vía nên dở bước đi theo thầy Đàng không dám kêu má nữa. Tên Hữu đứng coi đi ra tới đầu bờ rồi mới day lại nạt vợ rằng: « Nính đi nà! Khóc giống gì? Mầy nói không phải con mầy đẻ sao mà khóc dữ vậy.... Thứ đồ ngu! đồ của thằng nhỏ sao mầy đưa cho nó chi vậy? Nếu thiệt nó là con của họ mầy xí được thì phải để đồ đó lại đặng sau có ai họ nhìn họ mới tìm đến mình, chớ đưa hết cho nó thì mình còn bằng cớ gì mà kể công nuôi dưỡng được. » Ba Thời không trả lời, trở vô trong ván hốt hết đồ của thằng Được đó mà ôm vô buồng rồi ngồi khóc rấm-rút.

Thầy Đàng dắc thằng Được ra tới đường quan lộ rồi mới buông nó ra, biểu nó đi trước, còn thẩy với con nhỏ thì đi theo sau. Thằng Được chơn đi mà mắt ngó lại nhà hoài, nước mắt chảy ròng ròng không dứt, trong bụng thầm nghĩ mình bước tới một bước thì càng xa mẹ, xa nhà thêm một khúc đường; hồi nảy nghe ông già nói đi qua Cần-Đước mà xứ Cần-Đước ở đâu? ông già nầy là ai? Ông mua mình đem về bắt làm việc gì? Mình có thế nào trở về nhà má nữa hay không?

Thằng Được trong lòng quặn đau như dao cắt, trong trí bối rối như tơ vò, bỡi vậy cho nên chơn thì đi, mắt thì khóc, mặt thì ngó ngoái lại hoài, làm cho người đi chợ họ gặp ai thấy cũng lấy làm kỳ, có người biết nó kêu hỏi nó đi đâu nó cũng không nói. Ra đến chợ Mỷ-Lợi, thầy Đàng biểu hai đứa nhỏ đi thẳng lại cầu ngồi mà chờ đò đặng qua sông Bao-Ngược. Mặt trời ững mọc, hướng đông chói đỏ lòm. Thằng Được đứng trên cầu ngó lại Xóm-Tre thì thấy nhà má nó rõ ràng, thấy mấy buội chuối sau hè mặt trời chói vàng-vàng, thấy mái chuồng vịt dựa mé sân sùm-sụp, thấy cữa chống có người đứng đó, nhưng mà vì ở xa nên thấy người ấy mặc đồ đen chớ không rõ là ai, thấy con chó vàng đi nghểu-nghến trước sân rồi đứng chong mỏ ngó ra đường dường như tìm kiếm bạn.

Thằng Được đứng ngó hoài không mỏi mắt, mà thầy Đàng với con Liên đứng một bên thì đứng chớ cũng để cho nó ngó, chẳng hề hỏi một tiếng chi. Chiếc đò chèo qua tới, thầy Đàng xách đồ và dắc hai đứa xuống đò. Chiếc đò sớm mơi đi bảy tám người, người nầy hỏi người kia, người kia nói chuyện với người nọ om-sòm, song thằng Được cũng không khuây lảng cứ ngó về phía Xóm-Tre hoài. Đò qua tới mé sông bên kia, thằng Được leo lên bờ ngó trở lại bị dăn cây ăn khuất không thấy Xóm-Tre nữa, không biết chỗ nào là nhà mình, rồi ngó tứ hướng thì cỏ cây lạ hoắt, chẳng có xóm nào là xóm mình biết, chẳng có nhà nào là nhà mình quen thì hồi-hộp trong lòng, nên đứng khóc thúc thích. Thầy Đàng dưới đò bước lên, vổ vai biểu nó đi, thì nó đánh liều dở bước đi theo, chớ bơ-vơ cảnh lạ quê người, không biết đi đâu mà tính.

Thầy Đàng thiệt tên là Trần-cao-Đàng, người gốc sanh đẻ tại xứ Cần-Đước. Lúc còn nhỏ trong nhà cha mẹ nghèo lắm, cơm ăn không no, áo mặc không lành. Khi ấy nhà-nước mới lập trường mà dạy học chữ quốc-ngữ với chữ Tây, nhà giàu không ai chịu cho con đi học. Nhà-nước mới tống trát cho các làng dạy phải cấp học trò. Hương-chức trong làng sợ quan quở phạt nên năn-nỉ với ông thân của Đàng để cho Đàng đi học, Hương-chức với nhà giàu chung đậu với nhau mà chịu tiền cơm bánh áo quần, lại còn cấp dưỡng cho cha mẹ ở nhà được no ấm nữa. Thầy Đàng nhờ có như vậy nên mới đi học được.

Học hơn mười năm quan bổ đi làm thầy-giáo dạy tại trường Saigon. Dạy học được vài năm gặp dịp quan Tham-biện Chợlớn cần dùng một thầy thông-ngôn, thầy Đàng mới xin thôi ngạch thầy-giáo rồi xin cấp bằng làm thông-ngôn. Quan Tham-biện thấy giỏi-giắn bặc-thiệp thì đem lòng yêu thầy, bởi vậy cho nên thầy đứng thông-ngôn nhà thầy tổng làng tới lui nườm-nượp. Thầy rước cha mẹ về ở chung với thầy còn đứa em gái của thầy tên là ba Sự thì cha mẹ thầy đã gã cho người ở trong làng tên là Phan-hảo-Tâm.

Thầy vốn là con nhà nghèo, nhưng vì thầy làm việc quan đắc lộ, kẻ kính người yêu, bỡi vậy cho nên có một ông Cai-tổng giàu có ở gần làng thầy mới kêu thầy mà gã con. Thầy cưới vợ về vợ chồng ở với nhau hơn mười năm mà không có con. Lần lần cha mẹ hai bên khuất hết. Vợ thầy lảnh phần ăn của cha mỗi năm thâu huê lợi cũng được hai ba ngàn giạ lúa. Thầy làm việc quan có lương có bổng, mà tổng làng kính phục nên đi lễ vật hằng ngày; đã vậy mà vợ thầy lại có của riêng, nếu thầy thủ phận như người ta thì bước hoạn lộ của thầy chắc là rộng dài, mùi phú quí vinh huê chắc là thầy nếm đủ.

Nào dè người đời hễ có may thì có rủi, sự nên hư vinh nhục gẩm cũng như nước lớn nước ròng. Thầy Đàng làm việc quan được 12 năm rủi gặp một ông quan Tham-biện không yêu thầy như mấy ông trước, lại hễ thầy đi hầu trễ thì rầy, thầy làm việc chậm thì quở. Tổng làng dòm thấy quan không yêu thầy nữa thì coi bộ họ cũng bớt kính mến. Thầy nghĩ thế tình lạc-lẻo thì thầy buồn thầm, nên thầy gởi đơn xin quan trên đổi thầy qua tĩnh khác. Quan trên đã không nhậm lời thầy, mà quan sở tại lại càng khắc với thầy nhiều hơn nữa, thầy tức trí mới xin thôi, rồi vợ chồng dắc nhau trở về Cần-Đước cất nhà mà ở.

Mấy năm thầy làm việc quan nhà thầy khách khứa đông dầy dầy; thầy học đờn thầy đờn thiệt tươi, nên đêm nào thầy cũng qui tụ những tay đờn giỏi đến hòa chơi với thầy. Hễ đờn đến khuya thì ăn uống vui cười; vợ thầy tuy phải thức khuya coi nấu nướng mà đãi khách, song muốn vừa ý chồng nên chẳng có một tiếng chi phiền trách.

Từ ngày thầy về ở trong làng thì chẳng có ai tới chơi nữa, ban đêm vắng-vẻ thầy có buồn thì lấy đờn ra rồi đờn một mình mà thôi, đờn cây nầy đã thèm rồi đờn qua cây khác. Vợ thầy chẳng có chi cực nhọc như khi trước, nhưng mà coi ý lại bớt trọng thầy. Nhiều khi vợ thầy nghe những bạn đồng-liêu của thầy khi trước kẻ làm Huyện, người làm Phủ, thì thường hay cằng-rằn, hay trách thầy nói rằng tại thầy ngang tàn chớ chi thầy nhịn nhục mà theo làm việc quan, thì chắc ngày nay cũng được rở-ràng như người vậy.

Thầy Đàng bước ra khỏi vòng hoạn lộ thì trong lòng phơi phới, chẳng hề có ý tiếc một chút gì. Thầy tính nghỉ chơi thong thả một vài năm rồi sẽ liệu chước hoặc kinh dinh công thương, hoặc khai sán nông nghiệp. Chẳng dè vợ chồng về trong làng ở chưa đầy nữa năm mà thầy dòm coi vợ thầy ỷ có của riêng nên có ý khinh thị thầy, hễ tính tới chuyện làm ăn thì nó cứ tiếc chức thông-ngôn, ký-lục, cứ ham làm bà Phủ bà Huyện hoài; thầy thấy lòng dạ của đàn-bà như vậy thì thầy buồn thầm, bỡi vậy cho nên thầy cứ bỏ nhà mà đi chơi cho khuây lản. Thầy đi thì thôi, chớ hễ về đến nhà thì vợ kiếm chuyện mà rầy-rà. Thầy dọ chắc vợ thầy ngày trước mà yêu mến thầy đó là vì cái chức thông-ngôn của thầy nên mới yêu; nay thầy không có oai quyền nữa nên vợ mới bạc đải như vậy.

Ngày nọ vợ chồng rầy với nhau, vợ nói nhiều lời phi nghĩa thầy giận bèn viết tờ để mà giao cho vợ, rồi biểu như nói thầy là người không xứng đáng thì lấy chồng khác cho xứng đáng hơn thầy. Người vợ cũng vui lòng mà lãnh tờ để, coi chẳng có chút chi triếu mến hết.

Thầy Đàng thấy thế tình như vậy thì trong bụng cười thầm, bên giao hết cữa nhà cho vợ, chỉ lấy có áo, quần, đờn sách mà thôi. Mà tưởng dầu thầy muốn lấy tiền của thầy cũng khó mà lấy cho đặng, bỡi vì thầy làm việc quan hơn mười năm, tuy tiền bạc vô nhiều, song vô bao nhiêu thầy xài hết bấy nhiêu, đến ngày xin thôi đi về làng, thầy phải lấy huê lợi của vợ mà cất nhà và mua đồ đạt.

Nay vợ chồng xa nhau đồ đạt cữa nhà ấy có phải của thầy đâu mà thầy dám đòi. May khi trước thầy có cho ít người bằng hữu mượn mỗi người một đôi trăm đồng bạc. Vậy thầy dọn áo quần đờn sách qua nhà em rễ là Phan-hão-Tâm mà gởi, rồi tính đi đòi nợ mà xài đỡ.

Thầy lên ở Saigon, Chợlớn chơi mấy tháng, anh em bạn kẻ thì khuyên thầy xin trở vô làm việc quan lại, người thì biểu thầy xin vô mấy hảng mà làm. Thầy nghĩ rằng mình đi trong hoạn lộ hơn 10 năm đã chán rồi, nay mình được thong thả còn xin trở vô chi nữa. Còn bây giờ mình xin giúp việc cho mấy hảng thì cũng được, mà nếu tránh đường nầy rồi đi đường nọ, đường nào mình cũng không được làm chủ, như vậy thì ngày trước mình xin thôi làm việc chẳng là dại lắm sao?

Thầy suy đi nghĩ lại chín-chắn rồi thầy mới nhứt định nếu không có nghề nào mà thầy làm chủ thầy được thì thà thầy đi dạy đờn mà chơi, dầu nghèo hèn thì thầy cam phận nghèo hèn, chớ thầy không chịu huật hạ ai hết. Có một thầy Hội-đồng ở Bến-lức, vốn là người giàu lớn, khi trước có mang ơn thầy, ngày nọ gặp thầy tại Saigon thì mừng rở hết sức, mời thầy đi ra nhà hàng ăn cơm nói chuyện chơi. Lúc ăn uống thầy tỏ hết tâm-sự của thầy cho thầy Hội-đồng nghe. Thầy Hội-đồng nghe hết đầu đuôi rồi nói rằng: « Không hại gì, thầy tính buôn bán làm ăn, nếu thầy cần dùng vốn liến bao nhiêu tôi sẽ giúp giùm cho, không sao đâu mà sợ. »

Thầy Đàng nghe mấy lời trong bụng mừng thầm, nên đi rủ anh em quen hùn hiệp với mình đặng lập tiệm trử bắp trử đậu mà bán. Anh em ai cũng thương, ai cũng muốn giúp cho thầy làm ăn, song làm việc tại Saigon Chợlớn không ai dư tiền nhiều, bỡi vậy cho nên mỗi người chịu hùn năm bảy chục hoặc một trăm mà thôi. Thầy Đàng thấy anh em hứa hùn, tuy vốn không nhiều, nhưng mà số hùn đông, thì lật đật đi Bến-lức tìm đến nhà thầy Hội-đồng nói chuyện lại cho thẩy nghe, rồi cậy thẩy giúp một đôi ngàn đặng có đủ tiền mà lập tiệm. Thầy Hội-đồng nói không có bạc sẵn, biểu đợi ít ngày rồi thẩy sẽ đem lên Saigon mà giúp cho. Đợi gần trót tháng mà không thấy chi hết, thầy Đàng túng thế phải xuống Bến-lức nữa, chẳng dè xuống đó lại không có thầy Hội-đồng ở nhà. Thầy bền chí xuống luôn năm sáu lần nữa, mà không gặp mặt; thầy biết thầy Hội-đồng nói không thiệt thì thầy tức cười thầm, rồi về nhứt định đi dạy đờn mà chơi, không thèm làm nghề chi hết.

Thầy đi trót năm tháng mới trở về nhà em rễ. Thầy nghe nói có thầy Phó-tổng sở tại vợ chết nên gấm ghé muốn cậy mai đến nói vợ thầy, mà ý vợ thầy cũng thuận rồi nên thầy Phó tới lui hoài. Thầy biết vợ thầy là người tham bạc tham tiền, trọng quyền trọng tước, thì thầy đã khinh bĩ rồi, mà thầy nghe nói mất tiết mất trinh thì thầy lại càng khinh-bĩ nhiều hơn nữa.

Từ ấy về sau thầy mang mấy tuối đờn lưu-linh trong lục-tĩnh, trót 15 năm trường khi thì lên Châu-đốc, khi thì xuống Bắc-liêu, khi thì lại Tây-ninh, khi thì qua Bà-rịa. Tuy có lúc thầy cũng xây xài bẩn chật, nhưng mà dầu khi nghèo cực thầy cũng giữ gìn danh dự, chẳng hề làm cho thấp cái phẩm giá của thầy. Lúc sau đây thầy thấy thiên-hạ lại ưa nghe ca, thầy nghĩ dầu thầy đờn hay mà không có ai ca thì chắc thiên-hạ cũng ít chuộng, bỡi vậy cho nên ra Bà-rịa thầy thấy con Đoàn-kim-Liên mặt mày sáng-sủa, mà tiếng nói lại thanh tao, thầy mới xin đặng thầy dạy ca, rồi dắc nhau mà đi đờn ca cho thiên-hạ nghe chơi mà lấy tiền. Thầy nuôi con Liên hơn một năm thầy dạy nó đã biết đủ điệu, mà lại biết được ít bản đờn-tranh nữa. Vì nó mới có 8 tuổi nên đờn ngón chưa được tươi, chớ còn ca thì ai cũng phải khen, bỡi vì tiếng nó đã tốt mà nó ca lại chắc nhiệp nữa. Thầy trở vô Sai-gon ở đờn mấy tháng thầy gặp một ông bầu gánh hát cải-lương, người thấy thầy đờn tươi, đặt bài ca hay, mà con Liên lại có thinh có sắc thì ái mộ, nên cứ theo năn-nỉ với thầy hoài, xin thầy theo giúp giùm, thầy thì làm thầy-tuồn, còn con Liên thì đứng rạp. Thầy nghe lời khuyến dụ thì cười ngất, rồi dắc con Liên đi xuống Gò-công, không thèm trả lời chi hết. Thầy ở Gò-công chơi ít ngày rồi tính đi lần lần về Cần-Đước mà thăm em, nào dè ra tới Mỷ-lợi lại gặp tên Hữu rồi xin thêm thằng Được mà nuôi nữa đó.

Trong 15 năm nay thầy ít hay về tổ quán, là vì thầy đã cải giá, thầy sợ về vợ chồng gặp nhau tuy thầy không hờn giận, song vợ thầy cũng ngở-ngàng. Nay thầy dắc hai đứa nhỏ về thì thầy cũng tính về thăm em vài ngày rồi đi, chớ không phải tính về mà ở đó.

Thầy Đàng bước vô cữa thì vợ chồng Phan-hảo-Tâm mừng rở hết sức, hỏi căn nguyên con Liên với thằng Được rồi mới lật đật làm gà dọn cơm cho thầy ăn. Phan-hảo-Tâm là người cần kiệm, làm ruộng không lớn, song nhờ làm thầy thuốc tỏ dải nên trong nhà có dư-giã chút đỉnh; vợ chồng có hai đứa con, đứa con gái lớn đã có chồng về trên Rạch-Đào, còn đứa con trai nhỏ thì còn học tại trường Chasse-loup-Laubat.

Thầy Đàng thấy em trong nhà thong thả thì mừng; thầy hỏi thăm mọi việc ở nhà, song chẳng hề khi nào hỏi tới vợ. Lúc thầy ngồi ăn cơm với hai đứa nhỏ, em gái thầy mới thỏ-thẻ mà tỏ rằng vợ thầy đụng thầy Phó-tổng xưa nay không có con, mà năm ngoái thầy Phó lại tỵ trần, vợ thầy bị sấp con ghẻ rầy-rà nên đã trở về nhà cũ mà ở. Thầy Đàng nghe nói tới chuyện vợ thì châu mày coi có sắc buồn, chẳng hiểu là tại thầy nhớ đến sự bất nghĩa của người xưa, hay là tại thầy động lòng thương bạn cũ, mà thầy không nói chi hết.

Thầy ở Cần-Đước mấy bữa thầy đến nhà thăm bà con cùng hết, nhưng mà thầy lánh không chịu đi lại gần nhà cũ của thầy. Thầy vừa tính từ tạ em rồi dắc hai đứa nhỏ mà đi, chẳng dè thầy nhuốm bịnh thình lình nên thầy phải nấn-ná ở lại mà dưỡng bịnh.

Phan-hão-Tâm lo hốt thuốc cho thầy uống, tuy bịnh thầy không thêm, những mà cũng không giảm chút nào. Phan-hảo-Tâm coi mạch rất kỷ rồi nói thầy đau thận, nên cho thầy ăn cơm lạt với chuối hoặc với đường mà thôi, chớ không cho ăn đồ mặn, lại khuyên thầy phải nương náu mà uống thuốc đôi ba tháng thì bịnh mới dứt được. Thiệt thầy cũng chẳng đau chi cho lắm, chỉ đau lưng, nhức tay, mỏi cẳn và có khi lại ran cái ngực mà thôi, song vì bỡi thầy ăn không được, nên nằm mới mấy bữa mà trong mình thầy yếu lắm.

Thằng Được với con Liên ở đó cứ ăn rồi chơi, chớ không làm việc chi; chúng nó buồn, con Liên mới bày ra dạy thằng Được ca. Dạy đúng một tháng thằng Được đã biết ca đủ bản hết. Thầy Đàng bịnh mười phần đã giảm được năm phần rồi, mới biểu em mua hai cuốn vần quốc-ngữ, ban ngày thì dạy hai đứa nhỏ học chữ còn ban đêm thì dạy chúng nó học đờn. Con nhà giàu trong làng thấy thầy dạy hai đứa nầy học đờn, thì thừa dịp nên áp tới mà xin thầy dạy giùm. Thầy nghĩ mình còn bịnh chưa đi đâu được mà ở không cũng chẳng ích gì, nên thầy chịu dạy đặng cho hai đứa nhỏ trong nhà học theo cho dễ.

Người vợ cũ thầy bỏ thầy mà lấy Phó-tổng gần 15 năm nay, nhà cữa phải giao cho một đứa cháu ở giữ giùm, lúa ruộng năm nào góp xong rồi cũng phải nhập với lúa của thầy Phó để mà xài chung. Tuy ở trong nhà thì tôi tớ, ra ngoài đường thì làng dân, ai cũng thưa, cũng dạ, cũng kêu là bà Phó, nhưng mà có một chút đó mà phải ra công xem xét việc nhà cho người ta, rồi mỗi năm lại phải giao cho người ta hơn hai ngàn giạ lúa nữa, nghĩ thiệt là mắc quá. Đã vậy mà lúc thầy Phó tỵ trần sấp con ghẻ lại nói nhiều lời sĩ-nhục, đứa thì nói mình thấy thầy Phó giàu nên bỏ chồng mà ám xát đặng giựt của, đứa thì nói vì mình nên thầy Phó mới mang bịnh mà tỵ trần.

Cô trở về nhà cũ mà ở, nghĩ đến việc chồng thì hổ thẹn trăm bề, mang chi cái thói ham tước ham quyền mà mười mấy năm nay hao tiền tốn của không biết bao nhiêu, lại còn phải mang tiếng lộn chồng, mang đều bạc nghĩa. Cô đương buồn rầu bổng nghe chồng cũ trở về, tuy cô không dám để lòng trông cho con chim cũ vào cái lồng xưa, nhưng mà cô nằm ngồi không an, coi ra tuồng như cô thương nhớ thầy lắm vậy.

Đêm nào cô cũng chong đèn ngồi mà suy nghĩ, nếu thầy Đàng kêu cữa thì chắc là cô bỏ giày chạy ra ôm khóc rồi năn-nĩ ỷ-ôi cho thầy dung thứ cái tội ngày xưa, mà cô ngồi đợi hoài không nghe ai kêu, duy nghe canh tàng gà gáy van rân, duy thấy chích bóng trong phòng hiu quạnh. Cách ít ngày cô lại nghe thầy nhuốm bịnh, cô mới lần đến mấy nhà ở gần Phan-hảo-Tâm mà chơi. Tuy là cô giả bộ đi chơi, song trong lòng cô thì cô quyết hỏi thăm coi bịnh chứng của thầy nặng nhẹ thể nào, và thầy về có tỏ dấu đoái tưởng đến cô chút nào hay không. Người trong xóm thuật chuyện thầy về có hai đứa nhỏ cho cô nghe, lại nói bịnh thầy nặng lắm có lẽ thầy phải ở uống thuốc lâu lâu mới mạnh được.

Ngày nào cô cũng đi qua đi lại ngang trước nhà Hảo-Tâm, rồi ghé mấy nhà ở gần đó khi thì hỏi mua trứng gà, khi thì mướn người đấp đất. Một bữa nọ cô đương ngồi trong nhà bà Cẫn, bổng thấy thằng Được với con Liên đi lại đó chơi. Cô lấy làm mừng mới hỏi thăm chuyện thầy, lại thấy hai đứa nhỏ ngộ-nghỉnh cố đem lòng thương nên cô biểu chúng nó đi theo cô lên nhà cô chơi. Thằng Được với con Liên bước vô nhà thấy nhà cữa kinh-dinh, ghế tủ hực-hở thì ké-né không dám ngồi. Cô hối đứa ở trong nhà chạy đi mua bánh đem về cho hai đứa nhỏ ăn, rồi cô mới hỏi rằng: « Hai cháu kêu ông thầy đó bằng giống gì? »

Hai đứa ngó nhau rồi thưa rằng: « Thưa, con kêu bằng thầy. »

Cô cười rồi nói rằng: « Hai cháu biết hôn? Qua đây là vợ của thầy đó đa. Thầy giận qua rồi bỏ đi hơn 15 năm nay không chịu về nhà. Hai cháu muốn ở đây với qua hay không? Như muốn thì biểu thầy về đây mà ở, đặng hai cháu sung sướng tấm thân. Ở với qua, qua may áo tốt quần tốt cho mà bận. »

Hai đứa ngồi lặn thinh không nói đi nói lại chi hết. Chơi một hồi rồi thưa với cô mà về, vì sợ đi chơi lâu thầy rầy. Cô cho mỗi đứa một cắt bạc rồi dặn mỗi bữa lên cô cho ăn bánh. Hai đứa nhỏ ra đường lấy làm đắc ý, nói nói cười cười, hỏi với nhau tại sao thầy có nhà tốt, có vợ yêu như vậy mà lại không chịu về nhà lại trôi-nổi dạy đờn làm chi cho cực thân nhọc trí. Tuy cô dặn, song hai đứa nhỏ về không dám nói ra, mà hễ năm ba bữa thì giả bộ đi chơi rồi lên nhà cô mà ăn bánh.

Ngày nọ cô thấy cô ba Sự là em thầy Đàng đi ngang qua nhà, cô liền mời vô rồi khóc lóc mà tỏ lòng ăn năn lỗi ngày trước, và xin cô ba Sự làm phước nói giùm cho thầy hết giận đặng trở về cho cô nuôi dưỡng cho thong thả tấm thân. Cô ba Sự thấy vậy cũng động lòng, nên hứa để đợi anh lành mạnh rồi sẽ kiếm lời mà dọ ý.

Thầy Đàng uống thuốc hơn 7 tháng mới thiệt mạnh. Con Liên học đờn tranh đờn kiềm đã lảo thông; còn thằng Được thì đờn kiềm với đờn cò cây nào cũng đờn gần đủ bản. Hai đứa lại biết đọc biết viết chữ quốc-ngữ rồi hết. Ăn Tết xong rồi thầy mới cột đờn gói sách sửa soạn muốn dắc hai đứa nhỏ mà đi. Tối bữa ấy thầy đương nằm nói chuyện với em rễ, thì em gái thầy trong buồng bước ra ngồi bộ ván bên kia têm trầu ăn rồi hỏi thầy rằng:

— Anh hai, anh tính đi đâu nữa hay sao mà ngày nay anh thâu xếp đồ đạt đó vậy?

— Ừ, qua tính sáng mai qua đi Bến-tre, Mỏ-cày chơi.

— Ý anh muốn em không dám cải, chớ thiệt em thấy anh đi em buồn quá.

— Vậy chớ thuở nay đó sao?

— Thuở nay anh mạnh giỏi chẳng nói làm chi. Nay anh đã hơn 50 tuổi rồi, anh đã già yếu mà trong mình lại có bịnh nữa. Anh đi xa như anh mạnh giỏi chẳng nói gì, còn khi ương yếu thì có ai đâu mà nhờ cậy.

— Chí qua muốn thong thả, ở một chỗ tù túng qua chịu không được. Mà em biểu qua đừng có đi thì tiền đâu có cho qua xài, cơm đâu có cho qua ăn.

Hảo-Tâm nghe nói tới đó liền ngồi dậy mà trả lời rằng:

— Anh ăn xài bao nhiêu đó mà anh lo dữ vậy. Anh ở nhà đây vợ chồng tôi nuôi cho.

— Dượng có bụng tốt thì tôi cám ơn lắm. Song tôi biết dượng đủ ăn chớ không phải giàu có chi. Mấy tháng nay tôi về đây làm tốn cơm nước mà lại còn tốn thuốc men của dượng nữa, tôi nghĩ thì tôi ái ngại vô cùn. Tôi chưa đền ơn cho dượng được, nay lành mạnh rồi lẽ nào tôi còn theo mà làm nhọc cho vợ chồng dượng nữa hay sao.

— Anh em mà đền ơn báo nghĩa nỗi gì.

Ba Sự xen vô mà hỏi rằng:

— Mà bây giờ anh tính đi làm việc gì ở đâu anh nói nghe thữ coi.

— Đi ra trước dạy đờn kiếm tiền xài, sau chơi luôn thể.

— Dạy đờn vậy chớ ở nhà đây lại dạy không được hay sao? Con nhà giàu họ học hiếm đó, anh dạy họ mà ăn tiền, cần gì phải đi đâu cho mệt.

— Ở nhà buồn lắm, dạy giống gì được.

— Cần-Đước là chỗ nhau rún của mình, về đây sao anh lại buồn? Hay là về ở đây anh nhớ chuyện cũ, anh xét phận anh bây giờ nghèo hèn, còn phận chị hai thì giàu có, nên anh hổ thầm, rồi anh buồn phải không?

— Qua có hổ thẹn việc chi đâu, qua đắc ý lắm chớ! Cái nghèo của qua đây gia tài của họ đó dầu bán cho hết đi nữa mua cũng không nổi đâu; em đừng có tưởng qua thấy họ giàu còn qua nghèo mà hổ thẹn.

— Hứ! anh khinh khi người ta quá!... Đời nầy có cái chi quí hơn đồng tiền. Phải hồi trước anh chịu nhịn nhục mà làm việc quan, thì ngày nay có lẽ anh đã làm tới Đốc-Phủ rồi. Mà nếu anh không chịu làm việc quan, thì anh nương theo chỉ có lẽ trọn đời anh cũng khỏi cực khổ. Em nghĩ thiệt em tiếc quá.

— Phận em là đờn-bà, em đâu hiểu tâm chí của qua mà em nói.

— Em cũng biết làm đàn-ông ở không mà ăn chực của vợ thiệt cũng không tốt gì đó. Mà hồi còn trai tráng anh đủ tài đủ trí, đủ tay đủ chơn, anh không thèm hưởng nhờ của vợ, thôi em cũng cho là phải đi. Nay anh đã già yếu rồi nếu anh cứ cứng cỏi hoài thì.....

— Em đừng có nói quấy như vậy! Con người lúc còn trẻ thì hay làm bậy, đến chừng già rồi mới sửa tánh lại. Phận anh đây, hồi nhỏ anh đã làm phải, bây giờ già rồi em lại biểu anh phải sửa lại mà làm quấy hay sao?

Thầy Đàng nói tới đó lồm cồm ngồi dậy mà ngó ngay ba Sự. Hảo-Tâm cũng ngồi dậy vấn thuốc mà hút, còn thằng Được với con Liên thì đứng dựa tủ thuốc lóng tai mà nghe. Thầy Đàng tằn hắn rồi nói tiếp:

— Thế khi em muốn qua trở lại vợ cũ qua hay sao chớ.

Ba Sự ngồi lặn thinh không trả lời. Thằng Được mấy tháng nay ăn bánh lảnh tiền của cô Phó đã nhiều, có lòng ước ao cho thầy chịu trở về ở với cô đặng ăn mặc cho sung sướng, nên nghe thầy hỏi như vậy thì trong lòng hồi hộp trông coi thầy tính lẽ nào. Cách một hồi ba Sự mới nói rằng:

— Nếu anh chịu trở về ở với chỉ thì tiện lắm. Em biết chắc hễ anh về thì chỉ mừng lắm. Chĩ thấy anh bây giờ già yếu nghèo nàn mà lại hay đau ốm thì chỉ thương, nên mấy tháng nay chỉ cậy người nầy người kia nói giùm mà không ai dám nói. Em nghĩ nếu anh trở về ở với chỉ thì xong, bỡi vì....

— Nính! Em đừng nói bậy. Em bưng chén nước em đổ rồi em hốt lại cho đầy chén được hay không?

— Ở đời có cần gì. Ở đời nầy miễn là có tiền bạc nhiều thì thôi.

— Hứ! khéo bày chuyện làm cho tôi mang nhục!

Hảo-Tâm thấy anh vợ có sắc giận liền xen vô mà nói rằng:

— Vợ tôi nó tính quấy mà cũng có chỗ phải đó anh hai. Anh xét lại đó mà coi, nếu anh về ở với chỉ, thì nằm không cũng có của cho mà ăn; thân anh đã sung sướng mà anh em lại gần-gủi với nhau được nữa.

— Té ra dượng cũng vậy nữa sao?

Thầy Đàng trả lời có mấy tiếng rồi nằm day mặt vô vách mà ngủ, không thèm nói chi nữa hết. Thằng Được với con Liên không hiểu vì cớ nào mà nhà tốt vợ đẹp mà thầy không thèm, nên ngó nhau rồi cũng dắc nhau mà đi ngủ.

Rạng ngày có lái buôn lúa ở lối xóm dọn ghe bạn đi Bến-tre mua lúa đặng chở về Chợ-lớn mà bán. Thầy Đàng thừa dịp ấy mới xin quá giang mà đi Bến-tre. Khi thầy ôm đờn dắc hai đứa nhỏ ra khỏi nhà, thầy liền nói với chúng nó rằng: « Tao không dè sấp đó là đồ tiểu-nhơn. Tao nói thiệt, đến chết tao cũng không bước chơn về đó nữa. Mà ngày nào tao có chết bây cũng đừng cho chúng nó hay làm gì ».

Đêm rằm tháng giêng, bóng trăng tỏ chói trời Nam vằn-vặt, dòng nước xanh tràng sông Trước minh-mông. Từ vàm Kỳ-hôn xuống tới mỏm Tam-lạch, trời trời nước nước ê-hề, trăng dọi, gió đùa, mặt nước lao-xao mà lại rạn-ngời coi như thể vàng trôi bạc chảy. Cách một khoản xa xa mới có một chiếc thuyền buồm trương, chèo xếp, thả giữa dòng để cho nước xuôi gió thuận đưa đi. Hai bên sông cây cỏ im lìm, một giây lâu mới nghe tiếng trống trở canh văng-vẳn.

Chiếc ghe của thầy Đàng ra khỏi vàm Kỳ-Hôn rồi thì bạn lái đều ngủ hết, duy còn có một chú đà-công ngồi phía sau tay nắm lèo, tay cập bánh, nhắm giọt nước mà thả linh đinh; đêm khuya khoản vắn, gió mát trăng trong, anh ta hứng cảnh động tình nên cất tiếng mà nói thơ Lục-vân-Tiên nghe inh ỏi. Thầy Đàng nằm trong mui lặn-lẻ đương suy đi xét lại những thế tục nhơn tình, bổng nghe tiếng đà-công nói thơ, thầy ngứa nghề, liền lồm-cồm ngồi dậy lấy cây đờn cò mà đờn theo đặng giải cơn buồn chút đĩnh. Chú lái với hai đứa nhỏ đương ngủ nghe tiếng đờn cũng dực mình thức dậy, rồi ngồi nghe chơi vui vẻ vô cùng. Chú lái muốn để cho bạn nghỉ ngơi cho yên, nên không kêu, chú mới bổn thân đốt đèn nhúm lửa rồi nấu nước trà cho thầy uống.

Đà-công nói thơ một hồi rồi nghỉ. Thầy Đàng uống nước rồi mới biểu thằng Được lấy đờn kìm mà hòa với thầy, còn con Liên thì ca theo. Chú lái tuy là người lam lụ làm ăn, xưa nay ở nhà làm ruộng thì mảng sợ mạ tiêm lúa háp, ngồi ghe đi buôn thì mảng lo bán đắt mua may, chớ chưa biết thú vị phong lưu là thể nào, nhưng mà chú ngồi nghe đờn ca một hồi rồi tâm thần bể-nghễ, mày mặt ngáo-ngơ; nếu lúc ấy ai cắc cớ hỏi chú vậy chớ đờn ca như vậy mà hay dở thể nào, thì chắc chú nói nghe thì là hay, mà sao trong lòng ngần ngại bưng-khuân, dường như thương ai nhớ ai, khó mà nói rõ ra cho được.

Con Liên ca mệt thì lấy đờn tranh mà đờn, nhường lại cho thằng Được ca đủ bài bản hết. Chú lái lấy làm đắc ý, mà chú đà-công cũng rất vui lòng. Thầy Đàng hồi đầu hôm nằm lặn lẽ nghĩ đến việc đời thì buồn thầm, mà chừng thầy đờn cho hai đứa nhỏ ca một hồi rồi thầy quên hết những chuyện xưa, sắc mặt hân hoan, tấm lòng nhàn lạc,

Ghe xuống tới Bến-tre, thầy Đàng tạ ơn chú lái rồi ôm đờn dắc hai đứa nhỏ lên bờ tìm nhà ông Phán Cầm là bạn học thuở nhỏ mà thăm. Ông Phán Cầm thấy thầy thì mừng rở vô cùng.

Thầy dòm nhà ông Phán thấy chưng dọn hực-hở, tôi tớ rần-rần, vợ con lòa-lẹt, thầy nghĩ đến cách lập nghiệp của người giúp việc quan thì thầy có ý cười thầm. Nhưng mà anh em hồi nhỏ học một trường, yêu mến nhau mà đã lâu rồi không có dịp gặp nhau, nên thầy không nỡ chiết báng nhau, thầy mới hỏi thăm gia đạo coi ông Phán làm ăn lợi hại thể nào cho biết. Ông Phán nghe hỏi đến việc nhà nên đắc ý bèn nói thiệt rằng từ khi ông đổi lại Bến-tre đến nay kể đã hơn mười năm rồi, lúc ban đầu thiệt ông chẳng được khá cho lắm, song mấy năm sau đây dân sự quen biết ông nhiều, rồi thì bạc tiền vô như nước, ngày nào ông cũng kiếm chác được năm mười đồng, mà nếu gặp mấy vụ lớn thì ông lại có tới năm ba chục. Ông Phán tỏ việc mình rồi mới hỏi thăm thầy Đàng. Thầy thấy ông Phán lấy tình thiệt mà đải mình lại có ý muốn tỏ cái lòng nhàm chán thế-tục của mình cho ông Phán biết, nên cũng không giấu giếm, bèn thuật hết các việc của mình cho ông Phán nghe.

Ông Phán nghe thầy Đàng nói hết đầu đuôi rồi, trong bụng có hơi chê thầm rằng thầy không biết thừa thế, nhưng vì anh em thương nhau, nay mình được khá còn anh em mình nghèo, nếu không giúp nhau thì sợ miệng thiên-hạ họ cười mình bất nghĩa, bỡi vậy cho nên ông Phán mới cầm thầy ở lại đó, trước là anh em sum hiệp với nhau cho vui, sau nữa ông kiếm người học đờn cho thầy dạy, khỏi đi đâu cực khổ.

Cô Phán là một người đàn-bà hay chìu theo ý chồng, mà cô lại có tánh ham nghe đờn nghe ca, có bạn hát cải-lương nào lại hát tại Bến-tre, hễ hát mấy đêm thì cô đi coi đủ mấy đêm, dầu ca hay ca dở, dầu tuồn trưng lớp luân-thường thuần mỷ, hay là diển hồi phong-tục suy đồi, cô cũng chẳng cần miễn là nghe tiếng đờn dọng ca thì cô vui chẳng kể chi lớp lan tuồn tập. Cô nghe ông Phán nói thầy Đàng đờn cây nào cũng tươi, còn hai đứa nhỏ đứa nào ca cũng giỏi thì cô có ý mừng thầm, chừng nghe nói thầy Đàng chịu ở mà dạy đờn thì cô lấy làm đắc ý lắm. Cô sợ thầy Đàng ngại ngùn không ở lâu, nên ông Phán đi hầu thì cô ở nhà bải buôi tiếp đải thầy rất ân cần.

Chiều thứ bảy ông Phán dọn tiệc mời mấy ông mấy thầy trong tĩnh đến ăn uống chơi, rồi thầy Đàng với hai đứa nhỏ đờn ca, thì khách ngồi nghe chẳng ai mà chẳng khen ngợi. Bữa sau có năm sáu thầy đến xin học đờn, lần lần rồi con nhà giàu rải rát cũng đến xin học. Thầy Đàng ban đêm thì dạy đờn, còn ban ngày hễ ông Phán đi hầu rồi thì ở nhà thầy dạy con Liên với thằng Được học chữ, lại dạy cách cư xử với người đời, nhứt là thầy khuyên hai trẻ ở đời phải giữ gìn danh-dự cho vẹn toàn, thà làm người nghèo hèn mà phẩm-giá được cao, chớ đừng có làm người giàu sang mà chịu chúng vày bừa khinh bỉ.

Thầy Đàng ở tại nhà ông Phán Cầm trót ba năm, vợ chồng ông Phán cũng vui vẽ luôn luôn như ngày mới đến. Thằng Được tuy ăn no mặc ấm, lại mấy thầy thấy nó bặt thiệp thường hay cho nó tiền mà xài chơi, nhưng mà có đêm nó nằm nhớ đến ba Thời thì nó chứa chan giọt lụy. Ông Phán có một đứa con trai còn học ngoài Hà-nội, nên trong nhà chăng có trẻ nhỏ đặng bậu bạn cho vui, túng thế nó phải chơi với con Liên, tuy con gái chơi không được vui, song gần gủi nhau nhiều ngày rồi lần lần yêu mến nhau cũng như anh em ruột.

Bữa nọ ông Phán xin phép nghĩ 10 ngày đặng về Biên-hòa mà thăm cố hương. Cô Phán ở nhà với thầy Đàng câu chuyện vản, cách đứng ngồi coi có ý lả-lơi, thầy lấy làm bất bình bèn giả chước đi Mỏ-cày thăm bà con, thầy để hai đứa nhỏ ở lại, còn thầy xách hoa-ly xuống tàu đi mất. Ông Phán đi Biên-hòa về hai ba ngày rồi thầy mới trở về. Thầy ở đó được nửa tháng nữa rồi thầy mới nói với ông Phán để cho thầy qua Trà-vinh chơi ít bữa. Ông Phán tưởng thầy đi ít bữa rồi trở lại nên không cầm cọng làm gì. Thầy Đàng đi từ giả mấy người học đờn thì họ tiển hành mỗi người đôi ba chục đồng, trong túi thầy cọng cũng được hơn một trăm rưởi.

Thầy Đàng sợ vợ chồng ông Phán nghi thẫy đi luôn không trở lại, rồi cầm thầy thì khó cho thầy thoát thân, bỡi vậy thầy đem theo có vài cái áo, vài cái quần, với ba cây đờn mà thôi, còn bao nhiêu thầy gói mà gởi lại hết. Thầy từ tạ vợ chồng ông Phán rồi dắc hai đứa nhỏ xuống tàu đi Trà-vinh, những người học đờn với người quen biết theo đưa thầy chật nức.

Khi tàu mở dây lui ra khỏi bến rồi thì thầy ngồi chống tay ngó vô mé sông mà suy nghĩ việc đời. Cách một hồi thằng Được với con Liên xẩn bẩn lại ngồi một bên thầy, thầy bèn day lại mà nói với thằng Được rằng: « Nầy con, xưa nay thiên-hạ họ thường khinh bỉ mấy thầy đờn, họ kêu thầy đờn là bợm bải. Thầy không hiểu vì cớ nào mà thầy đờn lại chịu tiếng nhơ như vậy. Nay thầy mới hiểu nếu thầy đờn mà không biết giữ danh giá ắc chẳng khỏi mang nhơ đó con ».

Thằng Được nghe nói không hiểu ý thầy bèn hỏi rằng: « Thưa thầy, tại sao mà thầy nói vậy? »

Thầy Đàng vấn thuốc hút rồi nói tiếp rằng: « Phàm đàn-bà con gái phần nhiều đều ưa nghe đờn. Mà tiếng đờn của Annam thì là déo-dắc rỉ-rả, nghe ra bắt thương, bắt nhớ, bắt cảm, bắt động tình, bỡi vậy cho nên ngón đờn tươi chừng nào thì càng làm cho đàn-bà con gái dễ mê chừng nấy. Nếu làm thầy đờn mà không chánh tâm, không trọng nghĩa, thì thiếu chi dịp làm cho bọn quần-xoa mất tiết mất trinh. Mà xưa nay bọn thầy đờn có bao nhiêu người được chánh tâm, biết trọng nghĩa? bỡi vậy cho nên mang tiếng bợm bải cũng phải chớ nào không. Thầy coi con còn nhỏ mà ngón đờn đã tươi rồi, chắc chừng con khôn lớn cây cò với cây kìm của con chẳng ai ăn được. Vậy con phải nhớ lời thầy dặn, nếu ngày sau con có nghề nghiệp nào khác thì con đừng có dạy đờn; ví bằng con không có nghề, con phải ra làm thầy đờn thì con phải ráng mà chánh tâm trọng nghĩa cho lắm mới được?

Thằng Được ngó con Liên mà cười chúm chím rồi day lại hỏi thầy Đàng:

— Mình đi Trà-vinh đây rồi chừng nào trở về nhà ông Phán vậy thầy?

— Đi luôn chớ không trở về nữa.

— Sao vậy thầy?

— Nếu trở về đó sợ có ngày tao phải mang nhục.

— Nếu vậy sách với áo quần thầy còn để lại đó thầy bỏ hết sao?

— Để kiếm chỗ ở yên rồi tao sẽ viết thơ mượn ông Phán gởi qua.

Đến hai giờ chiều tàu súp-lê nghe inh ỏi. Trên cầu tàu Trà-vinh thiên-hạ lao xao, kẻ chực rước bà con, người hỏi thăm bậu bạn. Phía trong xe-kéo đậu sấp hàng ngay bót, bọn xa-phu chạy lăn xăn mời khách lên xe. Chú bếp đứng giữa cầu tay cầm roi mây, miệng hỏi giấy thuế thân, vinh mặt châu mày, coi oai nghi lẩm liệt.

Thầy Đàng xách hoa-ly bước lên cầu, ngoắc một tên xa-phu lại mà trao cho nó, biểu xách đem để trên xe, rồi thầy vói xuống tàu mà lấy mấy túi đờn và vịnh cho hai đứa nhỏ leo lên. Thầy bịch khăn đen mặc áo dài lược-bược, mà lại gặp dịp lộn xộn, nên rủi sút rớt hết một chiếc giày hàm-ếch xuống dưới kinh. Lúc thầy đương lụi-đụi đó chú bếp đứng giữa cầu lại kêu: « Ê! ông già kia, trình giấy thuế thân ra coi nào! » Thầy nghe, nhưng mà mắc lộn xộn với chiếc giày nên không trả lời. Chừng hai đứa nhỏ lên xong rồi, thầy rút chiếc giày còn lại đó trao cho con Liên cầm, rồi dắc nhau đi lại xe. Lúc đi ngang qua chú bếp thì thấy chú đương xét giấy thuế thân một người Khách-trú thầy mới đi luôn. Chú bếp dòm thấy bèn kêu trở lại mà hỏi rằng: « Sao không trình giấy thuế thân, trốn đi đâu đó? » Thầy nghe dọng vô lễ thì giận lắm, nhưng vì thầy biết luật-phép, thầy sợ trái phép nước, nên không dám đôi co. Thầy mở bốp lấy giấy thuế thân đưa cho chú bếp xem; chú bếp trợn mắt ngó thầy lườm-lườm, còn thầy thì liếc ngó ngang, bộ khinh bỉ lắm. Chú bếp mở ra coi rồi trả giấy lại cho thầy, mà khoát tay biểu đi, bộ tịch thiệt là xấc xược.

Thầy đương giận trong lòng, mà chừng đi lại gần tới xe, thầy lại nghe tiếng la hét om-sòm. Thầy day lại thì thấy chú bếp lại cầm roi mà đánh bổ trên đầu một người trai chừng 25. 26 tuổi, mặc quần vải đen cũ, áo vải trắng cực, coi bộ thì biết là một nông-phu quê-mùa dốt nát ở trong làng. Thầy thấy vậy lấy làm bất bình, dằn lòng không được, bèn bỏ mấy túi đờn chạy lại giựt roi mà nạt rằng: « Mầy ngan quá! Mầy có phép nào mà được đánh người ta? Như người ta có tội thì bắt giải người ta đến Toà-bố hoặc Toà-án cho quan phân xữ, chớ sao mầy được dóc roi trên đầu người ta vậy? »

Chú bếp đã ghét sẵn thầy Đàng rồi, chừng thấy thầy là người vô cang mà nhảy ra binh vực như vậy thì càng giận hơn nữa, nên bỏ tên dân quê-mùa ấy, day lại thộp ngực nắm áo thầy mà kéo đi. Thầy vùng vẫy không chịu đi, lại la om-sòm biểu chú bếp phải buông ra. Chú bếp không thèm nghe, cứ việc kéo xển thầy đi. Thằng Được thấy việc chẳng lành thì bối rối trong lòng, còn con Liên thì cập mắt ướt-rượt. Những người có mặt tại đó đều đứng ngó trân trân, không ai nói tiếng chi hết.

Thầy Đàng vùng vẩy không được, túng thế phải đi theo chú bếp. Thầy và đi và day mặt lại kêu thằng Được mà nói rằng: « Được, con để hết đồ lên xe kéo rồi dắc em đi theo đây. » Thằng Được lấy túi đờn để lên xe với cái hoa-ly rồi biểu xe kéo đi.

Chú bếp buông áo mà nắm tay thầy Đàng dắc đi trước, kế đó thì thằng Được nắm tay con Liên mà đi theo, sau nữa thì cái xe-kéo chở đồ. Đi đến cữa bót, chú bếp dắc thẳng thầy vào bót, còn con Liên thằng Được với cái xe-kéo thì ở ngoài đường. Hai đứa nhỏ ngồi dựa lề đường mà ngó chừng vô bót, không biết việc lành dữ thể nào, nên trong lòng lấy làm lo sợ, cứ nhìn nhau hoài chớ không dám hó hé. Cách một hồi bổng nghe tiếng ông Cò la hét om-sòm, rồi cũng nghe tiếng thầy Đàng trả lời, song nói tiếng Tây nên hai đứa nhỏ không hiểu. Tên xa-phu ngồi vấn thuốc mà hút, lại lầm bầm nói rằng: « Ông Cò nầy oai lắm, lôi-thôi đây đố khỏi bị ổng. » Hai đứa nhỏ nghe nói như vậy lại càng sợ hơn nữa.

Cách một hồi nghe trong bót vắn teo, mà không thấy thầy ra. Hai đứa nhỏ đương ngồi trông, bổng có một tên lính trong bót đi ra thấy xe-kéo với hai đứa nhỏ thì hỏi rằng: « Làm giống gì mà ở đây? » Hai đứa nhỏ đứng dậy. Tên xa-phu trả lời rằng: « Hai đứa em nó đi với ông già bị chú bếp bắt hồi nảy, nên ngồi đây mà chờ ổng. » Tên lính nói rằng: « Vậy hay sao? Ông Cò đã dạy giam ông già đó đặng sáng mai sẽ giải lên Tòa, chờ giống gì được mà chờ. Đi đi cho mau, ở đây ông Cò ổng ra ổng thấy ổng rầy đa. »

Hai đứa nhỏ nghe nói thì chết điến trong lòng, nên bắt rưng-rưng nước mắt. Tên xa-phu bèn nói rằng: « Hai đứa bây tính sao bây giờ? Bây có tiền hay không? Thôi, trả tiền xe cho tao đi, chớ bây neo xe tao hoài hay sao? » Thằng Được lấy làm bối rối không biết liệu thế nào. Lúc ở Bến-tre mấy thầy học đờn cho nó tiền, nó ăn không hết, lúc ấy trong lưng nó còn được tám cắt bạc, nên nó trả tiền xe thì được rồi, mà trả tiền xe rồi biết đi đâu, đồ đạt đem chỗ nào mà để. Nó đương lo tính trong lòng, tên xa-phu lại hỏi rằng: « Ở đây bây có bà con quen biết với ai không? Như có thì để tao chở giùm đồ lại đó rồi sẽ trả tiền luôn thể. » Thằng Được ngó con Liên rồi đáp rằng: « Hại quá, ở đây tôi không có quen với ai hết. »

Tên xa-phu châu mày mà hỏi:

— Nếu không có quen, bây giờ ông già bị bắt rồi bây làm sao?

— Để tôi kiếm nhà ở đậu đặng chờ thầy tôi chớ biết làm sao bây giờ.

— Hứ! Nếu không có quen vậy chớ lại đây làm gì? Thôi, bây trả tiền xe phức cho tao đi cho xong.

Thằng Được thò tay vào túi lấy ra một cắt bạc mà đưa cho tên xa-phu. Tên xa-phu vùn-vằn nói rằng: « Húy! được đọt đâu nà, dưới cầu tàu kéo lên tới đây, rồi chờ hồi nảy giờ gần một giờ đồng hồ, trả một cắt sao được? » Thằng Được thấy vậy bèn lấy ra thêm một cắt nữa rồi đưa mà nói rằng: « Tội nghiệp, xin chú thương giùm. Hai đứa tôi có tiền bạc gì đâu. May tôi có vài ba cắt để ăn cơm đỡ. Xin chú chịu phiền lấy hai cắt đây. »

Tên xa-phu lấy hai cắt bạc rồi mới xách hoa-ly với ba túi đờn mà đưa cho hai đứa nhỏ. Nó vừa kéo xe đi, thằng Được kêu mà hỏi rằng: « Nầy chú, không biết đường lại chợ đi ngã nào đâu chú há? » Tên xa-phu biểu đi thẳng trước mặt đó lên đến ngả tư thì quẹo qua tay trái rồi đi riết xuống thì sẽ đụng chợ.

Thằng Được tay mặt xách cái hoa-ly tay trái xách cái túi đờn kìm, còn con Liên tay thì ôm đờn tranh, tay thì xách đờn cò, hai đứa dắc nhau đi theo đường tên xa-phu mới chỉ đó. Hai đứa đi một khúc thì để xuống mà nghỉ tay. Con Liên mới hỏi thằng Được rằng:

— Thầy bị giam như vậy mà không biết có hại chi hay không anh?

— Không sao đâu. Thầy biết nói tiếng Tây giỏi, đến Tòa thầy nói chắc ông Tòa tha liền chớ gì; không biết chừng thầy làm chú bếp đó bị phạt nữa chớ. Ngang quá mà! mới làm bếp mà muốn đánh ai thì đánh.

— Tôi sợ quá anh à.

— Sợ giống gì?

— Hồi tôi thấy chú bếp nắm áo thầy tôi sợ run đó anh.

— Qua không sợ chút nào hết. Qua muốn nhảy vô binh thầy, song qua sợ thầy rầy nên qua không dám.

— Bây giờ mình xuống chợ làm gì? Nếu mình đi đây thầy ra rồi thầy biết mình ở đâu mà thầy kiếm. Tôi tưởng ở lối trước bót đó mà chờ thầy thì tốt hơn.

— Không được đâu. Người ta nói ông Cò đã giam thầy đặng sáng mai giải đến Tòa, thầy ra sao được mà chờ. Bây giờ mình xuống chợ kiếm quán mua cơm ăn, rồi kiếm chỗ gởi đồ chớ xách tồn-tền như vầy bất tiện lắm. Chừng gởi đồ xong rồi mình sẽ trở lên đó mà chờ thầy.

— Tiền đâu mà ăn cơm.

— Qua còn được 6 cắt.

— Vậy sao? Nè, mà thầy ở trong bót chiều nay cơm đâu thầy ăn?

— Qua có tính rồi. Để xuống chợ qua mua bánh mì rồi đem cho thầy ăn.

Hai đứa bàn tính với nhau rồi mới xách đồ đi nữa, đi xuống vừa tới chợ thì nghe đồng hồ trong tiệm rượu đã gỏ bốn giờ. Hai đứa tìm vào một cái quán nhỏ, mua một dỉa thịt xá-xiếu sáu su với bốn su cơm mà ăn. Ăn uống xong rồi mới xách đồ đi kiếm mua một ổ bánh mì 3 su, với một cặp lạp-xưởng, mượn nướng cho chín, rồi xin giấy nhựt-trình gói chung vô một gói. Hai đứa xách đồ đi qua đi lại trước chợ ba bốn lần, dòm coi thiên hạ đều lạ hết, không ai đoái hoài đến mình, nên tính xin gởi đồ ở đậu, mà không biết ai rộng lòng mà dám hỏi.

Đi nghểu-nghến đến năm giờ, thình lình may gặp một người đàn-bà chừng 45 tuổi ăn mặc tầm thường, đầu đội khăn vằn, chơn không có giày guốc chi hết. Người ấy ngó con Liên một hồi rồi hỏi rằng: « Hai đứa bây ở đâu mà nảy giờ tao thấy xách đồ đi nghễu-nghến hoài vậy? » Thằng Được nghe hỏi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, nên lật đật thưa rằng: « Thưa thiếm, hai anh em tôi ở bên Bến-Tre đi với thầy tôi, vừa đến đây hồi xế rủi gặp một chú bếp muốn kiếm chuyện hại thầy tôi nên bắt đem về bót rồi ông Cò giam thầy tôi. Từ hồi xế đến bây giờ hai anh em tôi bơ vơ không biết chỗ nào mà nương ngụ ».

Người đàn-bà ấy nghe nói như vậy liền đáp rằng: « Té ra bây đi với ông già gây với chú bếp ngoài cầu tàu đó sao? Tao có nghe mấy đứa xe kéo nó nói chuyện với nhau hồi nảy. Mà bây ở bên Bến-Tre qua đây làm gì, có bà con với ai hay không? »

Thằng Được để hoa-ly xuống đất rồi thưa rằng: « Thưa, không biết thầy tôi có quen với ai hay không, chớ hai anh em tôi thiệt không có quen với ai bên này hết. »

— Uả! nếu bây không quen, bây giờ thầy bây bị giam, bây làm sao?

— Thưa, tôi muốn kiếm nhà gởi đồ và xin ngủ nhờ ít bữa, chờ thầy tôi ra rồi sẽ hay chớ biết làm sao.

Vã người đàn-bà ấy góa chồng có một đứa con gái trạc chừng bằng con Liên, mà cũng trắng trẻo ngộ nghỉn như vậy, năm ngoái rủi đứa con gái đau rồi chết đi, nên từ ấy đến nay rầu buồn thương nhớ hoài. Nay gặp con Liên bổng nhớ đến con, nên đứng nhìn nó một hồi rồi nói rằng: « Nếu hai đứa bây không có quen với ai, thôi thì vô nhà tao mà ở. »

Thằng Được với con Liên bèn xách đồ đi theo người đàn-bà ấy. Ra khỏi chợ, quẹo qua tay mặt đi một khúc xa xa, tới một dảy phố ngói cũ, người đàn-bà ấy ghé vô một căn phố, lấy chìa khóa trong túi ra mở cữa, rồi biểu hai đứa nhỏ vô. Thằng Được dòm coi trong nhà thì thấy ván giường xịch xạt lem luốt, chẳng có vật chi quí mà trong nhà lại có trử xoài, thơm, lớp sắp trên ván, lớp đổ dưới đất. Người đàn-bà ấy thấy thằng Được ngó trước xem sau thì cười mà nói rằng: « Tao ở có một mình, không có ai hết. Tao bán hàng bông ngoài chợ, hễ đi bán thì tao khóa cữa gởi cho lối xóm họ coi chừng nhà giùm. Thôi bây ngồi đó chơi, để tao đi nấu cơm ăn. »

Thằng Được nói rằng nó với con Liên đã ăn cơm rồi; nó mới gởi đồ và để con Liên ở nhà, rồi nó cầm gói bánh mì lạp-xưởng đem xuống bót đặng cho thầy nó ăn. Nó đi tới cữa bót, muốn vô mà không dám, nên ngồi trước đường cứ chong mắt mà ngó vô hoài. Đến chạn vạn tối có một người đàn-bà ở trong bót dắc con đi ra, nó liệu chắc là vợ con lính trong bót nên chạy lại năn nỉ mượn đem bánh giùm vô đưa cho thầy nó ăn. Người đàn-bà ấy thấy thằng nhỏ mà ăn nói dễ thương, nên xiêu lòng mới lấy gói bánh đem vô trong bót.

Thằng Được trở về trong bụng mừng thầm chắc đêm nay thầy khỏi đói. Nó mừng rồi lại nghĩ rằng không biết người ấy lãnh gói bánh rồi mà có đem đưa tới tay thầy hay không, hay là đem vô rồi đưa cho thằng con ăn, thì mình mất tiền mà không ích chi cho thầy hết. Nghĩ như vậy rồi nó vùng tức cười và nó nói thầm rằng: « Ở đời mình chưa chắc người ta làm quấy mà mình nghi cho người ta như vậy thì là mình quấy trước! »

Nó trở về đến nhà thì chủ nhà đương ăn cơm. Nó thuật chuyện gởi bánh cho con Liên nghe rồi con nọ cứ theo hỏi nó vậy chớ thầy bị giam mà có hại chi hay không. Nó nói không hại, mà con nọ cũng cứ theo hỏi hoài. Chủ nhà ăn cơm rồi mới đóng cữa tắc đèn mà ngủ. Đêm ấy hai đứa nó thao-thức hoài ngủ không được bao nhiêu. Trời hừng sáng chủ nhà thức dậy mở cữa rồi sửa soạn gánh xoài với thơm ra chợ mà bán. Hai đứa nhỏ cũng thức dậy rửa mặt rồi dắc nhau đi lại trước cữa bót ngồi mà chờ, coi như ông Cò có giải thầy Đàng qua Tòa thì đi theo mà hỏi thăm.

Hai đứa ngồi chờ đến 9 giờ mới thấy ông Cò trong bót đi ra, kế đó thì thầy Đàng, rồi sau rốt thì chú bếp hôm qua đó, mà chú lại ôm một cuốn sổ, chớ không có cầm roi mây nữa. Con Liên thấy thầy thì nước mắt tuôn dầm-dề. Thầy Đàng thấy hai đứa nhỏ liền hỏi rằng: « Từ hôm qua đến nay bây ở đâu? » Thằng Được thưa rằng: « Thưa, con kiếm nhà họ con gởi đồ và ở đậu. Không sao đâu, thầy đừng lo. »

Ông Cò nghe nói chuyện bèn day lại rầy om-sòm, thầy Đàng cũng trả lời với ổng, song hai người nói tiếng Tây nên hai đứa nhỏ không hiểu nói chuyện gì. Thằng Được nắm tay con Liên dắc đi theo, coi ông Cò đem thầy đi đâu cho biết và có ý muốn hỏi coi hồi hôm thầy có tiếp được gói bánh mì hay không, nào dè hễ đi lại gần thì chú bếp rầy-rà, biểu phải đi dan ra hoài nên hỏi chuyện chi cũng không được.

Qua tới Tòa, quan Biện-lý chưa ra khách. Ông Cò để thầy Đàng với chú bếp ở ngoài, còn ổng vào trong bàn quan Lục-sự mà nói chuyện. Thằng Được thấy vậy mới dắc con Liên men-men đi lại gần. Thầy Đàng có sắc buồn. Thầy kêu thằng Được mà nói rằng: « Ông Cò ổng buộc tội tao đánh lính, mà không hại gì, đến Tòa ai phải quấy sẽ biết. Tao buồn có một đều là tao bị bắt buộc đây tao bỏ hai đứa bây bơ vơ tội nghiệp mà thôi. Đã vậy mà hôm qua lộn xộn tao làm rớt mất cái bóp, bây giờ trong lưng không còn một đồng tiền. »

Con Liên nghe nói càng khóc hơn nữa. Thằng Được tuy trong lòng buồn bực khó chịu lắm, nhưng mà ngoài mặt tỉnh táo như thường. Nó nói cứng cỏi rằng: « Xin thầy đừng có lo cho hai con; con kiếm ăn được không sao đâu mà sợ, miễn thầy ra được thì thôi. Hồi hôm thầy có được ổ bánh mì với cập lạp-xưởng hay không? » Nói vừa tới đó kế ông Cò bước ra. Thầy Đàng gặt đầu rồi đi theo ông Cò vào phòng quan Biện-lý.

Hai đứa nhỏ ở ngoài nghe trong phòng quan Biện-lý nói om sòm một hồi, rồi có một tên lính hầu dắc thầy Đàng ra. Thầy Đàng vừa đi tới chỗ hai đứa nhỏ đứng thì nói rằng: « Quan Biện-lý dạy đem tao vô khám mà giam, đặng mai mốt giải tao qua Tòa cho quan Chánh Tòa xử. Thôi, bây kiếm chỗ xin ở đậu mà chờ tao. Đừng có khóc, vài bữa đây tao ra, không hại gì đâu mà sợ ».

Hai đứa nhỏ nghe nói đứng chết điến trong lòng, cứ khóc rồi ngó theo, chớ không nói chi được hết. Cách một hồi lâu mới dắc nhau về nhà ở đậu đó. Vô đến cữa thì cữa khóa. Chúng nó dắc nhau ra chợ, mua một cắt bạc cơm cá mà ăn, rồi trở về ngồi ngoài cữa than thỉ với nhau, tính tới tính lui, không biết làm sao mua cơm đem cho thầy ăn được.

Đến trưa tan chợ, chủ nhà gánh gánh không đi về. Vô tới cữa thấy hai đứa nhỏ ngồi khóc thì chỉ hỏi thăm, chừng nghe rõ đầu đuôi rồi chỉ mới nói rằng: « Hễ Tòa giam trong khám thì có cơm của nhà-nước, bây khỏi lo. » Hai đứa nghe nói như vậy thì bớt lo, nhưng hễ nghĩ tới phận thầy mắc vòng lao lý thì giọt lụy tuôn rơi, dầu thấy việc chi vui cũng không cười, dầu ăn vật chi ngon cũng không muốn. Chị chủ nhà nấu cơm rồi dọn ra biểu hai đứa nhỏ ăn, thì chúng nó từ chối hoài không chịu ăn, cứ nói ơn cho đùm đậu ơn đã nặng nề rồi, nếu còn làm tốn hao cho chủ nhà nữa thiệt là chúng nó không dám.

Đến 2 giờ chiều thằng Được biểu con Liên ở nhà để nó lên Tòa dọ nghe tin tức của thầy coi thể nào. Nó đứng xẩn bẩn trước Tòa cho đến tan hầu mà không nghe chi hết, Nó lần bước trở về, tính dắc con Liên ra chợ ăn cơm, vì trong túi còn được 3 cắt bạc, chẳng dè về nhà thì chị chủ nhà ép quá nên con Liên đã ăn cơm rồi; mà chỉ lại có để dành cơm cho nó nữa, thấy nó về chỉ ép riết túng thế nó phải ăn.

Đêm ấy thằng Được nằm suy nghĩ tới phận riêng thì buồn nát ruột, Khi ở nhà ba Thời tuy bị tên Hữu hành hạ, song dầu thế nào cũng có mẹ chở che; khi mới đi theo thầy Đàng tưởng là thân nầy phải pha bụi vùi bùn, nào có dè đâu người đã đem lòng thương yêu mà lại ra công dạy dỗ nữa. Tuy đã biết ba Thời không phải là mẹ ruột, nhưng mà mẹ là ai đâu không thấy, duy thấy có một mình ba Thời là người nuôi mình cho nên vai nên vóc; cha là ai đâu không biết, duy biết có một thầy Đàng là người dạy mình lẽ chánh lẽ tà; anh em không biết có hay không, duy bậu bạn với con Liên đã gần 4 năm nay nên yêu thương như em ruột. Cái vòng thân ái của mình chỉ gom có ba người ấy mà thôi. Có khi thấy trẻ nhỏ trang lứa với mình đi chơi với cha mẹ chúng nó, thì trong lòng cũng có hơi bức-rức, thầm mong cho sum hiệp với mẹ cha đặng vui hưởng thú gia-đình. Mà mẹ cha là ai ở đâu? Hỏi như vậy rồi mĩn cười, không để ý đến nữa.

Nghĩ việc xưa rồi mới nghĩ tới việc nay; hiện bây giờ đây trong ba người ấy cũng yêu thương mình, một người thì ở xa, một người thì mắc nạn, duy còn có một con Liên mà thôi. Mình không có thế nào mà nhờ người ở xa, mà cũng không có thế nào mà giúp đỡ người mắc nạn được, vậy thì mình phải lo mà bảo bọc cho con Liên. Mà trong túi bây giờ còn có ba cắt bạc, ví như nay mai đây thầy thoát nạn được thì không hại gì, chớ nếu thầy phải bị giam cầm đến mười bữa, hoặc nửa tháng, thì thân mình đây biết có cơm mà ăn hay không, còn con Liên nữa biết làm sao mà bảo bọc nó cho được.

Thằng Được nghĩ đến đó thì lo sợ hết sức. Nó tính đi tính lại đến gần nửa đêm mà không biết làm thế nào cho có cơm đủ hai đứa ăn đặng chờ thầy. Ngoài đường vắn vẽ, trong nhà im-lìm, một lác nghe trống nhà làng trở canh, rồi sau bếp chuột cạy nồi lộp cộp. Thằng Được ngồi dậy thấy con Liên cựa mình, nó mới nắm tay kêu thức dậy rồi nói nhỏ rằng: « Nầy em, qua tính sáng mai hai anh em mình xách đờn đến nhà mấy thầy rồi qua đờn em ca đặng cho họ nghe hoặc may họ có cho tiền mua cơm mà ăn, chớ qua còn có 3 cắt bạc ăn chừng một vài ngày nữa hết rồi làm sao. » Con Liên gặt đầu rồi đáp rằng: « Anh tính thế nào cũng được. »

Thằng Được thấy em chịu thì trong bụng mừng thầm, nên nằm xuống ngủ liền không còn lo sự hết tiền đói bụng nữa.

Sáng bữa sau con Liên thì xách đờn cò, còn thằng Được thì ôm đờn kìm, đi theo chị chủ nhà ra chợ, rồi từ giả mà lên Tòa, đặng đón coi có gặp mặt thầy hay không. Hai đứa đón đến tan hầu mà không thấy, bèn dắc nhau trở về. Đi ngang một dảy phố, dòm mỗi căn đều chưng dọn hực-hở, hai đứa nghi là chỗ mấy thầy thông ở, nên ngồi dựa gốc cây gáo mở đờn ra rồi thằng Được thì đờn cò, còn con Liên thì đờn kìm và ca. Lên dây vừa rồi, trẻ nhỏ vừa bu lại, con Liên vừa mới cất dọng lên mà ca bản hành-vân, thình lình chú bếp ở phía đàng chợ đi lại, cầm roi mây rượt quức, trẻ nhỏ chạy la om-sòm, con Liên với thằng Được thấy vậy thất kinh nên cũng lật đật ôm đờn mà chạy, mặt mày tái lét.

Hai đứa dắc nhau đi về, dọc đường con Liên nói với thằng Được rằng: « Không được đâu anh. Em sợ lính quá, em không dám ca nữa đâu. » Thằng Được ứa nước mắt, lầm lủi mà đi không nói chi hết. Về đến nhà thì chị chủ nhà đã về rồi, chỉ dọn cơm biểu hai đứa ăn với chỉ. Thằng Được bước lại khoanh tay mà thưa rằng: « Thưa thiếm, hai cháu đi với thầy đến đây thầy cháu rủi bị quan bắt cầm tù, hai cháu bơ vơ, không biết đâu mà nương dựa, thiếm có lòng tốt cho hai cháu ở đậu, thiệt hai cháu đội ơn thiếm rất nhiều. Bụng cháu không muốn làm cho tốn cơm tốn gạo của thiếm, nên trong lưng cháu đã hết tiền rồi, cháu tính đi đờn ca cho họ nghe đặng họ cho tiền mà ăn cơm. Chẳng dè lính ở đây lung quá, mà bộ họ ghét hai cháu hay sao, nên cháu đờn ca họ rượt mà đánh, cháu nghĩ cùn thế rồi, không biết làm sao cho có tiền mua cơm mà ăn được. Vậy cháu phải tỏ thiệt với thiếm, xin thiếm để cháu gánh đồ cho thiếm đi bán, rồi thiếm cho hai cháu ăn cơm, tốn hao của thiếm bao nhiêu, chừng thầy cháu ra rồi cháu sẽ xin tiền mà trả cho thiếm. »

Chị chủ nhà nghe nói động lòng, liền đáp rằng: « Hổm nay tao biểu bây ăn cơm với tao, sao không chịu, lại bày đặt đờn ca làm gì. Ở nhà ăn cơm, bây ăn hết bao nhiêu đó mà ngại. » Nói rồi mới biểu hai đứa lên ăn cơm với chỉ.

Buổi hầu nào thằng Được cũng lên đứng trước cữa Tòa mà chờ thầy Đàng, lại hễ sáng thì nó xin gánh xoài ra chợ cho chủ nhà, mà chủ nhà không cho. Hai đứa ở đậu được bốn bữa; đến ngày thứ năm thằng Được cũng lên chực tại cữa Tòa như mấy ngày trước. Nó vừa tới đó thì thấy lính dắc thầy Đàng đi vô Tòa. Nó bèn chạy theo mà hỏi rằng: « Hổm nay thầy có ăn cơm hay không vậy thầy? » Thầy Đàng gặt đầu rồi hỏi lại rằng: « Con Liên đâu? » Thằng Được liền đáp rằng: « Nó ở nhà. » Thầy gặt đầu rồi bước vô Tòa, không nói chuyện nữa được.

Thằng Được đứng ngoài dòm vô một hồi, thấy mấy ông Tòa mặc áo rộng đen, đầu đội mảo cũng đen, ngồi nói với nhau. Một lát thấy chú bếp hôm nọ lên đứng thưa việc chi với Tòa đó không biết, rồi thầy Đàng cũng lên đứng mà nói nữa. Thằng Được đứng coi gần một giờ đồng-hồ, xảy có hai người ở trong Tòa bước ra, một người mặc đồ Tây, một người mặc áo dài bịch khăn đen; người mặc đồ Tây nói với người kia rằng: « Ông đó bị kêu án nửa tháng tù tội nghiệp quá há! Ổng nói tiếng Tây giỏi, ổng cải nghe sướng quá, mà cũng không khỏi. Chớ chi thằng cha bị lính đánh hôm đó nó ra làm chứng cho ổng thì chắc Tòa tha, ngặc ổng binh nó mà rồi nó đi mất nên bây giờ ổng còn chứng cớ chi mà đối nại. »

Thằng Được nghe nói mấy lời, nghi là họ nói chuyện thầy mình, nên mặt mày tái xanh, lo sợ hết sức. Nó muốn chạy theo mà hỏi thăm cho rõ ràng, song sợ bỏ mà đi rồi chừng thầy ra không gặp mặt thầy được, nên cứ đứng ngoài dòm vô, thấy thầy ngồi trong mặt buồn xo, một lát ngó ra ngoài thấy nó thì lại châu mày, bộ suy nghĩ trong trí lắm. Nó đứng vái thầm cho Tòa tha thầy nó, đặng thầy trò sum hiệp với nhau. Nó lại tính hễ Tòa tha thầy nó rồi thì nó xin thầy nó mau mau đi đến xứ khác, chớ đừng thèm ở Trà-vinh nữa.

Nó đương suy nghĩ, bổng thấy trong Tòa người ta kéo nhau đi ra. Nó đứng nép lại một bên, họ ra hết rồi thì tới một tên lính dắc thầy Đàng với hai ba người nữa đi sau. Thầy Đàng thấy thằng Được liền lấy tay ngoắc nó biểu đi theo. Ra khỏi cữa Tòa rồi thẩy mới nói với nó rằng: « Thầy bị kêu án 15 ngày tù, mà thầy tính cũng không chống án làm gì. Vậy cháu dắc con Liên hỏi thăm đường mà lên Càng-long kiếm nhà ông Hội-đồng Sáu đến mà tỏ việc của thầy cho ổng rõ rồi xin ở đậu đó mà chờ thầy. Bữa 18 thì thầy ra, không sao đâu mà sợ. » Thằng Được nghe nói thì khóc mùi, nên thầy dặn nó không nhớ chi hết. Nó đi theo tới cữa khám, thấy lính dắc thầy nó vô rồi khép cánh cữa sắt lại kêu một cái ầm, không còn thấy thầy nó nữa thì nó đứt ruột nát gan, nước mắt dầm-dề, đau đớn không xiết kể.

Nó thủng thẳng đi vòng theo vách tường chung quanh khám, dường như đứa dại đứa ngây. Đi đến trưa mỏi cẳn đói bụng, nó nhớ sực đến con Liên mới lần bước mà trở về nhà. Vừa tới cữa nó thấy con Liên đứng đó liền nói rằng: « Không xong rồi em! Thầy bị án 15 ngày tù ». Nó vừa nói tới đó, bổng nghe trong nhà có tiếng người đổng khóc nó không hiểu là ai. Chừng hỏi thăm con Liên nó nói rằng có tin cho kêu chị chủ nhà nói cha chỉ ở dưới Trà-cú đã chết rồi, thì thằng Được sản sốt. Nó lật đật chạy vô hỏi thăm thì chị chủ nhà cũng thuật y như lời con Liên mới nói với nó đó vậy. Thằng Được thầm nghĩ mình đã bị oạn nạn mà gặp người cũng bị vậy nữa, thì ngao ngán trong lòng, nên ngồi thở ra không nói chi được hết.

Chị chủ nhà dọn cơm ăn rồi hỏi nó vậy chớ Tòa đã xữ vụ thầy nó hay chưa. Nó thuật chuyện thầy nó bị nửa tháng tù cho chĩ nghe và nói ngày 18 thầy nó mới ra được. Chị chủ nhà nói rằng bây giờ chĩ phải về Trà-cú lập tức đặng lo báo hiếu cho cha và hỏi hai đứa ở nhà một mình có được hay không? Thằng Được nghĩ thầm trong bụng nếu mình ở đây lấy cơm đâu mà ăn, mà nếu biểu chỉ mua gạo để lại nhà thì phải mang ơn chỉ nhiều lắm. Huống chi chỉ trong nhà không giàu có chi đó, mà lúc nầy chỉ lại bị tai họa như vậy, không lẽ mình còn làm tốn hao cho chỉ nữa! Nghĩ kỷ rồi nó mới thưa rằng: « Thưa thiếm, hổm nay hai cháu mang ơn thiếm rất nhiều, nay thiếm có việc nhà lẽ thì hai cháu phải ở đây mà coi nhà giùm cho thiếm. Ngặc thầy cháu có dạy phải lên Càng-Long mà báo tin cho anh em bạn của thầy cháu hay bỡi vậy cháu sợ ở đây không tiện ».

Chị chủ nhà nói rằng: « Không, việc coi nhà không cần gì cho lắm, nhà tao không có vật chi cho đáng, như hai đứa bây mắc việc nên phải đi, thì tao khóa cữa gởi cho lối xóm họ coi chừng giùm cũng được ».

Ăn cơm rồi, chị chủ nhà coi trong nhà có món chi tốt thì dọn đem gởi cho lối xóm, còn thằng Được với con Liên thì gói mấy túi đờn. Thâu xếp xong rồi mới xách gói ra đi. Chị chủ nhà khóa cữa rồi lấy ra 5 cắt bạc đưa cho thằng Được mà nói rằng: « Đường từ đây lên Càng-Long thì xa, không biết bây đi tối có tới hay không. Vậy thì bây lấy mấy cắt bạc đây mà bỏ hờ trong lưng, đặng như kiếm nhà quen không được, thì mua cơm mà ăn đỡ ít bữa ». Thằng Được chối từ hoài, không dám lảnh tiền, rồi từ giả nhau ra đi.

Lối nữa chiều, gió thổi lao rao, nắng đã diệu bớt, đường Trà-vinh đi Vỉnh-long có nhiều khúc ngay bót, mà hai bên đường cây cỏ xanh tươi. Dưới ruộng thì nông phu chỗ cày chỗ gieo, còn trên đường xa xa có một người che dù mà đi, coi bộ huởn dải lắm.

Thằng Được tay xách hoa-ly, tay ôm cây đờn kìm, còn con Liên thì tay xách đờn cò vai vát đờn tranh, chậm chậm mà đi, hễ mỏi cẳn mỏi tay thì để đồ dựa bên đường ngồi nói chuyện với nhau, bổng có một cái xe hơi chạy ngang qua, bụi bay mù trời, hai đứa lật đật đứng nép dựa bên gốc cây mà tránh. Thằng Được thấy trên xe phía trước thì có một mình người coi máy, còn phía sau có một đứa con trai chừng chín mười tuổi ngồi mà thôi, nó mới ước phải chi xe ấy họ cho mình lên ngồi nhờ thì là khỏe khoắn lắm. Hai đứa xách đồ đi nữa. Đi được một khúc lại gặp một người ở trước mặt đi lại, thằng Được bèn hỏi thăm coi đã gần tới Càng-Long hay chưa. Người ấy nói rằng còn 9 ngàn thước nữa; nếu đi giỏi thì chạn vạn, còn đi chậm thì hết nửa canh một mới tới.

Thằng Được nghe nói dực mình, bỡi vì hai đứa mắc xách đồ nên đi mau không đặng, mà đi chậm như vầy, rủi giữa đường trời tối mới liệu thể-nào. Nó bèn day lại mà nói với con Liên rằng: « Hổm nay nhờ chị chủ nhà cho ăn cơm. nên 3 cắt bạc qua còn nguyên trong túi đây, bậy quá! hồi trưa đi ngang chợ quên mua một ổ bánh mì đem theo, bây giờ lỡ tối giữa đường lấy gì mà ăn. » Nói như vậy rồi ngó con Liên thì thấy nó có sắc buồn. Thằng Được liền nói tiếp rằng: « Qua tính như vầy em nghĩ thử coi có được hay không. Mình ráng đi tới xóm trước kia mình ghé xóm mua cơm ăn rồi kiếm nhà xin ngủ nhờ đỡ một đêm nay; sáng ngày mình sẽ đi nữa, chớ bây giờ trời đã gần tối rồi, mà đường còn xa, qua sợ đi không kịp. Đã vậy mà thầy dặn lên kiếm nhà ông Hội-đồng gì đó qua quên tên rồi, qua nhớ có tiếng Càng-Long với tiếng Hội-đồng mà thôi, nếu lên đến đó ban đêm thì làm sao hỏi thăm được ».

Con Liên đi đã mỏi cẳn, xách đờn đã mỏi tay, mà lại đói bụng nữa, nên nghe thằng Được nói như vậy thì chịu liền. Hai đứa lần tới xóm, thằng Được thấy dựa bên đường có một cái nhà lá, tuy nhỏ mà cao ráo sạch sẽ, trước nhà có trồng bông trồng kiển, sau hè có trồng chuối trồng cau, mà ở nhà bếp lại có khói lên ngui ngút, nó bèn ghé lại đó. Bước vô sân thì nghe trong nhà có tiếng người ca bản tứ-đại-cảnh.

Hai đứa vừa tới cữa, có một con chó vàng trong nhà chạy ra sủa van rân. Hai đứa sợ chó cắn nên đứng lại, con Liên thì đứng núp sau lưng thằng Được. Trong nhà liền có một người đi ra, tuổi chưa đầy 30, mặc quần lảnh đen, áo bà-ba lụa trắng, chơn đi dép Bắc-kỳ, răng trắng, nước da mặt cũng trắng, đầu bới tóc vẻn van, hỏi hai đứa nhỏ rằng: « Hai đứa bây đi đâu? »

Con chó cứ sủa hoài, người ấy phải la nó hai ba tiếng nó mới chịu chạy vô. Thằng Được hết sợ chó nữa, mới để hoa-ly với túi đờn xuống đất rồi vòng tay mà thưa rằng: « Thưa cậu, em chẳng giấu chi cậu, em đi với thầy em, rủi thầy em bị có việc ở dưới Trà-vinh nên sai hai đứa em lên Càng-long. Em tới đây trời gần tối rồi, mà nghe nói đường còn xa lắm, nên em ghé đây xin cậu làm phước như ăn cơm còn dư cho em này đỡ một cắt đặng hai đứa em ăn đỡ dạ, và cho em ngũ nhờ một đêm rồi khuya em đi.

— Bây nói bây đi với thầy mà thầy nào đó?

— Thưa thầy Đàng.

— Thầy Đàng nào ở đâu?

— Thưa, thầy Đàng ở Cần-đước.

— Thầy Đàng đờn hay lắm phải hôn?

— Thưa, phải.

— Tao có nghe cậu Ba nói ở Cần-đước có thầy Đàng đờn tươi lắm. Mà bây giờ thẩy ở đâu mà sai bây đi đây?

— Thưa, thẩy bị ở tù dưới Trà-vinh.

— Vậy sao? Tội nghiệp dữ hôn! Thôi, vô đây.

Thằng Được với con Liên xách đồ vô nhà. Người ấy kêu vợ biểu nấu cơm nhiều nhiều một chút đặng cho hai đứa nó ăn với. Thằng Được dòm trên vách thấy có treo đờn cò, đờn kìm, đờn tam, đờn gáo, còn trên bộ ván phía đàng chái lại có để một cây đờn tranh. Nó mới đem hoa-ly với mấy túi đờn mà để dựa vách. Chủ nhà thấy xách đồ đùm-đề bèn hỏi coi xách mấy túi gì đó. Thằng Được nói là túi đờn. Người ấy nghe nói thì chưng hững rồi hỏi rằng: « Em biết đờn hay không? » Thằng Được chúm-chím cười rồi nói nó với con Liên đều biết đờn cả hai.

Chủ nhà bộ mừng húm, lật đật biểu hai đứa lên ván mà ngồi, hỏi đứa nào đờn cây nào, rồi mới lấy cây kìm đưa cho thằng Được, lấy cây tranh đưa cho con Liên, còn anh ta thì cầm cây cò mà nói rằng: « Qua biết đờn, mà ở xóm nầy không ai biết, nên không hòa chơi với ai được hết. May gặp hai em, thôi đờn ít bản chơi rồi sẽ ăn cơm ».

Ba người đờn bốn bản bắc rồi mới sang qua dây oán. Thằng Được biểu con Liên và đờn và ca, chủ nhà đắc ý vô cùng, mà người vợ ở sau bếp có lẽ khi cũng vui hay sao nên lên đứng mà nghe lâu lắc. Đờn đến cơm dọn ra rồi mới chịu nghĩ mà ăn. Ăn cơm rồi, nói chuyện chơi đến đốt đèn rồi ráp lại đờn nữa. Trong xóm người lớn trẻ nhỏ tựu tới nghe đông nức. Đờn đến hết canh một con Liên buồn ngủ quá mới chịu dẹp mà đi ngũ.

Rạng ngày hai đứa thức dậy tính đi cho sớm. Chủ nhà cầm lại hoài, biểu để ăn cơm rồi sẽ đi. Chừng hai đứa ra đi chủ nhà mới hỏi rằng:

— Hai em lên Càng-Long mà lên nhà ai?

— Thưa, thầy em biểu lên nhà ông Hội-đồng mà em quên tên nên không biết Hội-đồng nào.

— Ở Càng-Long có một mình Hội-đồng Sáu, chớ có Hội-đồng nào nữa đâu.

— Thưa, phải a. Hội-đồng Sáu. Vậy mà hổm nay em quên chớ.

— Thôi hai em đi đi, bận về ghé đây chơi nghe hôn.

— Dạ.

Hai đứa đi đến mặt trời đứng bóng lên mới tới Càng-Long. Chúng nó hỏi thăm nhà Hội-đồng Sáu mà vào, thì thấy nhà cữa nguy nga, vựa lúa rất to, bạn bè đông đảo. Thằng Được bước vô thấy thằng nhỏ ngồi xe hơi hôm qua đương đứng chơi trước cửa thì chưng hững. Nó để con Liên ở ngoài, nó vô tỏ hết đầu đuôi chuyện thầy Đàng bị tai nạn cho ông Hội-đồng nghe thì ổng chẳng có chút chi buồn mà lại buông lời nói rằng: « Thẩy cứ làm bậy hoài... Thẩy ở tù thì ở chớ tao biết sao bây giờ. »

Thằng Được đi dọc đường thầm tưởng ông Hội-đồng là anh em bạn với thầy mình, lên nói cho ổng hay thì chắc là ổng xuống Trà-vinh mà lo cho thầy mình khỏi tội, mà nếu ổng lo không được thì ít nữa ổng cũng nuôi cơm mình và cũng đi thăm thầy chớ chẳng không, nào dè cực nhọc tìm đến đây mà cho ổng hay, rồi ổng nói xui-xị như vậy thì còn trông cậy gì nữa. Thằng Được buồn ý muốn dắc con Liên mà đi, song nó nghĩ nếu mình đi bây giờ biết đi đâu, nên cực chẳng đã nó phải ở nán lại coi ổng tính lẽ nào.

Hai đứa để đồ ngoài hàng tư rồi xẩn bẩn ở trước sân mà chơi. Đến chiều trong nhà dọn cơm ăn, mà không thấy ai ra biểu ăn cơm.

Lúc chạn vạn tối có một người đàn-bà đầu bịch khăn trùm, áo xăn ngang lưng, cầm chổi ra quét sân, thấy hai đứa liền nói lớn lên rằng: « Cơ khổ dữ hôn! Hai đứa nhỏ hồi trưa đến bây giờ còn đây mà bày trẻ ăn cơm không kêu nó ăn với chớ! Vô đây em, đi vô ăn cơm với bày trẻ kia kìa ».

Thằng Được không muốn ăn chút nào, ngặt nó sợ con Liên đói nên cực chẳng đã phải đi ăn. Vô nhà bếp thấy năm sáu tên bạn đương ngồi ăn cơm. Người đàn-bà ấy lấy chén đủa đưa cho hai đứa rồi biểu lên ngồi mà ăn. Ăn cơm rồi người ấy lại biểu ra xách đồ đem để trên ván nhà sau rồi vô đó nằm mà ngũ.

Hai đứa nằm coi bạn bè dả gạo, ngoài sân mưa gió ồ ào. Trên nhà trên đèn đốt sáng trưng, hai vợ chồng ông Hội-đồng dởn với thằng con cười ngã nghiêng ngã ngữa. Thằng Được bị trời lạnh ngủ không được, nằm suy nghĩ cuộc đời mà chua xót trong lòng, Thiệt nó chẳng phiền trách ông Hội-đồng, song chẳng biết vì cớ nào trong lòng nó buồn mà lại giận lắm.

Đến sáng nó kêu con Liên thức dậy rồi nói nhỏ biểu sửa soạn mà đi. Con Liên gặt đầu rồi kiểm điểm đồ đạt. Thằng Được nghe tiếng ông Hội-đồng nói om-sòm trên nhà trên nó mới lần lên thưa với ổng mà đi. Ổng ừ rồi lặn thinh, chớ không thèm hỏi đi đâu nữa.

Hai đứa ra ngoài đường rồi con Liên mới hỏi thằng Được rằng:

— Mình đi đâu bây giờ anh?

— Đi đâu cũng được, miễn đi cho khỏi cái nhà đó thì thôi.

— Ừ em cũng không muốn ở đó nữa!

Hai đứa ra đến ngã ba, đứng nhắm biết đường đi xuống là đường đi Trà-vinh, còn đi lên thì không biết đi đâu. May lúc ấy có một người đi ngang qua, thằng Được hỏi thì họ nói đường đi lên đó là đường đi Vủng-liêm, Vỉnh-long. Nó bèn bàn tính với con Liên rồi dắc nhau đi lên Vủng-liêm.

Trót bảy tám ngày hai đứa nó xách đồ mà đi lưu-linh, nay đờn nhà nầy, mai ca nhà nọ, chỗ cho ăn cơm, chỗ cho ngũ đậu, người cho bánh trái, kẻ cho đôi ba quan, hai đứa nó đấp đổi qua ngày, tuy là thân mệt nhọc cực khổ, nhưng mà khỏi bị khinh khi nhục nhả. Chúng nó ở chợ Vủng-liêm lần lên Nước-xoáy.

Lên tới kinh Mang-Thít là ngày rầm Annam. Thằng Được nhớ sực lời thầy nói bữa 18 thầy ra, nên tính sẽ trở về Trà-vinh mà chực thầy. Lúc ấy trong lưng nó có được hơn 2 đồng bạc, vì nó đờn ca ai cho tiền thì nó mua bánh chút đĩnh cho con Liên ăn mà thôi, chớ nó không dám xài. Trời vừa xế qua, hai đứa đi tới mé kinh Mang-Thít, thấy có một cái nhà bốn phía không có vách mà chính giữa lại có lót một bộ ván giầu. Chúng nó đem đồ vô đó rồi lên ván nằm mà nghỉ chơn.

Trời gió hiêu-hiêu, nước dưới kinh chảy cuồn-cuộn. Ngó qua mé kinh bên kia thấy có một chiếc ghe hầu 4 chèo, mui sơn xanh, đương đậu tại đó, bạn lụi-hụi đứa tác nước, đứa nấu cơm. Một lát có một chiếc tàu dắc một đoàn ghe chài đếm gần 20 chiếc, chạy ngang thổi xúp-lê nghe inh-ỏi. Thằng Được hừng chí biểu con Liên mở đờn tranh ra, còn nó lấy đờn kìm rồi hai đứa đờn ca chơi. Ghe đi ngang ai nghe cũng đếu ngơ chèo mà ngó.

Hai đứa đờn được vài bản thì thấy chiếc ghe hầu nhổ sào chèo qua rồi đậu ngay cái nhà trống chỗ hai đứa nó ngồi đó. Thằng Được và đờn và ngó chừng chiếc ghe hầu, thấy bốn tên bạn đứa đứng đứa ngồi, mà đứa nào cũng châm chỉ mà nghe đờn, còn trong mui thì có một người đàn-bà, trạt chừng 45 tuổi, mặc áo lụa trắng quần lảnh đen, ngồi với một đứa con trai chừng 10 tuổi, cũng mặc áo quần trắng, ôm mền ngồi mặt mày buồn hiu. Hai đứa đờn ca một hồi rồi buông đờn nằm mà nghỉ. Người đàn-bà ở dưới ghe hầu kêu tên bạn ngồi trước mủi mà dạy việc chi đó nghe không rõ, mà thấy tên bạn ấy lật đật lấy tấm đòn dày bắt lên mé kinh rồi leo lên bờ. Hai đứa không hiểu có việc chi nên lồm-cồm ngồi dậy, kế tên bạn bước vào mà nói rằng: « Nầy, hai em, bà Hội-đồng nghe hai em đờn hay nên biểu qua lên nói với hai em đi xuống ghe đờn cho bà với cậu ba nghe chơi một hồi rồi bà cho tiền ăn bánh. »

Thằng Được nghe nói liền cười chúm chím mà đáp rằng: « Được chớ! mà bà Hội-đồng nào ở đâu đó vậy anh? » Tên bạn nói: Bà Hội-đồng nầy ở bên Cần-thơ đem con đi uống thuốc trên Saigon ». Thằng Được với con Liên xách đờn rồi đi theo tên bạn mà xuống ghe. Bà Hội-đồng thấy hai đứa lần tấm đòn-dây mà đi xuống, thì bồng con ngồi sục vô trong, rồi kêu mà biểu hai đứa nó đem đờn bước ngay vô mui. Bà ngồi ngó hai đứa trân-trân, còn thằng con bà thấy hai đứa lên dây đờn sửa soạn mà đờn thì trong lòng hớn hở, ngoài mặt vui mừng, chớ không còn buồn xo như hồi nảy nữa. Hai đứa ngồi đờn, con Liên ca một hồi mệt rồi thằng Được tiếp mà ca. Bà Hội-đồng ngồi nghe rất vui vẻ trong lòng, mà nhứt là thằng con bà cười hoài, dường như thuở nay mới nghe đờn một lần thứ nhứt vậy.

Hai đứa đờn ca hơn nửa giờ đồng hồ, bà Hội-đồng sợ nó mệt nên biểu nghĩ rồi mở một cái tủ nhỏ, lấy ra một hộp bánh mì mà biểu hai đứa ăn. Con Liên mắc cỡ không chịu ăn. Thằng con bà Hội-đồng nảy giờ nằm đấp mền mà nghe đờn, thấy hai đứa không chịu ăn bánh, liền tốc mền ngồi dậy lấy bánh đưa tới tay con Liên với thằng Được mà ép ăn. Hai đứa cực chẳng đã phải ăn, rồi thằng nhỏ cũng lấy mà ăn nữa. Ba đứa ăn bánh nói chuyện chơi với nhau coi vui vẻ lắm. Bà Hội-đồng thấy con vui thì cũng vui trong lòng, mà lại thấy hai đứa kia ngộ-nghĩnh bà cũng động lòng thương nữa. Bà hỏi thăm coi hai đứa con ai, nhà cữa ở đâu. Thằng Được nói rằng nó gốc ở Gòcông, còn con Liên thì ở Baria, hai đứa đi theo thầy qua Travinh, rủi thầy bị quan bỏ tù nên hai đứa phải đi đờn kiếm ăn mà chờ thầy.

Bà Hội-đồng nghe nói thì chưng hững mà nói rằng:

— Vậy mà qua tưởng hai cháu nhà ở gần đâu lối đây chớ. Té ra hai cháu không phải anh em ruột hay sao?

Thằng Được trả lời rằng:

— Thưa, không.

— Bây giờ hai cháu tính đi đâu?

— Thưa, con tính dắc nhau trở xuống Trà-vinh đặng đón thầy con, vì còn có ba bữa nữa thầy con mãn tù.

— Tội nghiệp quá! Mới bây lớn mà lưu lạc bơ vơ như vầy chớ!

Thằng con bà Hội-đồng day qua ôm bà mà nói rằng: « Má, biểu dọn cơm cho anh đó với chị đó ăn với con, má. » Bà và hun con và cười, rồi hối bạn nấu cơm riết đặng ăn rồi có đi cho kịp con nước.

Cơm dọn ra cá thịt canh rau một mâm vỉ-vèo, hai đứa thấy vậy lật đật xếp đờn rồi nói nhỏ với nhau tính từ mà đi xuống Vũng-liêm cho sớm. Bà Hội-đồng biết ý nên cười mà nói rằng: « Khoan đã, để ăn cơm no rồi sẽ đi. » Hai mẹ con ép riết túng thế hai đứa phải ăn. Ăn cơm rồi, trời đã nửa chiều, nước rúng ròng, mấy tên bạn sửa soạn chèo đặng lui ghe. Thằng Được với con Liên dợm muốn lên bờ, bà Hội-đồng liền móc túi mà cho hai đứa một đồng bạc.

Hai đứa tạ ơn rồi xách đờn đứng dậy bước ra. Thằng con bà Hội-đồng ngó thấy liền khóc rống lên. Hai đứa đứng khựn lại đó không hiểu tại sao mà nó khóc, còn bà Hội-đồng lật đật ôm con mà hỏi: « Sao vậy con? Con có đau bụng hay không? » Thằng nhỏ và khóc và lắc đầu mà nói rằng: « Tôi hổng chịu! Má làm sao biểu anh đó với chị đó ở dưới ghe đờn ca chơi với tôi he. Má đễ hai người đó đi lên đây tôi đau nữa đa ». Bà Hội-đồng lắc đầu mà nói rằng: « Biểu sao được con? » Thằng nhỏ vùng ré lên mà khóc nữa. Bà Hội-đồng thấy vậy mới biểu: « Thôi, con nính đi, để má biểu nó đi theo dưới ghe chơi với con. »

Thằng nhỏ nghe nói thì nính khóc. Bà Hội-đồng mới kêu thằng Được vô mui rồi biểu hai đứa nó đi theo bà đặng chơi với con bà, muốn bạc tiền bao nhiêu bà cũng cho hết. Thằng Được cứ lắc đầu hoài, nói rằng bữa 18 thầy nó mãn tù nên nó phải trở xuống Travinh mà kiếm thầy. Bà Hội-đồng suy nghĩ một hồi rồi tính với thằng Được để bà viết thơ cho thầy thông Sự ở Travinh mà cậy thầy nói lại giùm với thầy Đàng hay sự hai đứa nhỏ đi theo bà qua Mytho và dặn hễ ngày thầy Đàng mãn tù thì trao cho thẩy 10 đồng bạc đặng thẩy làm phí lộ qua Mytho lại đầu cầu quây mà kiếm ghe bà. Thằng Được thấy bà Hội-đồng tử tế mà nhứt là thấy con bà triếu mến thì động lòng, nên nghe tính như vậy thì nó chịu, song nó xin để cho nó viết riêng cho thầy nó một bức thơ nữa kẻo thầy nó nghi. Bà Hội-đồng lấy làm vui lòng nên lật đật lấy giấy viết ra mà viết một bức thơ nói cặn kẻ cho thầy thông Sự rõ, rồi bà trao giấy viết cho thằng Được viết riêng một bức thơ cho thầy Đàng nữa mà xin hễ mãn tù thì lại nhà thầy thông Sự lấy tiền rồi qua Mytho mà kiếm mình.

Thơ viết xong rồi bà Hội-đồng niêm lại và sai một tên bạn cầm xuống nhà dây thép Vủng-liêm mua cò mà gởi. Tên bạn vừa ra đi bà lại nghỉ rằng bây giờ trời đã chiều rồi, mà từ đó xuống Vũng-liêm thì đường xa, sợ đến đó nhà dây thép đóng cữa rồi mua cò không được. Bà mới tính với thằng Được để lui ghe mà đi cho kịp nước rồi sáng bữa sau qua Chợ-lách sẽ bỏ thơ cũng chẳng muộn gì.

Thằng Được với con Liên nghe lời mới đem đờn và hoa-ly vô trong mui đặng trống chỗ cho bạn đứng chèo, rồi hai đứa đứng ké-ré ở ngoài chớ không dám vô. Bà Hội-đồng trải chiếu thêm phía sau cho rộng rồi biểu hai đứa vô mà nằm. Ghe lui thì thằng con bà Hội-đồng vui vẻ hết sức, cứ biểu thằng Được nằm một bên nó mà thôi. Đến tối thằng Được đờn cho con Liên ca, nội dưới ghe từ chủ cho tới bạn ai cũng đều thích ý.

Ghe đi đến Rạch-gầm bà Hội-đồng mắc ghé thăm bà con ở đó hết một ngày một đêm, nên chiều ngày 18 Annam mới xuống tới Mytho. Bà dạy bạn chèo vô đầu cầu quây mà đậu. Mấy bữa ở dưới ghe bà thấy hai đứa nhỏ mặt mày ngộ nghỉnh mà ăn nói lại có khuôn phép thì bà đem lòng thương, mà nhứt là bà thấy thằng con bà triếu mến hai đứa đó lắm, mấy bữa rồi nó vui cười hoài chớ không phải nằm buồn xo như lúc trước nữa, thì bà tính đợi thầy Đàng qua tới bà sẽ nói với thầy mà xin đứt hai đứa nó đặng bà nuôi. Bà hỏi thằng Được thì nó nói nó 14 tuổi còn con Liên 13 tuổi. Bà ngồi suy nghĩ rồi bà rưng rưng nước mắt, day mặt ra phía sau không muốn nói chuyện nữa. Cách một hồi bà liền day lại ôm con mà hun chùn-chụt, thằng Được với con Liên ngồi ngó nhau không hiểu ý bà thể nào. Bà hỏi hai đứa nó chịu ở làm con nuôi bà hay không thì chúng nó cúi đầu lặn thinh không trả lời.

Đến chiều ngày 19 thầy Đàng qua tới Mytho. Thằng Được đương ngồi chơi trước mủi ghe, ngó thấy thầy đi trên bờ thì mừng rở hết sức, liền đứng dậy kêu om-sòm. Con Liên ở trong mui cũng lật đật bò ra mà mừng thầy. Thầy Đàng vừa xuống tới mé sông thì bà Hội-đồng biểu bạn ra bắt tấm đòn-dây rồi mời thầy đi ngay xuống ghe cho bà nói chuyện.

Thầy Đàng vừa bước tới mũi ghe thì có thằng Được đứng chực sẵn tại đó; nó đưa tay cho thẩy vịnh mà xuống. Nó liếc coi thấy thầy nó mình gầy vóc ốm mà nước da lại huỳnh đảng thì trong lòng nó buồn thầm. Bà Hội-đồng chào hỏi, mời vô trong mui mà ngồi, hối bạn rót nước đải thầy rồi mới nói rằng: « Thưa thầy, tôi làm thất công thầy phải qua đến đây mà kiếm hai đứa nhỏ, tôi nghĩ lại thiệt tôi lỗi với thầy nhiều lắm. Nhưng mà không phải tôi có ý muốn làm nhọc lòng thầy, ấy là tại có việc như vầy xin thầy chịu phiền để tôi thuật lại cho thầy nghe. Tôi là người ở Cần-thơ, khi trước tôi có một đứa con trai đầu lòng vợ chồng tôi tưng tiêu như vàng như ngọc. Thời chẳng may nên trời khiến đứa con lớn của tôi nó mất đi. Cách 4 năm sau tôi mới đẻ được một đứa con trai nữa là thằng Phong nầy đây. »

Bà Hội-đồng nói tới đó thì lấy tay vuốc đầu con; thầy Đàng mang cặp mắt kiến vô rồi ngó thằng nhỏ. Bà Hội-đồng nói tiếp rằng: « Vì chồng tôi có bịnh ho, nên đẻ nó ra thì nó yếu ớt lắm. Tôi ráng nuôi nó hết sức nên nó mới mạnh giỏi tới bây giờ đây. Khi nó mới được 3 tuổi thì chồng tôi đã theo ông theo bà, bỏ nó ở lại cho một mình tôi nuôi. Tôi không kể chi đến gia tài sự sản, lúa ruộng tá-điền nó đong được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, tôi không có giờ mà xem sóc được, cứ lo nuôi con, miễn con tôi nó mạnh giỏi thì thôi, giàu nghèo gì tôi cũng không màn. Chẳng biết tại sao mà thằng con tôi nó đau ốm hoài. Mới đây tôi nghe nói trên Saigon có một ông Đốc-tơ Thinh chữa bịnh như thần, nên tôi dọn ghe đem con tôi lên cầu ổng coi mạch rồi điều-trị thử coi như phước chủ may thầy nó có ăn chơi như con người ta được thì dầu tốn hao bao nhiêu tôi cũng chẳng nệ. Ghe tôi qua tới kinh Mang-Thít may gặp hai đứa cháu đây, tôi mới biểu nó thuật chuyện nó lưu lạc linh-đinh thì tôi động lòng thương, mà thằng con tôi nó lại triếu mến không chịu để cho hai đứa đi, khóc lóc biểu một hai tôi phải đem hai đứa đi theo ghe với nó, nó mới chịu. Tại như vậy nên tôi mới viết thơ cậy thầy thông Sự cho thầy hay và thằng Được mới viết thơ riêng cho thầy nữa. »

Thầy Đàng nghe nói tới đó thì gặt đầu mà đáp: « Thưa phải, bữa 17 tôi có tiếp được thơ của thằng Được rồi chiều lại thầy thông Sự có sai bếp hầu nói chuyện ấy với tôi nữa. Hồi chiều hôm qua quan thả tôi ra tôi ghé ngủ tại nhà thầy một đêm rồi sáng thầy đưa cho tôi 10 đồng bạc để làm phí lộ mà đi xuống đây. »

Bà Hội-đồng chúm-chím cười rồi nói rằng: « Hôm nọ tôi gắp đi nên tính bướn như vậy, té ra cũng là xong...... Thưa thầy còn chuyện nầy nữa, hổm nay tôi tính hễ gặp thầy tôi tỏ thiệt với thầy coi thầy bằng lòng hay không.

— Thưa, có chuyện chi?

— Tôi thấy hai đứa nhỏ tôi thương, mà thằng con tôi nó lại triếu mến không chịu rời, vậy nên hổm nay tôi tính đợi thầy đặng xin thầy cho đứt hai đứa nầy cho tôi nuôi, trước là hai đứa nó được sung sướng tấm thân, sau nữa con tôi có đứa bậu bạn cho nó vui lòng hoặc may nó hết bịnh hoạn nữa. Chẳng nói giấu chi thầy nhà tôi giàu lớn, mà còn có một đứa con nầy mà thôi. Nếu thầy cho tôi nuôi hai đứa cháu đây thì tôi sẽ sắm ăn sắm mặc cho chúng nó ấm no, rồi chừng lớn khôn tôi sẽ định đôi bạn, cho bạc tiền, đặng chúng nó lập thân, khỏi nghèo nàn cực khổ. »

Thầy Đàng ngồi ngó xuống mà suy nghĩ giây lâu rồi mới ngước lên mà nói rằng: « Thưa bà, không được. Bà mới gặp hai đứa nó có mấy ngày rày mà bà đã đem lòng thương chúng nó, còn tôi nuôi chúng nó hơn 1 năm, đã gia công dạy dỗ mọi đều, đã hủ hỉ với nhau khi nắn mưa ấm lạnh, há tôi lại không thương chúng nó hay sao? Mà tôi nghĩ bà nuôi chúng nó mà làm gì? Xin lỗi cùng bà, để tôi nói cạn lời cho bà nghe: bà là một người đờn-bà góa chồng, bà có nhà tốt, bà có ruộng nhiều, bây giờ bà xin chúng nó đem về bà nuôi, thì bất quá bà cho chúng nó mặc áo quần nhổn-nha, ăn mâm cao cổ đầy, chừng chúng nó lớn khôn bà dựng vợ gả chồng, bà cất nhà ngói cho chúng nó ở, chia ruộng tốt cho chúng nó đứng bộ, ví dầu bà có thương lắm thì bà làm cho chúng nó ngày sau trở nên hai người giàu lớn mà thôi, chớ làm sao mà biết dạy dỗ cho chúng nó biết đạo làm người, rồi chúng nó giàu mà không biết cái cực của kẻ nghèo, chúng nó sang mà không thấy cái nhục của kẻ hèn, dường ấy thì chúng nó giàu càng làm hại cho người nghèo, chúng nó sang càng làm nhục cho người hèn, chớ có ích chi cho thiên hạ. Phận tôi tuy nghèo, nhưng mà tôi quyết nuôi hai đứa nó đặng dạy cho chúng nó biết trọng nhơn nghĩa, biết khinh tiền tài, biết đường phải mà đi, biết nẻo quấy mà tránh, nhứt là làm cho chúng nó nếm cho đủ đắng cay mùi đời, đặng cho chúng nó lớn khôn dầu nghèo cũng không buồn lòng, mà giàu cũng không kiêu lẩn. Vậy xin bà đừng có nài nỉ mà làm gì, để tôi nuôi chúng nó, vì tôi nuôi thì có ích cho chúng nó hơn là bà nuôi. »

Thằng Phong thấy thầy Đàng không chịu cho thằng Được con Liên thì nó nằm xuống mặt mày buồn nghiến. Bà Hội-đồng theo năn nỉ hoài, bà lại nói xa nói gần cho thầy biết rằng nếu thầy muốn đòi tiền bao nhiêu bà cũng sẵn lòng trả cho thầy đủ số. Thầy Đàng nghe nói tới việc tiền bạc thì thầy châu mày rồi nói rằng: « Bà tưởng tôi dục-dặc đặng đòi tiền bà hay sao? Thưa bà, nếu bà nghĩ như vậy thì tội nghiệp cho tôi lắm. Không, tôi không phải là người xảo trá đâu, xin bà chớ tưởng như vậy mà lầm. »

Bà Hội-đồng ngồi lặn thinh không nói chi nữa được. Thầy Đàng cũng ngồi ngó lên trên bờ mà suy nghĩ một hồi rồi day lại mà nói rằng: « Thưa bà, vì tôi nuôi hai đứa nó đã ba bốn năm nay, mà tôi lại có công dạy dỗ chúng nó nhiều nên tôi triếu mến yêu thương, không đành giao chúng nó lại cho bà được. Tôi mà giành chúng nó đây, là vì tôi muốn dạy thêm chúng nó cho biết rõ thế thái nhơn tình, muốn cho chúng nó nếm đủ mùi đời mặn lạc mà thôi, chớ tôi chẳng có ý nào khác. Nhưng mà tôi nghĩ lại thằng Được nó là con trai, tôi nuôi nó đặng dạy dỗ nó thì phải rồi, chớ còn con Liên nó là con gái, tôi khó mà dạy dỗ nó theo như ý tôi muốn được. Vậy thôi để tôi cho bà con Liên cho bà nuôi đặng bà dạy dỗ giùm cho nó có nữ hạnh biết nữ công, còn thằng Được thì xin bà để cho nó theo tôi đặng tôi dạy nó biết nam nhi khí phách. »

Thầy Đàng nói dứt lời liền biểu thằng Được lấy hoa-li đưa cho thầy rồi thầy mở ra lựa quần áo của con Liên thầy bỏ ra ngoài và để lại cho nó một cây đờn tranh, còn bao nhiêu thì thầy gói lại rồi biểu thằng Được xách mà đi với thầy. Thằng Được thấy mình phải phân cách con Liên thì trong lòng chẳng vui mà chừng day qua thấy thằng Phong nằm khóc thì lại càng buồn hơn nữa, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Bà Hội-đồng thấy vậy càng động lòng thương, song bà gượng gạo lấy ra 50 đồng bạc đưa cho thầy Đàng và xin thầy đem theo mà làm phí lộ. Thầy Đàng từ hoài không chịu lấy bạc ấy, thầy nói thầy để con Liên ở lại ấy là thầy cậy bà nuôi dưỡng, dạy dỗ giùm, chớ không phải thầy bán mà lấy bạc; huống chi thầy đã thọ của thầy thông Sự 10 đồng bạc là bạc của bà, thầy chưa có tiền mà trả lại, thầy đâu dám lấy thêm bạc của bà nữa.

Bà Hội-đồng theo nài nỉ hoài, nói rằng 50 đồng bạc nầy là bạc bà cho thằng Được chớ bà không dám cho thầy, nếu thầy không chịu lãnh thì bà ái ngại trong lòng, bà không dám lãnh con Liên mà nuôi dưỡng. Bà nói hết lời, thầy thấy vậy mới lấy 5 đồng cho bà hết hềm nghi mà thôi. Thầy Đàng đứng dậy từ bà Hội-đồng mà lên bờ và khuyên con Liên ở lại cho bà dạy dỗ, thì ba đứa nhỏ đều khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Bà Hội-đồng thấy tình cảnh như vậy giọt lụy cũng khó cầm, còn thầy Đàng tuy bề ngoài chẳng tỏ dấu buồn, song bề trong thầy cũng đau lòng xót dạ.

Thầy Đàng dắc thằng Được lên chợ Mỷtho rồi tìm đến nhà quen mà tá túc. Thầy bị ở trong chốn lao tù trót một tháng trường ăn uống thất thường nên thầy trong mình không được mạnh; mà vừa ra khỏi khám thì liền phải ngồi xe hơi lên Vỉnh-long rồi đi tàu mà xuống Mỷ-tho nữa, bỡi vậy thầy mệt đuối. Đêm ấy thầy ngủ đậu tại nhà thầy Sung, làm việc Trạng-sư, thì thầy nóng lạnh nằm mê-mang không biết chi hết, còn thằng Được một là nhớ con Liên, hai là tiếc không được theo bà Hội-đồng nên nằm trăn-trở hoài không ngủ được.

Rạng ngày thầy Đàng ráng đi ra chợ kiếm tiệm thuốc khách-trú vô mà cầu thầy coi mạch hốt thuốc đem về sắc uống. Lúc thầy ra đi thì thằng Được lén chạy xuống dưới đầu cầu quây dòm coi ghe bà Hội-đồng còn đậu đó hay không. Nó thấy không có ghe đậu đó nữa mới lần bước trở về, ngoài mặt buồn xo trong lòng như dao cắt.

Thầy Đàng uống bốn năm thang thuốc thì hết nóng lạnh nữa, nhưng mà trong mình còn mệt mỏi, tay chơn bải hoải, lại ăn cơm không biết ngon. Thầy muốn ở đậu ít ngày đặng dưỡng bịnh, song thấy vợ thầy Sung không được vui, chồng có ở nhà thì bình an, hễ chồng xách dù đi làm việc thì mắn chưởi chó mèo, la rầy tôi tớ om sòm, thầy nằm nghĩ không được, nên thầy từ giả rồi dắc thằng Được ra đi, tính lên Saigon kiếm thầy giáo Hai, là bạn thiết của mình ngày xưa, đặng gởi thằng Được cho nó ở mà đi học còn mình thì đi dạy đờn kiếm tiền may áo quần, mua sách vở cho nó. Ra đến nhà giấy xe lửa thầy nhớ sực thầy có quen với một thầy Hội-đồng ở Bến-lức, khi trước có hứa giúp vốn cho thầy làm ăn, mà từ ấy đến nay thầy không nghe tin tức, nên tính ghé lại đó trước viếng thăm sau ở đậu ít ngày mà dưỡng bịnh, chớ trong mình chưa thiệt mạnh, nếu lên Saigon thì ở đậu nhà nào cũng chật hẹp, không thong thả được. Thầy tính như vậy nên mua giấy đi Bến-lức.

Xe lửa lên tới Bến-lức đã hơn 3 giờ chiều. Thầy với thằng Được xách đồ đi vô nhà thầy Hội-đồng. Bước vô nhà thấy có bàn thờ tang thì trong lòng thầy đã nghi rồi; chừng vợ thầy Hội-đồng ra chào hỏi rồi nói chồng đã ly trần cách ba tháng trước thì thầy chưng hững. Thầy hỏi thăm rồi nằm nghĩ; đến chiều vợ thầy Hội-đồng dọn cơm cho thầy ăn, rồi thầy nghĩ nhà người ta góa chồng, mình quen là quen với chồng chớ không quen với vợ, nếu ở đây thì chẳng tiện, nên thầy tính đón chuyến xe lửa chót mà lên Saigon. Thầy từ giả ra đi, gần tới nhà giấy thì nghe xe lửa síp-lê rồi chạy rầm rầm. Thầy với thằng Được lật đật chạy, mà chạy không kịp, ra tới nhà giấy thì xe đã chạy mất.

Thầy Đàng để hoa-li xuống đất đứng mà suy nghĩ, nếu trở lại xin ở đậu một đêm thì chẳng tiện, mà nếu đi bộ thì đường thiệt xa. Thầy nhớ đêm ấy là đêm 14 có trăng, mà thầy coi trời thì trời trong mát mẻ lắm, nên thầy mới nhứt định xách đồ đi bộ lên Chợlớn. Lên tới Gò-đen thì trời đã tối, phía trời đông trăng mọc đỏ lòm, nơi xóm bắc đèn chong leo-lét. Thằng Được đi trước thầy đi theo sau, hai bên đường nghe uệch-oạt tiếng ếch kêu, thầy sợ thằng Được buồn, thầy mới kiếm những chuyện khôn dại ở đời mà dạy bảo.

Đi gần hết canh hai lên mới tới An-lạc. Trên trời mây đen vần vủ che án mặt trăng hết tỏ như hồi đầu hôm. Thầy Đàng bèn nói rằng: « Đi riết đi con, trời chuyển mưa, đi riết lên Chợ-gạo như có mưa thì mình kiếm chỗ mà đục. » Thầy trò đi còn hơn ba ngàn thước nữa mới tới Chợ-gạo, thình lình trời dông mưa gắp tới, đi không kịp. Rủi khúc đường ấy lại không có nhà ai hết nên phải dầm mưa mà đi. Thầy Đàng xăn áo xăn quần rồi giương dù biểu thằng Được đi một bên thầy mà núp mưa. Trời đã mưa mà lại dông lớn nên tạc ướt hết. Thằng Được nghĩ núp dù không ích gì, nên liều mình dầm mưa, để cho thầy dùng trọn cây dù hoặc may thầy khỏi ướt.

Lên tới nhà giấy xe-lửa Chợ-gạo thầy trò lạnh quiếu tay quiếu chơn, nên dắc nhau vô nhà giấy vắt sơ áo quần rồi ngồi dựa vách tường mà nghỉ. Trời cũng còn mưa lớn ào ào như cầm tỉn mà đổ, đã vậy mà lại sấm chớp van tai, gió đông lạnh muốn đứt ruột. Thằng Được ngồi rung tay chơn lập cập, miệng đánh bò-cạp, lặn thinh một hồi rồi tâm thần bất định, nằm ngoẻo đầu mà ngủ, không biết việc chi nữa hết. Nó không biết ngũ được bao lâu, song chừng tĩnh giấc mở mắt ra thì thấy mình nằm trên một cái giường nhỏ bằng sắt, chung quanh có hơn hai chục cái giường nữa, mỗi cái đều có một người nằm, và người nào cũng đều mặc quần áo trắng hết thảy. Nó chống tay ngóc đầu ngồi dậy ngó quanh quất thì ai nấy đều nằm ngủ hết, một lát nghe đầu nầy ho sò-sò, rồi một lát nghe đầu nọ rên hì-hì. Nó không biết vì cớ nào mà nó lại lọt vào một chỗ gì dị kỳ lắm vậy, ngó tứ hướng thì thấy 4 tấm vách tường trắng toát, hai đầu lại có treo hai ngọn đèn sáng trưng. Trong bụng nó hồi hộp, mình nó nóng hổi, mà đầu nó lại nặng triều triệu. Nó khát nước hết sức, song không biết nước đâu mà uống.

Thằng Được ngó dáo-dát một hồi rồi phát sợ nên lật đật nằm xuống. Nó nhớ lại thì là nó đi với thầy nó, giữa đường gặp mưa lạnh quiếu, vào nhà giấy xe lửa mà đục mà sao thầy nó đâu mất đi, còn sao nó lại lọt vào chỗ nào như vầy. Nó nằm suy nghĩ hoài cho đến sáng; mấy người nằm gần nó thức dậy kẻ hút thuốc người nói chuyện.

(Cuốn thứ nhì sẽ tiếp theo). Lấy từ “https://vi.wikisource.org/w/index.php?title=Cay_đắng_mùi_đời/Cuốn_thứ_nhứt/Cay_đắng_mùi_đời&oldid=134141” Thể loại ẩn:
  • Trang con

Từ khóa » Dây Tơ Hồng Quấn Quanh Chuồng Vịt Yêu Em Rồi Anh Muốn